3 tựa phim điện ảnh đưa chúng ta quay trở về với hoài niệm Đông Dương

Bài EM Digital Editor

Bỏ qua những yếu tố chính trị và lịch sử đau thương của dân tộc, Việt Nam của thời kỳ Đông Dương đã xa luôn mang một sức quyến rũ kì lạ. Nó là một niềm hoài niệm xa xôi mà bên cạnh những di tích kiến trúc lịch sử thì người ta chỉ có thể tìm lại chúng qua sách vở và phim điện ảnh.

Việt Nam thời Đông Dương qua lăng kính của những bộ phim điện ảnh luôn mang chút gì đó lãng mạn, khắc khoải, thanh nhã với sự hòa trộn văn hóa với Tây phương. Cùng với đó là những dấu chấm hỏi lửng lơ dành cho những phận người sống dưới những bất ổn, bấp bênh về chính trị ở một xứ sở thuộc địa nhiều gông cùm.

Đông Dương – Indochine (1992)

Lấy bối cảnh xứ An Nam vào những năm 30 đầy biến động khi chế độ thuộc địa dần suy tàn, tác phẩm điện ảnh lấy bối cảnh thời kỳ Đông Dương của đạo diễn Régis Wargnier là câu chuyện về những phận người Việt Nam dưới góc nhìn của bà chủ đồn điền cao su người Pháp Éliane Devries. Không mang nặng định hướng chính trị, Đông Dương thể hiện góc nhìn nhân đạo, đầy mĩ cảm về mối nhân duyên giữa những con người tại xứ thuộc địa An Nam, mối tình ngắn ngủi và day dứt của Éliane cùng Jean-Baptiste Le Guen, tình yêu non nớt, đầy nghị lực của Camille với anh và đặc biệt là mối nhân duyên mẫu tử của bà góa người Pháp và cô công chúa xứ An Nam khiến bà quyết định gắn bó với đất nước này. Song song với chuyện tình tay ba đầy thổn thức của Éliane, cô con gái nuôi Camille cùng viên sĩ quan hải quân trẻ tuổi Jean-Baptiste Le Guen là những biến động thời cuộc khiến lý tưởng và cuộc đời mỗi người thay đổi mãi mãi.

phim điện ảnh

Tựa phim điện ảnh Đông Dương làm say lòng những khán giả quốc tế bởi những thước phim tuyệt đẹp trải dài từ Sài Gòn đến Huế, Vịnh Hạ Long và Tam Điệp, Ninh Bình. Ở lại trong lòng người xem là một xứ An Nam của những năm 30 với những đồn điền cao su trải dài tít tắp, dưới cái nắng xích đạo nóng rẫy cùng khung cảnh Vịnh Hạ Long hoang sơ, tuyệt đẹp nơi Camille gặp lại Jean-Baptiste.

phim điện ảnh

Bên cạnh chất liệu văn hóa Việt Nam truyền thống được đạo diễn đưa vào một cách khéo léo và đầy tôn trọng, phong vị thượng lưu Pháp tại xứ Đông Dương với những cuộc hội hè, lối phục sức tinh tế và lề lối cư xử theo hướng châu Âu của cô công chúa Camille và một Éliane đầy trang nhã cũng không khỏi khiến người ta tán thưởng. Những khác biệt về văn hóa của ‘mẫu quốc’ Pháp và phép tắc cung đình An Nam cũng được kể một cách tinh tế qua những khuôn hình tuyệt đẹp được quay tại kinh đô Huế.

phim điện ảnh

Lớp nhân vật phụ của Đông Dương – con người An Nam qua góc nhìn của Régis Wargnier mang dáng vẻ nhỏ bé, cam chịu nhưng cũng đầy nghị lực phi thường, đặc biệt là nàng công chúa Camille được xem là một cái nhìn công bằng về Việt Nam, mang giá trị nhân văn đẹp đẽ của tác phẩm đoạt giải Phim nước ngoài hay nhất tại giải Oscar lần thứ 65.

phim điện ảnh
Phạm Linh Đan trong vai Camille

Phim

Người tình – L’Amant (1992)

Bộ phim điện ảnh kinh điển dựa trên tự truyện nổi tiếng của Marguerite Duras mở ra bằng chuyến phà từ Sa Đéc nơi hai nhân vật không tên “cô gái trẻ người Pháp” và “gã đàn ông Trung Hoa” gặp nhau lần đầu tiên. Một thiếu nữ non nớt, tươi trẻ mang giày nhảy nhung đã sờn mũi cùng với chiếc mũ phớt của nam giới và chiếc đầm hạ eo cũ cùng gã ‘Tàu’ lịch lãm, phong lưu đóng bộ suit trắng nổi bật trên bối cảnh chuyến phà tấp nập chen chúc những phận dân đen.

phim điện ảnh
Cảnh quay kinh điển của L’ Amant trên chuyến phà dọc sông Mê Kông

Mối tình với khởi nguồn chỉ thuần là nhục cảm và vật chất của họ được ghi dấu tại những địa danh nổi tiếng của đất Sài Gòn; đó là tu viện thánh Paul cũ, trung học Lycee Chasseloup Laubat (THPT Lê Quý Đôn của ngày nay) và góc đường Dinh Độc Lập nơi chiếc Limosine đen bóng của gã đàn ông Tàu vẫn thường đậu, xen kẽ với gian nhà ở Sa Đéc xanh mướt, leo lét ánh đèn vàng mà cô gái trẻ luôn đi về.

phim điện ảnh
Trung học Lycee Chasseloup Laubat

phim điện ảnh

Những cuộc hẹn sau giờ học diễn ra tại căn phòng độc thân của gã đàn ông 32 ẩn trong khu Chợ Lớn ẩm ướt, nhớp nháp mùi hủ tíu, heo quay, mùi hoa nhài, bụi bặm và mùi than củi sau lớp cửa gỗ xanh. Sự giằng xé, bất lực của gã đàn ông trót yêu và một thiếu nữ trẻ còn quá dửng dưng để kịp gọi tên thứ tình cảm cao hơn cả nhục cảm và vật chất được truyền tải tinh tế qua ngôn ngữ hình thể và lối diễn bằng ánh mắt của Lương Gia Huy và Jane March, để lại sự day dứt và tiếc nuối qua những chuyến xe kéo đi về nửa đêm mưa.

L’Amant để lại một niềm khắc khoải lửng lơ về mối tình của hai nhân vật không tên và vẻ đẹp của một Sài Gòn đã xa.

Phim

Người Mỹ trầm lặng – The Quiet American (2002)

Bộ phim điện ảnh Người Mỹ trầm lặng dựng nên một chuyện tình tay ba xảy ra giữa hồi chiến cuộc rối ren những năm 50 giữa một phóng viên chiến trường đến từ Anh Cát Lợi có nhiệm vụ theo dõi chiến sự tại Việt Nam Thomas Fowler, một bác sĩ nhãn khoa – người Mỹ trầm lặng Pyle và Phượng – một cô gái nhảy Việt Nam. Phượng dùng dằng giữa hai người đàn ông, Thomas – người yêu cô nhưng không thể cưới cô và Pyle – gã bác sĩ người Mỹ lịch thiệp, si mê Phượng từ cái nhìn đầu tiên.

phim điện ảnh

Đan xen với tuyến tình cảm của bộ phim là không khí căng thẳng của bom đạn chiến tranh, những âm mưu chính trị với sự thoái lui của người Pháp và sự lăm le của một thế lực mới xuất hiện sắp sửa hất cẳng cả Pháp lẫn Việt Minh.

phim điện ảnh

Phượng do diễn viên Đỗ Thị Hải Yến thủ vai mang vẻ đẹp thanh tú, yêu kiều đậm chất Việt với bờ vai gầy, vóc dánh mảnh dẻ, cần cổ thon và những chiếc áo dài in hoa nền nã. Những cảnh quay phòng trà hay khách sạn Continental trên đường Catinat (sau đó là đổi tên là đường Tự Do thời VNCH và là đường Đồng Khởi ngày nay), phố xá thênh thang cũng tái hiện một Sài Gòn phồn hoa, tấp nập nhưng cũng ân ẩn đâu đó một làn sóng mới sắp sửa thay đổi vận mệnh quốc gia.

phim điện ảnh
Nét đẹp Á Đông mong manh của nữ diễn viên Đỗ Thị Hải Yến trong vai Phượng.

__

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man Việt Nam

Bài: Blair

Ảnh: Tư liệu

No more