Review phim Kẻ Vô Hình – Khi phái đẹp không còn “vô hình” trong phim kinh dị

Bài ELLE Man

Mượn chất liệu quen thuộc về nhân vật The Invisible Man, thế nhưng phim kinh dị cùng tên của đạo diễn Leigh Whannell còn mang đến những thông điệp ẩn ý về nữ quyền cũng như toxic relationship. Trong phiên bản 2020, cô gái phải đơn độc chống lại vòng kìm hãm độc địa của gã bạn trai cũ dù không thể nhìn thấy hắn.

So với những “quái vật điện ảnh kinh điển” khác như Dracula, Người sói, Quái vật của Frankenstein,… thì Người vô hình cũng là một trong những hình tượng đáng nhớ nhất trên màn ảnh rộng. Chất liệu gốc của nhân vật đến từ quyển tiểu thuyết cùng tên của cây bút huyền thoại H. G. Wells, xoay quanh một nhà khoa học chế ra thứ thuốc khiến mình trở nên trong suốt, rồi dần dần hóa điên bởi những dục vọng bên trong anh ta. Phiên bản phim Kẻ Vô Hình 2020, đạo diễn kiêm biên kịch Leigh Whannell (Insidious, Saw, Upgrade,…) tiếp tục hồi sinh nhân vật đáng nhớ này, cũng không quên biến tấu để câu chuyện phù hợp với thời đại 4.0.

so sánh phim kẻ vô hình năm 2020 và 1933
Bản phim của Whannell mang đến những góc nhìn hiện đại cho câu chuyện kinh dị cổ điển.

Phiên bản phim Kẻ Vô Hình mới xoay quanh Cecilia (Elizabeth Moss) – một cô gái đáng thương tìm mới cách thoát khỏi sự kiểm soát của gã bạn trai điên cuồng Adrian Griffin (Oliver Jackson-Colen). Nhưng thật không may khi kẻ điên ấy đồng thời cũng là một thiên tài, và hắn thành công trong việc tạo ra công nghệ biến bản thân trở nên vô hình. Để chiếm hữu cô một lần nữa, hắn không từ một thủ đoạn tàn nhẫn nào, thậm chí còn cô lập Cecilia khỏi những người mà cô yêu thương, khiến họ nghĩ rằng cô chỉ là một kẻ hoang tưởng.

Review

Hãy sợ hãi thứ mà bạn không thể thấy!

Có một câu hỏi chung thường được nhắm đến các vị đạo diễn kỳ cựu trong làng phim kinh dị: Làm thế nào để tạo ra một con quái vật thật sự đáng sợ? Người ta có thể rùng mình bởi một kẻ cầm mã tấu đeo mặt nạ, ớn lạnh trước hình ảnh quái vật ngoài hành tinh chui ra ngoài từ bụng con người, nhưng rồi họ sẽ cảm thấy nhàm chán. Thủ pháp hay nhất để tạo nên một quái vật hoàn hảo, đó chính là… “giấu con quái vật đi!” Trong bộ phim kinh điển Rosemary’s Baby của đạo diễn tai tiếng Roman Polanski, sinh vật kỳ dị chỉ xuất hiện ở những giây cuối cùng. Xét về những đại diện của điện ảnh hiện đại, chúng ta có A Quiet Place của John Krasinski và It Comes at Night của Trey Edward Shults – hai tựa phim mà gần như không có con quái vật nào thực sự xuất hiện, nhưng nỗi sợ cứ thế hiện hữu và khiến người xem tương tự.

Khi không nhìn thấy hình dạng của con quái vật đáng sợ, trí tưởng tượng của chúng ta càng khiến nó ghê rợn hơn.

Và bộ phim Kẻ Vô Hình của Leigh Whannell cũng thành công nhờ công thức tương tự. Còn nhớ trong phiên bản trắng đen cùng tên năm 1933, có lẽ để không gây khó hiểu cho khán giả thời bấy giờ, nhân vật Griffin tuy vô hình nhưng vẫn hiển hiện nhờ lớp hóa trang bằng băng vải. Nhưng Griffin của năm 2020 thì hoàn toàn khác, hắn có thể liều lĩnh và đáng sợ hơn dù gần như không hiện hữu. Cecilia vì phải trải qua những màn tra tấn tinh thần tàn độc của hắn, chứng kiến những thứ mà mình cố giữ gìn và yêu thương vụn vỡ trong tuyệt vọng mà gần như phát điên. Còn riêng với khán giả có thể giật tung người chỉ bởi một tiếng gió rít, và ngón tay luôn run rẩy bấu chặt thành ghế vì không thể biết kẻ thủ ác sẽ làm gì tiếp theo.

Phần phim mới thiên về kinh dị tâm lý hơn là những cảnh hù dọa.

Việc Kẻ Vô Hình thành một tác phẩm kinh dị thiên về tâm lý nhiều hơn những cảnh máu me có lẽ là một bước đi khôn ngoan từ phía biên kịch, khá ổn thỏa với kinh phí “hạt dẻ” của phim là 9 triệu USD.

Nữ quyền và mối quan hệ độc hại

Điện ảnh Hollywood vài năm trở lại đây đã có một “mối quan hệ cộng sinh” khá ăn ý với phong trào nữ quyền, với hàng loạt tựa phim khai thác hình tượng những bóng hồng quả cảm, hay những nữ siêu anh hùng có sức mạnh và trí lực vượt trội nam giới. Thậm chí, trong phiên bản làm lại của nhiều vài tựa phim kinh điển, phía biên kịch không ngần ngại thay đổi giới tính của nhân vật chính từ nam sang nữ, mang đến cho khán giả góc nhìn và trải nghiệm khác biệt.

Nhân vật Cecilia mang đến những nét mới cho thông điệp nữ quyền.

Phần phim Kẻ vô hình (2020) cũng không ngoại lệ. Lựa chọn tối giản vai trò của phản diện trong phim đã giúp cho hình tượng nữ chính có cơ hội được tỏa sáng, từ đó khiến người xem cảm thấy gần gũi và dễ đồng cảm với Cecilia hơn. Không phải gã bạn trai cũ nào cũng là thiên tài độc ác với khả năng tàng hình như Griffin, nhưng một mối quan hệ độc hại (toxic relationship) là điều nhức nhối mà hầu hết đều từng hoặc đang phải trải qua. 

Ngoài mặt, Adrian Griffin là hình mẫu “soái ca” hoàn hảo thường thấy trong các bộ tiểu thuyết diễm tình: thông minh, bí ẩn và giàu sụ. Nhưng đằng sau hình mẫu ấy là một kẻ thích thao túng và kiểm soát những người xung quanh mình – phụ nữ luôn phải yêu những kẻ như hắn trong nỗi sợ hãi và bất an. Cũng vì hắn vừa điên rồ vừa cho bản thân là số một, nên mọi thứ xung quanh những gã trai như hắn chỉ là vật thí nghiệm, là con tốt thí. Kể cả trước khi vô hình, Griffin đã có đủ cách để biến Cecilia thành kẻ yếu phải phụ thuộc vào hắn, như việc hắn lắp đặt camera giám sát khắp nhà, cũng như ép buộc người yêu mang thai và sinh con cho mình!

Hầu hết phái đẹp đều đã hoặc đang phải đối mặt với một “Griffin” giả dối, đáng sợ.

Thay vì khiến khán giả trong thời đại “woke” ngột ngạt vì chuỗi thông điệp sức mạnh nữ quyền ngẫu nhiên và sáo mòn, đạo diễn Whannell khơi gợi một khía cạnh khác mà chúng ta dễ dàng bỏ lỡ – phụ nữ cũng rất dễ bị tổn thương và bị lợi dụng. Hình ảnh Cecilia cô quạnh trong bóng đêm, vụng về từng bước đập tan xiềng xích vô hình và tự làm chủ đời mình chính là thông điệp về nữ quyền rõ ràng và thiết thực nhất, gây ám ảnh mạnh mà không cần hô hào, kèn trống.

Review

Nhưng không một bộ phim hay nào là hoàn hảo

Bộ phim Kẻ Vô Hình thuyết phục người xem nhờ ý tưởng độc đáo nhuộm màu tươi mới cho câu chuyện đã cũ kỹ, cùng chuỗi thông điệp ngắn gọn mà đầy hàm ý. Thế nhưng, tác phẩm vẫn sở hữu một số điểm trừ đáng tiếc.

Trong hầu hết các sản phẩm quảng bá trước khi phim ra mắt, đập vào mắt giới mộ điệu là hình ảnh nữ chính Cecilia đau đớn giữa khung màu trắng vô định. Nhiều fan điện ảnh đã hy vọng rằng phía biên kịch sẽ dũng cảm xóa mờ lằn ranh giữa thực và hư, khiến người xem đến phút cuối vẫn phải hoài nghi rằng liệu có thực sự tồn tại kẻ vô hình, hay chỉ đơn giản là Cecilia vì dư chấn tâm lý nên đã… hóa điên. Nhưng không, tinh thần này chỉ bền vững ở ⅓ thời lượng đầu tiên, để rồi sau đó, phần còn lại dù hấp dẫn nhưng cũng chỉ đơn thuần là cuộc rượt đuổi giữa kẻ ác và người hùng, giữa thợ săn và con mồi. 

Sự thiếu nhất quán trong đường dây kịch bản dễ khiến khán giả hụt hẫng.

Đồng thời, phim để lại khá nhiều câu hỏi còn bỏ lửng, cùng cái kết mở “đậm tính thị trường” nhằm tạo tiền đề cho những phần tiếp theo. Nhìn theo hướng tính cực, phiên bản năm 2020 làm hài lòng những khán giả đam mê giải trí cũng như những người xem khó tính mưu cầu tính nghệ thuật, nhưng đồng thời cũng khiến cả hai đối tượng thất vọng bởi sự lập lờ, thiếu nhất quán của mình.

Nếu đã chán ngán với những thể loại phim kinh dị máu me, chém giết; hay chán ngán trước những tựa phim mà bạn dễ dàng đoán ra hồn ma sẽ… nhảy ra từ hướng nào, thì Kẻ Vô Hình (The Invisible Man) chính là lựa chọn hoàn toàn hợp lý.

Được biết, sau The Invisible Man, hãng Universal mang tham vọng tiếp tục vực dậy vũ trụ điện ảnh Dark Universe của mình nhằm cạnh tranh các “ông lớn” khác như Marvel và DC. Bản thân bộ phim cũng đã được bật đèn xanh cho phần tiếp theo với tên gọi The Invisible Woman, dự kiến sẽ do nữ minh tinh Elizabeth Banks thủ vai chính cũng như đạo diễn. 

Review

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Bài: Phúc Nguyễn

No more