20 năm nhìn lại Ma Trận (The Matrix) – Kiệt tác định hình cho một thập kỷ điện ảnh Hollywood

Bài ELLE Man

Đã 20 năm kể từ ngày chúng ta nuốt viên đỏ, tiến vào Ma Trận và xem lỗ thỏ sâu tới đâu.

Hai thập niên trôi qua kể từ ngày anh em Wachowskis khiến Hollywood choáng váng với Ma Trận (The Matrix). Bộ phim khiến người xem phải thắc mắc về thực tại của chính mình vẫn còn vẹn nguyên giá trị cho tới ngày nay, trở thành biểu tượng của văn hóa điện ảnh những năm 2000 và mãi về sau. Cái gì mới là thật? Làm sao chúng ta định nghĩa được cái gì là thật? Đó là những câu hỏi luẩn quẩn trong đầu khán giả đã 20 năm nay mà chắc hẳn vẫn chưa có lời giải thích thỏa đáng.

phim ma tran (the matrix) - elle man 1

Thế nhưng trở lại với năm 1999, nếu bạn bước ra khỏi rạp phim và tuyên bố với mọi người rằng đây sẽ là một trong những tác phẩm có sức ảnh hưởng lớn nhất tới điện ảnh Mỹ sau Star Wars, có lẽ mọi người sẽ tưởng bạn bị mất trí. Vai diễn Neo của Keanu Reeves – thứ mang về cho anh 250 triệu USD – từng bị Nicolas Cage, Leonardo DiCaprio, Brad Pitt, Val Kilmer hay Will Smith ngoảnh mặt đi. Màn ảnh thế giới thời kỳ ấy còn tràn ngập phim cổ trang, rom-com, ngay cả nhà Wachowski còn từng nghi ngờ về đứa con cưng của mình: “Chúng tôi muốn xem thế giới đón nhận ý tưởng về một phim hành động trí tuệ như thế nào. Nếu khán giả thích mấy phim kiểu mì ăn liền thì chắc là chúng tôi sắp về vườn rồi.”

Thay vào đó, chính Hollywood đã phải thay đổi thế giới quan của mình về dòng phim bom tấn. 20 năm sau, The Matrix đứng cạnh những Star Wars, The Terminator hay Alien để trở thành đại diện cho một thời hoàng kim của văn hóa chiếu rạp. Những người giờ đây đã thành bố mẹ, ông bà vẫn vui vẻ hóa trang thành Neo dịp Halloween. Các nhà sản xuất tại Hollywood vẫn phải tuân theo những tôn chỉ vàng mà Ma Trận đã đặt ra, dù công nghệ làm phim 20 năm đã thay đổi đến chóng mặt.

Hồi sinh và cách tân dòng phim hành động

Hãy bắt đầu với hai yếu tố chính làm nên thành công và sức sống của Ma Trận: hành động và kỹ xảo. Lấy cảm hứng từ phim chưởng Hong Kong phát triển rực rỡ thời bấy giờ cùng hiệu ứng quay chậm slow-motion, bộ phim đã hồi sinh thể loại hành động và gán cho nó những đặc tính mới. Đoàn làm phim đã mời Viên Hòa Bình – nhà chỉ đạo võ thuật nổi tiếng của điện ảnh Hong Kong đến trực tiếp chỉ dạy võ thuật cho các diễn viên. Đồng thời, nhà thiết kế John Gaeta đã làm việc để tạo ra kỹ thuật quay phim “bullet time” trước giờ chưa từng được biết đến tại Hollywood mà hẳn chúng ta còn nhớ nhờ cảnh né đạn kinh điển.

via GIPHY

Thập niên 90 các phim hành động vẫn đi theo motif những năm 80 với kiểu nhân vật “to tay” xôi thịt (True Lies, Con Air, Face/Off) cũ kỹ đến nực cười. Đó thường là những nam nhân với thân hình bồ tượng như Silvester Stallone, Anorld Schwarzenegger, nếu không thì phải do mấy anh chàng diễn cải lương kiểu John Travolta hay Nicolas Cage. Chúng lặp đi lặp lại đến mức trở thành trò đùa trên màn ảnh.

Ma Trận (The Matrix) không có những người hùng bắp tay to như cột nhà súng đạn bắn không chết. Các nhân vật của họ mặc đồ đen như lấy từ phim bạo dâm, thân thủ uyển chuyển tựa ninja và ăn nói thì văn vở. Lần này, nước Mỹ chứng kiến anh hùng quốc dân của họ trong dáng hình của Châu Nhuận Phát chứ không phải Jean-Claude Van Damme ngày nào. Chúng ta chợt hiểu rằng định luật vật lý chẳng có ý nghĩa gì trong phim chưởng cả, và ai cũng có thể trở thành người hùng hành động.

via GIPHY

Để có được điều đó, Keanu Reeves đã bất chấp chứng thoát vị đĩa đệm thực hiện các pha hành động nhào lộn, Carrie-Anne Moss (Trinity) bị bong gân cổ chân còn Hugo Weaving (Agent Smith) phải phẫu thuật hông, rạn hai xương sườn và chấn thương cổ tay. Đổi lại mọi người đều nhún vai “Ai mà quan tâm cơ chứ?”

via GIPHY

Một Neo bá đạo của Keanu đã mở ra tương lai không chỉ cho Angelina Jolie thành Lara Croft, Matt Damon thành Jason Bourne, Uma Thurman thành cô dâu trong Kill Bill mà còn cho chính anh sau này, là sát thủ John Wick trong loạt phim cùng tên.

phim ma tran (the matrix) - elle man 2

Đưa siêu anh hùng lên màn ảnh

Nếu như nghĩ rằng đóng góp duy nhất của Ma Trận là trước khi Marvel trình làng Iron Man năm 2008, mở ra tương lai cho vũ trụ điện ảnh Marvel thì ý tưởng về siêu anh hùng là trung tâm của câu chuyện đã được nhen nhóm từ Ma Trận. Thập niên 90, Hollywood bỏ mặc dòng phim siêu anh hùng với các dự án bom tấn hoặc chưa bao giờ được nhìn nhậm nghiêm túc, hoặc chết yểu khi khởi động dự án.

Ý tưởng về một siêu anh hùng đường đường chính chính mặc áo choàng trừ gian diệt bạo nghe có vẻ ngớ ngẩn đối với các nhà làm phim lúc đó. Trừ một vài ngoại lệ như Batman của Tim Burton (mà đó còn chẳng phải là phim bom tấn), thể loại này suýt nữa đã rơi vào quên lãng. Các phim siêu anh hùng live-action muốn kiếm sống thường phải kết hợp thêm các yếu tố như hài hước, kinh dị…

 

phim ma tran (the matrix) - elle man 3

Riêng Ma Trận (The Matrix), không những họ làm cho siêu anh hùng chính danh bước lên màn ảnh mà còn khiến họ trông thật ngầu, thật bá đạo. Các nhân vật sống trong thực tế giả lập của máy tính – nơi mọi thứ đều có thể xảy ra như việc Ted trong Bill & Ted có thể đấm Hugo Weaving bay xa mấy chục mét hay chặn đường đạn bằng tay. Neo là siêu anh hùng như cái cách anh nhảy vèo vèo qua từng tòa nhà, phá bỏ mọi định luật vật lý, giết bất cứ kẻ nào anh muốn trong khi vẫn thi triển kung-fu tuyệt nghệ. Nhìn thấy Neo bay lên, chúng ta lẩm bẩm câu nói của Superman “You’ll believe a man can fly”.

CGI không phải là tương lai. CGI là thực tại

Trước Ma Trận (The Matrix), công nghệ kỹ xảo điện ảnh còn là thứ gì đó lạ lẫm. Đám khủng long kỹ xảo trong Jurassic Park của Steven Spielberg năm 1993 tuyên bố với thế giới rằng kỹ thuật máy tính có thể được dùng để nâng cấp cho phim người đóng. 6 năm sau, Ma Trận trả lời rằng CGI thậm chí còn tạo ra bất kỳ thực tại nào mà chúng ta muốn. Tiến bộ công nghệ trong Ma Trận đã mở đường cho hàng tỉ đô la chảy vào túi Marvel, Disney cũng như mọi studio lớn trên toàn thế giới.

20 năm sau, chúng ta được xem những con sư tử, linh cẩu giống y như động vật hoang dã trừ việc chúng biết hát trong The Lion King Live-action 2019. Chúng ta gào thét với cuộc chiến trong Endgame, vẫn biết rằng đó chỉ là một đám người nhào lộn trước phông xanh. Bởi cảm giác chân thật mà CGI đem lại, không chừng một ngày nào đó trong tương lai con người sẽ không còn phân biệt được đâu là thật, đâu là kỹ xảo nữa. Nói như Hugo Weaving, “ai mà quan tâm chứ!”

phim ma tran (the matrix) - elle man 6

Không có Ma Trận (The Matrix), rất có thể chúng ta sẽ không được chứng kiến thời hoàng kim của dòng phim siêu anh hùng ngày hôm nay, cũng như những dự án táo bạo về khoa học viễn tưởng như Black Mirror, Westworld, Inception, Interstellar… Thông điệp về tự nhận thức của con người đối với thực tại đã truyền cảm hứng cho không biết bao thế hệ nhà làm phim thuộc đủ mọi trường phái. Ảnh hưởng của Ma Trận là sâu rộng và nguyên bản về cả mặt ý tưởng lẫn kỹ thuật.

Bộ phim về ý thức và tồn tại

Lana và Lilly Wachowski đã hòa trộn tình yêu của họ dành cho anime, phim võ thuật, truyện tranh, âm nhạc điện tử, phong cách cyberpunk và chủ nghĩa hậu cấu trúc vào trong một tác phẩm với kinh phí vỏn vẹn 63 triệu USD. Với nhiều người, giá trị của bộ phim Ma Trận đã dừng lại ở tác phẩm đầu tiên dù hai phần sau vẫn là những thắng lợi phòng vé.

Làm lại một tác phẩm kinh điển như The Matrix là điều không thể bởi gần như mọi yếu tố trong bộ phim đều đã làm nên thương hiệu riêng. Những bộ quần áo da. Cặp kính râm. Màn né đạn thần sầu. Keanu Reeves. Sự tự ý thức. Hai viên xanh – đỏ là đại diện cho khát vọng của con người luôn khao khát sự thực dù chúng ta biết rằng con đường dẫn tới đó khó khăn hơn nhiều so với việc an cư sống trong vỏ bọc của dối trá. Ngu si hưởng thái bình, nhưng thứ thái bình ấy có liệu bền lâu? Nhìn ra xa hơn, mô hình của Ma Trận ổn định là nhờ các nhân tố bất ổn như một yếu tố thúc đẩy xã hội giống như của con người.

 

phim ma tran (the matrix) - elle man 4

Sẽ còn bao lâu nữa cho tới khi màn ảnh lại có một tác phẩm giàu có về nội dung, cách tân về kỹ thuật như The Matrix, chúng ta không biết. Chỉ biết rằng chắc chắn về rất lâu sau này người ta vẫn sẽ nhắc đến Ma Trận như một trong những tác phẩm đã định hình cho cả một thập kỷ điện ảnh.

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Bài: Phúc Nguyễn – Hình ảnh: The Matrix

No more