Shang-Chi and The Legend of The Ten Rings: Một tác phẩm “thập cẩm” thiếu điểm nhấn

Bài ELLE Man

Là tựa phim siêu anh hùng châu Á đầu tiên của Vụ Trụ Marvel (MCU), Shang-Chi and The Legend of The Ten Rings mang đến chủ đề về tình yêu và gia đình, những pha hành động kết hợp Đông Tây nhưng lại thiếu cá tính riêng.

Sau cái chết của mẹ, Thượng Khí (Simu Liu/Lưu Tư Mộ) được cha – Văn Vũ (Lương Triều Vỹ) huấn luyện thành người kế nghiệp tổ chức Thập Luân. Anh rời gia đình năm 14 tuổi và kiếm sống bằng việc điều xe ở khách sạn. Một ngày, nhóm người lạ mặt tấn công anh trên xe buýt và đánh cắp sợi dây chuyền của mẹ. Từ đây, anh và em gái thất lạc lâu năm – Hạ Linh (Trương Manh) – bị cha bắt ép phá hủy quê hương mẹ – vùng đất huyền ảo Đại La, khi ông tin rằng linh hồn vợ bị giam giữ nơi đây. Để bảo vệ người vô tội, Thượng Khí buộc phải đứng lên chống lại đấng sinh thành.

Nội dung Shang-Chi and The Legend of The Ten Rings dàn trải và thiếu chiều sâu

Phần phim thứ 25 trong vũ trụ điện ảnh Marvel do Destin Daniel Cretton đạo diễn, mang đậm văn hóa Á Đông trong một câu chuyện trên đất Mỹ khi hội tụ tình yêu, gia đình, tâm linh, xã hội đen và võ thuật. Shang-Chi khai thác khoảng cách thế hệ, sự khác biệt văn hóa, áp lực của thế hệ thứ hai trong gia đình người nhập cư – những đề tài đã được đề cập trong một số bộ phim đáng chú ý gần đây như Crazy Rich Asians, The Farewell, Minari…

Shang-chi

Sự xa cách giữa Thượng Khí và Văn Vũ bắt nguồn từ tuổi thơ thiếu vắng tình thương người cha. Ép con luyện tập trong điều kiện khắc nghiệt, Văn Vũ biến con trai trở thành công cụ để ông thâu tóm quyền lực và báo thù cho người vợ quá cố. Tới lúc đủ nhận thức, Thượng Khí muốn thoát khỏi sự kìm cặp của cha, tự quyết định cuộc đời mình. Cuộc sống giản đơn lại là niềm hạnh phúc mà những người con nhận nhiều trọng trách trên vai như anh mơ ước. 

Ngoài nam chính, các nhân vật khác cũng vật lộn trên con đường khẳng định bản thân. Sinh ra trong một gia đình truyền thống, cô bạn thân Katy (Awkwafina) tưởng chừng vô tư luôn sống trong dằn vặt khi không đáp ứng kỳ vọng của phụ huynh và xã hội. Khoảnh khắc bắn trúng mũi tên và được kề vai sát cánh cùng những người dân làng Đại La chính là phút giây Katy tìm được sự tự tin và bản ngã của chính mình. Hay cô em gái Hạ Linh, người luôn khát khao chứng tỏ giá trị bản thân khi tự lập ra một võ đài, khẳng định vị thế phụ nữ trước người cha ngó lơ mình suốt năm tháng niên thiếu.

Hạ Linh, Thượng Khí và Katy trên con đường khẳng định bản thân và sát cánh chiến đấu vì công lý. Ảnh: Marvel Studios.

Simu

Vai trò của gia đình được nhấn mạnh trong bộ phim

Poster bộ phim huyền thoại The Godfather xuất hiện trong một cảnh phim khiến ta nhớ đến ý niệm “Gia đình là điều quan trọng và thiêng liêng nhất”. Ở Shang-Chi, Văn Vũ được xây dựng là một nhân vật phản diện nhưng cũng là một phiên bản “Bố già” si tình và coi trọng hạnh phúc tổ ấm. Tình yêu với vợ khiến ông bị thế lực xấu che mắt và gây tổn thương cho hai đứa con của mình cũng như những người vô tội nhưng tới cuối, người cha ấy lựa chọn hy sinh bản thân để bảo vệ con trai. Hai anh em Thượng Khí và Hạ Linh từ sâu bên trong cũng khao khát tình cha và mong ông không chìm sâu vào hận thù mù quáng mà hủy hoại chính mình.

Lương Triều Vỹ và Trần Pháp Lai trong phim Shang-Chi
Chuyện tình của cha mẹ Thượng Khí do Lương Triều Vỹ và Trần Pháp Lai cũng thu hút sự quan tâm của khán giả.

 Người dân vùng đất Đại La gắn kết nhau bởi ngũ hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ thể hiện yếu tố tâm linh phương Đông. Những sinh vật và thần thú trong phim cũng bắt nguồn từ thần thoại Trung Hoa như Hỗn Độn, Phượng Hoàng, Kỳ Lân, Cáo chín đuôi hay Rồng.

Tuy nhiên, việc kết hợp những yếu tố trên không khiến Shang-Chi trở thành một bộ phim đủ sâu sắc. Những triết lý, giáo điều không che giấu nổi cốt truyện nông, hời hợt. Thượng Khí vẫn đi theo khuôn mẫu người anh hùng có mâu thuẫn gia đình, buộc phải vùng dậy để bảo vệ người thân. Việc xây dựng nhân vật còn hạn chế cộng thêm biểu cảm đơ cứng của Lưu Tư Mộ khiến người xem khó đồng cảm với hành trình nhân vật. Anh nhạt nhòa khi để Lương Triều Vỹ lấn át, Awakwafina hài hước, Trần Pháp Lai còn đọng lại vẻ yêu kiều và xung đột tâm lý của Trương Manh cũng phức tạp hơn.

Điểm sáng là sự chuyển biến trong phong cách chiến đấu của nhân vật chính trong cuộc đối đầu cuối với cha. Thay vì bạo lực mà cha tiêm nhiễm, anh lựa chọn lối võ uyển chuyển nhẹ nhàng để chiến thắng ông, cũng như cách mẹ anh từng cảm hóa ông, và đó cũng là lý do anh điều khiển được 10 chiếc vòng. Đây là một sự giác ngộ chân lý sau chuỗi hành trình nhân vật trưởng thành.

Lương Triều Vỹ vs Simu Liu trong phim Shang-Chi Legend of the Ten Rings
Sự đối đầu giữa 2 cha con Văn Vũ – Thượng Khí.

Những món hài cũ kĩ vốn thường trực trong phim Marvel, những câu thoại nửa Mỹ nửa Trung thiếu tự nhiên, kể cả sự duyên dáng của Ben Kingsley chỉ phần nào giúp phim bớt khô khan. Diễn biến tâm lý của các nhân vật quá nhanh và nhiều tình tiết thiếu sự logic. Nhân vật Katy đi theo Thượng Khí mà không có động cơ rõ ràng, Văn Vũ sống hơn ngàn năm vẫn bị dắt mũi, Hạ Linh xoay chuyển tâm lý không đồng nhất.

Việc nhồi nhét nhiều cameo từ các phần phim khác đúng nghĩa câu khách, không góp phần cho nội dung câu chuyện. Trong khi đó, một số nhân vật có tạo hình đặc biệt lại không được khai thác sâu, ví như Death Dealer.

Trần

Hình ảnh chắp vá trong Shang-Chi

 Tính tới nay, Shang-Chi là bộ phim được Marvel đầu tư nhất về võ thuật. Các phân cảnh chiến đấu được dàn dựng bởi những võ sư kỳ cựu từng là thành viên đội đóng thế của Thành Long, kết hợp các môn kung-fu khác nhau như Thiếu lâm, Vịnh Xuân Quyền, Bát Cực Quyền, Thái Cực Quyền, Hồng Gia Quyền …  

Shang-Chi không sở hữu năng lực siêu nhiên như các anh hùng khác nhưng là bậc thầy võ thuật khi tinh thông nhiều môn võ và khả năng sử dụng nhiều binh khí

Bộ phim cũng đưa vào nhiều chi tiết tri ân các bộ phim võ thuật Trung Hoa. Cảnh đầu phim khi cha mẹ Thượng Khí gặp nhau giống với Ngọa Hổ Tàng Long của Trượng Nghệ Mưu, cảnh đối đầu trên xe bus lấy cảm hứng từ Thành Long và nhiều phân cảnh gợi nhớ tới ngôi sao Lý Tiểu Long. Ngoài ra, khán giả còn phát hiện những chi tiết tương đồng với bộ truyện Dragon Ball hay phim Ma Trận. Tuy nhiên, so sánh với những cái tên kể trên hay những người tiền nhiệm như Lý Liên Kiệt, Chân Tử Đan thì Lưu Tư Mộ còn khá non nớt và bộ phim chưa có nét riêng độc đáo. Đặc biệt, cảnh chiến đấu cuối phim quá sơ xài, gượng ép với đội hình hai phe thưa thớt, tình huống được giải quyết quá nhanh khiến bộ phim chưa thực sự có cao trào, đáp ứng kỳ vọng người xem.

Những nhân vật trong Shang-Chi.

Kỹ xảo trong phim chưa thực sự được trau chuốt và còn để lại sạn. Nhiều lúc chúng ta tưởng nhầm rằng đây là một bộ phim hoạt hình khi cả bối cảnh lẫn các nhân vật đều được sử dụng kỹ xảo. Những cảnh CGI bị lạm dụng trong các phân cảnh chiến đấu, thui chột kỹ năng hành động của nhân vật và vô tình làm mờ đi nét đẹp của võ thuật. Phim cố đưa các màu sắc Á Đông nhưng thiếu tiết chế, dẫn đến phần phục trang lòe loẹt, sến sẩm.

Dù rằng còn nhiều lỗ hổng và thiếu tính đột phá dành cho một bộ phim siêu anh hùng châu Á đầu tiên của MCU, Shang-Chi and The Legend of The Ten Rings vẫn là bộ phim hội tụ đủ yếu tố giải trí đặc thù, đồng thời cũng là nỗ lực của nhà Marvel trong việc nâng cao nhận thức văn hóa bên cạnh các cảnh hành động. 

Phim

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Bài: Phạm Minh Hằng

No more