Review phim Sisyphus: The Myth – Hấp dẫn nhưng vẫn còn nhiều sạn

Bài ELLE Man

Bộ drama Hàn Quốc hiếm hoi thuộc thể loại khoa học viễn tưởng, Sisyphus: The Myth lấy chủ đề du hành thời gian đầy hứa hẹn, có kinh phí đầu tư khủng và dàn sao hạng A như "Người đẹp rating" Park Shin Hye và "Ảnh Đế Baeksang" Jo Seung Woo, nhưng lại chưa đủ sức thuyết phục khán giả. 

Sisyphus: The Myth là dự án đặc biệt đánh dấu 10 năm đài JTBC phát sóng, được đầu tư kinh phí lên đến 20 – 25 tỷ won (tương đương 450 tỷ đồng) với sự tham gia của dàn diễn viên thực lực: nữ hoàng bảo chứng rating Park Shin Hye và ảnh đế Jo Seung Woo. 

Dự án đánh dấu kỉ niệm 10 năm đài JTBC với kinh phí sản xuất lên đến 450 tỷ đồng. Ảnh: Sisyphus: The Myth

Bộ phim lấy cảm hứng từ câu chuyện thần thoại Hy Lạp về Sisyphus, người đàn ông bị trừng phạt suốt đời phải lặp đi lặp lại hành động đẩy một tảng đá lên đỉnh núi, dù biết kết quả hòn đá sẽ trở về vị trí cũ. Đó cũng là câu chuyện của nữ chiến binh Kang Seo Hae (Park Shin Hye), từ tương lai đổ nát trở về quá khứ với mục tiêu cứu kỹ sư thiên tài Han Tae Sul (Jo Seung Woo) và giúp Hàn Quốc thoát khỏi chiến tranh. Dù biết trước kết quả, nhưng Kang Seo Hae vẫn tiếp tục lặp đi lặp lại hành trình giải cứu đó bởi niềm tin sẽ thoát khỏi được vòng lặp và thay đổi tương lai. 

Sisyphus: The Myth đặt ra câu hỏi thách thức sự tò mò của khán giả: liệu Kang Seo Hae cùng Han Tae Sul có thực hiện được sứ mệnh của mình hay mãi mãi phải sống vòng lặp Sisyphus. 

Bộ phim lấy cảm hứng từ thần thoại Hy Lạp về người đàn ông phải lặp đi lặp lại việc đẩy hòn đá lên núi

So với phần lớn các bộ truyền hình Hàn Quốc thể loại tình cảm tâm lý xã hội, Sisyphus: The Myth là bộ truyền hình hiếm hoi thuộc thể loại khoa học viễn tưởng và lấy chủ đề đầy hứa hẹn là du hành thời gian, kết hợp với thuyết vũ trụ song song. Một đề tài không quá mới lạ, nhưng luôn có sức hút đặc biệt. 

Sức hút của đề tài này đến từ các các nghịch lý của việc du hành thời gian. Nhân vật chính trở về quá khứ để giúp đất nước thoát khỏi chiến tranh, nhưng đã rơi vào Nghịch lý Tiền định (Predestination Paradox), cô trở thành một phần trong quá khứ, tác động khiến cho chiến tranh xảy ra như nó đã xảy ra. Vì vậy mà các bộ phim về du hành thời gian như Sisyphus đều khiến khán giả tò mò đón chờ xem biên kịch sẽ giải quyết các nghịch lý thời gian này như thế nào. 

Mạch phim những tập đầu tiên cực kỳ lôi cuốn, kích thích được khả năng phân tích của khán giả về diễn biến của các dòng thời gian, thân phận thật sự của từng nhân vật cũng như chân tướng đằng sau những sự kiện xảy ra. 

Điểm cộng tiếp theo, Sisyphus: The Myth đã rất đầu tư và dụng công trong việc xây dựng nhân vật. Mỗi nhân vật trong phim, từ chính diện đến phản diện đều có quá khứ, nỗi đau riêng, hình thành nên tính cách và dẫn đến sự lựa chọn của họ sau này. 

Điển hình là cặp đôi nam chính và nữ chính được xây dựng rất thú vị. Một nhà khoa học thiên tài, trí tuệ siêu phàm, hài hước, lầy lội, nhưng lại có tính cách ái kỷ, chỉ biết đến bản thân, và dần dần mới bộc lộc được tình cảm anh dành cho những người thân yêu bên cạnh mình. Sánh vai với anh, một nữ chiến binh tài ba, lớn lên trong chiến tranh, mạnh mẽ, thành thạo mọi kỹ năng chiến đấu để sinh tồn, nhưng lại có nhiều sở thích, thói quen rất nữ tính. 

Không thể không nhắc tới phản diện chính của Sisyphus là Sigma. Mặc dù tới các tập gần cuối, thân phận của nhân vật này mới bắt đầu được hé lộ, nhưng cuộc đời, quá trình phát triển tính cách, tâm lý của Sigma cũng được xây dựng rất kỹ lưỡng, tạo được sự đồng cảm và để lại ấn tượng trong lòng khán giả. Thêm vào đó, diễn xuất của Kim Byung Chul, ngôi sao chuyên trị vai ác của màn ảnh Hàn đã góp phần tạo nên thành công cho nhân vật phản diện này. 

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm cộng vào nửa đầu series thì nửa sau lại khiến người xem có cảm giác mệt mỏi và nhàm chán từ những lỗi “sạn” đáng tiếc. Mặc dù có kinh phí đầu tư khủng, nhiều cảnh quay, kỹ xảo CGI của phim chưa thật sự ấn tượng. Thậm chí, có những phân cảnh kỹ xảo bị làm ẩu, tạo cảm giác quê mùa lỗi thời. 

Nếu mạch phim những tập đầu rất lôi cuốn, thì những tập về sau, diễn biến lại lê thê quá mức cần thiết. Các đoạn flashback (hồi tưởng) xuất hiện liên tục chỉ để giải thích tình tiết trước đó. 

Trong suốt 8 tập đầu phim, cảnh truy bắt, rượt đuổi nam nữ chính cứ lặp đi lặp lại một cách cứng nhắc. Đội truy quét mang danh là một tổ chức hùng mạnh quyền lực với các thiết bị tối tân nhưng lại năm lần bảy lượt vuột mất con mồi trước mắt.

Và đến các tập gần cuối, khi phản diện chính lộ diện mới hé mở sự thật: toàn bộ phe phản diện đều đã biết trước tương lai. Các tình huống truy bắt đều đã có kết quả định sẵn, dù họ có làm gì thì vẫn sẽ có yếu tố bất ngờ xảy ra dẫn đến kết quả như cũ. Vì vậy Đội Truy quét đang chỉ làm đúng nhiệm vụ để tạo nên các tình huống cần thiết. 

Dù các tình tiết phi lý được xây dựng một cách có dụng ý nhưng lại bị lạm dụng, làm bộ phim trở nên lan man dài dòng, khiến nhiều khán giả mất kiên nhẫn và dừng theo dõi bộ phim. Sự lộ diện của trùm cuối dù rất ấn tượng nhưng lại quá muộn màng, không đủ để kéo được khán giả quay trở lại.

Rõ ràng, Sisyphus: The Myth có tiền đề khá vững chắc với nhiều điểm cộng tốt để trở thành một bộ drama đình đám, nhưng đáng tiếc lại lại không thể phát huy để từ đó lại phá hỏng cảm xúc của người xem. 

Review

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Bài: Hoàng Nguyên 

No more