The French Dispatch: Tờ soạn muôn màu muôn vẻ của Wes Anderson

Bài EM Digital Editor

Trong lần tái xuất cùng bộ phim thứ 10, Wes Anderson đã đem đến một tác phẩm thật sự khác biệt với sự táo bạo cả về phần hình ảnh lẫn lối kể chuyện. Mượn bối cảnh toà soạn The French Dispatch, vị “quái kiệt” của thế giới điện ảnh đã tinh tế viết nên một bức thư tình cực kỳ độc đáo dành cho giới báo chí.

Mặc dù vẫn còn phải chịu những ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch, tuy nhiên thị trường điện ảnh cuối năm 2021 – đầu 2022 vẫn là một khoảng thời gian cực kỳ đáng nhớ với sự góp mặt của hàng loạt những tác phẩm chất lượng, từ những bom tấn màn bạc như Eternals, Spider-Man: No Way Home, James Bond: No Time To Die… cho đến sự tái xuất của hàng loạt các tên tuổi kỳ cựu như Lana Wachowski với The Matrix: Resurrection, Ridley Scott với The Last Duel cùng House of Gucci, Steven Spielberg với West Side Story…. và dĩ nhiên là “quái kiệt” Wes Anderson cùng The French Dispatch.

Trong lần trở lại với bộ phim thứ 10 trong sự nghiệp, Wes Anderson đã tiếp tục đem đến làn gió sáng tạo đầy tươi mới cho phong cách làm phim đặc thù của mình, thông qua một tác phẩm cực kỳ độc đáo, cũng như những khung cảnh đẹp mê lòng khiến khán giả không khỏi xuýt xoa.

Poster phim The French Dispatch (2021)
Poster phim The French Dispatch (2021)

1. The French Dispatch – bức thư tình của Wes Anderson gửi đến giới báo chí

Wes Anderson (giữa) cùng dàn diễn viên The French Dispatch tại Liên hoan phim Cannes 2021

Trong phim, The French Dispatch là một toà soạn quy tụ các phóng viên ngoại quốc do Arthur Howitzer Jr (diễn viên kỳ cựu Bill Murray thủ vai) – một nhà báo Mỹ mang nhiều nhiệt huyết – thành lập tại thị trấn trấn giả tưởng Ennui-sur-Blase, nước Pháp. Mặc dù rất được lòng công chúng nhưng sau khi Arhur qua đời, tờ The French Dispatch cũng phải chuẩn bị đóng cửa theo di nguyện của ông.

Bill Murray trong phim The French Dispatch
Có nhiều ý kiến cho rằng vai diễn của Bill Murray được lấy cảm hứng từ Harold Ross, người sáng lập tờ The New Yorker

Nội dung trong phim xoay quanh những câu chuyện sẽ được đăng tải trên các chuyên mục lần lượt là Du lịch, Nghệ thuật, Chính trị – Xã hội và Hương vị trong số cuối cùng của tờ Công văn nước Pháp, bao gồm: một hoạ sĩ bị án chung thân cho tội giết người, cuộc biểu tình Bàn Cờ của hội sinh viên và một vụ bắt cóc được giải quyết bởi một đầu bếp gốc nước ngoài.

Benicio Del Toro và Lea Seydoux đã có những phân cảnh đầy sâu lắng trong hồi 1 của phim.

Có thể ví von trải nghiệm xem The French Dispatch như là đang đọc một tờ báo đầy thú vị, bởi những câu chuyện trong phim đều được tách bạch một cách rõ ràng và được dẫn dắt bằng những giọng kể mang đậm nét hành văn của cánh báo chí với lượng thông tin lớp lang được truyền tải cặn kẽ, cùng các thông điệp đáng suy ngẫm ẩn dưới nét dí dỏm nhẹ nhàng của giọng văn trào phúng đặc trưng trong phim của Wes Anderson.

Arthur (Bill Murray) và cây bút tài năng Roebuck Wright (Jeffrey Wright) đang thảo luận về bài báo của chuyên mục Hương Vị

Xuất phát từ lòng hâm mộ nhiệt thành dành cho tờ The New Yorker, Wes Anderson đã viết nên bức thư tình dành cho các nhà báo với một The French Dispatch đầy sắc màu cùng sự tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ nhất. Từng từ ngữ trong lời dẫn truyện đều được chọn lọc một cách chỉn chu để phù hợp với ngôn ngữ báo chí.

Elizabeth Moss vào vai một biên tập viên cực kỳ gắt gao của tờ The French Dispatch

Bên cạnh đó, vị đạo diễn cũng không ngần ngại thêm vào những phân đoạn trắng đen bên cạnh các bản phối màu đặc trưng, nhằm phân tách giữa những dòng tường thuật trên mặt báo và góc nhìn nhân sinh của các phóng viên.

Timothee Chalamet và Lyna Khoudri trong vai cặp đôi đứng đầu phong trào biểu tình của hội sinh viên

“Không dễ để giải thích cốt truyện của The French Dispatch. Đó là câu chuyện về một nhà báo người Mỹ đã lập nên một toà soạn của riêng mình tại Pháp. Bộ phim là bức chân dung cách mà người đàn ông này tranh đấu để viết về những thứ mình. Tuy nhiên đây không phải là một bộ phim về quyền tự do báo chí, dù vậy khi bạn kể câu chuyện về các phóng viên, thì đồng thời bạn cũng phần nào đang nói về những gì đang diễn ra trong xã hội.” – Wes Anderson chia sẻ

Các phóng viên cá tính của tờ The French Dispatch
Frances McDormand vào vai Krementz – một nữ phóng viên lạnh lùng nhưng mang nhiều tâm sự

Quả thực như vậy, không chỉ đưa tin về những câu chuyện đầy thú vị mà những “bài báo” trong The French Dispatch còn ẩn dụ các thông điệp từ chính trị – xã hội, cho đến các sắc thái cảm xúc của con người, cũng như các ý nghĩa nhân sinh như: giá trị thực sự của nghệ thuật giữa dòng chảy kim tiền, lý tưởng và tình yêu bên trong sự bồng bột của tuổi trẻ, nỗ lực đi tìm sự công nhận của những người ngoại quốc sinh sống xa quê hương, vân vân…Tất cả đều được truyền tải tinh tế qua góc nhìn tự tình ẩn sâu bên dưới giọng văn thời sự do những phóng viên đầy cá tính viết nên.

Lý tưởng tự do hay sự bồng bột tuổi trẻ

Được giới điệu mộ ví như một bức thư tình dành cho giới phóng viên, The French Dispatch là một bản thể đầy độc đáo của thế giới điện ảnh năm 2021, nhưng vẫn mang trong mình tính thương hiệu Wes Anderson đậm nét, thể hiện rõ rệt qua cách kể chuyện và yếu tố hình ảnh.

Thời

2. Một trải nghiệm tuyệt vời dành cho các giác quan

Tạo hình đặc sắc của dàn diễn viên khủng trong The French Dispatch

Các tín đồ điện ảnh thường kháo nhau rằng chỉ cần chụp ngẫu nhiên bất kỳ khung cảnh nào trong phim của Wes Anderson thì bạn vẫn sẽ có một tấm ảnh nghệ thuật đẹp mắt. Và The French Dispatch lại tiếp tục là minh chứng mới nhất cho nhận định này.

Sắc vàng đặc trưng của The French Dispatch
Phối cảnh đậm chất Pháp của quán cà phê Les An Blague

Wes Anderson đã tài tình vẽ nên một chất Pháp theo cách của riêng ông trong việc xây dựng nên thị trấn Ennui. Chọn công xã Angoulême làm bối cảnh chính, vị đạo diễn phối hợp hài hoà giữa những bản phối màu nóng với tông vàng sặc sỡ trứ danh cùng các tông màu pastel tiêu biểu như sắc xanh cổ vịt, điểm xuyến thêm những mảng sơn cũ kĩ. Qua đó tạo nên một bản giao hưởng màu sắc giữa tính thẩm mỹ mang thương hiệu Wes Anderson và nét thơ mộng cổ kính nhưng vẫn đầy trang nhã của một thị trấn Pháp vào thế kỷ 20.

Toà soạn The French Dispatch

Chất thơ của Pháp trong thị trấn Ennui

Ngoài ra, từng chi tiết hình ảnh trong phim đều  được chăm chút tỉ mẫn ở mức độ rất cao, đặc biệt là những tác phẩm của Rosenthaler  (Benicio Del Toro đóng). Những bức tranh này đều được thực  hiện bởi những nghệ nhân ngoài  đời thực và đã đem đến một làn gió đầy sắc màu độc đáo cho phong cách thẩm mỹ trứ danh của Wes Anderson

Benicio Del Toro gây ấn tượng với vai vị hoạ sĩ tài năng bị kết án chung thân trong The French Dispatch
Những kiệt tác để đời của Rosenthaler
Nữ quản ngục Simone (Lea Seydoux đóng) – nàng thơ cho tâm hồn nghệ thuật của Rosenthaler

Bên cạnh đó thì khả năng sắp đặt bố cục và việc vận dụng góc máy đối xứng cũng như phương pháp thay đổi tỉ lệ khung hình đặc trưng của vị đạo diễn tài hoa đã khiến ngay cả những phân cảnh trắng đen cũng được khắc hoạ theo một cách đầy nghệ thuật.

Không chỉ phần hình ảnh mà phần âm nhạc trong The French Dispatch cũng xứng đáng nhận về sự ngợi khen. Mặc dù không phải một bộ phim nhạc kịch, nhưng sự kết hợp của phần âm nhạc chất lượng đến từ “nhà soạn nhạc tỉ đô” người Pháp Alexandre Desplat cùng phần hình ảnh đầy chất nghệ của Wes Anderson đã đem đến rất nhiều phân đoạn đắt giá.

Tilda Winston tiếp tục được Wes Anderson ưu ái với một bộ phục trang ấn tượng

Tiêu biểu như phân cảnh của Timothee Chalamet và Lyna Khoudri tại quán cà phê Le Sans Blague trên nền bài nhạc Aline của Jarvis Cocker. Chỉ vỏn vẹn chưa đầy 1 phút nhưng phân đoạn này đã thật sự đem đến một trải nghiệm ở mức hoàn hảo cả về phần nghe lẫn phần nhìn, và chắc chắn sẽ khiến người xem phải say đắm, đặc biệt là những fan của các tác phẩm nhạc kịch.

3. The French Dispatch – độc đáo nhưng không hề dễ xem 

Mặc dù một lần nữa khẳng định cho sự xuất chúng của Wes Anderson, nhưng không thể phủ nhận rằng The French Dispatch thật sự là một tác phẩm khó xem hơn rất nhiều so với các bộ phim trước đó của ông.

Việc có đến 3 câu chuyện lớn hoàn toàn tách biệt, được dẫn dắt bởi một giọng văn đều đều xuyên suốt với những ngôn từ đậm chất học thuật cũng như lượng thông tin dày đặc được truyền đạt cực kỳ chi tiết (như một tờ báo thực thụ) khiến người xem gặp không ít trở ngại để theo dõi, và dễ mất tập trung, đặc biệt là vào những phân đoạn quá ấn tượng về mặt thị giác.

Sắc đỏ hồng – một sở thích mới trong phong cách thẩm mỹ của Wes Anderson

Bên cạnh đó, sự xuất hiện đan xen của những phân cảnh trắng đen giữa những khung hình sặc sỡ cũng ít nhiều khiến khán giả bị rối mắt. Đồng thời những thông điệp trong phim tuy đa tầng nghĩa nhưng lại không được truyền tải trực tiếp, mà ẩn sâu dưới những “bài báo” dày đặc chữ viết, cùng nét diễn tinh tế của dàn diễn viên. Chính vì vậy, phải đến sau khi xem xong và chiêm nghiệm về phim thì chúng ta mới phần nào dần hiểu được các ý nghĩa của The French Dispatch.

Điều này đã khiến The French Dispatch trở thành một tác phẩm đầy khác biệt so với những bộ phim cùng năm và thậm chí là của chính Wes Anderson. Bộ phim đem đến một trải nghiệm điện ảnh cực kỳ thoả mãn khi thưởng thức và sau đó là những dòng suy nghĩ sâu lắng về cuộc sống xã hội, thông qua những sắc thái muôn màu muôn vẻ trên từng trang báo của tờ Công văn nước Pháp.

No

 —

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Bài: Tào Minh

No more