‘The King’s Man’ – Giải mã nguồn gốc tổ chức gián điệp bí ẩn

Bài ELLE Team

Sau thành công của hai tác phẩm đầu, The King's Man phần tiền truyện được chấp bút và cầm trịch bởi đạo diễn Matthew Vaughn, hé lộ những bí mật về tổ chức gián điệp Anh. Những phân cảnh cháy nổ được đầu tư với kinh phí khủng cùng vai diễn xuất thần của nam tài tử Ralp Fiennes mang đến cho khán giả những phút giây giải trí thú vị. Tuy vậy, phần nội dung chỉ ở mức vừa đủ chứ không tạo được sức hút như những người tiền nhiệm, đặc biệt là phần đầu!

Năm 2014, Kingsman: The Secret Service của đạo diễn Matthew Vaughn thắng lớn phòng vé, thu hơn 400 triệu USD so với kinh phí xấp xỉ 90 triệu USD. Tác phẩm đem lại làn gió mới cho thể loại phim gián điệp, đồng thời là bàn đạp để đạo diễn thực hiện phần hai Kingsman: The Golden Circle (2017) cũng thành công đáng kể, dù vẫn chưa thể bằng “người tiền nhiệm”.

The King's Man
Nội dung The King’s Man giải thích nguồn gốc của nhóm điệp viên bí ẩn nước Anh.

Thừa thắng xông lên, Matthew Vaughn làm tiếp The King’s Man với dàn diễn viên “khủng” gồm Ralph Fiennes, Gemma Arterton, Rhys Ifans, Matthew Goode, Tom Hollander,… Có điều, đây là phần tiền truyện (prequel) của hai tác phẩm trước đó, với nội dung hoàn toàn độc lập. Kịch bản tập trung khai thác số phận nhân vật Orlando Oxford (Ralph Fiennes), từ đó hé lộ về lịch sử của nhóm Kingsman.

Series

Xung đột bắt đầu từ chiến tranh

Những yếu tố chính trong phim đã được nhân vật Harry Hart (Colin Firth) gợi mở trong phần một. Khi xuất hiện, ông mô tả Kingsman như là cơ quan gián điệp độc lập được tạo ra bởi các quý tộc trong chiến tranh, những người luôn cảnh giác với sự lãnh đạo của Vương quốc Anh. Dựa trên nội dung đó, The King’s Man đưa khán giả trở lại với thời Thế Chiến I. Chuyện phim bắt đầu khi Công tước Orlando Oxford đang bước ra khỏi doanh trại quân đội thì bất ngờ bị bắn lén.

review phim The King's Man
Nội dung phim tập trung vào chuyện đời nhân vật Orlando Oxford (Ralph Fiennes) đóng.

Kẻ bắn súng không ai khác là Gavrilo Princip (Joel Basman) – một thành viên trong nhóm tổ chức luôn lẩn mình trong bóng tối, có âm mưu hủy diệt toàn cầu. Phát súng của Gavrilo không chỉ châm ngòi cho cuộc xung đột đầy căng thẳng mà còn gợi mở cho sự hình thành của nhóm Kingsman.

Kịch bản phim vẫn do Matthew Vaughn tự tay chấp bút, dựa trên bộ truyện tranh The Secret Service nổi tiếng của hai tác giả Mark Millar và Dave Gibbons. Hỗ trợ Vaughn lần này có Karl Gajdusek – biên kịch của Oblivion (2013)Stranger Things (2016).

Nhìn chung, tác phẩm có nội dung đơn giản, đi theo mô-típ quen thuộc của dòng điệp viên khi luôn có kẻ độc tài âm mưu hủy diệt thế giới. Bên cạnh đó, vì là phần tiền truyện nên phim cũng gần giống với các tác phẩm hé lộ nguồn gốc nhân vật, chẳng hạn như Batman Begins (2005), X-Men Origins: Wolverine (2009),…

review phim 2022
Kịch bản phim vẫn chưa thực sự đem lại bất ngờ cho khán giả.

Một số chi tiết được cài cắm để tạo sự liên kết với hai phần sau. Điều đó phần nào khiến cho đội ngũ biên kịch gặp hạn chế trong việc sáng tạo. Sự hình thành nhóm Kingsman cũng đơn giản, chưa thực sự hấp dẫn và thuyết phục người xem.

The King’s Man – Dự án bom tấn xứng đáng sự chờ đợi

The King’s Man là tác phẩm thứ ba trong series Kingsman, cũng là phần được đầu tư nhất với kinh phí lên đến 100 triệu USD. Số tiền được đổ vào các cảnh cháy nổ, phục trang và thiết kế bối cảnh.

Đúng theo tinh thần hai phần trước, đạo diễn cài cắm nhiều yếu tố hành động (action), hài hước (comedy) để dẫn dắt khán giả bước vào thế giới điệp viên. Các cảnh quay khai thác Thế Chiến I gợi nhớ tác phẩm nổi tiếng 1917 (2019), của Sam Mendes, từng thắng ba tượng vàng tại Oscar 2020.

cảnh cháy nổ trong phim
Tác phẩm có nhiều cảnh cháy nổ gợi nhớ phim chiến tranh 1917 (2019).

Từ khi mới bắt đầu công bố, dự án gây chú ý vì sự thành công của hai phần đầu. Trước đó, nhiều thông tin cho biết Nicolas Cage, Brad Pitt lẫn Rachel Weisz được các nhà sản xuất chọn mặt gửi vàng nhưng cuối cùng không tham gia được.

Điểm sáng là Matthew Vaughn vẫn mời được Ralph Fiennes tham gia dự án. Vì quá say mê tác phẩm, tài tử quyết định đứng ra ngồi ghế giám đốc sản xuất kiêm đóng chính. Có thể nói, chất lượng của phim sẽ giảm sút nếu thiếu vắng Ralph Fiennes. Ở tuổi 59, ông chứng tỏ “gừng càng già càng cay”, không chỉ thể hiện thành công sự lịch lãm của quý ông mà còn mang lại nét duyên ngầm cho phim.

Tài tử Ralph Fiennes
Tài tử Ralph Fiennes thực sự là linh hồn của phim.

Ngoài Ralp Fiennes, dàn diễn viên còn lại chỉ ở mức tròn vai. Tác phẩm không có nhân vật đủ hấp dẫn như Eggsy (Taron Egerton), Harry Hart (Colin Firth) ở phần một hay Poppy Adams (Julianne Moore) trong phần hai.

Nhìn chung, The King’s Man không phải là một bộ phim có quá nhiều bất ngờ hay sáng tạo mới mẻ. Khi ra mắt, phim không được giới phê bình lẫn khán giả đánh giá cao. Tác phẩm chỉ nhận 5.1/10 điểm trên Rotten Tomatoes và 6.6/10 điểm trên IMDb. Diễn xuất của Ralph Fiennes cũng không thể cứu được kịch bản nhiều lỗ hổng.

So với hai phần trước, phần ba có phần hụt hơi và giảm sút về tính giải trí. Một điểm trừ nữa là thời lượng phim khá dài (131 phút), có thể gây mất hứng thú với người xem thiếu kiên nhẫn.

review phim The King's Man

Theo đạo diễn Matthew Vaughn, anh còn muốn làm thêm phần hậu truyện lẫn tiền truyện khác liên quan đến tổ chức Kingsman. Ngoài ra, nhà làm phim còn muốn đưa tất cả các nhân vật vào xuất hiện chung trong phần cuối cùng. Ý tưởng nghe có vẻ rất hấp dẫn đối với những ai yêu thích loạt phim điệp viên này. Song, nếu với chất lượng phim như The King’s Man, thì Hollywood lại có thêm một series chỉ để “vắt sữa”.

House

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Sơn Phước

No more