Bà Đồng (The Medium): Đừng nên xem khi bạn ở một mình!

Bài Tri Duc

The Medium (tựa Việt là Bà Đồng /Thầy Cúng) là tác phẩm mới nhất của đế chế phim kinh dị Thái Lan. Chắc chắn, đây là bộ phim gây ra nhiều tranh cãi. Song quan trọng hơn cả, sau khi xem xong bộ phim, bạn sẽ bị ám ảnh một thời gian dài. Vậy nên, một lần nữa, người viết khuyên bạn nên cân nhắc trước khi "lên đồng". Và đừng nên xem khi bạn là người yếu bóng vía, và ở một mình!

Bà Đồng (The Medium) là bộ phim tâm linh do Thái-Hàn thực hiện. Đạo diễn của Bà Đồng chính là Banjong Pisanthanakun. Trước đó, đạo diễn tài ba này cũng đã làm cả thế giới phải giật mình thon thót ám ảnh và rung cảm với hai kì tích phim kinh dị tâm linh là ShutterAlone.

poster phim Bà Đồng The Medium 2021

Shutter được Holywood mua lại kịch bản và Mỹ hóa, tất nhiên, rất vô hồn và nhạt nhẽo nếu so với bộ phim gốc quá shock, ngập tràn những tình tiết bất ngờ, sợ hãi, và thương cảm. Alone sau đó dường như là bộ phim “câm lặng” hơn, song cũng không kém cạnh Shutter chút nào ở khoản hù dọa và thương xót. Các bộ phim ma của Banjong Pisanthanakun không đơn thuần chỉ phân vai cho “ma” nhảy ra và la hét “chọc giận” người xem. Phim tâm linh Thái sâu sắc và gần gũi, là những trải nghiệm – bài học tâm linh đáng sợ, ám ảnh, và sâu sắc.

phim Bà Đồng The Medium

Chắc chắn, tác phẩm mới nhất của đế chế phim kinh dị Thái Lan là một tựa phim gây ra nhiều tranh cãi. Song quan trọng hơn cả, sau khi xem xong, bạn sẽ bị ám ảnh một thời gian dài. Vậy nên, một lần nữa, người viết khuyên bạn nên cân nhắc trước khi “lên đồng”. Và tuyệt đối, phim không dành cho người người dưới 18 tuổi.

Bà Đồng là thước phim tài liệu (có phần) dài trên dưới hai tiếng giúp chúng ta thỏa mãn sự tò mò về một hiện tượng tâm linh lâu đời và truyền thống, đó là nhập đồng. Vì được thể hiện theo phong cách phim tài liệu có phần “xộc xệch”, nên chỉ sau một vài phút làm quen với sự không nuột nà như những bộ phim đẹp đẽ thông thường, người xem dần “nhập vai” hoàn toàn cùng người quay phim và cuộc sống của làng quê Thái Lan lúc nào không hay. Đó chính là cách thức giản dị mà hiệu quả “ám” chúng ta suốt hai tiếng phim, và cả rất lâu sau khi bộ phim chấm dứt.

Bộ phim nhẩn nha lôi kéo chúng ta về lại những kí ức xưa nơi những miền quê cũ. Giọng kể của người dân quê về những quan niệm tâm linh, về “cây gạo có ma cây đa có thần” ngay lập tức khiến người xem vượt qua rào cản ngôn ngữ xa lạ. Chúng ta có đời sống tâm linh Thái – Việt tương đồng nhau đến thú vị. Và chính vì tương đồng, nên chúng ta thấy thân quen. Bộ phim thong dong đưa người xem ghé qua xem những buổi lễ lên đồng tập thể, những mẩu chuyện con con về  linh hồn – thần thức. Ngọn cỏ, cái cây, con trâu, con cá… đều “có thần”.

Hiện tượng siêu nhiên cai quản và bảo vệ đời sống người dân từ đời này qua đời khác, như một loại gen di truyền, cho đến khi chúng ta gắng chối bỏ. Và khi chối bỏ, con người có cơ hội chứng kiến nhiều chuyện lạ xảy ra. Và từ những chuyện lạ đó, một phần góc khuất đen tối của loài người dần bị bóc mẽ.

Bà Đồng có kết cấu ba phần rõ rệt. Phần đầu lan man ‘amateur’ dẫn dắt con người hiện đại về lại miền kí ức nửa bí hiểm nửa mê tín dị đoan địa phương. Phần hai cụ thể hơn, chúng ta chứng kiến hiện tượng nhập đồng sẽ có những biểu hiện gì, cảm xúc ra sao, ác liệt thế nào. Phần cuối cùng, tiến sâu hơn vào thế giới siêu nhiên hoang dã và dã man, chính con người tin nhưng cũng không thể hiểu, rốt cuộc thứ họ tin tưởng, theo đuổi, xua đuổi, là ma hay là thần.

Theo đúng phong cách phim tâm linh được thể hiện theo dạng quay phóng sự mộc mạc chân thực, chúng ta không thể chờ đợi một cái kết “đẹp như mơ” cho Bà Đồng. Và chính nhờ có cái kết bỏ lửng và mở toang, người xem lại càng bị hút vào thế giới tâm linh huyền bí để rồi bị bâng khuân rồi ám ảnh. Thực tế thì, đến con người bằng xương bằng thịt với nhau, chúng ta còn không thể biết được tâm can, huống hồ với sức mạnh siêu nhiên phi vật chất, con người chỉ có biết sợ hoặc tin. Một niềm tin hư cấu.

Chắc chắn, Bà Đồng là một bộ phim có nhiều điểm khen ngợi. Trước tiên, cách kể chuyện dẫn dắt tài tình và khéo léo của đạo diễn khiến nỗi sợ biết “leo thang”. Càng về cuối bộ phim, bạn sẽ càng không thể tin nổi những hiện tượng mình trông thấy “trước mắt”. Thậm chí, chúng ta quên mất luôn là mình đang xem phim, bởi những thước phim được quay xộc xệch rất thật, với âm thanh rè rè ùm ùm ngắt quãng, cùng màu sắc của máy quay phim nghiệp dư xanh lét một màu tâm linh u uẩn. Chính vì sự chân thật đến khó tin này mà sau khi kết thúc bộ phim, nhìn quanh mình, bạn luôn cảm thấy có thứ gì đó đang hiện diện, trồi sụt di chuyển. Thứ hai, tình tiết phim càng lúc càng hoang dã không điểm dừng, thách thức sức chịu đựng của người xem, nên càng khiến chúng ta thấy sợ hãi những trải nghiệm dị kì ngay sát song không thể tham gia hay cứu vãn. Cuối cùng, phần diễn xuất của các diễn viên trong phim. Thú thực, tôi không chắc họ có phải diễn viên hay không, hay chính là những người trong làng quê đó.

List

Điểm cộng là vậy, còn điểm trừ của Bà Đồng?

Như đã nói lúc đầu, màu sắc bộ phim không “nuột”, đoạn đầu phim có phần lan man dài dòng. Tuy nhiên, chính phong cách amateur này lại “bẫy” được người xem, khiến chúng ta mất cảnh giác, đạo diễn được thể đẩy cao trào lên cao và thêm cao, để đến cuối phim, người xem nhập tâm tột độ. Sau khi đóng máy, nhìn quanh quất, không ai là không “cảnh giác”.  Bà Đồng cũng không có nhiều chiêu trò jumpscare (nhảy ra – hù dọa) thường thấy ở thể loại phim kinh dị. Tuy nhiên, lúc nào cần nhấn nhá nỗi sợ cho khán giả, tác giả bộ phim làm thực sự tốt. Để rồi sau đó, như một tách trà chất lượng, The Medium ám ảnh chúng ta, khơi gợi trong chúng ta nhiều câu hỏi nhiều khúc mắc, sau khi chúng ta “dũng cảm” “nuốt” trôi bộ phim.

phim Bà Đồng The Medium

Trên không gian mạng, người ta khen Bà Đồng rất khéo. Các rạp phim ở Đài Loan và Thái Lan phải…bật đèn cho khách xem phim vì hoảng loạn, Bà Đồng sang Hàn Quốc và đứng top 5 những bộ phim ăn khách năm 2021 của quốc gia này, Bà Đồng gây tranh cãi bởi kết phim quá mông lung, khiến khán giả… đoán sai đoán trượt.

Xin được nhắc lại, nếu là người yếu bóng vía và ở một mình, bạn nên cân nhắc trước khi xem bộ phim.

Gượm đã! Thực ra, có bao giờ chúng ta “một mình” đâu?

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Bài: CHQCQ

No more