Review phim Tiếng Gọi Nơi Hoang Dã: Còn gì sau các giá trị về sức mạnh và tinh thần chiến đấu trong mỗi người đàn ông?

Bài ELLE Team

Tiếng gọi nơi hoang dã của Jack London là một trong những tác phẩm văn học xuất sắc nhất từng được viết bởi một tác giả người Mỹ. Không chỉ được biết tới như là một cuốn sách thể hiện được sự am hiểu tường tận về thiên nhiên hoang dã, những cuộc phiêu lưu và tập tính của loài chó, Tiếng gọi nơi hoang dã còn được mệnh danh là một tác phẩm mạnh mẽ khơi dậy được tinh thần chiến đấu nằm trong bản năng của mỗi người đàn ông. 

Chính bởi thế đã có không ít những phiên bản điện ảnh chuyển thể của Tiếng Gọi Nơi Hoang Dã (The Call Of The Wild) từ tác phẩm văn học vào những năm 1923 (phim câm), 1935, 1972, 1997. Và vào 2020, khán giả một lần nữa lại có cơ hội thưởng thức bộ phim Tiếng Gọi Nơi Hoang Dã trên màn ảnh rộng trong sự choáng ngợp với vẻ đẹp cùng độ chân thực mà công nghệ CGI có thể đem lại. Nhưng cùng với việc cuốn khán giả của mình vào một cuộc phiêu lưu lộng lẫy thì cái ý nghĩa nguyên thủy của câu chuyện gốc cũng đồng thời biến mất. Thay vào đó, người xem chỉ có thể thấy được sự thư giãn và chút ít thông điệp mang tính phổ thông được gài cắm một cách gượng ép.

poster-phim-call-of-the-wild-elleman-0220

Bộ phim kể về cuộc hành trình của một chú chó tên Buck đã được thuần hóa bị bắt cóc tại nhà chủ ở California. Sau những cuộc mua bán, đổi chác, Buck được mang tới Yukon lạnh giá để được huấn luyện như một con chó kéo xe và những gì tiếp diễn sau đó là cuộc phiêu lưu đủ dài trong thiên nhiên hoang dã để Buck có thể tìm thấy ngôi nhà và vị thế mà nó thực sự thuộc về , giúp Buck vượt qua được mọi tranh đấu giữa phần được thuần hóa với cái bản chất hoang dã vẫn luôn nằm sẵn trong nó.

Những

Chiều chuộng khán giả nhí và gia đình nhưng bỏ rơi fan hâm mộ cùng những người yêu chó

Bộ phim Tiếng Gọi Nơi Hoang Dã nhắm tới đối tượng là trẻ em, gia đình và vì nhiều lý do đã khiến những người yêu chó fan hâm mộ tác phẩm văn học của Jack London không khỏi thất vọng.

Với đối tượng là trẻ em và gia đình, Tiếng Gọi Nơi Hoang Dã có cho nó những chi tiết hài hước, hình ảnh đẹp mắt, những cuộc tranh đấu thú vị, cuộc phiêu lưu trong mơ cùng những thông điệp nhân văn dễ tìm thấy ở rất nhiều những tác phẩm dành cho thiếu nhi về sự trung thành, niềm hy vọng, lòng tốt cùng mong ước tìm được mái nhà thực sự của mỗi con người. 

Nhưng đối với những người yêu chó thì bộ phim Tiếng Gọi Nơi Hoang Dã dễ dàng làm họ thất vọng. Không ít tranh cãi đã được đưa ra khi công nghệ CGI đã khiến những chú chó có biểu hiện cảm xúc cùng hành vi như một con người. Và điều đó khiến cho người yêu chó cảm thấy xa lạ với những con vật đang xuất hiện trong phim. 

Còn với những fan của tác phẩm văn học, thì như đã đề cập ở trên. Cái tinh thần cốt lõi của cuốn sách đã bị đánh mất. Thay vào đó là sự chiều chuộng và giải trí. Đó là với những người hâm mộ khó tính khi đứng trước một tác phẩm điện ảnh chuyển thể. Còn với những người hâm mộ đi xem phim như là một cách để tri ân, chắc chắn họ vẫn sẽ thấy được phần nào đó sự an ủi và vẻ đẹp được đáp lại từ tác phẩm văn học mà họ vẫn luôn dành tình cảm suốt bấy lâu nay.

1-phim-call-of-the-wild-elleman-0220

Từ một tác phẩm văn học triết lý và bạo lực biến thành một bộ phim nhân văn cùng những thông điệp tích cực

Những tình tiết bạo lực trong Tiếng gọi nơi hoang dã đã được giảm thiểu rất nhiều so với sách. Sự cắt lượng những chi tiết không phù hợp với trẻ nhỏ này khiến đây trở thành một bộ phim có xu hướng “rao giảng đạo đức” nhiều hơn là nhìn vào hiện thực. Sự giết chóc, đánh đập, hành hạ những con vật cùng thực thế ở trong truyện đã khắc nghiệt hơn rất nhiều với những gì được thể hiện trong phim.

3-phim-call-of-the-wild-elleman-0220

Trong tác phẩm văn học, nhân vật John Thornton xuất hiện như một điểm dừng chân quan trọng trên hành trình của Buck nhưng trong tác phẩm điện ảnh mô tả về nhân vật này được thực hiện kỹ lưỡng hơn. Việc tăng thêm đất diễn cho nhân vật Thornton (Harrison Ford thủ vai) khiến cho vai trò của hình tượng nhân vật anh hùng được đẩy mạnh hơn. Thêm nữa việc giải thích rõ hơn về quá khứ của Thornton cũng giúp nhân vật và câu chuyện có thêm chiều sâu và điểm nhấn. Mang đến những thông điệp tích cực về sự từ chối tư lợi và khao khát có được một mái ấm.

Lời kết

Có một thực tế không thể phủ nhận rằng công nghệ CGI đã giúp khán giả được trải nghiệm những “lần đầu tiên” mà một câu chuyện được kể theo cách ấy, với những hình ảnh dựng lên bằng máy tính được chải chuốt tỉ mỉ, nơi mà trí tưởng tượng và thực thế được hòa trộn vô cùng khéo léo. 

Sau cùng nếu mục đích của bạn là tìm kiếm một bộ phim để có những phút giây giải trí bên cạnh những người thân yêu thì Tiếng gọi nơi hoang dã phần nào có thể đáp ứng tương đối tốt những yêu cầu đó. Còn nếu bạn cần tìm kiếm nhiều hơn thứ nằm đằng sau những khung hình đẹp đẽ đáng ngạc nhiên thì bộ phim này sẽ khó lòng có thể giúp bạn đạt được kỳ vọng ấy.

Review

___

Tạp chí Phái Mạnh ELLE Man

Bài: Phúc Nguyễn

No more