Review phim Xích Lô: Khi đàn ông vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân của bạo lực

Bài ELLE Man

Xích Lô là tác phẩm điện ảnh đã mang đến cho đạo diễn người Pháp gốc Việt, Trần Anh Hùng, giải Sư Tử vàng danh giá. Không chỉ đơn thuần mô tả đời sống khó khăn của những người lao động tại thành phố Hồ Chí Minh đầu thập niên 90, thông qua Xích Lô, Trần Anh Hùng đã kể được một kiệt tác về bạo lực và cụ thể ở đây là cách mà bạo lực được nuôi dưỡng trong những người đàn ông, chúng lớn dần lên và chống lại chính họ cùng sự cô độc nằm bên trong họ. 

Bộ phim Xích Lô hỗn loạn kể về một chàng trai 18 tuổi nối tiếp đời sống nghèo khổ của người cha mới qua đời bằng nghề đạp xích lô. Ở trong một căn nhà tồi tàn cùng với ông nội, chị và em gái, nhưng phần lớn thời gian cậu rong ruổi ngoài đường đạp xích lô thuê của một bà chủ kỳ lạ và buồn rầu. Người phụ nữ ấy thường ôm một đứa con gần 20 tuổi bất ổn về tâm thần vào lòng, như thể ôm ấp một đứa bé lên 2. Khi chiếc xe xích lô của chàng trai nghèo khó bị đánh cắp cũng là lúc cậu phải đi theo một nhóm những tay giang hồ để trả nợ bằng tội ác, băng đảng đó do một kẻ im lặng và bạo lực cầm đầu được gọi là Nhà thơ. Và trong chính thế giới ấy, nội tâm của từng nhân vật hé lộ đầy đau khổ, tất cả đều đang vùng vẫy sống sót tại một thành phố rối ren.

Chưa đầy 2 năm sau thành công của “Mùi đu đủ xanh”, Trần Anh Hùng trở lại với “Xích Lô” – tác phẩm điện ảnh đã mang về cho vị đạo diễn này giải Sư tử vàng danh giá năm 1995.

Với sự góp mặt của những diễn viên quen thuộc như Lương Triều Vỹ, Trần Nữ Yên Khê hay Như Quỳnh, nhưng diễn viên chính của bộ phim là Lê Văn Lộc trong vai chàng trai đạp xích lô lại là một gương mặt hoàn toàn mới, gương mặt mà Trần Anh Hùng từng mô tả: “lúc dữ dằn nhưng cũng có lúc thật nhân hậu”. Và đó cũng là vai diễn duy nhất của anh tính đến thời điểm hiện tại. Sau khi quay xong bộ phim Xích Lô, Lộc trở về để tiếp tục rong ruổi trên những chuyến xe khách đường dài.

Đạo diễn Trần Anh Hùng trong một lần tình cờ nhìn thấy Lộc đang đi trên đường vội chặn anh lại và mời đóng phim Xích Lô.

Bạo lực nằm trong một bộ phim đầy chất thơ

Bộ phim Xích Lô là sự hòa trộn giữa những hỗn loạn của đời sống đô thị với cái chất thơ khéo léo được lồng vào trong từng khung hình, cùng những giai điệu đầy hoài niệm vang lên suốt chiều dài bộ phim. Đó là ca khúc đầy duyên dáng do nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn sáng tác – Nắng Chiều; đó cũng là cả Em Ơi Hà Nội Phố do Phú Quang phổ nhạc từ bản trường ca thơ của nhà thơ Nguyên Vũ; hay một bài hát ru thân thuộc của bao thế hệ – Ru Con. Và không những vậy, chính kẻ đưa chàng trai đạp xích lô vào con đường tội ác (do Lương Triều Vỹ thủ vai) cũng được gọi là một ‘Nhà thơ’.

Cái chất thơ đầy dịu dàng, cô đơn và đau đớn ấy lại ẩn tàng trong nó tính bạo lực. Sự bạo lực không đối lập với những âm điệu nhẹ nhàng mà Trần Anh Hùng đưa vào Xích Lô, mà sự bạo lực được những âm điệu ấy che dấu cho tới lúc nó bùng nổ, cả hai yếu tố đó nằm trong nhau và nuôi dưỡng nhau.

review phim xich lo - elle man3
Trần Nữ Yên Khê đóng vai người yêu của Nhà thơ (Lương Triều Vỹ) trong bộ phim Xích Lô.
Thời

Cảm hứng từ những bộ phim kinh điển

Bộ phim Xích Lô sẽ không khỏi khiến người xem thấy có đôi chút quen thuộc với tác phẩm kinh điển về bạo lực là Taxi Driver do Martin Scorsese đạo diễn. Bộ phim kể câu chuyện về một người lái taxi là cựu chiến binh trong chiến tranh Việt Nam, anh ta đơn độc, chán ghét New York và không thể ngủ được. Một cơn khủng hoảng về đạo đức bùng nổ trong anh và nó được đẩy ra ngoài thế giới bằng bạo lực. Trong Xích Lô, cũng có những cơn khủng hoảng đạo đức tồi tệ như thế, nó đến như một sự kế thừa bạo lực của những thế hệ trước, và đồng thời nó đến vì những sức ép mà xã hội đè lên vai một người đàn ông.

Khán giả cũng có thể nhận thấy sự phản ánh xã hội rõ nét trong những cảnh quay cận bàn tay và cách mà những nhân vật trong phim cầm tiền. Nó gợi nhắc cho chúng ta về những tác phẩm kinh điển như Pickpocket hay L’Argent của đạo diễn huyền thoại người Pháp – Robert Bresson. Và thông qua việc phản ánh xã hội, chính Bresson hay Trần Anh Hùng cũng đã tiến thêm một bước để đào sâu hơn vào nội tâm con người nhằm tìm ra những khao khát ẩn chứa bên trong. Để rồi ta thấy được không ít những người đàn ông đang bị giam cầm trong chính nắm đấm của mình, bằng cách nào đó bạo lực được ươm mầm ở họ, họ vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm của bạo lực. Thứ bạo lực được dung dưỡng từ bao thế hệ, trong chính những điếu thuốc, cái nhìn hay những bước chân, trong chính những cuộc xô xát, lòng hận thù và ngay cả tình yêu.

Trong phim Xích Lô, đàn ông vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân của bạo lực

Nắm đấm liệu có biểu hiện cho sức mạnh? Tại sao mà con người ta lại phải không ngừng chiến đấu? Đó là những câu hỏi mà bộ phim đã liên tục đặt ra. Xem Xích Lô để thấy một phần bản thân trong những nhân vật của bộ phim, để thấy được rằng trong mỗi người đều có mầm mống của bạo lực bởi đó là thứ mà xã hội loài người đã nuôi dưỡng lâu nay. Và có lẽ mọi phán xét đạo đức trong xã hội này đều vô ích, không ai có thể chỉ cho ai biết được rằng đâu là việc đúng mà người ta nên làm.

Không chỉ được kể bằng một màn trình diễn thị giác ấn tượng mà bộ phim Xích Lô còn là tác phẩm chứa đựng vô số những hình ảnh ẩn dụ.

Sau hàng loạt những hỗn loạn cùng rất nhiều những hình ảnh biểu tượng trong phim, sẽ không có cách giải mã nào hay hơn cho những khán giả của bộ phim là tiếp tục xem Xích Lô ở ngay chính bên ngoài cuộc đời này. Bởi đúng như Trần Anh Hùng từng nói “Nghệ thuật là sự thật được đeo mặt nạ, để cảm nhận được chúng đòi hỏi phải có một sự tìm kiếm những bí ẩn đằng sau những chiếc mặt nạ đó”, Xích Lô yêu cầu chúng ta phải tiếp tục tìm kiếm sự thật.

Review

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Bài: Kim Oanh

No more