Review “Sandman”: Có gì ở tác phẩm chuyển thể mất 15 năm để thành hình?

Bài Tuan Anh

Từ khi bộ truyện tranh Sandman gặt hái thành công về mặt thương mại cho tới khi phim chuyển thể được Netlfix phát sóng là một khoảng thời gian dài 15 năm.

“Sandman” có nội dung xoay quanh Morpheus, vị thần của những giấc mơ, hay còn có tên gọi khác là Dream. Anh là cùng với sáu người anh chị em của mình, Death (Sự Chết), Desire (Đam mê), Despair (Thất vọng), Destiny (Vận mệnh), Destruction (Hủy hoại) và Delirium (Cuồng loạn) của gia tộc Bất Tử (Endless) là những vị thần kiểm soát cõi trần từ thuở hồng hoang. 

Lần này, series phim gồm 10 tập của Netflix đã chắt lọc và xây dựng lại nội dung của 16 tập truyện tranh. Mở đầu phim, Dream (Tom Sturridge thủ vai) bị bắt cóc bởi một nhóm phù thủy. Nhiều thập kỷ sau, khi vị vua của những giấc mơ đòi lại được sự tự do, anh phải bắt tay vào xây dựng lại Cõi Mộng hoang tàn và cùng lúc giải quyết với những hậu quả ở thế giới Tỉnh Thức, nơi ác mộng hoành hành trong lúc Dream vắng mặt.

“Sandman” có nội dung xoay quanh Morpheus, vị thần của những giấc mơ. (Ảnh: Ign)
Review

Ưu tiên trung thành với nguyên tác

Neil Gaiman là một con người khắt khe. Ông khắt khe với bản thân ở tư cách một tác giả, và cũng đặt ra những tiêu chuẩn tương tự khi là một nhà sản xuất. 

Kết hợp cùng đội ngũ sản xuất gồm đạo diễn Allan Heinberg và David S. Goyer, Neil Gaiman đã làm hết sức để giữ trọn tư liệu truyện tranh, đặc biệt trong việc tuyển chọn diễn viên. Cộng đồng fan đều đánh giá rằng độ giống giữa các nhân vật ở nguyên tác với phim chuyển thể là “đáng kinh ngạc”, đủ phản ánh tâm huyết và những cố gắng của đội ngũ sản xuất.

Tom Sturridge, diễn viên thủ vai nam chính Dream, vị thần của những giấc mộng, được chọn với tỷ lệ chọi gắt gao 1:1500. “Tom là một trong số 10 người đầu tiên thử vai và tôi đã nhắm ngay cậu ấy cho vai Dream. Tuy nhiên tôi phải xem tầm 1500 đoạn thử vai khác để hoàn thành quá trình. Giai đoạn thử vai dài hơi hơn so với sự chuẩn bị của tôi. Mặt khác, điều đó khiến chúng tôi tự tin khi tìm tới Netflix và tuyên bố “Tom chính là Dream” của chúng ta.”- Gaiman trả lời Entertainment Weekly. 

Ngoài tạo hình giống bản truyện tranh tới 98%, chất giọng đặc biệt của Tom Sturridge hẳn sẽ khiến nhiều fan bị mê hoặc. Trong phim, anh nói những lượt thoại ngắn, ngôn ngữ theo lối cổ xưa. Chất giọng nhỏ nhẹ, nhiều âm mũi, nghe vừa tăm tối, lại vừa nghiêm trang. Sturridge đã phải luyện tập để có được chất giọng đặc biệt này bởi theo Neil Gaiman, Tom đã cố gắng nói giọng trầm giống Batman trong lúc thử vai. “Tôi đã phải yêu cầu cậu ấy đừng làm theo Batman nữa.” – Gaiman hài hước chia sẻ. 

Tom Sturridge được Neil Gaiman đích thân lựa chọn cho vai nam chính (Ảnh: IMDb)

Một quyết định khác cũng nhằm bảo toàn nội dung của nguyên tác chính là lựa chọn Gwendoline Christie (nổi tiếng từ series “Cuộc chiến Vương quyền”) cho vai Lucifer Morningstar – Chúa địa ngục. Việc chỉ định một nữ diễn viên cho vai diễn truyền thống được đóng bởi nam giới nhận được nhiều cái nhướn mày thắc mắc. Tuy nhiên, với vóc dáng cao lớn đường bệ (1m91), Christie đã chứng tỏ cô chính là Lucifer quyền quý từ truyện tranh bước lên màn ảnh.

Gwendoline Christie (nổi tiếng từ series Cuộc chiến Vương quyền) trong vai Lucifer Morningstar (Ảnh: IMDb)

Thế giới nhiệm màu đầy tính triết lý của Neil Gaiman trong “Sandman”

Phong cách quen thuộc của Gaiman là ông đem lại màu sắc tươi mới trên những tư liệu quen thuộc. Nhân vật Dream/ Morpheus, vốn là một vị thần của thần thoại Hy Lạp và đã từng xuất hiện trong thế giới truyện tranh DC từ trước thập niên 80s mà không để lại nhiều dấu ấn. Gaiman, với sự tự do phóng tác được giao phó, đã xây dựng lại Dream và biến Sandman trở thành top những series truyện tranh thành công nhất. Dream trong top 100 nhân vật anh hùng được thần tượng nhất mọi thời đại của tạp chí IGN và một trong 5 truyện tranh đáng xem nhất từ năm 1983 tới 2008 của tạp chí Entertainment Weekly. Có lẽ đây cũng chính là lý do Gaiman từ chối mọi dự án chuyển thể cho tới thời điểm hiện tại, khi ông đích thân tham gia sản xuất. 

Ảnh: IMDb

Các tác phẩm của Gaiman đều đòi hỏi cả nhân vật chính lẫn độc giả trải qua những nghịch cảnh để tới khi quay trở về, nhân sinh quan của họ về “thế giới thực” được tiến bộ và đổi thay. Tinh thần đó được giữ vững từ truyện tranh cho tới phim trên Netflix. Sandman, khắc họa sự giao nhau giữa bối cảnh cơn mơ và hiện thực, động tới một loạt các vấn đề tiêu điểm của cuộc sống đương đại: sự thật và dối trá, tình yêu và gia đình, giới tính và chủng tộc. 

Thể loại fantasy kết hợp với siêu anh hùng khiến bộ phim dễ dàng tiếp cận được với khán giả mọi lứa tuổi và giới tính. Để rồi, sau khi bộ phim kết thúc, mỗi người có được một bài học mới mang theo, tiếp tục trên hành trình cuộc đời của họ. 

John Dee – kẻ phản diện hay nhất trong “Sandman”

Dẫn dắt bởi tư tưởng nhân văn trong tác phẩm nguyên bản của Neil Gaiman, phim cũng dành một thời lượng lớn để xây dựng các nhân vật phản diện, giúp khán giả có cái nhìn đa chiều, cũng như hiểu được động cơ và câu chuyện phía sau họ.

Một điểm mới ở bản truyền hình khai thác khá tốt có thể kể đến câu chuyện về nhân vật John Dee (David Thewlis thủ vai). Sandman dành thời lượng của hẳn một tập phim cho John Dee. Nhân vật phản diện này được khắc họa ở nhiều góc độ: từ việc sinh ra không có cha, tới sợi dây tình cảm sứt mẻ với mẹ, sự ngây thơ cuồng tín với sự thật, sự độc ác khi để những người dân thường sát thương nhau còn bản thân chỉ là kẻ đứng nhìn.

Không có nhiều cảnh CGI, tất cả là khắc họa sự thay đổi tâm lý của từng nhân vật qua từng khung hình: nhích dần lên cao trào cho tới khi vỡ òa. Có thể đánh giá đây là tập phim hay nhất, vừa khó coi nhất nhưng cùng lúc khiến khán giả không thể rời mắt.

https://youtu.be/83ClbRPRDXU

Review

_____________

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Bài: Phương Anh

No more