Review series phim Daybreak: Tưởng kinh dị nhưng hoá ra “High School Musical”

Bài Tri Duc

TV series mới của Netflix tiếp tục khai thác chủ đề về zombie vốn được đông đảo khán giả hiện tại ưa thích các thương hiệu phim như Zombieland hay The Walking Dead. Nhưng thay vì phủ ngập loạt phim bằng những cảnh máu me, căng thẳng, series phim Daybreak lại được lồng ghép trong một bối cảnh chẳng mấy liên quan là… học đường, nơi các bạn trẻ phải học cách sinh tồn hậu tận thế.

Series phim Daybreak kể về sau một vụ nổ không rõ nguồn gốc, thế giới hiện đại mà con người từng biết đến bỗng chốc sụp đổ, báo hiệu bắt đầu một thời kỳ man rợ nơi kẻ mạnh thống trị kẻ yếu. Nếu như thế vẫn chưa đủ bi kịch, thì chất độc từ vụ nổ cũng khiến gần hết những người trưởng thành trên thế giới trở thành các xác sống ăn thịt người mang tên Ghoulie (quỷ nhập tràng).

review phim daybreak - poster - elle man
Học phí, tương lai, làm sao để thoát F.A,… còn gì quan trọng khi vây quanh bạn toàn là xác sống?

Chuyện phim xoay quanh Josh Wheeler (Colin Ford), một cậu học sinh thuộc trường trung học Glendale đang nỗ lực đi tìm cô bạn gái Sam Dean (Sophie Simnett) giữa chốn hoang tàn. Hiểm nguy mà Josh phải đối mặt không chỉ các Ghoulie, mà còn là những “bộ tộc” hung hãn do chính bọn bắt nạt trong trường thành lập nên.

Làn gió mới cho dòng phim zombie cũ kỹ

Nhắc đến các tựa phim về những xác sống ăn thịt người, khán giả hiện đại thường nghĩ ngay đến hình ảnh máu me ghê tởm, cùng những tình huống ngặt nghèo nơi các nhân vật thoi thóp trên lằn ranh giữa sự sống và cái chết. Chủ đề đã và vẫn đang thu hút người yêu điện ảnh, nhưng công bằng mà nói các tựa phim về zombie dạo gần đây đã đi theo lối mòn khi sở hữu kịch bản rập khuôn cùng tuyến nhân vật nhàm chán.

Trong năm 2019, giới mộ điệu có dịp “đổi gió” với Zombieland: Double Tap, phần hai của thương hiệu phim hài Zombieland xoay quanh những câu chuyện hài hước trong hành trình diệt zombie các nhóm nhân vật chính. Ai đã là fan của hai phần phim sẽ tìm thấy sự tương đồng trong bộ phim Daybreak, nhưng đồng thời cũng bị lôi cuốn bởi những nét riêng biệt của series “hậu bối” này.

review phim daybreak - poster phim zombieland phan 2 - elle man
Zombieland: Double Tap

Điều này không đồng nghĩa với việc phim tươi sáng và “thân thiện với mọi lứa tuổi”. Series phim Daybreak không hề thiếu những cảnh hành động kịch tính và máu lửa, hay những phân đoạn căng thẳng khi những kẻ sống sót trở nên biến chất và dùng vũ lực để đàn áp những ai yếu hơn chúng. Dù vậy, các tập phim luôn chừa chỗ cho những góc nhìn tích cực, những lời đối đáp hóm hỉnh; từ đó mạch truyện trở nên dễ chịu hơn.

review phim daybreak -4 teenagers - elle man
Bộ phim Daybreak sở hữu phong cách khá giống Zombieland.

Đi kèm với màu sắc tươi tắn chủ đạo, Daybreak còn sở hữu những OST pha trộn nhiều thể loại khá “bắt tai” như Bang Your Head, Bring Me to Life, Ice Tea Liberace,… Thực tế, hầu hết các series của nhà Netflix được đầu tư khá tốt ở phần nghe, nhưng riêng với Daybreak, mỗi bài hát đều tựa “chất dẫn” giúp mạch truyện cũng như tâm lý các nhân vật phát triển. Cùng với những phân cảnh hồi tưởng trước khi thảm họa xảy ra, Daybreak có thể ví như một phiên bản “kinh dị hóa” của loạt phim nhạc kịch học đường nổi tiếng High School Musical.

review phim daybreak - 2 young men - elle man
Âm nhạc và lối dẫn truyện “không đụng hàng” chính là “đặc sản” của phim.

“Phá vỡ bức tường thứ tư” chưa bao giờ sảng khoái đến thế!

Khái niệm “bức tường thứ tư” để chỉ một lằn ranh không có thực ngăn cách thế giới ngoài đời và những gì diễn ra trong phim. Giới mộ điệu đã từng có dịp cười thả ga khi gã sát thủ “siêu bựa” Deadpool trong tựa phim điện ảnh cùng tên phá vỡ “bức tường” này; và trong sereis phim Daybreak, phong cách hài hước ấy tiếp tục được sử dụng.

“Cái bọn này chắc xem nhiều Mad Max quá rồi!”

review phim daybreak - bang nhom motor - elle man

Đây là câu thoại mỉa mai của Josh khi nhìn thấy những trang phục da bó sát, motor phân khối lớn của nhân vật phản diện Turbo Bro Jock (Cody Kearsley) cùng bè lũ tay sai của hắn. Sau đó, chính Josh cũng bị cô nhóc tinh quái Angelica (Alyvia Alyn Lind) mỉa mai vì tự chặt… ngón tay của mình sau khi bị Ghoulie cắn, vì cho rằng “theo như các phim khác thì bị thây ma cắn sẽ biến thành thây ma giống chúng”. Xuyên suốt 10 tập phim của mùa đầu tiên, các nhân vật liên tục “phá vỡ bức tường thứ tư” và trò chuyện, tương tác với người xem. Không chỉ có Josh, mà qua mỗi bộ phim, từng nhân vật trong Daybreak có dịp đóng vai trò “người dẫn truyện”.

Series không ngại “cà khịa” các tựa phim nổi tiếng. Đây cũng chính là lý do giúp mỗi nhân vật trong phim đều có điểm nhấn riêng. Kể cả khi nhân vật Josh Wheeler bắt đầu trở nên nhàm chán, các tuyến phụ vẫn thu hút người xem. Trải qua mỗi tập phim, người xem còn có dịp theo dõi câu chuyện qua góc nhìn của một “thiên tài độc ác” nhí, một samurai da màu yêu hòa bình, một cô giáo thây ma và cả… “trùm cuối” của bộ phim. Cũng vì thế mà mỗi tập trong mùa đầu tiên được biên kịch theo những phong cách khác nhau; từ phim âm nhạc, phim mô hình, phim trắng đen đến cả… sitcom.

Series phim Daybreak không quá xuất sắc, nhưng…

Công bằng mà nói, Daybreak không phải là một tác phẩm xuất chúng, để lại nhiều câu hỏi mang tính nhân sinh tương tự nhiều series khác của Netflix như The End of the F***ing World, The Haunting of Hill House, You,… Thậm chí, những khán giả đã quá quen với dòng phim đào sâu tâm lý còn cảm thấy Daybreak có phần hơi ngớ ngẩn, trẻ con. Vì vậy, việc người xem thích hay không thích phong cách của phim chỉ có thể được quyết định sau khi họ xem thử tập đầu tiên.

Đồng thời, tuyến nhân vật tuy rất thú vị, nhưng hầu hết đều là các sao trẻ tuổi và chưa có nhiều kinh nghiệm diễn xuất. Người yêu phim có thể dễ dàng nhận ra sự vụng về của họ trong các biểu cảm khuôn mặt, cũng như cách họ nhả thoại. Đến với Daybreak, người xem cần có sự kiên nhẫn và thông cảm để có thể nhìn ra tiềm năng của từng diễn viên cũng như cả 10 tập phim.

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Bài: Phúc Nguyễn – hình ảnh: Netflix

xem thêm

No more