Review “Khóa chặt cửa nào Suzume”: Sức hút từ thương hiệu Phù thủy nỗi buồn

Bài Tuan Anh

Mượn câu chuyện giải cứu nhân loại, bộ phim mới nhất của Makoto Shinkai “Khóa chặt cửa nào Suzume” (Suzume no Tojimari) là bức tranh muôn màu về tuổi trẻ và hành trình vượt qua thương tổn.

Những năm qua, đạo diễn kiêm biên kịch Makoto Shinkai trở thành bảo chứng cho các tác phẩm anime vừa được đánh giá cao về nội dung và có thành tích thương mại ấn tượng. Nối tiếp thành công của hai hiện tượng toàn cầu Your name và Đứa con của thời tiết, ông cùng ekip trở lại với bom tấn Khóa chặt cửa nào Suzume. Bộ phim ngay lập tức dẫn đầu doanh thu phòng vé và trở thành phim hoạt hình Nhật đầu tiên tranh giải Gấu vàng tại Liên hoan phim Quốc tế Berlin sau 21 năm kể từ Spirited Away của Miyazaki Hayao. 

Câu chuyện xoay quanh Iwato Suzume, nữ sinh 17 tuổi sống với dì trong một thị trấn nhỏ thuộc tỉnh Miyazaki. Trên đường đi học, cô tình cờ gặp chàng khách vãng lai Munakata Sōta. Vì tò mò, Suzume đi theo Sōta tới suối nước nóng bị bỏ hoang và vô tình mở ra cánh cửa tận thế. Thế lực đen tối xông ra từ cánh cổng ở các thành phố sẽ gây ra những cơn địa chấn kinh hoàng, buộc hai người phải hợp lực để ngăn chặn thảm họa. Từ đây mở ra chuyến phiêu lưu đầy gay cấn và đong đầy cảm xúc của hai “chiến binh” trẻ. Con đường họ đi thêm khó khăn khi linh hồn Sōta bị nhốt trong chiếc ghế 3 chân, kỷ vật mà người mẹ quá cố tặng Suzume. 

Ảnh: CoMix Wave Films/Toho

Nguồn cảm hứng bất tận từ cuộc sống 

Nếu đã xem các tác phẩm trước đây của Makoto Shinkai, bạn không còn lạ lẫm với chủ đề câu chuyện về thảm họa thiên nhiên, khát khao tự chủ của con người và khám phá bí ẩn cuộc sống. Vẫn kết hợp truyền thuyết dân gian với yếu tố siêu thực, đạo diễn khiến người xem không thể rời mắt khỏi 122 phút bởi sự tinh tế và những tầng ý nghĩa phía sau. 

Thay vì phép ẩn dụ trong Your name, lần này Shinkai thể hiện ảnh hưởng của trận động đất, sóng thần 11/3 một cách trực diện. Từ đầu phim, cô bé Suzume đi qua nơi hoang tàn để kiếm tìm mẹ. Ở đó, cô thấy một người phụ nữ không rõ mặt và phải tới gần cuối phim, khán giả mới hiểu ý nghĩa cuộc gặp gỡ đó. 

Đối với đề tài nhạy cảm này, Shinkai không muốn đào lại nỗi đau nơi ai mà chỉ muốn chia sẻ ký ức với thế hệ thanh thiếu niên, những người dường như chỉ coi đó như một sự kiện quá khứ. Tuy nhiên, dư chấn của nó vẫn đè nặng tâm lý những người từng trải qua và hiểm họa thiên tai luôn rình rập nước Nhật là thực tế cần đối mặt. 

Cuộc gặp gỡ định mệnh (Ảnh: Suzume’s website)

Đạo diễn cũng thể hiện niềm tiếc thương cho những di sản quốc gia đang dần biến mất. Người xem cùng nhân vật du hành khắp đất nước Nhật Bản – từ đảo Kyushu đến Ehime, băng qua Tokushima, Kobe, tới Tokyo và Miyagi, cuối cùng là quê hương của Suzume, Tohoku. Đây là nơi thảm họa tước đi sinh mạng 20,000 người, trong đó có người mẹ của Suzume khi cô chưa đầy 5 tuổi. Thay vì danh lam thắng cảnh, hình ảnh xuất hiện nhiều nhất trong phim là đống tro tàn. Tòa nhà vô chủ, công viên giải trí bị giải thể, trường cấp hai đóng cửa… 

Shinkai mang tới nguồn năng lượng trẻ khi tái hợp ban nhạc nổi tiếng RADWIMPS, nhà soạn nhạc Kazuma Jinnouchi và giọng ca gây bão Tiktok – Toaka. Những hình ảnh đời sống cũng được lồng ghép vào phim như khi chú mèo Daijin càn quét mạng xã hội. 

Bên cạnh hơi thở đương đại, người yêu nhạc không khỏi bồi hồi khi thưởng thức giai điệu quen thuộc từ các bản hit thập niên 70-80. Đó là những bài ca gắn liền với thanh xuân của nhiều thế hệ và tiếp tục được một bộ phận giới trẻ đón nhận. 

Phim còn có nhiều chi tiết gợi nhắc tới tác phẩm Dịch vụ giao hàng của Kiki từ nhà Ghibli. Makoto Shinkai thể hiện sự tri ân khi trích một đoạn nhạc từ Rouge no Dengon của Matsutoya Yumi, bài hát gắn liền với tác phẩm kinh điển nói trên. 

 Vẻ đẹp từ sự vô thường và hành trình chữa lành trong “Suzume”

Có thể nói, triết lý vô thường “Mono-no-aware” trong văn hóa Nhật được tác giả truyền tải qua bộ phim một cách rõ rệt. Mỗi khi ra khỏi nhà, người ta thường chào và hẹn gặp lại vào buổi tối (Ittekimasu). Đó cũng là câu nói mà các nạn nhân ở Tohoku nói trong cảnh cao trào phim. Vì hạnh phúc vốn dĩ mong manh, không ai lường trước tương lai, nên hãy trân trọng từng khoảnh khắc của cuộc sống và những gì đã qua. 

Cánh cửa ma thuật trong phim tượng trưng cho sự kết nối giữa quá khứ, hiện tại, tương lai; giữa trần thế và cõi vĩnh hằng, được Shinkai lấy cảm hứng từ bộ phim Hàn Quốc Goblin. “Việc đóng – mở cửa lặp đi lặp lại trong cuộc sống thường nhật còn những gì ngăn cản cuộc sống là thảm họa. Tôi muốn viết một câu chuyện đóng và khóa một cánh cửa lại, và tìm một nơi để bắt đầu lại,” đạo diễn cho hay.

Cánh cửa nối thực tại với vĩnh hằng (Ảnh: Suzume’s website)

Bộ phim còn là hành trình trưởng thành và đi sâu tìm lại bản ngã. Suzume, một cô gái đang độ tuổi rực rỡ, tràn đầy năng lượng. Tuy vẫn còn sự bốc đồng, ngây thơ của tuổi mới lớn, cô đầy bản lĩnh khi dấn thân vào nhiệm vụ “bất đắc dĩ”. Chuyến đi trở về quê hương giúp cô tìm lại kỷ niệm tuổi thơ dường như ngủ quên và vượt qua chấn thương tâm lý. Tất nhiên, Suzume không thể gột sạch mất mát nhưng cô có thể động viên bản thân mình lúc nhỏ rằng hãy cứ tiến về phía trước vì ngày mai luôn chờ đó. 

Tình cảm dành cho quê hương và sức mạnh của sự đoàn kết cũng là thông điệp mà đạo diễn gửi gắm. Chiếc ghế mà Sōta bị phong ấn được lấy ý tưởng từ cảm giác bí bách, cô đơn trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Trong khi đó, Sōta lại đại diện cho những anh hùng thầm lặng cống hiến vì bình an của người khác. Họ hẳn cũng có phút giây chùn bước, những lúc muốn sống vì hạnh phúc của riêng mình. Trong phim, biến cố và sự kiên định của Suzume đã vực dậy tinh thần của Sōta, giúp anh củng cố niềm tin vào lý tưởng cao đẹp mình đã chọn. 

Suzume nhận được sự tương đỡ từ nhiều người bạn mới (Ảnh: Comic Wave Films)

Khi sự kỳ vọng đặt lên quá cao

Công chúng luôn mong đợi tác phẩm mới của Makoto Shinkai vượt qua cái bóng của những tác phẩm tiền nhiệm. Chính vì thế, bộ phim đương nhiên nhận về ý kiến trái chiều. 

Xét về kỹ thuật, hình ảnh những con giun đất đồ họa 3D trông khá thô kệch, không tạo cảm giác đáng sợ và giảm đi tính duy mỹ của tác phẩm, so với những khung hình từng được ví như tranh thủy mặc của Shinkai.

Sự phát triển tình cảm của hai nhân vật cũng được cho là thiếu tính thuyết phục, nhất là khi 3 phần 4 thời lượng phim nam chính không xuất hiện với hình dáng con người.

Tuy nhiên, chính Makoto Shinkai không còn muốn xoáy sâu vào chuyện tình yêu lứa đôi mà hướng tới những vấn đề xã hội. Khóa chặt cửa nào Suzume cũng đánh dấu bước tiến của Shinkai trong việc nghiên cứu chiều sâu nhân vật. Nếu như ở các phim trước, tác giả thường phải dàn trải câu chuyện cho bộ đôi chính thì lần này, Suzume hoàn toàn làm chủ sàn diễn. Những vấn đề tâm lý nêu ra đều được giải quyết tận gốc chứ không chỉ dừng ở bề nổi. Và cái kết tươi sáng chính là phần quà xứng đáng cho những nỗ lực của các nhân vật. 

Ảnh: IMDb

Tóm lại, tuy thiếu chút xúc tác để đẩy cao trào, Khóa chặt cửa nào Suzume vẫn là một bộ phim đáng thưởng thức. Phim là hành trình tự giải phóng tìm an yên, đồng thời mang tới tia sáng hy vọng cho những người đang trải qua bất an hay bóng đen tâm lý. Thông qua việc “nhân cách hóa” thiên tai thảm họa, phim còn cổ vũ người trẻ đừng ngại vấp ngã, đi xa mở rộng tầm mắt và thế giới quan của chính mình. 

5

____________

Bài: Phạm Hằng

No more