Review “The Menu”: Bữa tiệc châm biếm thói trưởng giả đầy kịch tính

Bài Tuan Anh

"The Menu" do đạo diễn Mark Mylod cầm trịch đã đả kích giới trọc phú qua tràn cười mỉa mai, châm biếm. Ngoài ra, trước khi công chiếu, bộ phim nhận nhiều lời tán dương từ phía nhà phê bình tại phim Cannes.

* Bài review The Menu có tiết lộ một phần nội dung phim 

Bối cảnh The Menu diễn ra tại nhà hàng hạng sang Hawthorne do bếp trưởng Julian Slowik (Ralph Finnes) đứng đầu. Tại đó, nữ chính Margot Mills (Anya Taylor-Joy) là một người phụ nữ bất đắc dĩ được người bạn Tyler (Nicolas Hoult) mời đến. Bên cạnh hai nhân vật chính, các hành khách tham gia bữa tiệc trị giá 1250 USD trải dài từ tầng lớp tinh hoa cho đến những “New Money” tập tành “chơi sang”.

Qua lối hài châm biếm, mỉa mai, phim khéo léo truyền tải nỗi trăn trở của đầu bếp khi đổ dồn tâm huyết cho một món ăn, nhưng không một ai có thể hiểu. Theo thời gian, họ luôn chạy theo mục đích xa vời phía trước, nhằm muốn được công nhận mà quên đi cốt lõi của ẩm thực là chỉ cần một món ăn ngon, không cần vẽ vời cầu kỳ. 

Ảnh: 20th Century Studios
Review

Thủ pháp kể chuyện bằng nhân vật của The Menu

Toàn bộ The Menu xoay quanh chủ đề trưởng giả học làm sang. Tầng lớp thượng lưu trong xã hội bao gồm diễn viên nổi tiếng, nhà phê bình ẩm thực, triệu phú và những người giàu mới nổi. Bọn họ đều được xem là có gout thẩm mỹ, ăn uống “cao cấp” hơn những người bình thường. Qua đó, phim thể hiện phong cách xây dựng tuyến truyện qua thái độ, phản ứng của nhân vật thông qua các tình huống. 

Ảnh: 20th Century Studios

Từng cột mốc của phim được biểu trưng bằng các món ăn do bếp trưởng Slowik thực hiện. Theo từng “tác phẩm nghệ thuật”, thực khách và khán giả sẽ dạo bước qua những câu chuyện về quá khứ của chính Julian Slowik. Từng bước, cả khán giả và các nhân vật đều trải qua các cung bậc cảm xúc khác nhau từ vui sướng khi nhìn những món ăn ngon, bày trí đẹp mắt cho đến kinh hãi khi những bí mật thầm kín dần bị bại lộ. 

Những thực khách “dễ dãi”

Tuyến nhân vật đa dạng đã góp phần làm The Menu mở ra thêm nhiều góc nhìn từ những con người ở lĩnh vực khác nhau. Đó là một nhà phê bình ẩm thực luôn tỏ vẻ thượng đẳng và đòi hỏi quá đáng với mọi thứ. Hay Richard (Reed Birney), một nhà triệu phú, người khách quen của nhà hàng lại không nhớ nổi tên món ăn gần nhất mà ông đã thưởng thức tại nhà hàng. Tuy nhiên, những vị khách trong nhà hàng dù khó tính, nhưng họ có một điểm chung là không phàn nàn dù những món ăn, cung cách phục vụ có phần quá đáng từ nhân viên lẫn bếp trưởng. 

Những thực khách trong phim không đủ bản lĩnh để chống lại “bếp trưởng kỳ quái”. (Ảnh: 20th Century Studios)

Bên cạnh đó, việc sử dụng cặp đôi nhân vật chính có tính cách đối lập nhau càng thể hiện rõ nét thông điệp phim muốn truyền tải. Đầu tiên, “nữ thường dân” Margot Mills tưởng chừng là người sẽ cố gắng thưởng thức và dành những lời khen sáo rỗng cho vị bếp trưởng, nhưng cô lại không thưởng thức bất kỳ món ăn nào do Slowik làm. Với lối diễn xuất thần của Anya Taylor-Joy, cô đã nhập vai thành công một con người thực tế, chú trọng giá trị cốt lõi, bất cần những điều phù phiếm trong bữa tiệc xa hoa trên đảo hoang.

Margot Mills của Anya Taylor-Joy tạo điểm nhấn, giúp truyền tải thông điệp phim mạch lạc. (Ảnh: 20th Century Studios)

Tyler của Nicolas Hoult chuẩn vai một con người mọt sách, luôn tỏ rõ mình biết hết tất cả mọi thứ, thần tượng “ẩm thực cấp cao” đến mức mê muội, nhưng hành động thực tiễn lại không làm được bất cứ điều gì. Nam chính đại diện cho những lớp người mơ tưởng đến những điều cao xa, mà không tự lượng sức. Cùng với Mills, họ đã tạo nên bức tranh đầy màu sắc về nội dung, tuyến nhân vật, đối lập với gam màu u tối của bộ phim. 

Tyler và Mills là cặp đôi tạo dấu ấn trong xuyên suốt The Menu nhờ tính cách mâu thuẫn nhau. (Ảnh: 20th Century Studios)

Chi tiết cài cắm không cần thiết và những vấn đề bỏ ngỏ 

Phim thuộc thể loại hài châm biếm, mỉa mai, nhưng những miếng hài của The Menu có phần không phù hợp với nhiều nền văn hóa, nên rất khó để nhận ra. Bên cạnh đó, tác phẩm có nhịp độ chậm rãi, các ẩn ý chủ yếu xoay quanh lời thoại của nhân vật. Cho nên, người xem dễ dàng bỏ sót những ý nghĩa ẩn dụ, hàm ý mà nhân vật cố gắng trình bày. 

Phim “nhồi nhét” quá nhiều chi tiết thừa. (Ảnh: 20th Century Studios)

Những phút đầu tiên của bộ phim, đạo diễn Mark Mylod thể hiện ý đồ thực hiện một bộ phim sâu sắc, nhiều tầng nghĩa. Tuy nhiên, dần về sau các chi tiết có phần rời rạc và không thỏa đáng với những tình huống mà ông đã đưa ra. Đặc biệt, phân đoạn món tacos được trưng bày, những chiếc bánh in những hình ảnh, bí mật thầm kín của từng thực khách. Tuy nhiên, chi tiết lại không thể hiện nhiều về mặt ý nghĩa và không tác động nhiều đến mạch truyện về sau của phim. 

The Menu vẫn là một tác phẩm đáng trải nghiệm. Dù còn những khuyết điểm về khâu truyền tải nội dung, phim vẫn cân bằng giữa yếu tố hài thông qua các tình huống bi đát của nhân vật và nội dung mang thông điệp mỉa mai trong thực trạng xã hội. Mặt khác, phim còn ghi điểm với khả năng diễn xuất ăn ý giữa các diễn viên.

Top

_______

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Bài: Phan Nguyên

No more