Song Lang: Khi điện ảnh Việt ngày càng tối giản hơn

Bài ELLE Man

Đầu tiên, tôi thích cách Song Lang tả về cải lương. Cải lương trong Song Lang không dài dòng, không bi lụy, không kêu gọi “Hãy bảo tồn tôi đi”, mà rạng ngời, hấp dẫn và tự thân nó chứng minh những giá trị không thời gian nào có thể tàn phá. Tôi cũng thích cách bộ phim xây dựng một câu chuyện đồng giới tối giản, không tập trung vào những môi hôn hay va chạm thể xác, chỉ là hai tâm hồn đồng âm và một mối lương duyên còn dang dở.

Đối với những khán giả khó tính hoặc có sẵn định kiến về phim Việt, Song Lang không phải là một bộ phim hoàn hảo. Song Lang bị so sánh nhiều với Bá Vương Biệt Cơ, và vài bộ phim của Vương Gia Vệ khác. Tôi cũng không ít lần chau mày trong rạp vì bị hẫng với những phân đoạn làm chưa tới của phim. Tuy nhiên, nếu bỏ qua tất cả và xem phim với một tấm lòng rộng mở, tôi vui vì cải lương lần đầu tiên thật sự là nhân vật chính trên màn ảnh rộng, tôi hân hoan khi một lần nữa nhìn thấy Sài Gòn xưa được tái hiện, và tôi trân trọng những cố gắng tối giản hóa trong cấu trúc kịch bản của một bộ phim Việt đại chúng.

song lang elle man r
Song lang là bộ phim đầu tay của đạo diễn Leon Lê, và Ngô Thanh Vân đóng vai trò nhà sản xuất.

Điện ảnh đại chúng Việt Nam xưa nay không hề thiếu những kịch bản hay, những đạo diễn tài ba, những thước phim đẹp, nhưng buồn thay lại bị cản chân trong lối tư duy dài dòng “kể chuyện phải có đầu có đuôi” của văn hóa người Việt. Tôi không muốn nói nhiều về chuyên môn, vì nghĩ bản thân chưa đủ trình độ. Cái tôi muốn nói ở đây là sẽ hay hơn biết bao, nếu điện ảnh Việt Nam có thể sản xuất nhiều hơn những bộ phim kể chuyện bằng hình ảnh – tức không cần đến nhiều lời thoại, nước mắt, hay kể lể trình bày. Tôi mong đạo diễn cứ giao tiếp với khán giả bằng những khung hình, cử chỉ, ánh mắt thế thôi, rồi tự bản thân mỗi người xem sẽ có cho mình những cảm xúc dị bản, chứ đừng cố nhồi nhét vào khán giả những cảm xúc hỉ nộ ái ố nhân bản có phần làm lố. Và Song Lang, dù vẫn còn non nớt, nhưng là một trong những bộ phim đại chúng đầu tiên cho tôi cảm giác tối giản, gọn gàng.

song lang elle man 5
Một cảnh quay trong phim Song Lang

Xem Song Lang, người ta cảm thấy rõ ràng tư duy “không nói nhiều” của đạo diễn Léon Lê. Mạch phim chậm rãi, không mấy lời thoại, nhưng rõ ràng và mạch lạc. Đó là câu chuyện về những tính cách và số phận đối lập, nhưng đều có trong mình gốc gác cải lương là nền tảng.

Trước tiên phải kể về Dũng “thiên lôi”, một gã giang hồ đòi nợ mướn từng có mẹ là đào hát trong gánh cải lương. Dũng cộc cằn, lạnh lùng, ít nói và chẳng kiêng nể ai. Tuy nhiên, người xem sẽ thấy được bên trong cái gã giang hồ ấy là sự lương thiện, hiền hậu và tình cảm dành cho cải lương vẫn dạt dào. Dũng không thoại nhiều, nhưng mỗi câu anh nói ra đều có cái chất giang hồ “tự nhiên” chứ không hề diễn. Phim Việt thường yếu ở lời thoại, Nhưng ở Song Lang, tôi đánh giá cao về từng câu chữ diễn viên nói ra. Nó ngắn, gọn và hợp với mô-túyp giao tiếp thông thường của người Việt Nam. Dũng giang hồ nhưng trọng nghĩa khí và không dài dòng lê thê. Đôi lúc ánh mắt của anh là thứ dẫn chuyện và khiến người xem đồng cảm hơn cả.

song lang elle man 18

song lang elle man 2

song lang elle man 21

song lang elle man eq

Bên cạnh Dũng, là vai diễn của Issac – Linh Phụng, kép nam chính của gánh hát Thiên Lý. Với vai Linh Phụng, tôi bắt đầu thừa nhận Issac thật sự có khả năng đóng phim. Tuy vẫn còn đơ ở vài phân đoạn, nhưng đây là một vai diễn khó, và Issac đã truyền tải được cái phong thái tự tin của một người kép chính trên sân khấu, cũng như của một chàng trai nhiều tâm sự.

Tôi thích kiểu tình cảm đơn phương của Linh Phụng dành cho Dũng, nó nhẹ nhàng, tinh tế và làm tôi cảm động. Dù ai cũng thấy được Linh Phụng có tình cảm với Dũng, nhưng cách anh thể hiện thứ tình cảm ấy ra lại rất kín đáo. Một sợi dây chuyền hình con voi, những ánh nhìn trìu mến, những nụ cười khấp khởi và sự dịu dàng đi trong giọng hát, tôi nghĩ ngôn ngữ của tình yêu chỉ cần vậy là đủ để tả, không cần nhiều những sướt mướt môi hôn hay những sến súa ân ái. Và ắt hẳn ai trong chúng ta, dù là giới này hay giới khác, cũng từng có cho mình một tình cảm như vậy. Cái tình cảm khiến ta cứ khấp khởi và hồi hộp lo lắng, cái tình cảm không chạm vào được, không giữ riêng cho mình được, nhưng vẫn thấy nó đẹp, để rồi cuối cùng lại buồn bã thất vọng vì dở dang. Thứ tình thương ấy người ta gọi là phải lòng. Phải lòng thôi, chứ không phải là yêu. Vì “Nếu mọi chuyện sớm hơn hoặc muộn hơn chút nữa, biết đâu đã chẳng còn đẹp như thế”.

song lang elle man 16
Issac trong vai Linh Phụng, một chàng trai tỉnh lẻ bỏ nhà theo kép hát vì đam mê cải lương.
song lang elle man 1e
Issac hóa thân thành công trong một vai trò một nghệ sĩ cải lương

song lang elle man 22

song lang elle man 4

song lang elle man 15

song lang elle man 2e
Những phân đoạn thân thiết của hai nhân vật nam chính được khắc họa nhẹ nhàng và tinh tế

Có thể thấy, cải lương vẫn là nhân vật nổi bật nhất trong Song Lang. Trong khung cảnh giao thoa giữa cũ và mới của thập niên 80, khi cải lương đương ở giai đoạn đỉnh cao và chuẩn bị thoái trào, Sài Gòn xưa hiện lên chậm rãi và có phần u ám. Ở nơi đó, cải lương không chỉ là một câu chuyện, nó là ký ức, là đam mê và là thứ giữ người ta lại gần với nhau. Trong âm thanh của vở tuồng Mỵ Châu Trọng Thủy, những gì đặc trưng nhất của cải lương dần được tái hiện, từ cánh khán giả khóc theo từng câu hát, thần thái của diễn viên cho đến lối sinh hoạt trong phòng trang điểm, cảnh nhắc tuồng và hình ảnh những nghệ sĩ đánh đàn, tất cả đều hợp lý, vừa đủ và mang lại một cảm giác hoài niệm. Cải lương của ngày ấy hay bây giờ vẫn vậy, vẫn chỉnh chu, vẫn chứa đựng đầy tâm huyết của người làm nghề.

Tôi nghĩ nhiều khán giả cũng giống như tôi, không cần đến bất kỳ câu giáo điều hay lời thoại tâng bốc nào cả, cũng tự thấy cảm động và trân trọng cải lương hơn bao giờ hết, qua những cảnh quay dịu dàng chăm chút từ Song Lang. Phim nhắc người ta rằng đã từng có một thời người ta khóc, cười cùng cải lương như vậy, người ta đứng xếp hàng chờ xin chữ ký một nghệ sĩ cải lương, người ta nghe cải lương để thấy mình hiền lại và thay đổi.

song lang elle man 10

song lang elle man 12

song lang elle man 11

song lang elle man 17

song lang elle man 23

song lang elle man 20

Hình ảnh và màu sắc của Song Lang cũng là điều cần bàn tới. Không thể phủ nhận Song Lang là một bộ phim đẹp, và đạo diễn hình ảnh của phim đã có sự chịu khó tìm tòi học hỏi. Đầu tiên là về trang phục và tính chất của nghề cải lương, được khắc họa một cách đầy đủ và chỉnh chu. Về khung ảnh, góc máy và màu sắc của phim, chúng ta có thể cảm nhận được hơi hướng vay mượn từ những tác phẩm 2046, Xuân Quang Xạ Tiết, Đọa lạc Thiên sứ của Vương Gia Vệ, và nguồn cảm hứng từ một bộ phim Trung Hoa cùng mô-túyp Bá Vương Biệt Cơ. Tuy nhiên, không thể phủ nhận nỗ lực Việt hóa và Sài Gòn xưa hóa trong từng thước quay của Song Lang.

Ở phim có nhiều món đồ vật mà lâu rồi tôi mới có dịp tìm thấy lại, những con hẻm nhỏ, những căn chung cư Sài Gòn cũ kỹ, những nghệ sĩ đánh đàn bầu hiền lành chất phát, và còn nhiều thứ nhỏ nhặt khác của quá khứ, cứ dần hiện lên trong cái ánh sáng tranh tối tranh sáng mờ ảo. Dù biết có nhiều sự học hỏi vay mượn, tôi nghĩ chúng ta vẫn nên vui khi thấy điện ảnh Việt đang dần có nhiều thước phim đàng hoàng tinh tế hơn.

song lang elle man 267

song lang elle man 23k

song lang elle man 2o

song lang elle man 23v

song lang elle man 26

song lang elle man 9

Vậy những điểm hạn chế của Song Lang nằm ở đâu? Tôi nghĩ nằm ở cốt truyện có phần dễ đoán, nhiều phân cảnh làm chưa tới và kết phim chưa thật sự bao quát. Tình cảm của Dũng và Linh Phụng vẫn chưa có một nút thắt – mở nào thật sự. Dù có thể đó là dụng ý của người làm phim, nhưng nếu có thể khai thác thêm thì ắt hẳn mối quan hệ này sẽ lấy được nhiều hơn sự đồng cảm. Bi kịch của bộ phim vẫn còn là bi kịch cá nhân, cái chết của Dũng, nỗi buồn của Linh Phụng, chúng ta có thể xót thương, có thể chia sẻ, nhưng không thể đồng cảm hay liên hệ với bản thân mình. Song Lang là một bộ phim tròn trịa và vừa vặn, nhưng đáng tiếc vẫn còn thiếu những nốt thăng để người ta có thể ám ảnh hay nhớ mãi. Tôi nghĩ sẽ tốt hơn nếu chúng ta đi xem phim với tâm thế nhìn ngắm câu chuyện đời của 2 nhân vật và nghe cải lương, thay vì mang theo những kỳ vọng bộ phim sẽ đặt ra những vấn đề về sự mai một của cải lương, hay vẽ ra một chuyện tình đồng giới gay cấn.

Lời kết

song lang elle man a

Đi xem Song Lang về, tôi khuyên khán giả nên dành thời gian để xem thêm Bá Vương Biệt Cơ, dù là hai lối diễn đạt khác nhau, nhưng có phần nào đó đồng điệu. Song Lang nhận được nhiều lời khen và đánh giá tích cực từ những ngày đầu công chiếu, âu cũng thật sự xứng đáng với những cố gắng của người làm phim. Văn hóa Việt Nam xưa và nay vẫn còn nhiều đề tài, loại hình nghệ thuật để khai thác, và tôi tin lối làm phim tối giản sẽ là tương lai của điện ảnh Việt. Đã qua rồi thời người Việt xem phim dễ dãi hay đạo diễn có thể chi phối cảm xúc của người xem, chúng tôi đi tìm những câu chuyện đẹp và những góc máy nhân văn, cũng như trân trọng những khung hình biết nói.

Cuối cùng, cái tên của bộ phim – Song Lang là một điều tôi rất thích. Có thể hiểu Song Lang là cách nói trại đi của Song Loan, một dụng cụ trong dàn nhạc cải lương, hoặc hiểu theo một nghĩa nào đó, Song Lang chính là một đôi trai trẻ tri kỷ bầu bạn cùng nhau.

Xem thêm:

Điện ảnh Việt Nam #Puberty Challenge: từ một tay hài nghiệp dư tới một chàng lãng du phong tình

Review phim Burning: Những người trẻ châu Á quẩn quanh

Bài: Hạnh Nguyên (Tạp chí Phái mạnh ELLE Man, hình ảnh: Song Lang)

No more