“The Eras Tour” của Taylor Swift và tiềm năng kinh tế của các sự kiện văn hóa

Bài Tuan Anh

Không chỉ thu hút lượng lớn khả giả đến Singapore, mà chuỗi đêm diễn "The Eras Tour" của Taylor Swift mới đây cũng cho thấy một khía cạnh khác về lợi ích mà các sự kiện văn hóa có thể mang lại.

taylor swift

1. Những con số ấn tượng mà Taylor Swift tạo nên từ âm nhạc

 

Sau Nhật Bản và Úc, Singapore vừa qua đã trở thành điểm dừng duy nhất tại Đông Nam Á trong chuyến lưu diễn The Eras Tour trong năm 2024 của Taylor Swift. Vì không tổ chức ngay tại “sân nhà”, nên lượng khán giả Việt Nam nói riêng và toàn khu vực nói chung đến với “đảo quốc sư tử” là không hề ít. Việc Singapore trở thành điểm dừng duy nhất là bất ngờ lớn, tuy vậy không phải không có lý do.

taylor swift
Ảnh: Tư liệu

Trước đây điều này gây nhiều khó hiểu, khi theo nền tảng nghe nhạc trực tuyến Spotify, thì thành phố Quezon của Philippines mới là địa điểm có lượng người nghe âm nhạc của nữ ca sĩ cao nhất khu vực, khi đứng thứ 5 trên toàn thế giới. Ngoài các suy đoán về chi phí quá lớn, điều kiện cơ sở vật chất không thể đáp ứng… thì sự hậu thuẫn của quốc gia có các điểm dừng cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng.

 

Mới đây, tại một diễn đàn kinh tế lớn được tổ chức ở thủ đô Bangkok, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin đã tỏ ra tiếc nuối vì đất nước mình không thể mời nữ ca sĩ đến để trình diễn. Ông chia sẻ, theo một nguồn tin từ Anschutz Entertainment Group – đơn vị tổ chức The Eras Tour toàn cầu, thì Singapore đã đưa ra khoản hỗ trợ từ 2 – 3 triệu USD (khoảng 50 – 74 tỷ VNĐ) cho một đêm diễn để Taylor Swift trình diễn độc quyền tại đất nước này, từ đó có thể thu hút cũng như kích thích mảng dịch vụ cho đất nước mình.

The Eras Tour
Ảnh: Tư liệu

Sau đó không lâu tại một hội nghị ở Úc, thủ tướng Lý Hiển Long của Singapore cũng cho biết rằng đúng là các sở, ban, ngành của quốc gia mình đã gặp và đàm phán với giọng ca You Belong With Me. Đối mặt với các cáo buộc “độc quyền”, “chơi xấu”, ông Lý đáp rằng nếu Singapore không làm điều đó, thì sẽ có một quốc gia khác thực hiện. Và cũng chưa chắc nữ ca sĩ sẽ đến Đông Nam Á nếu Singapore không đưa ra khoản hỗ trợ trên.

 

Sau sự kiện này, Singapore ước tính đã mang về cho mình một khoản trị giá 500 triệu USD sau 6 đêm diễn. Trước đó, với 7 đêm diễn tại Úc, thì giới kinh tế cũng dự báo rằng nữ ca sĩ đã mang về một khoản trị giá 1.2 tỷ AUD (hơn 19.000 tỷ VNĐ) riêng tại Melbourne. Ở chặng đầu tiên tại nước Mỹ, các nhà kinh tế cũng dùng khái niệm “Swiftonomic” để chỉ lợi ích về mặt kinh tế mà nữ ca sĩ có thể mang lại. Không nằm ngoài vòng xoáy, các chính trị gia Nam Mỹ như thủ tướng Chile cũng đăng trên X lời mời cá nhân đến Taylor Swift đến với đất nước của mình…

 

Do đó có thể thấy rằng việc đầu tư của Singapore là một góc nhìn tương đối sâu rộng, khi sự độc quyền giúp đất nước này thu được một nguồn lợi lớn. Thủ tướng Thái Lan cũng chia sẻ rằng có thể phải chi gần 500 triệu bath (khoảng 340 tỷ VNĐ) cho một đêm diễn để có được cái gật đầu của nữ ca sĩ, thế nhưng với ông, đây là khoản chi tương đối hợp lý nếu so với những tác động kinh tế mà quốc gia có thể được hưởng. Ông cũng cho biết trong tương lai, Thái Lan đang rất nỗ lực để thu hút các nghệ sĩ “hạng A” đến với nước mình, từ đó tạo ra nguồn thu như Singapore vẫn đang thực hiện, với sự xuất hiện của nhiều sao ngoại như Coldplay, Ed Sheeran… trong năm vừa qua.

 

Như vậy các buổi hòa nhạc đã thoát khỏi khuôn khổ một buổi trình diễn giữa nghệ sĩ và người hâm mộ, mà đây cũng là cơ hội để nước sở tại có được cú hích về mặt kinh tế. Trong đó Singapore và Thái Lan là 2 đất nước vẫn đang đi đầu, cho thấy hướng khai thác này là rất tiềm năng. Tuy vậy Thủ tướng Thái Lan cũng thừa nhận vẫn có rất nhiều thách thức liên quan đến việc tổ chức các buổi hòa nhạc với quy mô lớn, không chỉ trong khâu hợp đồng, các khoản hỗ trợ mà cũng đồng thời là điều kiện cơ sở vật chất và nhiều thứ khác…

taylor swift
Ảnh: Tư liệu

Cơ hội nào cho nước ta?

 

Trong năm vừa qua, có nhiều sự kiện cũng đã tổ chức một cách thành công ngay tại Việt Nam. Có thể kể đến sự xuất hiện của Charlie Puth hay Maroon 5 tại lễ hội âm nhạc thường niên 8Wonder, hoặc Blackpink với 2 đêm diễn cháy vé tại Hà Nội. Theo các số liệu, nhóm nhạc đến từ Hàn Quốc đã mang về hơn 14 triệu USD chỉ với 2 đêm, và bằng một nửa tổng giá trị doanh thu nghệ thuật biểu diễn phấn đấu đến năm 2030 là 31 triệu USD (theo chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa được phê duyệt năm 2016). Ngược lại, nhóm cũng giúp Hà Nội đạt tổng doanh thu từ khách du lịch ước đạt 630 tỷ VNĐ.

 

Như vậy có thể thấy rằng cũng như trường hợp của The Eras Tour, nếu được quan tâm, đầu tư đúng mức, thì các sự kiện văn hóa có thể mang đến một nguồn lợi lớn cho các quốc gia tổ chức. Những năm gần đây ngày càng có nhiều chương trình mời các nghệ sĩ quốc tế xuất hiện một cách thường niên như HAY Festival hay 8th Wonder, và nếu xu hướng này được nhân rộng, thì có thể nói Việt Nam sẽ là một điểm đến tiềm năng, bên cạnh quang cảnh, phông nền văn hóa đã rất nổi tiếng.

taylor swift
Ảnh: Tư liệu

Đại diện HAY Festival, đơn vị đã mời thành công các nhóm nhạc lớn như Epik High, 911, The Moffatts… trong những năm qua, cho biết: “Việc mời các nghệ sĩ quốc tế về Việt Nam biểu diễn thật sự là một quá trình diễn ra rất quyết liệt. Chúng tôi gặp khó khăn về mọi mặt cho đến tận khi họ đặt chân xuống Việt Nam thì may ra mới có thể “thở nhẹ” được một chút”.

 

Tuy vậy thực tế là vẫn còn tồn tại rất nhiều vấn đề từng xảy ra trong việc tổ chức các show diễn lớn, như rắc rối trong khâu tác quyền ở sự kiện của Blackpink, phía ban tổ chức thiếu năng lực và chậm thanh toán cho các nghệ sĩ Việt Nam và Hàn Quốc trong chương trình K-pop Festival Open Air #2… Điều này cho thấy còn nhiều điểm yếu mà phía tổ chức cần phải khắc phục, và nếu trong tương lai gần những vấn đề trên vẫn còn tồn tại, thì có thể nói đây sẽ là một điểm trừ lớn cho giới tổ chức sự kiện nước nhà.

the eras tour
Ảnh: Tư liệu

Có thể nói rằng việc đáp ứng nhu cầu của sao hạng A – những người đến từ một ngành giải trí chuyên nghiệp, bài bản… không bao giờ là dễ. Điều đó đòi hỏi năng lực tổ chức của nhà sản xuất, các phương tiện vật chất, cơ sở hạ tầng cũng phải đáp ứng ở mức tương đương… Có thể nói rằng chúng ta đã làm được những sự kiện vừa và nhỏ, và đang trên đà tiến lên chinh phục những điều mới hơn. Hy vọng trong tương lai, ngành giải trí Việt Nam ngày càng phát triển và đi xa hơn.

_______

Bài: Tuấn Anh

No more