Thời trang phim của Guy Ritchie: Khi quý ông sành điệu làm điện ảnh

Bài ELLE Team

Bằng đôi mắt thẩm mỹ của mình, đạo diễn Guy Ritchie luôn biết cách làm nổi bật nhân vật thông qua những phong cách thời trang phim đẹp mắt và ấn tượng trong những tác phẩm như Snatch (2000), Sherlock Holmes (2009), The Man From U.N.C.L.E (2015) và The Gentleman (2020).

Với “thành tích” cúp học và chuyển trường nhiều lần cũng như là học sinh cá biệt, Guy Ritchie sớm thể hiện sự cá tính và nổi loạn của mình từ thời niên thiếu. Khi trưởng thành, vị đạo diễn vẫn giữ nguyên tính cách ấy và thổi hồn vào những đứa con tinh thần qua dòng phim tội phạm hình sự. Nếu Martin Scorsese kể về giới mafia Ý và Mỹ thì với Guy là những câu chuyện lấy bối cảnh ở quê hương Anh quốc của ông. Bằng phong cách dẫn chuyện lôi cuốn và hài hước, tác phẩm của ông luôn đem đến những phút giây giải trí đúng nghĩa cho người xem.

Đạo diễn Guy Ritchie “khoe mẽ” qua thời trang phim.

Ai cũng biết Guy là một người “điệu đà”. Điện ảnh chính là công cụ để gã  “khoe mẽ” cái nhìn của bản thân đối với thời trang phim. Một nhân vật hoàn hảo không chỉ cần khắc sâu nội tâm mà còn ở bộ cánh mà nhân vật khoác lên. Bởi lẽ đó mà thời trang phim của gã luôn khiến chúng ta chú ý và thích thú qua việc đầu tư chỉnh chu cho quần áo cũng như những phụ kiện nhỏ nhặt nhất. Điều này đã phần nào tạo nên cái riêng không lẫn đi đâu được qua Snatch (2000), Sherlock Holmes (2009), The Man From U.N.C.L.E (2015) và  The Gentleman (2020).

Thời trang phim Snatch (2000)

Là đứa con đầu tay góp phần tạo nên tên tuổi của mình, Guy ghi lại dấu ấn trong lòng khán giả đại chúng với một phong cách hài hước. Bên cạnh đó, Snatch được xem như “sàn runway” đầu tiên của ông với BST quần áo xuyên suốt tác phẩm. Đầu tiên hãy nói về nhân vật chính Turkish (Jason Statham), anh ta tự xem bản thân như một “doanh nhân” dù thật ra chỉ là kẻ cướp nữ trang. Do đó trang phục của gã có sự tương đồng với những bộ đồ công sở như áo sơ mi, quần tây gọn gàng và trench coat dài. Điều đó tạo nên một gã “doanh nhân” vừa quý phái vừa có nét nham hiểm đáng sợ.

Thời trang phim thể hiện qua nhân vật chính Turkish.
Trang phục của gã tương đồng với những bộ đồ công sở.

Tiếp đến, văn hóa của người Ai-len được thể hiện qua Mickey O’Neil (Brad Pitt). Với bản chất là dân nhập cư và tính cách cục súc, Mickey thường mặc những trang phục “bụi bụi” để minh hoạ sự hoang dại của bản thân. Quần áo của Mickey đề cao tính tự do cho người mặc. Đó là những bộ trang phục luộm thuộm nhưng vẫn đẹp mắt. Xét về vai Mickey của Brad với Tyler Durden mà anh thể hiện trong Fight Club (1999), ta dễ dàng nhận ra sự tương đồng. Nhưng nó không còn là style “Grunge” đậm chất Mỹ mà lại mang nét giao thoa của văn hóa Ai-len.

1_thoi trang phim_phim snatch 2000_nhan vat mickey oneil3_elle man_0420
Văn hoá Ai-len được thể hiện qua Mickey O’Neil (Brad Pitt).
Phong cách của nhân vật đề cao tính tự do.

Thời

Thời trang phim  Sherlock Holmes (2009)

Ngoài yếu tố trinh thám thường thấy ở những tác phẩm về vị thám tử tư tài ba Sherlock Holmes, tựa phim này của Guy còn mang theo cả yếu tố hài hước, dí dỏm. Với bối cảnh nước Anh thế kỷ 19, người xem được thấy thời trang phim ở thời đại Victoria được tái hiện lại vô cùng chi tiết. 

Trang phục của cặp đôi Holmes và Watson khắc hoạ rõ sự đối lập về tính cách và phong cách của cả hai. Thám tử Holmes do Robert Downey Jr thủ vai thì lắm tài nhiều tật, tóc tai bù xù và hơi bừa bộn dù đang là ở nhờ nhà Watson. Do đó quần áo của Holmes luôn luộm thuộm và rộng tuênh. Điều đó cũng dễ hiểu vì ngài thám tử dành đa số thời gian để suy luận hơn là chải chuốt ngoại hình bản thân.

2_thoi trang phim_phim sherlock holmes_nhan vat holmes va watson2_elle man_0420
Trang phục của cặp đôi Holmes và Watson.

Còn Watson được thủ vai bởi Jude Law chính là mặt đối lập hoàn toàn của Holmes. Người cộng sự đắc lực luôn luôn gọn gàng, bảnh bao trong trang phục được là ủi phẳng tắp. Watson “cầu toàn” đến mức chú ý từng chi tiết nhỏ nhặt của quần áo. Đó là việc thắt caravat ngay ngắn hay mặc blazer không cài khuy dưới theo quy tắc khi mặc âu phục. Không những thế hắn còn “điệu đà” làm hình ảnh bản thân nổi bật hơn bằng chiếc đồng hồ quả quýt.

2_thoi trang phim_phim sherlock holmes_nhan vat holmes va watson_elle man_0420
Chiếc đồng hồ quả quýt là điểm nhấn cho bộ trang phục.

Thời trang phim The Man From U.N.C.L.E (2015)

Thời trang của những năm 60 được tái hiện lại một cách chân thật và tinh tế qua bàn tay của NTK phục trang Joanna Johnston. Tuy nhiên, cả Guy và Joanna đều không muốn bê nguyên xi 100% nét cổ điển vào mà họ muốn nó mới mẻ, hiện đại hơn nhưng vẫn mang hơi thở của một thời vàng son. Do đó, thời trang phim của tác phẩm phần lớn được cách tân bằng gam màu nổi đầy chói chang. Joanna cũng cho biết rằng bộ sưu tập này bà lấy cảm hứng từ hoạ tiết ngân hà, pop-art từ hai nhà mốt nổi tiếng thời đó là Pucci và Pierre Cardin. 

3_thoi trang phim_phim the man from uncle_ntk joanna johnston_elle man_0420
NTK trang phục Joanna Johnston.

Tuy lấy bối cảnh tại Rome (Ý) với những tòa lâu đài cổ kính, kiến trúc cẩm thạch thời Phục Hưng nhưng chàng điệp viên thuần Mỹ Napoleon Solo (Henry Cavill) lại mang trong mình cái thần thái đậm chất Anh Quốc. Quả là một sự mâu thuẫn… tinh tế. Không phải tự nhiên người ta lại nói anh ấy mang thần thái của quý ông nước Anh. Điều đó được thể hiện qua bộ suit kẻ windowpane, thứ vốn được xem như biểu tượng của người đàn ông xứ sở sương mù. Độ chi tiết của những bộ suit được thể hiện tỉ mỉ qua những đường cắt may vừa vặn, tôn dáng “Người đàn ông thép” Henry Cavill. 

3_thoi trang phim_phim the man from uncle_nhan vat napoleon solo_elle man_0420
Chàng điệp viên thuần Mỹ mang thần thái của một quý ông Anh Quốc.

Riêng với chàng điệp viên người Nga do Hammer thủ vai được mô phỏng từ hình tượng huyền thoại Steve McQueen. Khác với sự lịch lãm của Napoleon, nhân vật này bụi bặm và phong trần hơn qua: khoác bomber da lộn, áo Harrington cùng chiếc mũ beret. Kẻ tám lạng, người nửa cân – mọi thứ anh mặc lên người đều hợp thời không hề thua kém phong cách bespoke suit của người bạn đồng hành.

3_thoi trang phim_phim the man from uncle_diep vien nguoi nga_elle man_0420
Nhân vật được mô phỏng từ huyền thoại Steve McQueen.

Thời trang của hai nam chính đã đẹp vậy còn của nữ chính thì sao? Cô nàng diễn viên Alicia Vikander cũng “chịu chơi” không kém khi xuyên suốt phim toàn diện những thiết kế từ những nhà mốt bậc nhất xứ Milan. Các gam màu nổi như cam, trắng, xanh lá mang phong cách pop-art được thể hiện những chiếc đầm suông, đầm dáng cột. Nữ chính và những quý cô khác trong phim như hộp kẹo ngọt ngào của một thời đại nơi nữ giới dần thể hiện sự bình đẳng và tự tôn của mình. 

3_thoi trang phim_phim the man from uncle_dien vien alicia vikander_elle man_0420
Thiết kế của những nhà mốt bậc nhất Milan.
3_thoi trang phim_phim the man from uncle_3 dien vien chinh_elle man_0420
Gu thời trang “miễn chê” của 3 nhân vật chính.

Phục trang của The Gentlemen (2020)

Là sản phẩm mới nhất của Guy, bộ phim xoay quanh đế chế buôn cần sa quy mô lớn của ông trùm Mickey Pearson (Matthew McCourtney) ở Anh quốc. Về thời trang phim, Guy đã gửi gắm “đứa con” của mình cho nhà thiết kế Michael Wilkinson. Ông muốn Michael tạo nên những bộ quần áo “mang hơi thở” của phong cách Anh Quốc hiện tại. Cho dù là tay trùm buôn cần sa, gã mafia giàu có hay bọn gangster đường phố cũng đều phải cảm thấy hãnh diện khi mặc chúng lên người.


Ở những nhân vật như Mickey, Ray (Charlie Hunnam) hay Matthew (Jeremy Strong), họ đều là những thương gia quyền quý quen biết giới thượng lưu và quý tộc. Thế nên trang phục phù hợp nhất để toát lên sự lịch lãm của họ chính là những bộ âu phục may đo kỹ càng từ form dáng người mặc cho đến chất liệu hay đường kim mũi chỉ trên từng thớ vải. Riêng Ray với vai trò là thư ký kiêm “sát thủ” của Mickey nên được diện thêm chiếc áo khoác Barbour chất liệu dù để thoải mái thực hiện những pha hành động.

4_thoi trang phim_phim the gentlement 2020_ao barbour_elle man_0420
Áo khoác Barbour phù hợp cho những pha hành động.

Còn tuyến nhân vật phản diện như Dry Eye (Henry Golding) hay Fletcher (Hugh Grant) có phong cách hiện tại và đường phố hơn hẳn. Nhân vật Fletcher luôn cao ngạo nghĩ mình có thể dàn dựng mọi chuyện như một đạo diễn phim ảnh. Thế nên hình tượng đạo diễn những năm 70 được tái hiện lại qua cặp kính mát Ray-ban Wayfarers và chiếc khoác da của gã.

Tổng thể trang phục của Fletcher là màu đỏ cam như loài cáo cho thấy đây là một kẻ mưu mô, xảo quyệt và luôn có “dấu hiệu của sự lươn lẹo”. Còn với Dry Eye thì chỉ là một tay mafia trẻ tuổi nên còn hơi “ngựa non háu đá”. Do đó mà quần áo của hắn nhìn trẻ trung, hiện tại hơn hẳn. Guy Ritchie cũng tinh ý quay cận cảnh đôi giày Christian Louboutin da báo của hắn chứng tỏ tên này mê đồ hiệu đến dường nào.

4_thoi trang phim_phim the gentlement 2020_nhan vat fletcher_elle man_0420
“Cáo già” Fletcher.
4_thoi trang phim_phim the gentlement 2020_nhan vat dry eye_elle man_0420
“Ngựa non háu đá” Dry Eye.

Bên cạnh đó không thể không kể đến nhân vật Coach (Colin Farrell) và những học trò của ông. Họ đều là những tay đấm bốc nên rất phù hợp trong những bộ tracksuit thể thao với họa tiết caro nổi bật cùng giày adidas cổ thấp.

4_thoi trang phim_phim the gentlement 2020_coach va hoc tro mac tracksuit the the thao_elle man_0420
Ai nói trung niên không thể mặc “lòe loẹt” cơ chứ?

Review

__

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Bài viết: Ng Huynh

No more