20 thương hiệu thời trang Nhật Bản đáng chú ý hiện nay

Bài ELLE Team

Nếu dành tình yêu lớn cho thời trang, chắc hẳn không dưới một lần bạn từng nghe qua những cái tên như BAPE, KENZO, Yohji Yamamoto hay Comme des Garçon. Nhưng ngoài ba cái tên này thì đâu là những thương hiệu thời trang Nhật Bản đáng chú ý hiện nay?

Chẳng cần một con mắt sành điệu cùng kiến thức thời trang uyên bác để nhận ra rằng Nhật Bản là một trong những quốc gia phong cách nhất trên thế giới. Đã từng có thời điểm, tuần lễ thời trang Nhật Bản với làn sóng cách tân tươi mới đã lấn át đi hào quang từ những kinh đô Paris, New York, London,… Vì vậy, cũng dễ hiểu thôi khi các thương hiệu thời trang nam giới Nhật Bản vẫn luôn được đánh giá là những cái tên được ưa chuộng và tin cậy nhất.

Phong cách giới mộ điệu xứ Phù tang là những tư duy thời trang độc đáo, thể hiện qua tầm nhìn cùng định hướng mới lạ đến từ các thương hiệu thời trang trong nước. Từ sự sang trọng mà giản dị của VISVIM đến những thiết kế độc đáo của Engineered Garments, dưới đây là những thương hiệu thời trang đến từ Nhật Bản mà các bạn nên lưu tâm.

1. Beams Plus

thương hiệu thời trang Nhật Bản - Beam Plus
Ảnh: New Images Beam

Khởi nguồn là một cửa hàng bách hóa nhỏ tại Harajuku vào những năm 1970s, Beams nhanh chóng trở thành thương hiệu thời trang tuyệt vời nhất xứ sở Phù tang. Trong đó, Beams Plus là nhánh riêng chuyên tập trung khai thác mảng thời trang nam giới. Chỉ tính riêng Beams Plus, thương hiệu này đã sở hữu chuỗi các cửa hàng lớn, một dòng quần áo cao cấp và danh sách những phiên bản collabs với những tên tuổi ấn tượng.

2. Thương hiệu thời trang Edwin

thương hiệu Edwin Nhật Bản
Ảnh: SHOPIFY

Bắt đầu bằng việc bán quần jeans đã qua sử dụng vào năm 1947, chỉ vài năm sau, Edwin đã tự sản xuất sản phẩm quần jeans của riêng mình, đánh dấu bước đầu của một đế chế hùng mạnh. Trong nhiều năm, thương hiệu thời trang có trụ sở tại Tokyo này đã đi tiên phong trong việc phát triển các kỹ thuật nhuộm, mở rộng thành một dòng quần áo thương mại và trở nên nổi tiếng với thiết kế quần jeans 3 màu “rainbow selvedge”.

3. Danton

thương hiệu Danton
Ảnh: Archival Blog

Trước đây, Danton từng là một đơn vị cung cấp đồng phục bảo hộ lao động cho nhân viên của Paris Metro. Kể từ khi thực hiện những chính sách thay đổi, Danton đã nhanh chóng trở thành một trong những thương hiệu quần áo phổ biến và hiện được săn đón tích cực bởi các tập đoàn bán lẻ lớn theo hướng cộng tác lâu dài. Hi vọng rằng, không lâu nữa những hình ảnh bộ overall cổ điển sẽ lại được tái hiện, bằng những chất liệu đương đại và sáng tạo hơn.

4. Comme Des Garçons PLAY

bản phối COMME des GARCON PLAY x Converse Chuck Taylor All Star
Bản phối COMME des GARCON PLAY x Converse Chuck Taylor All Star

Khi nói đến những tư duy thời trang lập dị, sáng tạo, tới avant-garde, người ta lập tức nghĩ đến Rei Kawakubo cùng thương hiệu Comme des Garçons nổi tiếng. Thương hiệu thời trang này chia ra rất nhiều nhánh khác nhau, trong đó thực dụng nhất có lẽ là CDG PLAY.

CDG PLAY mang định hướng đường phố với chủ yếu là những thiết kế áo hoodie, áo phông và hàng dệt kim. Tất cả đều có họa tiết trái tim với đôi “mắt con bọ” mang tính biểu tượng in trên ngực trái. Bên cạnh đó, dòng sản phẩm collab giữa CDG PLAYConverse, cùng các loại phụ kiện và nước hoa độc đáo cũng là những thứ đáng trải nghiệm qua.

Ý

5. Thương hiệu thời trang And Wander

thương hiệu And Wander
Một thiết kế thuộc lookbook And Wander SS16. Ảnh: The Navy Mag

Với khí hậu có phần khắc nghiệt, những người dân Nhật luôn ưa chuộng những thiết kế áo khoác gió vừa có tính thẩm mỹ lại linh hoạt, sở hữu tính tiện ích cao. Và And Wander chính là câu trả lời cho họ.

Được thành lập bởi bàn tay hai nhà thiết kế haute couture, And Wander là sự hợp nhất và kết nối hoàn hảo giữa thời trang ứng dụng và thiết kế mang tính nghệ thuật cao. Chúng đều là những sản phẩm vừa đủ tinh tế, sáng tạo để trình diễn trên sàn runway, vừa đảm bảo sự tiện ích cùng tính linh hoạt phục vụ cho những chuyến trekking, hiking dài ngày.

6. BAPE/A Bathing Ape

thời trang đường phố BAPE
Ảnh: Eyesmag

Nhắc đến thời trang đường phố Nhật Bản là phải nhắc đến BAPE, một trong những thương hiệu thời trang chất lượng nhất; gắn liền với nền văn hoá đại chúng của thế giới.

Được sáng lập bởi NTK Tomoaki Nagao, thương hiệu streetwear mang sắc màu ấn tượng này đã đưa Nhật Bản lên bản đồ văn hóa đường phố từ năm 1993. BAPE nổi tiếng với những chiếc áo hoodies họa tiết nổi bật; và dĩ nhiên, đó cũng trở thành biểu tượng không thể nhầm lẫn của riêng nó.

Ý

7. Uniqlo

UNIQLO hợp tác với KAWS

Chúng ta có thể dành cả ngày để ca ngợi sự tuyệt vời của Uniqlo. Tại cái tên bán lẻ hàng đầu Nhật Bản này, bạn có thể tìm được hàng tá những món đồ chất lượng cao cho tủ đồ cá nhân. Nhờ chính sách tập trung vào chất lượng vải cao cấp và kỹ thuật may ấn tượng, Uniqlo luôn là thương hiệu “thời trang nhanh” được các bạn trẻ ưu ái lựa chọn. Đồng thời, việc nắm bắt nhanh chóng xu hướng nhờ vào việc quản lý chặt chẽ các bộ sưu tập giúp phần hình ảnh luôn được làm mới, linh động đáp ứng được mọi nhu cầu của người tiêu dùng.

Thương

8. Engineered Garments

bộ sưu tập Thu-Đông 2019 Engineered Garments
Hai trong nhiều thiết kế thuộc BST FW19 của thương hiệu Engineered Garments

Mặc dù đặt trụ sở chính tại New York, về mặt tư duy thời trang và định hướng phong cách, Engineered Garments vẫn mang đậm tinh thần Nhật Bản. Được thành lập bởi Daiki Suzuki vào năm 2002, thương hiệu thời trang hướng tới những thiết kế may đo casual, năng động mang tinh thần tiện ích linh hoạt với nhiều chi tiết túi hộp có tính ứng dụng cao.

9. Thương hiệu thời trang Nanamica

Look 7 trong BST Xuân-Hè 2019 của Nanamica
Một thiết kế trong BST Xuân/Hè 2019 của Nanamica

Trong 16 năm qua, Nanamica đã mang nguồn cảm hứng từ thể thao, tính ứng dụng cao cùng một chút những sáng tạo, bay bổng để tạo ra những BST phong cách, ấn tượng nhất Nhật Bản. Trước khi thành lập ra Nanamica, nhà sáng lập Eiichiro Homma đã từng cộng tác với những thương hiệu lớn như The North Face Helly Hansen. Hiện tại Homma đang hợp tác với một trong những người chủ cũ của mình là The North Face, với nỗ lực phát triển chiến dịch collab dài hạn mang tên Purple Label.

10. VISVIM

bộ sưu tập Thu-Đông 2018 2019 của thương hiệu VISVIM
Hai thiết kế thuộc BST Thu-Đông 2018/19 của thương hiệu VISVIM

Từ năm 2001, VISVIM đã vang danh là một trong những thương hiệu thời trang nam giới đình đám tại Nhật Bản. Được thành lập bởi cựu NTK của Burton Snowboards, Hiroki Nakamura, VISVIM mang những bộ workwear, trang phục truyền thống Nhật Bản kết hợp cùng văn hóa Mỹ và lọc qua một lăng kính đường phố đầy tinh tế. Kết quả là những sản phẩm hoàn toàn độc đáo và chẳng thể nào nhầm lẫn.

Quy trình sản xuất cũng là sự pha trộn giữa phương pháp truyền thống và công nghệ hiện đại. Điều này đảm bảo rằng, tuy số tiền phải chi trả cho một món hàng của VISVIM là khá cao, nhưng chất lượng  nhận được là hoàn toàn xứng đáng.

11. Manastash

thiết kế thuộc BST FW15 của Manastash
Một thiết kế thuộc BST FW15 của thương hiệu Manastash

Lấy tên một con đường mòn tại Bắc Mỹ, Manastash là một ví dụ điển hình cho việc người Nhật tiếp quản một thương hiệu thời trang nước ngoài và khoác cho nó một diện mạo hoàn toàn mới. Được thành lập tại Seattle vào năm 1993, các sản phẩm may mặc của Manastash đều được làm từ vải tái chế và cây gai dầu. Có thể nói, đây là một lựa chọn hoàn hảo cho những ai vừa yêu thích thời trang, lại hướng tới những hoạt động cộng đồng nhằm bảo vệ môi trường hiện nay.

12. NEIGHBORHOOD

Look 13 thuộc BST Xuân-Hè 2019 thương hiệu NEIGHBORHOOD
Look 13 thuộc BST Xuân-Hè 2019 thương hiệu NEIGHBORHOOD. Ảnh: Highsnobiety

Được thành lập vào năm 1994 bởi Shinsuke Takizawa, NEIGHBORHOOD (hay NBHD) là một trong những thương hiệu đi đầu của thời trang đường phố Nhật Bản. Là một phần của Harajuku những năm 90s, NBHD là niềm đam mê của Takizawa với văn hóa xứ cờ hoa; thể hiện qua những chất liệu, trang phục đậm tinh thần biker ở những BST đầu và sau đó là những BST gần đây hơn mang cảm hứng quân đội, cảm hứng workwear.

13. UNDERCOVER

BST SS20 của nhà mốt UNDERCOVER
BST SS20 của nhà mốt UNDERCOVER. Ảnh: 10magazine

UNDERCOVER của Jun Takahashi có lẽ chính là bản tóm tắt hoàn hảo cho thời trang đường phố của Nhật Bản. Trong suốt gần 30 năm, những quan điểm, góc nhìn khác biệt của vị NTK đã tạo nên biết bao ảnh hưởng đến các thiết kế thời trang đương đại ngày nay.

Tính thẩm mỹ của thương hiệu thời trang Nhật Bản này nằm ở chính phương châm của họ: “We make noise, not clothes.” (Tạm dịch: Chúng tôi không thiết kế quần áo, chúng tôi tạo nên tiếng vang). UNDERCOVER là sự phá vỡ những quy tắc, sự nổi loạn pha trộn giữa văn hóa đại chúng cùng chất punk, goth và chủ nghĩa hậu hiện đại; cùng nhau tạo nên một khái niệm thời trang đường phố hoàn toàn mới.

14. NUMBER (N)INE

thương hiệu NUMBER [N]INE
Ảnh: Grailed

Không giống như UNDERCOVER của Jun Takahashi, Takahiro Miyashita và NUMBER (N)INE là những khám phá đầy ngẫu hứng về Americana, về âm nhạc, đặc biệt là rock & roll. Cái tên của thương hiệu thời trang này cũng được lấy từ bài hát Revolution 9, bài hát avant-garde dài 8 phút từ album The White Album của The Beatles. Và mặc dù qua năm tháng, phong cách của thương hiệu đã có nhiều những thay đổi, nhưng tất cả vẫn luôn được xây dựng trên một nền tảng mang đậm âm hưởng rock & roll. Năm 2009, Miyashita khép lại cái tên NUMBER (N)INE, chuyển hướng mình qua một cái tên khác, TAKAHIROMIYASHITATheSoloist.

15. TAKAHIROMIYASHITATheSoloist

BST SS20 của TAKAHIROMIYASHITATheSoloist
Một góc BST TAKAHIROMIYASHITATheSoloist Xuân/Hè 2020. Ảnh: Journal – Antonioli

Thành lập vào năm 2010, TAKAHIROMIYASHITATheSoloist là sự tiếp nối thuần túy từ các tác phẩm trước đây của Miyashita, mặc dù có nhiều ý kiến cho rằng thương hiệu thời trang này có sự khai thác mạnh mẽ hơn những quan điểm, góc nhìn của cá nhân NTK. Bên cạnh dấu ấn cá nhân mạnh mẽ, The Soloist cũng được đánh giá là tinh tế, trưởng thành và thực dụng hơn so với NUMBER (N)INE.

Các BST được lấy cảm hứng từ những Oasis, David Bowie hay Country & Western; mang đến cho Miyashita một con mắt nghệ thuật hoàn hảo cho sự cải tiến, nâng cao chất lượng của từng đứa con tinh thần.

16. Junya Watanabe

BST Xuân-Hè 2020 Junya Watanabe (1)
BST Xuân-Hè 2020 của Junya Watanabe tại Paris Fashion Week. Ảnh: Vogue

Từng làm việc dưới thời CDG của Rei Kawakubo trước khi tách riêng, lập nên thương hiệu thời trang cho riêng mình; tư duy thời trang của Watanabe mang đậm âm hưởng avant-garde với những đường cut điêu luyện, chất liệu cùng form dáng phô trương, tạo nên sự táo bạo trên nền các thiết kế menswear cổ điển.

Những năm gần đây, Junya Watanabe nổi tiếng bởi những thiết kế patchwork sử dụng đa dạng các chất liệu khác nhau. Tuy nhiên, cốt lõi của thương hiệu vẫn là sự khai thác các thiết kế trang phục khác nhau và cách các tín đồ có thể kết hợp chúng.

17. White Mountaineering

bộ sưu tập Thu-Đông 2019 của thương hiệu White Mountaineering
BST Thu/Đông 2019 của thương hiệu White Mountaineering. Ảnh: Hypebeast

Cũng giống như And Wander, White Mountaineering của Yosuke Aizawa là một trong những thương hiệu thời trang Nhật Bản cực kỳ thành công trong việc biến những thiết kế tiện ích, mạnh mẽ, thô ráp của utilitarian trở thành những tuyệt phẩm thời trang hoa mỹ.

Aizawa từng làm việc dưới quyền Junya Watanabe trước khi khi thành lập thương hiệu riêng vào năm 2006, nơi cho ra đời những thiết kế trang phục tiện ích đầy tính thẩm mỹ với những đường dệt hoa văn tinh xảo, cách sử dụng, pha trộn chất liệu độc đáo. Trong đó, họa tiết hình học là đặc trưng nổi bật ở những thiết kế của Aizawa. Chúng xuất hiện trên những chiếc áo dệt kim, áo sơ mi và thậm chí là trên sàn gỗ tại các cửa hàng ở Tokyo.

18. Yohji Yamamoto

BST Xuân_Hè 2020 Yohji Yamamoto
Một góc BST Yohji Yamamoto Xuân/Hè 2020. Ảnh: Style Zeitgeist Magazine

Bên cạnh Rei Kawakubo, Yohji Yamamoto chắc chắn là NTK Nhật Bản hàng đầu của thế giới trong thế kỷ 20. Tư duy thời trang của Yohji Yamamoto là sự giao thoa giữa cốt lõi truyền thống của văn hóa xứ Phù Tang và quan điểm đương đại, tạo nên những tác phẩm thời trang đỉnh cao suốt 35 năm hoạt động.

Tuy nhiên, điều khiến cho cái tên Yohji Yamamoto trở nên thu hút hơn trong giới thời trang đó là cách góc nhìn của ông tác động nên thời trang đương đại. Thực vậy, rất nhiều những thiết kế mang đặc trưng của Yohji đã trở nên phổ biến, từ những thiết kế đáy thụng (drop crotch) cho tới những trang phục không đối xứng, những phong cách draping, layering trên trang phục. Và cũng như Kawakubo, đen luôn là tông màu được Yamamoto ưu ái bậc nhất.

NTK

19. KENZO

Thương hiệu Kenzo x HM
Cú ‘bắt tay’ gây sốt giữa Kenzo và H&M.

Từ những thiết kế tươi sáng, những họa tiết sống động cho tới bản collab ấn tượng với  H&M, thật khó để bỏ qua cái tên KENZO.

Được thành lập tại Paris năm 1970 bởi Kenzo Takada, từ những ngày đầu hoạt động, thương hiệu thời trang này đã ghi dấu ấn với những BST tươi sáng, táo bạo và độc đáo, không thể nhầm lẫn. Thật khó khăn khi nhìn vào các thiết kế của KENZO và không nhìn thấy được những sự tương quan với văn hóa truyền thống Nhật Bản và văn hóa đương đại. Chúng là sự pha trộn khéo léo giữa phong cách, văn hóa Nhật Bản và truyền thống thời trang Châu Âu riêng biệt.

Ý

20. Issey Miyake

BST Xuân_Hè 2020 Issey Miyake
Một góc BST Issey Miyake Xuân/Hè 2020. Ảnh: 10Mag

Giống như những Rei Kawakubo hay Yohji Yamamoto cùng thời, Issey Miyake cũng là một “nhà cách mạng”  thời trang đích thực. Nếu như Kawakubo là tư duy mang âm hưởng avant-garde, Yamamoto là sự giao thoa giữa cái truyền thống và sự cấp tiến, Issey Miyake lại mang đến sức mạnh của công nghệ và kỹ thuật cho thời trang.

Từ những thiết kế xếp ly được sản xuất hoàn hảo tới mức luôn giữ được đường ly sau quá trình giặt ủi cho tới chiếc túi prism handbag nổi tiếng, được trang trí bởi họa tiết lăng kính với màu sắc dao động ấn tượng; có một điểm chung giữa những sáng tạo của Miyake đó là những thiết kế hoàn toàn thực dụng, tinh tế với mục đích nâng cao đến tối đa tính tiện dụng cho người dùng.

Xem thêm

12 thương hiệu thời trang nam tâm điểm của 2019

5 thương hiệu thời trang nổi danh đến từ Đức

Trích lược: Phương Linh (Tạp chí Phái mạnh ELLE Man, tham khảo: Ape to Gentleman, Highsnobiety)

No more