30 bộ phim điện ảnh xuất sắc nhất từ 1989 đến 2018

Bài ELLE Man

Hãy cùng ELLE Man điểm qua 30 bộ phim điện ảnh được đánh giá là xuất sắc nhất 3 thập kỷ qua theo danh sách của tạp chí Empire, đây chính là những bộ phim mang tính biểu tượng cho mỗi năm, xuyên suốt từ 1989 đến 2018.

Nhân dịp kỷ niệm 30 năm kể từ ngày phát hành (1989 – 2019), tạp chí Empire đã lên danh sách 30 bộ phim điện ảnh đỉnh nhất trong suốt 30 năm qua (tính đến năm 2018). Mỗi bộ phim được chọn ra sẽ đại diện cho một năm. Bộ phim nào gây bão ngay khi phát hành? Phim nào vẫn còn dư âm đến tận ngày hôm nay? Phim nào có những cảnh quay mãn nhãn nhất? Nhân vật mang tính biểu tượng cao nhất? Cuộc đối thoại kinh điển nhất? Hãy cùng ELLE Man đến với danh sách 30 phim điện ảnh hay nhất (1989 – 2018) của Empire.

1. Batman – Tim Burton (1989)

Mở đầu danh sách này là Batman. Được chuyển thể từ truyện tranh cùng tên, bộ phim được cầm trịch bởi đạo diễn Tim Burton. Batman đã mở ra cho các nhà làm phim về tiềm năng của việc chuyển thể truyện tranh lên trên màn ảnh rộng. Batman (Michael Keaton) và tên hề Joker (Jack Nicholson) trong bộ phim này đã trở thành hai trong số những nhân vật mang tính biểu tượng nhất của lịch sử điện ảnh.

2. Goodfellas – Martin Scorsese (1990)

Đây có thể nói là bộ phim về tội phạm hay nhất mọi thời đại chỉ sau The Godfather. Không đậm chất lãng mạn như Bố Già, Goodfellas phơi bày những thứ trần trụi nhất của các băng nhóm tội phạm có tổ chức. Với sự tham gia diễn xuất của Ray Liotta, Robert De Niro, Joe Pesci, Lorraine Bracco và nhiều diễn viên khác, bộ phim đã mang đến một cái nhìn hết sức chân thực về thế giới ngầm của những tay gangster lên trên màn ảnh rộng.

3. Terminator 2: Judgment Day – James Cameron (1991)

Sự trở lại của T-800, cỗ máy giết người đáng sợ, đã tạo nên một bộ phim bom tấn với nhiều hiệu ứng và kỹ xảo mà cho đến giờ vẫn còn nguyên giá trị. Những gì Kẻ huỷ diệt 2 tạo dựng nên vững chắc đến nỗi sau phần phim này, không một phim Terminator nào có thể lặp lại được những thành công mà Ngày phán xét mang lại.

4. Reservoir Dogs – Quentin Tarantino (1992)

Một bộ phim về trộm cướp nhưng lại chẳng có vụ cướp nào xảy ra trong suốt cả bộ phim. Đề cập đến văn hoá pop một cách hết sức độc đáo, Reservoir Dogs là một chuỗi những cảnh phim đầy bạo lực và sự đột phá về phong cách của dòng phim độc lập những năm 90. Đây là bộ phim đầu tay của đạo diễn Quentin Tarantino và cũng là mở đầu kỷ nguyên mới cho dòng phim hành động, khi cái tên “Quentin” được sử dụng như một tính từ để mô tả về thể loại phim.

5. Jurassic Park – Steven Spielberg (1993)

Đạo diễn Steven Spielberg, bậc thầy hình ảnh trong giới làm phim, đã mang những con khủng long bị tuyệt chủng vào trong Jurassic Park. Điều này cho thấy với công nghệ CGI, không có gì là không thể tái hiện trên màn ảnh rộng. Bộ phim là sự đột phá về công nghệ với những con khủng long vô cùng sống động trên màn ảnh.

6. The Shawshank Redemption – Frank Darabont (1994)

Bộ phim được Frank Darabont chuyển thể từ tiểu thuyết về nhà tù của Stephen King. Dù ở thời điểm hiện tại, The Shawshank Redemption là bộ phim được xếp vào hàng kinh điển nhưng khi ra mắt năm 1994, phim đã không thu hút được sự chú ý từ khán giả. Bộ phim là hành trình đầy cảm xúc của Andy Dufresne từ khi bị giam cầm nơi ngục tù cho đến lúc được trở về với tự do. Bằng bản lĩnh của mình, Andy vẫn luôn giữ vững sự lạc quan ngay cả trong những thời khắc tăm tối nhất. The Shawshank Redemption đã chiếm được cảm tình của đông đảo khán giả và trở thành tác phẩm có điểm số cao nhất được bình chọn trên IMDb.

7. Toy Story – John Lasseter (1995)

Là phim điện ảnh 3D CGI đầu tiên, Toy Story đã phá vỡ mọi quy chuẩn cũ để sáng tạo ra ngôn ngữ kể chuyện hoàn toàn mới lạ. Không chỉ mang yếu tố đột phá về công nghệ làm phim, thành công của Toy Story còn đến từ cặp đôi kỳ lạ Buzz và Woody với tình bạn bất diệt xuyên suốt bộ phim này.

8. Scream – Wes Craven (1996)

Sau New Nightmare, Wes Craven tiếp tục trở lại với một bộ phim kinh dị khác – Scream. Phim thuộc thể loại slasher và gây cảm giác khó chịu cho người xem theo phong cách của những bộ phim kinh dị cách đây nhiều thập kỷ.

9. Titanic – James Cameron (1997)

Những kẻ hoài nghi cho rằng bộ phim có thể sẽ không gây được chú ý, nhưng James Cameron đã khuấy đảo phòng vé với câu chuyện tình lãng mạn trong thảm hoạ khi cái chết đang cận kề. Với câu chuyện đầy cảm xúc, một thiên tình sử lãng mạn, quy mô hoành tráng với những cảnh quay đẹp mắt, Titanic đã trở thành bộ phim đình đám nhất ở thời điểm bấy giờ.

10. Blade – Stephen Norrington (1998)

Trước MCU, trước cả Spider-Man của Sam Raimi, khi X-Men còn chưa xuất hiện trên màn ảnh rộng, kỷ nguyên của phim điện ảnh Marvel đã được mở đầu bằng Blade. Wesley Snipes được chọn vào vai chính, một siêu anh hùng lai giữa người với ma cà rồng. Blade là bộ phim đặt nền móng cho dòng phim siêu anh hùng sau này của Marvel.

Blade:

11. The Matrix – The Wachowskis (1999)

Năm 1999, khi nền điện ảnh đang chuẩn bị chuyển giao sang một thiên niên kỷ mới, đạo diễn Wachowskis đã tiên phong đưa khán giả tiến vào thế giới Ma Trận kỳ ảo. Phim là tập hợp của nhiều thể loại, bao gồm triết học, giả tưởng và khoa học công nghệ cao, khác hẳn những gì người ta có thể hình dung về một bộ phim bom tấn ở thời điểm bấy giờ.

20

12. American Psycho – Mary Harron (2000)

Phim được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên thuộc thể loại slasher của nhà văn Bret Easton Ellis. Với những thước phim ghê rợn, những cuộc hội thoại sắc bén cùng màn trình diễn xuất sắc của Christian Bale trong vai sát thủ Patrick Bateman, American Psycho đã trở thành một trong số những bộ phim slasher xuất sắc nhất trên màn ảnh rộng.

13. Lord Of The Rings: The Fellowship Of The Ring – Peter Jackson (2001)

Trước bộ phim này, đã có những ý kiến cho rằng Peter Jackson có thể làm nên kiệt tác lớn trên màn ảnh rộng chứ không chỉ đơn thuần làm một bộ phim chuyển thể. Dựa trên tác phẩm của JRR Tolkien, The Fellowship Of The Ring là phần mở đầu cho triology của Chúa Nhẫn và cũng được cho là phim hay nhất trong ba phần. Nó mở ra một thế giới hoàn toàn mới với những phép thuật phù thuỷ và sự xuất hiện của đám yêu tinh. Có thể nói đây là một sự khởi đầu hoành tráng cho chuyến hành trình vào thế giới điện ảnh của series Chúa Nhẫn.

14. Spirited Away – Hayao Miyazaki (2002)

Bộ phim đã giúp Ghibli studio bước lên hàng mainstream đối với nền điện ảnh phương Tây, dù những nét văn hoá xuyên suốt bộ phim mang đậm phong cách Nhật Bản. Phim ghi điểm bởi những hình ảnh hoạt hoạ đẹp mắt, nhưng câu chuyện về chuyến hành trình tới vùng đất linh hồn và trái tim quả cảm của Chihiro mới là thứ kết nối khán giả với Spirited Away.

Top

15. Lost In Translation – Sofia Coppola (2003)

Lost In Translation là bộ phim lãng mạn về sự cô đơn. Diễn xuất của hai diễn viên chính là Bill Murray và Scarlett Johannson có thể khiến khán giả phải lòng với nhân vật của họ, ngay cả trong những phân đoạn khiến người xem cảm thấy hụt hẫng nhất. Phim mang đến những thứ cảm xúc đẹp đẽ đầy lãng mạn, như một thứ gia vị đặc trưng điển hình của dòng phim độc lập vào những thập niên 90.

16. Shaun Of The Dead – Edgar Wright (2004)

Được đánh giá là một trong những phim hay nhất về zombie, phim là tổng hợp của cả ba thể loại rom-zom-com (tình cảm, zombie, hài hước). Phim có sự góp mặt của nhiều diễn viên nổi tiếng, bao gồm bộ đôi lầy lội Simon Pegg và Nick Frost.

17. Brokeback Mountain – Ang Lee (2005)

Dù được ra mắt vào năm 2005 nhưng đây vẫn là tác phẩm điện ảnh mang tính đột phá cho đến tận bây giờ. Câu chuyện về LGBT được bộ phim kể lại bằng ngôn ngữ điện ảnh mang tính toàn cầu cùng sự diễn xuất tài tình của Heath Ledger và Jake Gyllenhaal. Phim đã giành giải Sư Tử Vàng tại Liên hoan phim Cannes và đề cử cho hạng mục phim hay nhất tại Oscar (tuy nhiên sau đó Crash mới là phim thắng giải và điều này đã làm dấy lên rất nhiều tranh cãi). Gần 15 năm sau, bộ phim này vẫn được coi như một di sản mà kế thừa di sản đó có thể kể đến những cái tên như Moonlight, Carol hay Call Me By Your Name…

18. Pan’s Labyrinth – Guillermo del Toro (2006)

Phim là câu chuyện cổ tích về một chuỗi những thứ tàn bạo, ám ảnh, tang thương, chiến tranh và chủ nghĩa phát xít. Đạo diễn del Toro là một nhà làm phim bậc thầy khi ông sử dụng lối kể chuyện mang màu sắc hư ảo để nhấn mạnh vào bi kịch của nhân vật trong phim.

19. No Country For Old Men – The Coen Brothers (2007)

Một bộ phim ảm đạm, đầy giết chóc bạo lực và vô cùng tàn ác. Anh em nhà Coen đã làm cho mọi thứ trở nên chân thực hơn bằng cách dành sự tập trung tối đa vào âm thanh trong phim và bỏ qua phần âm nhạc. Bối cảnh phim chỉ có sa mạc và những ngôi nhà tồi tàn gợi nên sự khắc nghiệt mang tính sống còn. Tạo hình mái tóc cùng vẻ ngoài của nhân vật Anton Chigurh (Javier Bardem) cũng gợi lên hình ảnh về một tên phản diện khát máu khiến khán giả ấn tượng ngay từ cái nhìn đầu tiên.

20. The Dark Knight – Christopher Nolan (2008)

Nếu Batman Begins là hành trình trở thành người dơi của Bruce Wayne thì The Dark Knight là câu chuyện đầy lôi cuốn về kẻ phản diện xứng tầm: Joker (Heath Ledger). Hắn là một kẻ theo chủ nghĩa vô chính phủ với đôi môi lúc nào cũng tô son đỏ lem luốc và luôn tìm cách đánh vào điểm yếu của Batman. Với tạo hình kỳ quái và lối xây dựng nhân vật tài tình, Joker có thể khiến cho bất kỳ ai đều phải dựng tóc gáy khi thưởng thức bộ phim này.

21. Avatar – James Cameron (2009)

Dù vấp phải khá nhiều ý kiến trái chiều nhưng không thể phủ nhận Avatar là một cú hit lớn ngay khi vừa ra mắt. Các nhà làm phim đã tạo ra hình ảnh tuyệt đẹp về hành tinh giả tưởng bằng công nghệ 3D. Phim nói về cuộc chiến của những cư dân Na’vi với ngành công nghiệp khai thác vô nhân đạo do con người đứng sau. Có thể nói Avatar là bộ phim đỉnh cao với kỹ xảo hiện đại và câu chuyện hấp dẫn, thoả mãn cả về nội dung lẫn phần nhìn. Vẫn còn nguyên vẹn sức hút sau một thập kỷ, đạo diễn James Cameron đã quyết định triển khai dự án Avatar phần 2.

22. Inception – Christopher Nolan (2010)

Sau The Dark Knight, Christopher Nolan đã trở lại với một bộ phim nguyên bản. Inception chịu khá nhiều ảnh hưởng từ phong cách hành động của James Bond và việc đi lại giữa thế giới thực và ảo như The Matrix. Với những giấc mơ đa tầng và xâm nhập tâm trí, Inception khá hack não và có thể khiến khán giả cảm thấy bối rối khi thưởng thức bộ phim.

23. Bridesmaids – Paul Feig (2011)

Những bộ phim hài hước “nặng đô” vốn dĩ từ lâu đã được mặc định chỉ dành cho phái mạnh, nhưng Bridesmaids đã thay đổi định kiến này. Ra mắt vào năm 2011, bộ phim có đủ những yếu tố như hài, tục và lầy lội nhưng câu chuyện đầy cảm xúc (và có phần kịch tính) về tình bạn giữa Annie và Lillian mới là điểm đắt giá nhất của Bridesmaids. Phim đạt doanh thu khủng tại phòng vé như một lời thách thức về “chủ quyền” của cánh mày râu trong thể loại phim hài.

24. Avengers Assemble – Joss Whedon (2012)

4 năm sau khi ra mắt Iron Man, Marvel Studios đã thực hiện đúng lời hứa trước đây của họ: tập hợp Iron Man, Captain America, Thor, Hulk, Black Widow và Hawkeye thành một nhóm siêu anh hùng bảo vệ trái đất. Với 6 nhân vật chính và 5 bộ phim riêng trước đó của mỗi nhân vật, dự án Avengers Assemble đáng lẽ không nên đưa vào thực hiện vì tính rủi ro của nó. Nhưng đạo diễn, nhà biên kịch Joss Whedon đã khéo léo đưa những siêu anh hùng trong truyện tranh lên màn ảnh rộng bằng những tình tiết vui nhộn mang tính giải trí cao. Avengers Assemble là bộ phim hấp dẫn với kịch bản tuyệt vời.

25. Gravity – Alfonso Cuarón (2013)

Gravity là sự khao khát của Alfonso Cuarón trong việc mở ra định nghĩa mới về thể loại khoa học viễn tưởng. Khán giả sẽ cảm thấy nghẹt thở với cuộc chiến sinh tồn của Ryan Stone (Sandra Bullock) trong suốt 91 phút phim. Bằng kỹ thuật quay phim đặc biệt, bộ phim mang lại cho người xem cảm giác vô cùng chân thực về môi trường không trọng lực ngoài không gian.

26. Birdman – Alejandro González Iñárritu (2014)

Sự hoá thân của Micheal Keaton vào vai Riggan Thomson, một diễn viên hết thời luôn ám ảnh bởi ánh hào quang trong quá khứ, khiến bộ phim trở nên tuyệt vời hơn. Ngôn ngữ kể chuyện bằng hình ảnh độc đáo với những cú long shot và kỹ thuật dựng phim tài tình khiến cho mọi thứ trở nên liền mạch một cách đáng kinh ngạc.

27. Mad Max: Fury Road – George Miller (2015)

Fury Road là tất cả những gì mà đạo diễn George Miller ấp ủ trong suốt 30 năm kể từ khi phần phim Beyond Thunderdome được ra mắt vào năm 1985. Phim gây ấn tượng mạnh mẽ cho người xem bằng những pha rượt đuổi và nhào lộn bằng xe hơi trên sa mạc đậm chất Mad Max. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của nữ chiến binh Furiosa càng khiến cho bộ phim trở nên tuyệt vời hơn nữa.

28. Moonlight – Barry Jenkins (2016)

Timeline trong phim được chia làm 3 giai đoạn: từ nhóc Little hiền lành nhỏ bé cho đến cậu bé tuổi teen Chiron nhạy cảm rồi cuối cùng là chàng thanh niên Black cô đơn. Moonlight là một bộ phim đẹp nhất, gần gũi nhất về đề tài sắc tộc và đồng tính trong nền điện ảnh Mỹ đương đại. Dù La La Land gây chú ý nhiều hơn tại Oscar 2017 nhưng cuối cùng, Moonlight đã vươn lên giành chiến thắng ở hạng mục phim hay nhất.

29. Get Out – Jordan Peele (2017)

Get Out là bộ phim đầu tay của diễn viên hài Jordan Peele trong vai trò đạo diễn. Sau bộ phim này, nhiều ý kiến cho rằng Peele có thể đạt đến tầm đẳng cấp bậc thầy trong dòng phim kinh dị. Bộ phim có tính giải trí và sự châm biếm hài hước nhưng ẩn sâu bên trong là những tầng lớp mang ý nghĩa sâu cay về vấn nạn phân biệt chủng tộc, ngay cả khi nước Mỹ đang ở thời kỳ tự do.

30. Black Panther – Ryan Coogler (2018)

Khác hẳn so với những bộ phim điện ảnh trước đây của Marvel, Black Panther là phim siêu anh hùng đầu tiên có thủ lĩnh là người da màu. Bộ phim là câu chuyện về siêu anh hùng da màu trị vì một quốc gia, đồng thời đề cập đến cả những vấn đề lịch sử, văn hoá, xã hội và những đất nước thuộc thế giới thứ ba. Câu chuyện về Black Panther và vương quốc Wakanda phần nào gợi nhắc cho khán giả về hành tinh Pandora trong Avatar. Sự xuất hiện của nhân vật phản diện Erik Killmonger (Michael B Jordan) với những pha hành động đặc trưng cũng khiến cho bộ phim trở nên hấp dẫn hơn.

Killmonger:

 

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Bài: Phúc Nguyễn – tham khảo: Empire

No more