Tương lai nào cho công nghệ streaming?

Bài ELLE Team

Nếu thế kỷ 20 là kỷ nguyên của điện ảnh thì thế kỷ 21 lại là bệ phóng cho công nghệ streaming. Chưa bao giờ, streaming nhận được sự quan tâm và dẫn đầu số lượng người dùng mạnh mẽ như hiện nay.

Thế nhưng, streaming rồi có bị hạ gục bởi một xu hướng truyền thông mới mẻ nào đó như cách nó đang hạ gục truyền hình truyền thống hay không? Tương lai nào cho công nghệ streaming vẫn còn là một câu hỏi khó đoán.

Những thuận lợi cho công nghệ streaming

1. Sự đa dạng toàn diện

Sự đa dạng này nằm ở cả nội dung và chi phí. Nếu như trước đây, các nội dung trực tiếp thường được các nhãn hàng liên hệ với phía nhà đài thực hiện với những quy định về nội dung có phần nghiêm ngặt thì giờ đây công nghệ streaming dường như cho họ làm chủ cuộc chơi của mình. Người dùng có thể chủ động lựa chọn thời gian, địa điểm và chạy nội dung chương trình theo đúng kịch bản của họ mà không bị can thiệp bởi bất kỳ bên thứ ba nào.

công nghệ streaming

Chi phí thực hiện chương trình trực tiếp của các nhà đài lúc nào cũng cao ngất ngưởng. Thay vào đó, cùng là tường thuật trực tiếp, công nghệ streaming gần như tối ưu hoá chi phí cho người sử dụng.

Với ưu điểm này, truyền hình trực tiếp dường như đã không còn giữ thế độc quyền trong thị trường số hiện nay.

2. Giải quyết được những lỗ hổng thời gian

Nếu như truyền hình truyền thống thường xuyên làm gián đoạn quá trình xem TV của bạn bằng những đoạn quảng cáo ngoài mong muốn mà bạn không thể chủ động tắt chúng thì những streaming video lại giải quyết rất tốt trong việc hạn chế tối đa việc xuất hiện những lỗ hổng thời gian do quảng cáo gây ra.

Streaming cũng giúp bạn tiếp cận được thông tin gần như nhanh nhất và nguyên vẹn nhất vì bởi tất cả đều được truyền trực tiếp từ hiện trường mà không phải thông qua một khâu biên tập nào.

công nghệ streaming

3. Thị trường mở

Khi việc sử dụng mạng xã hội gần như là thói quen mỗi ngày của chúng ta thì thị trường không còn là vấn đề đối với ngành công nghệ streaming nữa. Người dùng mạng xã hội hiện nay cũng có xu hướng bị hấp dẫn bởi nội dung dưới hình thức video nhiều hơn là những dòng status kể lể lê thê. Điều này dường như mở ra một cơ hội rất lớn cho dịch vụ streaming.

cong nghe streaming - ELLE Man 1
Số liệu thống kê cho thấy tốc độ tăng trưởng của gành công nghệ streaming là vô cùng lớn trong thế kỷ 21.
Ảnh: Superdata Twitch

Người dùng đang dần chuyển từ xem truyền hình trên TV sang hình thức truyền hình trực tuyến. Điều này là một điểm cộng để công nghệ streaming giành nhiều lợi thế trên đường đua trong ngành này. Theo ước tính của công ty công nghệ Cisco, năm 2019, video sẽ chiếm đến 80% tổng lưu lượng trên video. Điều này như một thông báo không chính thức rằng những streaming video sẽ là nội dung được phủ sóng rộng nhất trong thời gian sắp đến.

Những thử thách nào cho công nghệ streaming?

1. Nội dung là yếu tố quyết định

Khi mạng xã hội trở thành nơi cập nhật tất cả những thông tin và xu hướng của thế giới, thời gian con người tiếp nhận đối với mỗi thông tin dường như bị thu hẹp. Chính vì vậy, những dạng video với nội dung gọn nhẹ, “ăn liền” thường dễ tiếp cận với người dùng hơn. Hơn nữa, việc giữ chân người dùng xem hết video của bạn còn phụ thuộc vào việc bạn dùng nội dung nào để thuyết phục họ. Quy tắc gây ấn tượng trong 7 giây đầu tiên (quy tắc thường được sử dụng trong lĩnh vực điện ảnh) sẽ là thử thách dành cho tất cả những người làm nội dung trên nền tảng công nghệ streaming.

cong nghe streaming - ELLE Man 3-01

Sự cạnh tranh trở nên khốc liệt hơn

Netflix được xem là một trong những ông lớn tiên phong trong việc mang công nghệ streaming bước chân vào cuộc chiến truyền hình của thế kỷ 21 khi công ty này đã hạ bệ nhanh gọn hãng cho thuê video tên tuổi là Blockbuster. Sau sự thành công của Netflix, Disney – tập đoàn giải trí và truyền thông đa phương tiện lớn nhất thế giới đã chính thức lên tiếng về việc họ cũng sẽ tham gia cuộc chiến mang tên công nghệ streaming này.

Disney này cho biết dịch vụ streaming của hãng được dự kiến ra mắt vào cuối năm 2019 với mức giá dịch vụ rẻ hơn so với của Netflix hiện tại. Tuy nhiên, giám đốc của Disney cũng cho biết, việc họ tham gia vào loại hình streaming không có nghĩa là họ muốn trở thành đối thủ của Netflix.

Cuộc chiến streaming ngày càng nhiều thử thách hơn khi không chỉ các hãng truyền hình mà thậm chí các nền tảng xã hội cũng để mắt đến cuộc đua này. Periscope, Bigo Live, V-Live, Snapchat, Twitter hay cả Facebook đều là những trang mạng xã hội đình đám đã bắt đầu cuộc đua trong ngành dịch vụ giải trí hàng đầu nhân loại hiện nay.

cong nghe streaming - ELLE Man 2
Sự cạnh tranh khốc liệt diễn ra không chỉ giữa các nhà đài, các mạng xã hội mà còn trên mỗi cá nhân streamer.
Ảnh: Make A Website Hub

Sự cạnh tranh còn nằm trên chính mỗi cá nhân streamer. Khi dịch vụ giải trí này trở thành một trong những hình thức kiếm tiền hấp dẫn nhất, số lượng streamer tăng nhanh không còn là điều khó đoán. Việc giữ chân được những khán giả trung thành dường như quay trở lại bài toán nội dung. Điều này đòi hỏi các streamer phải giữ cho mình một năng lượng tích cực mỗi khi streaming. Ngoài ra, sự mới lạ đầy cảm hứng được thay đổi liên tục trong từng nội dung là điều bắt buộc nếu họ muốn giữ chân khán giả của mình.

Với những khác biệt rõ ràng giữa hình thức truyền hình mới và cũ, bạn có nghĩ rằng, ngày tàn của của hình thức truyền hình truyền thống đã đến rất gần?

Bài viết: HÂN (Theo tạp chí Phái mạnh ELLE Man)

No more