Ý nghĩa logo thương hiệu – Phần 22 : Champion

Bài ELLE Team

Tròn một thế kỷ, thương hiệu Champion vẫn giữ vững được chỗ đứng của mình suốt chiều dài phát triển của ngành thời trang khốc liệt. Vậy câu chuyện đằng sau của thương hiệu này là gì? Hãy cùng ELLE Man tìm hiểu lịch sử hình thành cũng như là ý nghĩa logo thương hiệu Champion nhé

Bạn có bao giờ nhìn vào trong gương rồi chợt giật mình, thấy hình ảnh những trang phục bạn đang khoác trên người của hiện tại chính là hình ảnh của bố mẹ bạn thời trước? Những chiếc quần ống loe, chiếc áo ánh kim, giày chunky … dường như chỉ là xu hướng của những năm 70 – 80. Nhưng thật hay làm sao, chúng đã trở lại và làm khuynh đảo thế giới thời trang.

mẫu nam mặc áo có logo thương hiệu champion
Ảnh: The Lifestyle

Người ta vẫn nói: “thời trang là xoay vòng luân chuyển”. Bất kỳ món đồ thời trang nào cũng mang trong nó câu chuyện cần được kể. Vì thế những xu hướng “lội ngược dòng” như một tấm vé vàng giúp những kẻ mộ đạo thời trang như chúng ta có cơ hội lại một lần nữa được sống lại, được bắt kịp kho tàng thời trang đồ sộ của quá khứ vàng son.

Và bạn có biết trong đó có một “kẻ” luôn âm thầm, bền vững đi suốt chiều dài lịch sử thời trang qua tròn 1 thế kỷ, mang trong mình những câu chuyện cần được kể làm thay đổi cả thế giới thời trang. Vì thế ngày hôm nay, ELLE Man chúng tôi xin mạn phép được kể đến bạn câu chuyện về thương hiệu Champion cũng như là lịch sử hình thành và ý nghĩa logo của thương hiệu này.

Lịch sử hình thành

1919 – 1930

Vào năm 1919, anh em nhà Feinbloom thành lập công ty KKC (Knickerbocker Knitting Company).  Sự hợp tác và khởi nguồn kinh doanh của Champion bắt đầu từ cái bắt tay với trường đại học Michigan.

logo thương hiệu Champion vào đầu những năm thành lập
Anh em nhà Feinbloom vào những ngày đầu năm 1920 (Ảnh: Champion)

Champion sớm ký kết một thỏa thuận với Wolverines Michigan để sản xuất đồng phục cho đội của họ. Chẳng mấy chốc danh tiếng của Champion ngày một lan xa đến khắp các trường đại học cũng như cao đẳng khác trên khắp lãnh thổ Hoa Kỳ.

1930 – 1940

Vào những năm 1930, công ty được đổi tên thành Champion Knitting Mills Inc. chuyên sản xuất áo sweatshirt, áo phông và vớ thể thao. Thương hiệu bùng nổ trở thành lựa chọn hàng đầu cho các sinh viên đại học và cao đẳng thời bấy giờ.

logo thương hiệu champion xuất hiện trên báo và đồ thi đấu thể thao
Thương hiệu Champion phủ sóng rộng rãi trên khắp đồng phục của thể thao trường học và xuất hiện trên báo vào những năm 1920 (Ảnh: Champion)

Trong khoảng thời gian này, thương hiệu thể thao này đã tạo ra những chiếc áo Reverse Weave Sweatshirt nổi tiếng đến tận ngày nay. Như một phiên bản đầu của chiếc áo hoodie, Champion đã sản xuất phần đệm lót bằng len bên trong những sản phẩm để bảo vệ người lao động trong điều kiện nhiệt độ lạnh giá. Cũng chính Champion là thương hiệu đã sáng tạo ra những chiếc sportbra dành cho phụ nữ.

logo thương hiệu champion và sản phẩm áo sweater đầu tiên
Những chiếc áo đầu tiên của Sweatshirt Reverse Wave (Ảnh: Champion)

Theo thời gian, danh tiếng về chức năng và độ bền của thương hiệu ngày một tăng lên. Vì thế ngay sau đó các sản phẩm của Champion đã được Học viện Quân sự Hoa Kỳ thông qua để sử dụng trong các cuộc tập luyện và các lớp học thể dục thể thao.

“Champion không làm ra những sản phẩm đồ thể thao cho vận động viên Mỹ. Chúng tôi đã sáng tạo ra chúng” – Thương hiệu Champion

1950 – 1990

Sự thiết kế lại logo thương hiệu diễn ra trong những năm 40 – 50 và xuất hiện đầu tiên trên ống tay trai của những chiếc áo sweatshirt.

logo thương hiệu champion độc quyền trên cổ tay áo
Logo thương hiệu và vị trí trên ống tay áo đã trở thành dấu ấn riêng biệt cho Champion thời điểm lúc bấy giờ (Ảnh: Champion)

Trong giữa những năm 1970, Champion tiếp tục cho ta thấy những bước đi thời đại của mình trong lĩnh vực thời trang thể thao. Thương hiệu chính là công ty đầu tiên sản xuất áo thun 2 mặt (reverse t-shirt). Thương hiệu thể thao này cũng chính là nơi phát triển và sản xuất chất liệu vải nylon thoáng khi vào năm 67. Chất liệu này đã trở thành loại vải chủ yếu sản xuất cho đồng phục bóng rổ trên toàn cầu.

logo thương hiệu champion cùng đội tuyển bóng đá nba
Thương hiệu Champion trở thành một phần của văn hoá bóng rổ nước Mỹ (Ảnh: Champion)

1990 – 2010

Champion đã sản xuất đồng phục cho tất cả các đội NBA từ những năm 1990, và một số đội NFL trong những năm 1980 và 1990. Logo thương hiệu cũng đã xuất hiện tràn ngập khắp các giải thể thao lớn – nhỏ trong các trường học trên khắp nước Mỹ. Cũng trong giai đoạn này, Champion cũng là nhà sản xuất đồng phục cho các đội bóng rổ thi đấu tại Thế vận hội mùa Hè 1992 .

logo thương hiệu champion cùng đội tuyển bóng đá nba
Champion trở thành đối tác chính với NFL, 1970 (Ảnh: Champion)

 2010 – Hiện tại

Sau khi hợp tác cùng “ông lớn” trong làng thời trang đường phố Supreme vào năm 2010, logo thương hiệu Champion lại một lần nữa bùng nổ trên toàn cầu. Sau đó là hàng loạt cái bắt tay cùng các thương hiệu đình đám khác như Off-White, Bape và Vetements, Kith… “nhà vô địch” đã ngầm tuyên bố về sự trở lại trên sân chơi thời trang khốc liệt.

logo thương hiệu champion trên các sản phẩm độc quyền
Ảnh: Champion

Như một minh chứng cho di sản bất diệt của mình, vào năm 2017 chiếc áo hoodie Reverse Weave đã được trưng bày tại triển lãm “Items: Is Fashion Modern?” thuộc Viện Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại (MoMA), New York. Triển lãm là một câu chuyện kể về các trang phục và phụ kiện đã ảnh hưởng lớn đến một phần văn hoá đương đại của chúng ta tại thời điểm hiện tại. Và đến năm 2018, chiếc áo hoodie này đã trở thành một phần của bộ sưu tập vĩnh cửu.

Trien-lam-Items-IsFashion-Modern-cua-MoMA-của logo- thương hiệu Champion
Chiếc áo hoodie của thương hiệu Champion đã được trưng bày tại triển lãm của MOMA

Vào năm ngoái 2018, chúng ta cũng thấy được sự phục hưng đỉnh điểm của xu hướng thời trang cổ điển. Vì thế sau gần 100 năm thành lập, thương hiệu Champion lại một lần nữa chiếm xu thế và trở thành sự lựa chọn cho tất cả mọi tầng lớp cũng như là giới tính.

Logo thương hiệu Champion

logo thương hiệu champion
Logo thương hiệu Champion (Ảnh: Champion)

Logo thương hiệu đầu tiên của Champion là hình một vật động viên đang chạy, như một đại diện cho một tinh thần thể thao mà thương hiệu muốn hướng tới. Và sau đó là sự ra đời của logo thương hiệu Champion nổi tiếng vào những năm 40 và 50. Ban đầu logo của Champion được tạo thành bởi kiểu chữ không chân (sans serif) đơn giản. Nhưng sau đó được cách điệu và cải tiến thành logo hiện tại.

logo thương hiệu đầu tiên của champion
Logo đầu tiên của thương hiệu Champion

Phông chữ của logo thương hiệu Champion gợi nhắc cho chúng ta đến những kiểu phông của hiện tại như Monoment, nhưng thật ra kiểu chữ này lại là kết quả của tác phẩm nghệ thuật tuỳ chỉnh cho phù hợp với tinh thần của thương hiệu. Palette màu chính của logo thương hiệu tạo thành từ 3 màu: xanh thẫm, đỏ thẫm và màu trắng.

logo thương hiệu champion trên các catqloque
Logo thương hiệu Champion thay đổi theo năm tháng (Ảnh: Champion)

Tuy nhiên, mặc dù vào đầu những năm 50 các kí tự “C” đều sở hữu dấu gạch ngang bên trong nhưng sau đó vào thời gian từ 1953 – 1954, dấu gạch này đã bị xoá đi. Có thể nói trong những thập kỷ đầu tồn tại, logo thương hiệu Champion đã không giữ được vị thế của mình. Nhưng không lâu sau và đến sau gần một thế kỷ, logo Champion với ký hiệu C đã biệt đã góp phần tạo nên danh tiếng cũng như là dấu hiệu nhận viết đặc biệt của thương hiệu lâu đời này.

Cũng chẳng mất bao lâu sau đó, logo thương hiệu Champion lại chiếm xu thế trên thị trường thời trang thể thao và trở thành sự lựa chọn hàng đầu cho tất cả mọi độ tuổi, giới tính cũng như tầng lớp. Từ một đứa trẻ chơi ván trượt ngoài công viên, cho đến những ca sĩ nổi tiếng chọn logo thương hiệu Champion xuất hiện trên bộ phối của mình hay là ông bà của bạn cũng vẫn có thể chọn cho mình những sản phẩm đến từ thương hiệu này.

tupac mặc áo mặc áo có logo thương hiệu champion
Đương thời chiếc áo Champion cũng là trang phục yêu thích của huyền thoại nhạc Rap Tupac

Trong những năm qua, khi xu hướng retro “lội ngược dòng” trở lại và bùng nổ thì thương hiệu lại càng được nhắc tên cũng như là những di sản mà Champion đã đạt được. Dù thương hiệu lâu đời này chả chiêu trò, chả màu mè cố gắng để tạo sóng thâu tóm làng thời trang thế giới nhưng lại từ từ gặm nhấm những tâm hồn đang tìm kiếm sự giản dị, cổ điển. Chỉ với phụ kiện và trang phục thể thao cổ điển nhưng thử hỏi trong sự xoay vần của làn sóng thời trang thì những chiếc áo hoodie, những phụ kiện căn bản thì sẽ bao giờ mới lỗi mốt?

Cũng như châm ngôn về sự kết nối và tinh thần “fairplay” trong thể thao mà nhà mốt muốn hướng đến ngay từ ban đầu: khi chúng ta cùng khoác trên mình những món đồ đơn giản tinh tế của thời trang được minh chứng bởi thời gian thì sẽ không có rào cản nào có thể ngăn chúng ta lại nữa. Bởi khi lúc ấy mỗi chúng ta sẽ là “champion”, là nhà vô địch của chính bản thân mình.

logo thương hiệu champion x END.
Champion kết hợp cùng END. trong bộ sưu tập “Undivided” (Ảnh: END.)

Suốt lịch sử kéo dài 100 năm, đã có lúc thăng trầm nhưng thương hiệu Champion dường như chưa bao giờ rời bỏ vị thế của mình. Thương hiệu tiếp tục mãi là cái tên xứng tầm trong suốt chiều dài lịch sử của sân chơi thời trang khốc liệt. Vững chãi, chắc chắn, không phô trương, Champion từng bước khẳng định rằng: Sẽ có nhiều thương hiệu, sẽ có nhiều kẻ cạnh tranh, nhưng “Nhà vô địch” sẽ chỉ có một mà thôi.

Xem thêm:

Ý nghĩa logo thương hiệu – Phần 21: A-COLD-WALL*

Ý nghĩa logo thương hiệu – Phần 20: Louis Vuitton

Tổng hợp: Katelyn (Tạp chí Phái mạnh ELLE Man. Kham khảo: GoodHood, Urban Industry, Complex)

No more