Từ các cô nàng IT Girl hay những fashion icon nổi tiếng như Gigi Hadid, Pharrell William, Zayn Malik, Zac Efron… đều yêu thích xu hướng thời trang này. Vậy lý do gì mà chúng đã quay trở lại với thị trường thời trang? Mời bạn đọc cùng ELLE Man tìm hiểu về xu hướng thời trang Distressed này và liệu nam giới chúng ta có nên lựa chọn chúng vào tủ quần áo của mình không nhé.
Distressed – Nghệ thuật “làm cũ” quần áo
Thời trang Distressed có nhiều tên gọi khác nhau và cách distress quần áo hay còn gọi là “phong hóa” sẽ khiến chúng trông có tuổi. Người ta sử dụng phương pháp Distress để làm cũ quần áo một cách có chủ ý, kết quả mang lại thường mang lại cho các phụ kiện thời trang một vẻ ngoài bụi bặm, phong trần để tạo nên một phog cách thời trang thời thượng và đầy cá tính.
Nghệ thuật làm quần áo “lão hóa” này dường như chúng đồng nghĩa với những xu hướng thời trang Punk DIY. Nói về Punk, các tín đồ có thể dễ dàng hình dung về triều đại khổng lồ của xu hướng này cùng với những ntk lão làng như Vivienne Westwood, đã cho ra đời hàng loạt những trang phục Distressed xuất hiện trên những sàn diễn thời trang trong những năm 70 – 80.
Và trong khoảng thời gian đó, những thương hiệu thời trang tầm cỡ ngày nay như Comme des Garçons hay Rei Kawakubo cũng đã trưng dụng nghệ thuật này với nhiều phương pháp làm cũ như sử dụng chất liệu bông cotton nhạt màu, nướng vải lụa bằng ánh mặt trời hay luộc vải len… để cho ra đời những thành phẩm Distressed đầy nghệ thuật.
Xu hướng thời trang này thường được áp dụng nhiều trên quần áo denim, áo khoác và gần đây nhất là cả sự phổ biến của những chiếc áo thun, sweater rách rưới.
Vì sao giới trẻ trên thế giới yêu thích xu hướng thời trang này?
Không chỉ là dòng thời trang thời thượng của phái nữ mà kể cả các đấng mày râu cũng yêu thích chúng. Thời trang distress tuy nhìn có vẻ “te tua” nhưng chúng lại dễ dàng thu hút được ánh nhìn từ những người xung quanh. Ngoài ra, không có gì tốt hơn để thể hiện sự nổi loạn, phong trần và một vẻ ngoài “bất cần đời” tốt hơn phong cách Distressed. Phải chăng đó chính là lý do mà xu hướng thời trang này được ưa chuộng bởi nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trên thế giới và giới trẻ hiện nay vốn yêu thích khẳng định cái tôi và ít quan tâm đến những phán xét, chuẩn mực xã hội ở những nơi công cộng?
Yêu thích xu hướng Distressed, nam giới nên bắt đầu từ đâu?
Bởi làn sóng thịnh hành của xu hướng này trong thị trường thời trang hiện nay, nam giới dễ dàng tìm thấy một vài sản phẩm mang hơi hướng Distressed trong những cửa hàng thời trang đường phố. Nếu là một newbie đối với “sân chơi” này, các đấng mày râu có thể bắt đầu với cách phối đồ theo tỉ lệ 50/50: nửa Distressed, nửa “lành lặn”. Bạn nên chọn những phụ kiện distressed cơ bản dễ phối, không quá kén người trong tủ quần áo của mình như jeans hay áo khoác Distressed, chúng sẽ là những phụ kiện mang đến cho trang phục của bạn nét bụi bặm, cá tính ngay tức thì.
Ngoài ra, Distressed không chỉ dừng lại ở quần jeans, áo khoác mà còn là những chiếc áo thun, áo sơ mi, hoodie, sweater… mà bạn có thể phối chúng theo cách riêng của mình. Với một lời khuyên duy nhất, không nên quá lạm dụng chúng.
Xu hướng thời trang Distressed, nên hay không nên?
Như đã được đề cập, Distressed được xem là một trong những xu hướng thời thượng hiện nay và chúng có thể dễ dàng truyền tải cá tính của người mặc thông qua hình ảnh mà chúng mang đến. Nếu nam giới là một trong những tín đồ yêu thích thời trang thì không nên bỏ qua phong cách này vì chúng mang những yếu tố cool ngầu để thể hiện cá tính của mình. Tuy nhiên, sẽ có một số lưu ý mà ta nên cân nhắc lại về phong cách thời trang Distressed.
Dễ gây phản cảm
Chính bởi nguồn năng lượng táo bạo, “bất cần đời” mà chúng mang đến thường dễ gây ra hiệu ứng “mất thiện cảm” đối với những người xung quanh. Cũng như những xu hướng khác, distress nên được áp dụng vào đúng nơi, đúng thời điểm.
Giá khá “chát”
Đừng lầm tưởng những món hàng thời trang trông cũ kỹ, rách nát mà bạn nghĩ chúng có giá khá bèo. Có thể khó tin nhưng những bộ quần áo Distressed đầy nghệ thuật thường là một trong những thiết kế đắt nhất của cửa hàng.
Có nhiều nguyên nhân khiến các sản phẩm distress thường sẽ có giá đắt hơn so với những sản phẩm “lành lặn” thông thường. Mỗi phụ kiện sẽ được “làm cũ” bằng chính tay của những nhà thiết kế và áp dụng những máy móc công nghệ tốn kém, chúng còn đòi hỏi những khâu làm riêng bằng tay… Ngoài ra còn có một số lý do khác như giá trị thương hiệu hoặc chỉ là một hình thức PR tai tiếng.
Ô nhiễm môi trường
Ngoài ra, cách thức làm ra những sản phẩm Distressed có thể gây ô nhiễm môi trường hơn. Lấy ví dụ một chiếc quần jeans, để làm ra một chiếc quần jeans cần khoảng 10,900 lít nước: tầm 6,800 lít để tưới trồng cây bông và phần còn lại để dệt và nhuộm vải (một quy trình đòi hỏi nhiều lần lặp lại của thuốc nhuộm tổng hợp).
Điển hình như Xintang, một thị trấn thuộc Trung Quốc được cho là “thủ đô” denim của thế giới, sản xuất khoảng 300 triệu chiếc quần áo denim mỗi năm. Các con sông ở đây đều nhuộm màu xanh lam từ thuốc nhuộm và chúng ô nhiễm dữ dội đến mức người dân nơi đây buộc phải di dời sang nơi khác để sống. Đối với quần jean Distress, ngoài khâu sản xuất thông thường chúng còn phải trải qua thêm những khâu nhuộm màu, tẩy trắng, đốt… cho việc tạo hình theo phong cách Distress.
Ranh giới giữa thời thượng và lố bịch trong phong cách thời trang Distressed khá mong manh. Để áp dụng chúng thành thạo, nam giới nên tìm hiểu về văn hoá thời trang Distress cũng như có sự tinh tế trong việc phối đồ để tránh việc lạm dụng hay ăn diện “chưa tới”. Ngoài ra, để không phải chi số tiền “ngớ ngẩn” cho một thương hiệu khi hay hạn chế những ảnh hưởng gây ra cho môi trường trong quá trình sản xuất, bạn có thể tham khảo một số phương pháp DIY cho quần áo để biến chúng thành những sản phẩm Distressed mang tính cá nhân độc đáo.
Xem thêm:
Thời trang cao cấp đang “lung lay” trước thị trường Trung Quốc
Học hỏi phong cách thời trang phóng khoáng của quý ông nước Ý
—
Bài: Hãn Hào (Tạp chí Phái mạnh ELLE Man. Hình: Tổng hợp. Tham khảo: The Guardian, Racked)