Tin tức 28/11/2018

Thời trang cao cấp đang “lung lay” trước tình hình kinh tế Trung Quốc trong tương lai

Bài ELLE Man

Mặc dù doanh thu của các thương hiệu thời trang cao cấp vẫn đang đạt con số tích cực trong những tháng qua nhưng theo các chuyên gia dự đoán thì độ tiêu thụ trong tương lai sẽ có thể giảm mạnh do nhiều nguyên nhân bắt nguồn từ thị trường Trung Quốc. Liệu các thương hiệu thời trang đã có những động thái gì đối với tình hình kinh tế của Trung Quốc trong tương lai.

Hẳn ai cũng biết rằng, Trung Quốc đang là thị trường quan trọng của hầu hết những tên tuổi lớn trong lĩnh vực kinh doanh, công nghệ và thời trang. Kể từ khi người tiêu dùng Trung Quốc chiếm khoảng 32% tổng doanh số bán hàng của các thương hiệu thời trang cao cấp trên toàn thế giới, việc thị trường tiêu thụ của Trung Quốc đang có những biểu hiện xấu do hệ lụy của nền kinh tế đi xuống bởi chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ khiến các thương hiệu thật sự “sốt vó”.

Thời trang cao cấp đang lung lay trước thị trường Trung Quốc
(Hình: Istock)

Vào năm 2015, giá của những mặt hàng xa xỉ tại Trung Quốc từng cao hơn tại khu vực châu Âu đến 70 – 80% khiến cho người tiêu dùng Trung Quốc e dè trong việc mua sắm hàng cao cấp ngay trong nước. Điều này đã dẫn đến tình trạng nhiều thương hiệu thời trang cao cấp nổi tiếng như Burberry, Saint Laurent, và Celine phải giảm số lượng cửa hàng hoạt động tại Trung Quốc. Nền kinh tế tại Trung Quốc giờ đây lại đang phải đối mặt với sự trượt dốc nghiêm trọng bởi chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ, dẫn đến giá tiền tệ của giữa NDT và Đô La có sự chênh lệch khá cao, đồng nghĩa với sự chi tiêu vào những mặt hàng xa xỉ sẽ bị giảm đi đáng kể.

Để đối mặt với mức thuế khá cao dành cho những mặt hàng thời trang cao cấp trong nước, thị trường Trung Quốc đã từng phát sinh ra một loại dịch vụ với tên gọi là “daigou”. Daigou là tên gọi của những người “mua hàng thuê xách tay” tại nước ngoài về cho những khách hàng ở Trung Quốc. Sản phẩm được mang về từ những daigou tuy có giá cao hơn so với thị trường quốc tế, nhưng đối với thị trường trong nước thì cả daigou và người mua đều có lợi. Do đó, loại hình thức mua sắm này trở nên phổ biến và tạo ra một Grey market (tạm dịch là “chợ xám”) khá nhộn nhịp. Thị trường này đã giúp không ít cho những thương hiệu thời trang cao cấp tăng doanh thu đáng kể từ những khách du lịch Trung Quốc ở nước ngoài, đặc biệt là ở thủ đô thời trang – Paris, nơi có thể tìm thấy cảnh dàn người châu Á xếp hàng chờ lượt mua những chiếc túi xách Louis Vuitton.

Thời trang cao cấp đang lung lay trước thị trường Trung Quốc
(Hình: Picswe)

Tuy nhiên trong tầm tháng 10/2018 vừa qua, các phương tiện truyền thông xã hội báo cáo rằng nhiều sân bay tại Trung Quốc đã khám xét và tịch thu vali của những khách du lịch từ Paris, London hay Tokyo trở về. Trong đó có đầy đủ các mặt hàng từ các tập đoàn thời trang cao cấp như Kering và LVMH. Sau những đoạn clip được đăng trên mạng xã hội, cổ phiếu của những thương hiệu thời trang này bắt đầu giảm xuống và thêm vào đó là một cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ được chia sẻ rộng rãi trên phương tiện truyền thông xã hội. Việc giám sát chặt chẽ hơn đã làm tăng thêm lo ngại về sự suy giảm chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc, những người chiếm 2/3 mức tăng trưởng của thị trường cao cấp.

Thời trang cao cấp đang lung lay trước thị trường Trung Quốc
(Hình: Yuriko Nakao/ Bloomberg)

Động thái của các thương hiệu thời trang cao cấp

Mặc dù doanh thu của các thương hiệu thời trang cao cấp vẫn đang đạt con số tích cực trong những tháng qua nhưng theo các chuyên gia dự đoán thì độ tiêu thụ trong tương lai sẽ có thể giảm mạnh do những vấn đề trên. Chính phủ Trung Quốc gần đây đã giảm thuế nhập khẩu nhưng vẫn chưa hiệu quả, chứng tỏ từ việc thị trường tiêu dùng tại Trung Quốc ngày càng giảm mạnh. Độ tiêu dùng Trung Quốc chiếm 32% tổng doanh số các mặt hàng xa xỉ trên toàn thế giới, do đó đây sẽ là một vấn đề chung cho các thương hiệu thời trang cao cấp.

Thời trang cao cấp đang lung lay trước thị trường Trung Quốc
(Hình: Alamy)

Luca Solca, người đứng đầu quản lý những mặt hàng xa xỉ của công ty BNP Exane Paribas chia sẻ những nhận xét về tập đoàn thời trang cao cấp Kering: “Trong những tuần vừa qua, Kering đã phải đau đầu trước tình trạng suy giảm mức tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc”. Không chỉ riêng cổ phiếu của Kering đã giảm vào đầu tháng này, cổ phiếu của các công ty thời trang cao cấp châu Âu bao gồm LVMH – đối thủ của Kering, cũng bị tình trạng tương tự.

Thời trang cao cấp đang lung lay trước thị trường Trung Quốc
(Hình: Dominik Osswald)

Tuy nhiên phản ánh lại sự việc này, tập đoàn Kering đã có kế hoạch mua lại 1% vốn cổ phần trong vòng 12 tháng. Điều này có nghĩa một công ty như Kering có thể tái lấy lại một phần quyền sở hữu của nó trước đây đã được phân phối giữa các nhà đầu tư và tư nhân. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc mua lại cổ phiếu, chẳng hạn như để bình ổn giá cổ phiếu. Nhưng trong trường hợp của tập đoàn Kering, động thái cho thấy rằng công ty đang có vẻ tự tin về hiệu suất của doanh nghiệp trong tương lai và tin rằng cổ phiếu của họ đang bị định giá thấp.

Thời trang cao cấp đang lung lay trước thị trường Trung Quốc
Burberry và Ralph Lauren cũng là một số thương hiệu cao cấp đã công bố mua lại cổ phần hồi đầu năm nay (Hình: Timothy Coghlan)

Có thể tập đoàn Kering cho rằng doanh nghiệp của họ đang bị định giá thấp do tâm lý lo sợ, e dè của các nhà đầu tư trước tình hình hoạt động của công ty đối với thị trường Trung Quốc. Điển hình như cổ phiếu của Kering từng đạt mức cao kỷ lục khoảng 522 euro vào tháng 6/2018 nhưng lại giảm trong ba tháng 8-9-10/2018 vì nguyên nhân lo ngại cơn sốt tiêu dùng của thương hiệu thời trang Gucci đang có dấu hiệu “nguội” dần. Tuy nhiên, cổ phiếu này đã bất ngờ tăng trở lại vào cuối tháng 10 với báo cáo mức tăng doanh thu quý 3 tốt hơn dự kiến. Dù trước đó các nhà phân tích của Inquiry Financial dự đoán mức độ tăng trưởng của Kering sẽ giảm đến 31,5%, doanh số của Gucci lại tỏ ra mạnh mẽ hơn dự kiến.

Bước đi kế tiếp trong tương lai?

Việc mua lại cổ phần lần này của tập đoàn Kering cũng được cho rằng khi “ngồi trên đống tiền mặt lớn” như thế này, công ty chắc hẳn đang có dự tính làm điều gì đó và thời gian lý tưởng thường là sau khi giảm giá cổ phiếu.

Chủ tịch và giám đốc điều hành Gucci – Marco Bizzarri đã thừa nhận những thách thức này tại Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc tại Thượng Hải trong tháng này: “Tôi sẽ kiểm soát những gì tôi có thể kiểm soát”. Ông chia sẻ cụ thể: “Biến động tiền tệ, đánh thuế daigou… Đó là những điều mà chúng tôi không thể kiểm soát, vì vậy với tư cách là một CEO tôi cần phải kiểm soát những gì tôi có thể. Tôi hy vọng các khách hàng Trung Quốc sẽ chi tiêu nhiều hơn trong nước, vì vậy chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để tăng cường việc trải nghiệm mua sắm của họ tại đây”.

Jean-Marc Duplaix, giám đốc tài chính của Kering, cho biết trong cuộc gọi thu nhập quý ba của Kering, tuy các cổ phiếu của những thương hiệu thời trang cao cấp có dấu hiệu giảm, công ty vẫn thấy sự cải thiện trong việc duy trì khách hàng của Trung Quốc và nhu cầu chưa giảm: “Sau những sự kiện đặc biệt ở Trung Quốc trong tháng 9 và tháng 10/2018 vừa qua, chúng tôi vẫn thu về được những số liệu khả quan. Tôi nghĩ rằng chặn đường phía trước vẫn rất chắc chắn.”

Thời trang cao cấp đang lung lay trước thị trường Trung Quốc
Jean-Marc Duplaix, giám đốc tài chính của tập đoàn thời trang cao cấp Kering (Hình: Getty Images)

Xem thêm:

Thế hệ Millennials ngày càng chi bạo hơn cho thời trang xa xỉ

Nền kinh tế Trung Quốc sẽ ra sao khi sức tiêu thụ hàng cao cấp của người dân giảm?

Bài: Hãn Hào (Tạp chí Phái mạnh ELLE Man, hình: tổng hợp, nguồn tham khảo: BOF, Reuters, Bloomberg)

No more