Là người hướng nội, bạn không cần phải thay đổi bản chất để thăng tiến. Thay vào đó, hãy tận dụng điểm mạnh vốn có: sự lắng nghe, khả năng tập trung và tư duy sâu sắc. Hãy cùng ELLE Man tìm hiểu các giúp bạn xây dựng chiến lược phát triển sự nghiệp phù hợp với cá tính của mình.
1. Lên tiếng sớm trong cuộc họp
Cuộc họp là cơ hội để bạn thể hiện tư duy và năng lực lãnh đạo. Nhưng người hướng nội thường có xu hướng lắng nghe nhiều, suy nghĩ quá lâu hoặc nhường lời cho người khác, dẫn đến bỏ lỡ thời điểm phát biểu.
Nếu bạn từng chờ “đúng lúc” để nói, bạn sẽ biết khoảnh khắc đó dễ dàng trôi qua. Càng chần chừ, bạn càng lo lắng, và cuối cùng mọi ý hay đều đã được nói ra.
Hãy thử thách bản thân trở thành người thứ hai hoặc thứ ba lên tiếng. Cách này giúp bạn vượt rào cản ban đầu, gây ấn tượng khi mọi người còn đang tập trung, và tạo đà cho những đóng góp tiếp theo một cách tự tin hơn.
2. Đừng tự tạo áp lực hướng nội
Sự hiện diện trong môi trường công sở không nhất thiết phải đi kèm với những ý tưởng “gây bão” hay câu trả lời hoàn hảo. Những khoảnh khắc đó thật tuyệt, nhưng đôi khi, chỉ cần bạn chủ động tham gia vào cuộc trò chuyện đã đủ để tạo dấu ấn. Việc hiện diện và tương tác thường quan trọng hơn việc chờ đợi để nói điều gì thật ấn tượng.
Người hướng nội hoàn toàn có thể tạo sự ảnh hưởng mà không cần trở thành tâm điểm. Hỏi những câu gợi mở, bổ sung ý tưởng, hoặc tóm lược ý kiến để kết nối mọi người là những cách đơn giản nhưng hiệu quả để thể hiện vai trò của bạn. Ví dụ:
Bổ sung ý kiến: “Thêm vào ý của anh A, mình nghĩ rằng…”
Hỏi rõ hơn: “Vai trò của các bộ phận liên phòng ban trong dự án này là gì?”
Liên hệ với cuộc họp trước: “Điều này khá liên quan đến buổi thảo luận tuần trước…”
Gợi ý tài liệu: “Có một bài viết từ trang X khá phù hợp với ý này, mọi người có thể tham khảo thêm.”
3. Ngừng hạ thấp bản thân khi giao tiếp
Bạn đã bao giờ rụt rè nói với sếp: “Chắc cái này không đúng ý anh/chị…” khi gửi bản báo cáo? Hoặc khi làm việc nhóm, mở lời bằng: “Ý này nghe hơi dở, nhưng…”? Người hướng nội thường có thói quen làm mềm lời nói để tránh gây chú ý, nhưng việc liên tục hạ thấp giá trị của bản thân sẽ khiến người khác đánh giá thấp năng lực của bạn – ngay cả khi bạn rất giỏi.
Những câu như “Tôi không chuyên đâu…” có thể vô tình khiến người khác nghĩ rằng bạn thiếu hiểu biết, không đủ tin cậy – làm giảm uy tín và ảnh hưởng cá nhân theo thời gian. Hãy thay thế những câu nói kiểu “tự chối bỏ” bằng cách diễn đạt tự tin hơn. Ví dụ:
Thay vì: “Có thể không đúng lắm, nhưng…”, hãy nói: “Một hướng tiếp cận khác là…” Hoặc thay vì: “Chỉ là ý kiến cá nhân thôi…”, hãy nói: “Dựa trên hiểu biết của tôi thì…”
Cách bạn trình bày quan điểm ảnh hưởng trực tiếp đến cách người khác đánh giá bạn. Khi bạn nói một cách tích cực và chắc chắn, người khác sẽ nghiêm túc lắng nghe và tôn trọng những gì bạn chia sẻ.
4. Giao tiếp không đồng bộ hướng nội
Không giống như các cuộc trò chuyện trực tiếp đòi hỏi phản hồi ngay lập tức, giao tiếp không đồng bộ (như email, tin nhắn nội bộ) cho phép bạn suy nghĩ kỹ và diễn đạt một cách chỉn chu – điều rất phù hợp với người hướng nội. Bạn có thời gian để sắp xếp ý tưởng và truyền tải thông điệp một cách rõ ràng, không bị áp lực phản xạ nhanh.
Hãy cân nhắc việc tạo một bản tin nội bộ định kỳ (hàng tháng hoặc hàng quý) gửi đến quản lý hoặc toàn bộ tổ chức. Đây là cách hiệu quả để vừa cập nhật tiến độ, vừa thể hiện tư duy và năng lực cá nhân. Bạn có thể chia sẻ thành tựu nhóm, gợi mở ý tưởng hoặc phân tích vấn đề một cách sâu sắc và có cấu trúc.
5. Thể hiện nhu cầu được công nhận bằng cách biết ơn
Người hướng nội thường giằng co giữa sự khiêm tốn và nhu cầu được công nhận. Một mặt, họ muốn giữ sự giản dị, nhưng mặt khác, họ hiểu rằng việc ghi nhận thành công cá nhân là điều quan trọng trong môi trường chuyên nghiệp. Thể hiện lòng biết ơn chính là cách dung hòa hai điều đó – vừa thể hiện bản thân, vừa giữ được sự chân thành và tinh tế.
Thay vì tự đề cao, bạn có thể dùng những câu nói như: “Tôi xem đây là một vinh dự khi được dẫn dắt dự án này”, “Tôi biết ơn vì có cơ hội đóng góp, và được áp dụng kỹ năng về XYZ trong dự án”, “Tôi rất trân trọng khi thành quả của nhóm được khách hàng công nhận”,… Khi biết ơn đúng cách, bạn không chỉ duy trì bản sắc hướng nội mà còn tạo được dấu ấn chuyên nghiệp trong mắt người khác.
_________
Bài: Thùy Dung
Tham khảo: Harvard Business Review