Kỹ năng 29/09/2016

Giày da nam: Tự đánh nếu muốn bền đẹp

Bài ELLE Team

Các bạn có biết rằng những đôi giày da nam đắt tiền dù được đánh thường xuyên vẫn đang ngày ngày xuống cấp chính bởi việc đánh chúng?
Đánh giày da nam
Một bàn chải cho ngàn đôi giày

Hàng chục đôi giày qua tay mỗi ngày, nhưng hộp đồ nghề đánh giày của các thợ đánh giày đường phố dường như chỉ sẵn có chiếc giẻ lau, chiếc chổi đánh và vài loại xi. Giày da nam chất lượng cao yêu cầu nhiều sự chăm sóc hơn thế. Da của giày da nam cần sự chăm sóc từ những dụng cụ và hợp chất được chọn lựa kỹ càng để có thể đạt vẻ ngoài cũng như độ bền tối đa.

Nếu chỉ được đánh trên phố, giày của bạn luôn có thể bị xước bởi những chiếc chổi lông cứng, hay da bị xuống cấp cả về màu lẫn chất lượng do được vệ sinh và sử dụng các hóa chất không đúng kỹ thuật, đúng màu. Thậm chí, đôi khi chỉ bằng việc dùng chung giẻ và bàn chải, các đôi giày còn có thể bị mang lẫn màu sang nhau.

Ở phương Tây, đánh giày được coi như một nghề thủ công và cái giá để có được sự phục vụ của những người thợ chuyên nghiệp là không hề rẻ; một số còn có cửa hiệu riêng và tiếng tăm nhất định tại những thành phố lớn. Thật không may, hiện nay số thợ đánh giày Việt Nam có đủ hiểu biết kỹ thuật và đồ nghề về chăm sóc giày da nam gần như bằng không trong khi số lượng người dùng sở hữu những đôi giày đắt tiền với giá từ 5 triệu đồng trở nên là quá lớn.

Tiệm đánh giày da nam
Tiệm đánh giày nổi tiếng tại Washington

Để giảm tình trạng những đôi giày quý giá bị xuống cấp do chăm sóc không đúng cách, ELLE Man xin chia sẻ tới quý độc giả những kiến thức cơ bản trong việc tự tay đánh giày tại nhà, một thói quen được rất nhiều chuyên gia ăn mặc của phương Tây thực hành.

Cách

Các bước chăm sóc giày da nam

1. Làm khô giày tự nhiên – sau mỗi lần sử dụng: Ngay sau khi sử dụng giày, hãy cho cốt giày vào để giúp giày loại bỏ hơi ẩm một cách tự nhiên trong 24 giờ. Tuyệt đối không để giày tiếp xúc với nguồn nhiệt trực tiếp trong giai đoạn này.

Cốt giày da nam

2. Làm sạch giày – Hàng tuần: Sử dụng bàn chải lông ngựa kết hợp với vải cotton để loại bỏ bụi bẩn và xi cũ cũng như các hóa chất của lần đánh trước. Nếu bụi không được loại bỏ hoàn toàn, da giày sẽ bị xước khi đánh xi hoặc dùng dưỡng.

Vệ sinh giày da nam

Cách mỗi tháng vào mùa khô hoặc 2-3 tháng vào mùa mưa, sử dụng một chút kem làm sạch da chuyên dụng (Leather Cleaner) để tẩy hết lớp xi và dưỡng cũ bị đóng chặt kèm bụi bẩn đi. Da sẽ thoát mùi hôi tốt hơn và sẵn sàng cho lớp dưỡng mới sau bước này.

3. Dưỡng da – 1 đến 3 tháng/mỗi lần: Mặc dù bạn nên làm sạch giày mỗi tuần bằng bàn chải và vải, nhưng chỉ nên dưỡng da mỗi 1-3 tháng một lần đi kèm với việc sử dụng chất làm sạch chuyên dụng như trên. Một số hãng có làm sản phẩm kết hợp cả chất làm sạch và dưỡng da.

Dưỡng giày da nam
Dưỡng chỉ nên dùng vừa đủ

Chất dưỡng da khi thấm vào da sẽ tái tạo độ mềm dẻo thích hợp để da không nứt và cùng lúc cung cấp thêm một chút khả năng chống nước cho da.

Giày chưa được dưỡng và Đã dưỡng
Giày chưa được dưỡng và đã dưỡng

4. Đánh xi – sau bước 2 hoặc bước 3: Sử dụng xi kem hoặc xi sáp để đánh bóng mặt giày. Xi kem sẽ cho ít độ bóng hơn xi sáp bởi chúng tập trung vào việc giữ gìn và tái tạo màu cho da giày. Có người thích dùng cả hai loại xi, xi kem trước và xi sáp sau, cũng có người lại chỉ thích dùng một trong hai. Đây hoàn toàn là vấn đề sở thích cá nhân và ELLE Man sẽ có bài giải thích chi tiết hơn về hai loại xi này.

Đánh xi giày da nam
Đánh xi lên bằng vải cotton

Đồ nghề chăm sóc giày da nam

1. Cốt giày gỗ tuyết tùng hoặc gỗ bạch dương: Làm khô và giữ dáng cho giày, ELLE đã có bài riêng về món đồ này.

Thương hiệu tham khảo: Woodlore, One Cedar Lane và Dasco.

2. Bàn chải: Loại tốt nhất được làm từ lông bờm ngựa. Chúng không làm xước da và thay đổi màu da giày so với các loại làm từ lông nhân tạo được nhuộm màu.

Thương hiệu tham khảo: Kent Brushes, Frank Brushes.

3. Vải áo cotton cũ: Kết hợp với bàn chải để làm sạch giày, mỗi đôi giày nên có giẻ riêng. Tất cả mọi cửa tiệm đánh giày chuyên nghiệp trên thế giới đều có món này.

4. Kem/dung dịch làm sạch da và dưỡng da: Sử dụng mỗi 1-3 tháng một lần.

Thương hiệu tham khảo: Allen Edmonds, Crema Apina, Avel, Saphir, Lexol, Venetian, Leather Honey và Fiebing’s Saddle Soap.

Dùng một cách rất hạn chế: Các loại xà phòng, dầu chồn, chất bảo quản da, các sản phẩm của Sno-Seal và Obenauf’s – chúng thường quá mạnh đối với gia dày.

5. Xi:

Thương hiệu tham khảo: Kiwi, Meltonian, Kelly’s, Lincoln và Angelus.

Toàn bộ những đồ nghề trên đều dễ mua và có giá không hề đắt so với giá trị chúng mang lại cho đôi giày của bạn. Chỉ cần nhớ rằng phải để mỗi lớp dung dịch vệ sinh, dưỡng hay xi khô trước khi đánh thêm lớp khác, bạn đã sẵn sàng thực hành trên những đôi giày thân yêu của mình.

Theo Huy Vũ / Tạp Chí Phái Đẹp ELLE

No more