Xu hướng 27/06/2015

Những vì sao đổi ngôi

Bài Trúc Đoàn

Với tầm nhìn sâu rộng, tư tưởng thiết kế sắc bén, tố chất nhanh nhạy bắt kịp xu thế đương đại cùng niềm khao khát chinh phục đỉnh cao mới trong sự nghiệp, những vị thủ lĩnh sáng tạo là “quân bài chiến lược” quyết định vận mệnh thắng-thua của nhiều thương hiệu cao cấp trong kỷ nguyên phát triển mới của ngành công nghiệp thời trang.

Những nhà thiết kế thời trang thế hệ tiên phong

Thời điểm năm 1996- 1997 có ý nghĩa đặc biệt trong lịch sử phát triển của thế giới thời trang khi các nhà thiết kế trẻ như Marc Jacobs, Nicolas Ghesquière, Alexander McQueen và John Galliano lần lượt được Louis Vuitton, Balenciaga, Givenchy và Christian Dior “chọn mặt gửi vàng” trọng trách gìn giữ ngọn lửa sáng tạo.

Trả lời phỏng vấn tờ The Independent, stylist thâm niên của Louis Vuitton chia sẻ: “Khi Marc bắt đầu làm việc tại Louis Vuitton vào năm 1997, ngành công nghiệp thời trang thời điểm đó rất khác biệt”. Phân khúc thời trang ứng dụng may sẵn (Ready-to-Wear) vẫn chưa là ngành hàng được coi trọng của nhiều thương hiệu hoặc có chăng thị trường này vẫn bị thâu tóm bởi một số ông lớn như Chanel, Valentino và Yves Saint Laurent. Sự thiếu hụt này vừa là cơ hội đồng thời là thách thức đối với thế hệ tân binh thiết kế thời đó.

Sau gần một năm bổ nhiệm, BST đầu tay của Louis Vuitton do Marc Jacobs thiết kế được trình làng vào tháng 3 năm 1998 chính thức đưa hãng này gia nhập câu lạc bộ những ông lớn với thế mạnh nhất nhì chi phối thị trường thời trang ứng dụng may sẵn tại thời điểm đó.

nhà thiết kế thời trang Marc Jacobs
nhà thiết kế thời trang Marc Jacobs và BST Louis Vuitton Xuân-Hè 2001/02

Về phía nhà thiết kế thời trang Alexander McQueen và John Gallino, sức lan tỏa của BST lớn tới mức nhà báo Dana Thomas phải nhấn mạnh: “Đây là buổi bình minh mở màn cho thời kỳ tăng trưởng ngoạn mục của thời trang cao cấp” trong cuốn sách mới được phát hành đầu năm 2015 “Chúa trời và những ông hoàng: Sự thăng trầm của Alexander McQueen và John Galliano”.

Là gương mặt trẻ tuổi nhất tại thời điểm được bổ nhiệm vị trí giám đốc sáng tạo của nhà mốt Balenciaga – một thương hiệu thuộc tập đoàn PPR (nay là Kering), Nicolas Ghesquière cũng nhanh chóng được báo giới tung hô là ngôi sao sáng của ngành công nghiệp thời trang.

Nhà thiết kế thời trang Nicolas Ghesquière
Nhà thiết kế thời trang Nicolas Ghesquière và BST Thu-Đông 2004

Tuy nhiên, cơ hội đồng nghĩa với thách thức. Khó khăn lớn nhất đặt ra không chỉ riêng đối với nhà thiết kế thời trang mà còn ngay chính với thương hiệu. Mối quan hệ khăng khít giữa nhà thiết kế và thương hiệu thực chất là con dao hai lưỡi. Một mặt, quá trình gắn bó lâu dài vô hình chung giới hạn phạm vi sáng tạo rất dễ dẫn đến những bế tắc. Mặt khác, quyền chi phối của nhà thiết kế tới mọi quy trình thiết kế trong một thời gian dài cũng khiến thương hiệu rơi vào ngõ cụt.

Cả hai dự cảm trên đều tạo ra những nỗi ám ảnh đầy quan ngại đối với các bên hữu quan trong ngành công nghiệp kinh doanh thời trang. Vì vậy, thiết yếu cần phải có những cuộc đại tu quy mô nhằm tái định hướng chiến lược phát triển ở tầm vĩ mô giúp duy trì kết quả và mở rộng quy mô kinh doanh.

Ngôi sao mới là nguồn năng lượng hồi sinh

Trong giai đoạn 1996-1997, tiêu chí chiêu mộ những vị thủ lĩnh sáng tạo của các thương hiệu cao cấp đều chú trọng đến tư duy thiết kế đề cao yếu tố nghệ thuật. Điểm chung dễ nhận thấy của “thế hệ vàng của ngành công nghiệp thời trang” như Alexander McQueen, John Gallino, Hedi Slimane và Marc Jacobs đều là những bậc thầy về thời trang ý niệm.

nhà thiết kế thời trang Alexander McQueen
Nhà thiết kế thời trang Alexander McQueen và BST Thu-Đông 2009/10

Tuy nhiên, một vài năm trở lại đây, xu hướng này đã thay đổi khi những mẫu thiết kế đề cao tính ứng dụng lên ngôi góp phần hoàn thành mục tiêu tối quan trọng của các thương hiệu là đẩy mạnh doanh thu bán hàng. Vị thủ lĩnh sáng tạo của các thương hiệu do đó cần có những tố chất như tầm nhìn sâu rộng, tư tưởng thiết kế sắc bén, sự nhanh nhạy bắt kịp xu thế đương đại.

Có thể nhận thấy rõ 3 xu hướng chuyển giao quyền lực tại nhiều thương hiệu lớn khi chiêu mộ những nhà thiết kế có kinh nghiệm thiết kế ngành hàng thời trang nam, phụ kiện và tư tưởng thiết kế cân bằng giữa yếu tố nghệ thuật và tính ứng dụng. Ngày càng có nhiều thương hiệu chú trọng đến mặt trận thời trang dành cho các quý ông. Theo thông tin đăng tải trên trang Business of Fashion, chỉ trong vòng vài năm trở lại đây, mức tăng trưởng của ngành hàng may mặc dành cho nam đã vượt mặt nữ giới. Chỉ tính riêng thị trường Anh quốc, dự báo tăng trưởng đến năm 2019 sẽ ở mức 25,7%.

nhà thiết kế thời trang Lou Dalton
Nhà thiết kế thời trang Lou Dalton

Xuất phát điểm của Jonathan Anderson là nhà thiết kế thời trang cho nam và có thể coi đây là một lợi thể giúp Loewe tăng sức cạnh tranh của ngành hàng này trong thời gian tới. Ngoài ra, các NTK nữ có xu hướng đảm nhiệm công việc thiết kế dành cho nam tại nhiều nhà mốt. Có thể kể đến một vài gương mặt tiềm năng như Lou Dalton, Martine Rose hay Astrid Andersen. Họ được dự đoán sẽ làm thay đổi cục diện của ngành thời trang dành cho nam.

Nhà thiết kế thời trang Jonathan Anderson
Nhà thiết kế thời trang Jonathan Anderson
nhà thiết kế thời trang
Các mẫu thiết kế mới dành cho thương hiệu đồ da cao cấp đến từ Tây Ban Nha Loewe.

Chỉ tính riêng ngành hàng phụ kiện dành cho nam, theo số liệu thống kế của công ty nghiên cứu NPD Group, mức tăng trưởng của thị trường này trong 12 tháng kết thúc vào tháng 5/2014 đạt 9% ở mức 13,6 tỷ đôla Mỹ. Bên cạnh đó, những cái tên được xướng lên trong thời gian qua như Nicolas Ghesquière tại Louis Vuitton hay Pablo Coppola tại Bally đều mang bên mình hệ tư tưởng thiết kế cân bằng giữa yếu tố nghệ thuật và tính ứng dụng – nhân tố tối quan trọng để thành công trong kỷ nguyên mới.

Quyết định bổ nhiệm Nicolas Ghesquière thay thế người tiền nhiệm Marc Jacobs tại Louis Vuitton mang ý nghĩa sống còn đối với nhà mốt danh giá 160 tuổi. Ngay chính bản thân nữ phó chủ tịch của thương hiệu Louis Vuitton Delphine Arnault phải thừa nhận: “Chúng tôi yêu thích những cuộc phiêu lưu” qua đó đề cập bóng gió về việc giao trọng trách sáng tạo của “gà đẻ trứng vàng” với mức doanh thu hàng năm đạt 9,4 tỷ đôla Mỹ cho Nicolas Ghesquière. Tuy nhiên, đây hoàn toàn là một quyết định đúng đắn. Báo cáo doanh thu của tập đoàn LVMH trong năm 2014 tăng trưởng 6% đạt mức 30,6 tỷ Euro.

nhà thiết kế thời trang
BST Louis Vuitton dành cho nam giới Thu-Đông 2015 của Giám đốc Nghệ thuật Kim Jones.

Trong khi đó, Pablo Coppola tại Bally muốn hướng đến xây dựng hình ảnh thương hiệu xa xỉ nhưng gần gũi với cuộc sống. Định hướng tầm nhìn mới được thể hiện qua phong cách thiết kế tối giản đặc trưng của vùng Bắc Âu đồng thời truyền tải tinh thần đương đại, lối sống năng động. Luồng gió mới này hứa hẹn sẽ mang đến diện mạo mới cho thương hiệu danh tiếng của Thụy Sỹ.

Nhà thiết kế thời trang Pablo Coppola
Nhà thiết kế thời trang Pablo Coppola và BSTBally Xuân-Hè 2015.

Bài: Thanhhuysing – Ảnh: Tư liệu

cùng chuyên mục

No more