Nhân vật 10/05/2025

Biên kịch Đức Nguyễn: Hành trình đưa trinh thám Việt gần hơn với khán giả

Bài Tuan Anh

đức nguyễn
Chính thức vượt mốc 150 tỷ đồng doanh thu phòng vé, “Thám Tử Kiên: Kỳ Án Không Đầu” đánh dấu cột mốc mới cho thể loại trinh thám cổ trang Việt Nam, đồng thời đưa đội ngũ sáng tạo đứng sau trở thành tâm điểm chú ý. Một trong những gương mặt nổi bật là Đức Nguyễn – đồng biên kịch kiêm sản xuất sáng tạo (creative producer) của phim. Trước đó, anh từng tham gia nhiều dự án với vai trò biên kịch, biên tập và trợ lý đạo diễn trong các phim như “Người vợ cuối cùng”, “Trại hoa đỏ”, “Người bất tử” hay “Scandal: Hào quang trở lại”. Với nền tảng trải nghiệm đa dạng, Đức Nguyễn là một trong số ít người hoạt động song song ở cả phần nội dung và sản xuất sáng tạo.

thám tử kiên

ELLE Man đã có cuộc trò chuyện cùng Đức Nguyễn để khám phá hành trình viết kịch bản, những trải nghiệm đắt giá qua dự án và suy tư của anh về nghề biên kịch trong sự phát triển mạnh mẽ của điện ảnh Việt.

 

Thưa anh, anh có thể chia sẻ quá trình hình thành ý tưởng và viết kịch bản cho “Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu”?

 

Biên kịch Đức Nguyễn: Tháng 12/2023, khi Người vợ cuối cùng sắp kết thúc công chiếu, chúng tôi nhận được rất nhiều lời kêu gọi từ khán giả và giới chuyên môn về việc thực hiện một bộ phim riêng cho Thám tử Kiên. Anh Victor và tôi lập tức bắt tay vào phát triển câu chuyện, dù khi đó vẫn chưa thực sự chắc chắn về tính khả thi của dự án. Đây là kịch bản tôi đầu tư nhiều thời gian nhất – tổng cộng khoảng hai năm, riêng giai đoạn tập trung cao độ để viết kéo dài suốt tám tháng. Chúng tôi vẫn giữ quy trình làm việc quen thuộc: từ đề cương (treatment), dàn ý chi tiết (beats outline), đến dàn ý phân cảnh (scenes outline) và kịch bản. Đặc biệt, phần dàn ý phân cảnh lần này được triển khai rất chi tiết, dài tới 70 trang – chỉ cần thêm thoại là có thể ra kịch bản hoàn chỉnh.

đức nguyễn
Biên kịch Đức Nguyễn. (Ảnh: Tư liệu)

Liệu “Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu” đã được lên kế hoạch từ trước, hay bộ phim chỉ được khơi nguồn cảm hứng sau khi nhân vật Kiên tạo nên cơn sốt trong “Người vợ cuối cùng”?

 

Biên kịch Đức Nguyễn: Từ khi bắt đầu phát triển Người vợ cuối cùng, chúng tôi đã tiếp cận nội dung theo nhiều hướng khác nhau. Có thời điểm, chúng tôi gần như đang phát triển hai kịch bản riêng biệt: một nghiêng về tâm lý tình cảm, một thiên về điều tra. Vì nhận định rằng yếu tố tâm lý tình cảm sẽ dễ tiếp cận khán giả hơn, cả nhóm quyết định ưu tiên triển khai Người vợ cuối cùng trước. May mắn được khán giả đón nhận, tôi và anh Victor mới có thể đưa phần tư liệu từng phát triển cho tuyến điều tra vào chế tác thành kịch bản Thám tử Kiên.

 

Từng đảm nhận vai trò Editor và First AD trong các phim như “Người bất tử” hay “Để hội tính”, anh nghĩ những trải nghiệm đó đã ảnh hưởng như thế nào đến tư duy viết kịch bản của mình?

 

Biên kịch Đức Nguyễn: Đó là những trải nghiệm vô cùng quý giá. Thật ra, tôi bắt đầu nghề với vai trò editor – dựng phim, và rất yêu thích công việc này. Nó giúp tôi rèn luyện khả năng dẫn dắt và sắp xếp nội dung câu chuyện, từ mạch truyện đến tiết tấu. Còn vai trò First AD – phó đạo diễn – mang đến cho tôi cái nhìn thực tế hơn về tính khả thi khi hiện thực hóa các ý tưởng trong kịch bản, giúp tránh việc quá bay bổng mà không thể triển khai được trên trường quay.

“Thám tử Kiên là kịch bản tôi đầu tư nhiều thời gian nhất – tổng cộng khoảng hai năm, riêng giai đoạn tập trung cao độ để viết kéo dài suốt tám tháng.” (Ảnh: Tư liệu)

Trong quá trình viết kịch bản, anh có từng trải qua những khoảnh khắc bế tắc không? Nếu có, anh thường làm gì để vượt qua những giai đoạn khó khăn đó?

 

Biên kịch Đức Nguyễn: Chắc chắn là có bế tắc, thậm chí là rất nhiều. Tôi hay đùa với anh Victor mỗi khi gặp bế tắc: “Vậy thì phải đập đầu vào tường cho đến khi giải pháp văng ra thì thôi.” Còn nếu vẫn không tìm ra được lối thoát, cách duy nhất là xoá sạch đoạn đó và xây dựng lại từ đầu, theo một hướng hoàn toàn khác — vì rất có thể mình đang tiếp cận sai cách ngay từ đầu.

 

Khi nhìn lại các dự án trước, từ “Scandal” đến “Thám tử Kiên”, anh có cảm nhận sự thay đổi nào trong cách tiếp cận và phát triển kịch bản của mình không?

 

Biên kịch Đức Nguyễn: Trước đây, tôi thường đặt nặng vào yếu tố sáng tạo tình tiết – hay còn gọi nôm na là “chiêu”. Nhưng càng viết nhiều, tôi càng nhận ra giá trị cốt lõi nằm ở việc xây dựng những nhân vật có chiều sâu, với tính cách và nội tâm rõ nét. Chính tính “con người” trong kịch bản mới là điều giúp câu chuyện chạm được đến khán giả.

 

Sau thành công của “Thám tử Kiên”, anh có nghĩ rằng thể loại phim trinh thám sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam trong những năm tới?

 

Biên kịch Đức Nguyễn: Tôi không dám chắc, nhưng rất hy vọng rằng đề tài trinh thám hay thriller sẽ ngày càng gần gũi hơn với thị hiếu khán giả. Khi thấy câu chuyện điều tra của Thám Tử Kiên được đón nhận nồng nhiệt, tôi đã rất xúc động. Đó là một tín hiệu vô cùng khả quan.

thám tử kiên
“Càng viết nhiều, tôi càng nhận ra giá trị cốt lõi nằm ở việc xây dựng những nhân vật có chiều sâu, với tính cách và nội tâm rõ nét. Chính tính “con người” trong kịch bản mới là điều giúp câu chuyện chạm được đến khán giả.” (Ảnh: Tư liệu)

 

Việc sáng tạo kịch bản phim trinh thám đòi hỏi sự đầu tư trí tuệ và khối lượng tư liệu lớn. Anh thường tìm cảm hứng và chất liệu sáng tác từ đâu?

 

Biên kịch Đức Nguyễn: Từ trước đến nay, tôi luôn bị cuốn hút bởi thể loại bí ẩn và trinh thám. Tôi dành nhiều thời gian để tìm hiểu các vụ án có thật thông qua báo chí, YouTube, và thậm chí nghiên cứu các hồ sơ vụ án được công khai. Trước khi bước vào ngành điện ảnh, tôi từng học y khoa, nên có nền tảng để tiếp cận và đọc hiểu các báo cáo pháp y. Bên cạnh đó, tôi không thể không nhắc đến những bộ phim thriller, trinh thám mà tôi yêu thích – đặc biệt là phong cách kể chuyện đầy tinh tế của đạo diễn Alfred Hitchcock. Chính cách dẫn dắt câu chuyện độc đáo ấy là điểm chung giữa tôi và anh Victor – cả hai đều bị ám ảnh bởi việc tạo nên một nhịp kể cuốn hút và ám ảnh người xem.

 

Hiện nay tuy đã có đào tạo cho nghề biên kịch, nhưng theo anh, liệu số lượng và chất lượng các chương trình đó đã đủ nhiều và bài bản để đáp ứng nhu cầu của thị trường phim Việt chưa?

 

Biên kịch Đức Nguyễn: Tôi nghĩ là hiện nay đã đủ, mặc dù có thể đây là một nhận định chủ quan. Thật ra, những kiến thức nền tảng về biên kịch không quá phức tạp hay cao siêu. Tôi tin rằng, nếu có đam mê và khát khao kể một câu chuyện hay, thì việc học ở đâu không còn quá quan trọng. Bạn hoàn toàn có thể tự học qua sách vở hoặc video và vẫn rèn luyện được kỹ năng. Còn việc viết tốt hay không lại phụ thuộc rất nhiều vào tố chất và sự nỗ lực của mỗi người.

thám tử kiên
“Từ trước đến nay, tôi luôn bị cuốn hút bởi thể loại bí ẩn và trinh thám. Tôi dành nhiều thời gian để tìm hiểu các vụ án có thật thông qua báo chí, YouTube, và thậm chí nghiên cứu các hồ sơ vụ án được công khai.” (Ảnh: Tư liệu)

 

Nhiều ý kiến cho rằng điểm yếu lớn của thị trường phim Việt hiện nay nằm ở khâu kịch bản. Anh nghĩ sao về nhận định này? Và nếu đúng, theo anh đâu là hướng khắc phục?

 

Biên kịch Đức Nguyễn: Sự thật là không dễ dàng để có một kịch bản tốt, không chỉ với phim Việt mà với điện ảnh toàn cầu. Bậc thầy Alfred Hitchcock từng nói: “Để có một bộ phim hay, bạn cần ba thứ: kịch bản, kịch bản và kịch bản.” Có lẽ tôi chưa đủ tầm để đưa ra một giải pháp cụ thể, nhưng theo góc nhìn cá nhân, thù lao dành cho biên kịch cần được cải thiện. “Có thực mới vực được đạo” – khi ngày càng có nhiều biên kịch đủ điều kiện sống được với nghề, thì xác suất cho ra đời một kịch bản hay sẽ cao hơn. Tôi từng gặp nhiều người có tố chất tốt, nhưng vì phải mưu sinh nên không thể toàn tâm toàn ý đầu tư cho một kịch bản chất lượng.

 

Nhiều khán giả đang rất mong chờ phần 2 của Thám tử Kiên. Anh và ê-kíp có dự định phát triển câu chuyện của nhân vật Kiên thành một chuỗi phim, hoặc xa hơn là xây dựng một ‘vũ trụ trinh thám cổ phong’ mang đậm bản sắc Việt?

 

Biên kịch Đức Nguyễn: Được viết, được làm một bộ phim trinh thám thuần Việt luôn luôn là ước mơ của tôi và anh Victor. Dĩ nhiên nếu có chuỗi phim hay “vũ trụ trinh thám cổ phong” thì là một điều rất tuyệt vời. Nhưng ăn cây nào thì tập trung rào cây đó. Trước mắt, tôi chỉ dám nghĩ tới làm thế nào để viết được một kịch bản hay cho phần 2 để đáp lại cảm tình của khán giả. Còn về đường dài thì tuỳ duyên, khán giả còn hứng thú với đề tài này thì anh em tôi còn được mơ tiếp.

thám tử kiên
“Sự thật là không dễ dàng để có một kịch bản tốt, không chỉ với phim Việt mà với điện ảnh toàn cầu.” (Ảnh: Tư liệu)

Với tất cả những kinh nghiệm và thành tựu đã đạt được, anh có lời khuyên nào cho những biên kịch trẻ, những người mới bước chân vào nghề không?

 

Biên kịch Đức Nguyễn: Chỉ một lời khuyên thôi: hãy ngồi xuống và viết. Tôi rất tâm đắc với câu nói: “Một kịch bản hay, nếu không được viết ra, thì cũng không có giá trị bằng một kịch bản dở nhưng được hoàn thành.”

 

Hồi còn đi học, tôi được thầy rèn cho một thói quen – và dần trở thành kỷ luật: mỗi ngày dành tối thiểu 3–4 tiếng để viết. Dù chưa hay, chưa hoàn chỉnh, vẫn phải viết. Bởi ý tưởng khi còn nằm trong đầu thì luôn mơ hồ, và càng nhiều ý tưởng thì càng dễ rối tung. Chỉ khi đặt bút viết ra, bạn mới nhìn rõ được chúng hay dở ra sao, nên sắp xếp, dẫn dắt theo hướng nào.

 

Thử thách đầu tiên – và cũng là quan trọng nhất – để biết bạn có thể trở thành biên kịch hay không, chính là: bạn có tự mình viết được một kịch bản hoàn chỉnh không? Viết dở cũng không sao, vì kỹ năng và tư duy chỉ được rèn qua hành động. Đừng chờ đến khi được đặt hàng mới viết, vì sẽ rất khó có ai thuê bạn nếu trước đó bạn chưa từng tự viết một tác phẩm nào. Ca sĩ mới đâu được trả tiền để hát – họ vẫn hát để rèn luyện, để giữ lửa đam mê. Cố gắng lên các bạn ơi!

 

Cảm ơn anh về những chia sẻ dành cho ELLE Man Việt Nam!

_______

Bài: Hoàng Thúy Vân

xem thêm

No more