Nhân vật 14/04/2025

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chia sẻ hậu trường phim “Địa Đạo”

Bài Tuan Anh

bùi thạc chuyên
Sau gần một thập kỷ vắng bóng trên màn ảnh, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên bất ngờ tái xuất với hai tác phẩm liên tiếp: “Tro tàn rực rỡ" và “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối”. Dù khai thác những chủ đề khác nhau, cả hai bộ phim vẫn hé lộ một mạch nối trong phong cách kể chuyện cùng sự chuyển mình mạnh mẽ trong nguồn năng lượng sáng tạo của anh. Nhân dịp “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” vừa ra mắt đúng vào thời điểm kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất Đất nước, ELLE Man đã trò chuyện cùng đạo diễn để lắng nghe về hành trình làm phim đầy sức sống, nơi sự hồn nhiên hòa quyện cả bên ngoài lẫn bên trong con người nghệ sĩ.


Chào anh Bùi Thạc Chuyên, “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” vừa chính thức ra rạp. Nhiều người ngạc nhiên vì anh, một đạo diễn sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, lại chọn làm phim về đề tài chiến tranh miền Nam. Cơ duyên của phim đã bắt đầu như thế nào vậy anh?

 

Bùi Thạc Chuyên: Cách đây 10 năm, tôi tham gia vào một dự án sản xuất phim 3D để giới thiệu địa đạo Củ Chi. Đó là cơ duyên để tôi tìm hiểu địa đạo với tư cách một “nhân vật”. Dù đó là một bộ phim cho mục đích du lịch, tôi vẫn đề nghị được gặp gỡ những người dân đã sống và chiến đấu ở địa đạo Củ Chi. Đó là thói quen làm việc của tôi, tôi muốn làm những bộ phim có dấu ấn phong cách của phim tài liệu. Từ khi tôi làm phim “Sống trong sợ hãi” đã như vậy, tôi muốn tìm hiểu con người, cuộc sống thực sự của bối cảnh phim. Dần dần, tôi được gặp và nói chuyện với nhiều người dân Củ Chi. Những cuộc trò chuyện và chất liệu dày lên, đến một ngày, tôi nhận ra không thể không làm phim về cuộc chiến đấu ở nơi đây.

bùi thạc chuyên
Ảnh: Tư liệu

Tại sao anh lại nghĩ nhất định phải làm phim về địa đạo Củ Chi?

 

Bùi Thạc Chuyên: Vì với tôi, cuộc chiến tranh chúng ta đã trải qua bản chất là chiến tranh nhân dân. Và không có nơi nào tiêu biểu hơn Củ Chi khi muốn kể lại câu chuyện về chiến tranh nhân dân. Nhiều người có lẽ đã biết Củ Chi là một căn cứ quan trọng trong chiến đấu chống Mỹ, nhưng trên thực tế, người dân nơi đây đã bắt đầu đào địa đạo từ ngay sau năm 1945. Họ khởi đầu với suy nghĩ căn bản và cũng là cốt lõi của tinh thần chiến đấu với kẻ thù: giữ ấp giữ làng. Khi quân giặc tới, thay vì rời bỏ thôn làng, họ đào hầm xuống lòng đất để trốn giặc. Mỗi nhà đào một đường hầm, rồi nhà nọ nối sang nhà kia. Họ đào đường để thoát hiểm, nhưng một chưa đủ, nên đào thành hai, thành ba. Và như thế, họ xây dựng nên mê cung ẩn dưới đất cho cả một thôn và chỉ có người sống ở đó mới biết chính xác nắp hầm đặt ở đâu.

 

Ban đầu, đó chỉ là những đường hầm nhỏ hẹp để trốn giặc và hoàn toàn có tính tự phát, nhưng từ năm 1954, địa đạo Củ Chi dần hoàn thiện và trở thành căn cứ cách mạng. Các địa đạo được xây dựng có chiến lược hơn để chống lại bom mìn hay sự đột nhập của quân địch, và đủ không gian cho cả nhóm du kích sinh sống. Tuy nhiên, họ vẫn là những người dân địa phương, vẫn là những người sống để giữ đất của mình. Ngay từ thập niên 1950, 1960, Củ Chi đã được gọi là vùng Giải Phóng, điều đó cho chúng ta thấy người dân nơi đây quật cường như thế nào.

 

Vậy, có phải bộ phim muốn tập trung vào hình ảnh anh hùng của người dân Củ Chi trong chiến tranh?

 

Bùi Thạc Chuyên: Tôi muốn miêu tả họ như những con người bình thường đã chọn sống để chiến đấu. Khi gặp và nói chuyện với những người đã từng sống trong địa đạo, tôi nhìn thấy những đặc tính đã tạo nên tinh thần của họ. Họ vô cùng thản nhiên trước cái chết. Việc chiến đấu và kiếm sống không bị tách rời. Bom rơi đạn nổ là sự đe dọa, nhưng họ vẫn tìm thấy cơ hội để kiếm sống. Sự đe dọa sinh mạng không ảnh hưởng kế sinh nhai. Nhân vật Tư Đạp trong phim là một ví dụ cho sự thản nhiên đấy. Anh ta tháo kíp nổ hay chế vũ khí, bắn máy bay dụ địch thả bom napalm để lấy vỏ nhôm bán phế liệu với sự hăm hở và liều lĩnh khiến người ngoài nhìn vào phải nghĩ là khùng điên. Nhưng, đó đều là những chi tiết dựa trên sự thật về người Củ Chi, về sự thản nhiên trước sống chết của họ.

 

Tuy nhiên, ở mặt khác, họ cũng rất dữ dội và cục bộ. Một người lạ không thể dễ dàng bước vào Củ Chi lúc ấy. Mỗi nhóm du kích sống, chiến đấu, bảo vệ căn cứ của riêng họ trong những đường hầm mà ngay cả các nhóm du kích khác cũng không biết. Họ bền gan như thế trong suốt mấy thập kỷ đánh giặc, chiến đấu với những gì có trong tay. Ban đầu, chỉ là những chiếc bẫy lật cắm đinh sắt, hầm chông tre. Về sau, họ sử dụng đến thuốc nổ và các vũ khí thu được của Mỹ nhưng kết hợp với cách suy nghĩ “nông dân” nhưng cực kỳ hiệu quả.

 

Vũ khí của họ phần lớn là tự chế. Ngay cả những loại vũ khí hạng nặng như mìn chống tăng cũng làm bằng tay, và tất nhiên không theo tiêu chuẩn an toàn nào cả. Quá trình tự chế bom mìn mang tới rất nhiều rủi ro, tính mạng của người chế vũ khí cũng bị treo lên sợi tóc. Nguy hiểm như vậy nhưng họ vẫn làm, cốt giữ bằng được mảnh đất quê hương của họ.

 

Phim của tôi nói về những con người này, những người du kích địa phương vốn là nông dân thuần phác như thế, và họ là gương mặt của cuộc chiến tranh trong lòng đất Củ Chi.

địa đạo
Ảnh: Galaxy Studio

Anh nghĩ trên màn ảnh, anh đã tái hiện được tới mức độ nào so với thực tế của cuộc chiến tranh?

 

Bùi Thạc Chuyên: Chỉ được một phần thôi. Để tái hiện lại sự khốc liệt của cuộc chiến, chúng tôi đã sử dụng vật liệu nổ thật trong phim. Các diễn viên cũng phải bắn súng thật với đạn mã tử để cảm nhận được sự căng thẳng của chiến trận. Bối cảnh các đường hầm cũng được tính toán kỹ lưỡng để tái hiện lại địa đạo với rất nhiều chất liệu đa dạng, giống như thực tế lòng đất Củ Chi.

 

Tuy nhiên, phần nhiều thời gian phim của tôi không phải để miêu tả cuộc chiến với người Mỹ, mà là cuộc chiến bên trong thế giới nội tâm của những người du kích. Các nhân vật chính đều phải đối mặt với những mâu thuẫn giữa lý tưởng, nhiệm vụ và mong muốn riêng tư của họ. Họ hiểu mình đang chiến đấu vì tổ quốc, nhưng họ vẫn là những con người, với cả những nhu cầu về sinh lý, tình cảm, khao khát yêu đương. Khi đối mặt với sự kinh hoàng của chiến tranh, vẫn có người sợ hãi bỏ chạy. Bản chất, họ không phải là những người lính chuyên nghiệp.

 

Phần lớn các du kích trẻ trong phim đều thiếu kinh nghiệm chiến đấu. Khi đối diện với mất mát, có trường hợp còn hành động theo cảm xúc cá nhân. Ở một mặt, đó là cách họ đối mặt với cái chết. Sống ngay trong lằn ranh giữa sống và chết mỗi ngày, những con người này không muốn suy tính nhiều. Ngay cả những người kiềm chế nhất, khi đối mặt với bom đạn điên cuồng, cũng vứt bỏ mọi suy tính và cản trở. Tôi muốn miêu tả chân dung con người và sự sống của họ.

 

Cuộc chiến trong phim là cuộc chiến phi đối xứng, cuộc đối đầu của một đội quân hùng mạnh với vũ khí hiện đại với một nhóm nông dân với vũ khí tự chế. Nhưng càng về cuối phim, càng đi sâu xuống lòng đất, người Mỹ chẳng còn giữ được lợi thế của mình nữa mà phải chiến đấu ngang bằng với người Việt Nam. Đó là sức mạnh của chiến tranh nhân dân mà những thế hệ đi trước đã áp dụng thành công để giành lại hòa bình thống nhất cho tổ quốc.

 

Nhân nói về những người du kích ở địa đạo, ngay từ những hình ảnh đầu tiên, khán giả đã khen ngợi sự chân thực trong tạo hình nhân vật. Phần lớn diễn viên trong phim đều là những người trẻ và kinh nghiệm diễn xuất chưa dày dặn, anh đã làm việc với họ như thế nào?

 

Bùi Thạc Chuyên: Tôi phải giải thích cho họ kỹ lưỡng, đồng thời, họ cũng phải trải qua quá trình luyện tập như những người du kích thực sự. Dù họ không thể biết cảm giác phải đối mặt với cái chết là như thế nào, nhưng tôi muốn họ được sống như những nhân vật mà họ đảm nhận. Sự rèn luyện chiếm một phần lớn trong quá trình làm phim của chúng tôi. Với bối cảnh trên mặt đất, chúng tôi phải quay phim trong thời tiết nắng nóng, có ngày lên đến hơn 40o, mà còn phải quay cùng với khói lửa. Còn với bối cảnh dưới hầm, dù các căn hầm giả lập được dựng trong trường quay, nhưng chúng rất chật hẹp và còn bị nung nóng do đèn chiếu sáng. Tuy nhiên, khi tôi đề nghị đưa quạt thổi không khí mát vào hầm, các diễn viên đã phản đối. Họ muốn thực hiện cảnh quay trong sự nóng bức, ngột ngạt thực sự để sống đúng theo cách những người du kích Củ Chi đã sống.

địa đạo
Ảnh: Galaxy Studio

Thế còn với riêng anh thì sao? Bộ phim hẳn cũng có những ý nghĩa cá nhân với anh chứ?

 

Bùi Thạc Chuyên: Quá trình thực hiện bộ phim này cũng là hành trình chữa lành cho chính tôi. 10 năm trước, tôi rơi vào khủng hoảng lớn vì nhiều lý do. Tôi thậm chí còn cảm thấy chán cả việc làm phim. Việc tìm hiểu về Củ Chi giống như được sống trong một thế giới khác, một thế giới đặc biệt kéo tôi ra khỏi những bế tắc của cuộc đời mình. Tôi tìm thấy năng lượng trong quá trình khám phá những thế giới mới và tìm lại được cảm hứng với điện ảnh. Trong quãng thời gian ấy, tôi viết kịch bản “Tro tàn rực rỡ”“Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” gần như cùng lúc.

 

Tôi đã có thời gian đi khắp vùng Đông và Tây Nam Bộ, và cảm nhận được sức sống mãnh liệt của con người ở những vùng đất này. Những cô những chị năm giờ sáng vừa làm việc trong xưởng ép chuối vừa đùa cợt véo von về những chuyện ái ân. Sức sống của họ hồn nhiên và rực rỡ như vậy đấy. Sức sống ấy cũng giống như của người dân Củ Chi, đơn giản và quyết liệt. Họ sống hàng tháng, hàng năm dưới những đường hầm sâu trong lòng đất, với ước mơ giản dị là có ngày được ngồi uống trà trên mặt đất.

 

Điều tôi nhìn thấy được ở những con người miền Nam, và tôi nghĩ mình đã đưa được vào trong phim, là năng lượng Dương. Tôi chưa bao giờ làm phim nào mà tính Dương lại tràn ngập như phim này. Tính Dương ấy đến từ sức sống tự thân của con người ở vùng đất này, và đó chính là mặt trời trong lòng đất. Sống dưới lòng địa đạo, mỗi con người ấy là mặt trời của chính họ.

 

Cảm ơn anh rất nhiều.

______

Bài: Phương Huyền Lê

Ảnh: Galaxy Studio

No more