Giữa sân khấu rực rỡ ánh đèn, nơi nghệ thuật và cảm xúc hòa quyện, đạo diễn Cao Trung Hiếu trở thành “người vẽ giấc mơ” bằng những rung cảm tinh tế và khả năng sáng tạo không giới hạn. Với tình yêu thuần khiết dành cho âm nhạc và mỹ thuật, anh nâng niu những khoảnh khắc nhỏ bé trong cuộc sống và biến những ý tưởng giản dị thành không gian trình diễn đong đầy cảm xúc. Trong cuộc trò chuyện lần này, Cao Trung Hiếu chia sẻ về nguồn cảm hứng sáng tạo, triết lý nghệ thuật anh theo đuổi cùng những trải nghiệm quý giá trong hành trình chinh phục nghệ thuật sân khấu và điện ảnh.
Giờ đây, khi đã trở thành một trong những đạo diễn sân khấu hàng đầu Việt Nam, nhìn lại khoảnh khắc đầu tiên bén duyên với vai trò đạo diễn sân khấu tại live concert của Khánh Ly năm 2014, anh có chiêm nghiệm gì về hành trình của mình?
Nhìn lại hành trình đã qua, tôi thấy mình may mắn nhận được nhiều món quà quý. Đó là cơ hội được làm việc và sáng tạo. Càng đi trên con đường này, tôi càng thấy mình nhỏ bé, nhưng đồng thời cũng luôn tràn đầy niềm vui và hạnh phúc. Ở hành trình kế tiếp, tôi chỉ mong mình làm được nhiều thứ ý nghĩa hơn trong công việc sáng tạo.
Từ một người có nền tảng mỹ thuật công nghiệp, thiết kế và nhiếp ảnh, anh đã chuyển mình sang lĩnh vực đạo diễn sân khấu như thế nào?
Sự cảm thụ đặc biệt với âm thanh và hình ảnh là hai yếu tố cần thiết của một đạo diễn sân khấu. Tôi là người nhạy cảm với âm nhạc từ bé và được đào tạo chuyên nghiệp về mỹ thuật tạo hình, đó là quá trình tích lũy kỹ năng một cách tự nhiên mà tôi may mắn có được. Tôi không làm việc một mình, vì thế, khả năng đối thoại và quan sát kinh nghiệm của các đàn anh đã giúp tôi có nền tảng vững vàng cùng sự quyết liệt cần thiết. Tôi học mỗi ngày, từ những điều nhỏ bé nhất.
Nếu xem việc lên ý tưởng sản xuất và đạo diễn sân khấu là một kỹ nghệ, thời điểm nào anh cảm thấy mình đã hoàn toàn làm chủ kỹ nghệ này?
Tôi không biết mình đã làm chủ kỹ nghệ này chưa. Tôi chỉ nhận ra việc biểu đạt “tiếng nói” của mình là điều tối quan trọng. Đôi khi tiếng nói đó thật rõ ràng, dõng dạc, đôi khi không. Nhưng không sao cả, tôi vẫn đang say sưa trên hành trình đi tìm ngôn ngữ sáng tạo của riêng mình.
Mỗi sân khấu của anh đều mang một concept riêng, có khả năng kể chuyện đầy duyên dáng và giàu ý niệm. Ý tưởng thiết kế thường đến với anh như thế nào? Làm sao anh có thể liên tục đưa ra ý tưởng mới mà không lặp lại chính mình?
Khi đọc thơ haiku – một thể thơ thật ngắn của người Nhật, tôi yêu quý triết lý nắm bắt từng khoảnh khắc của những điều bình dị và nhỏ bé. Phải chăng, nếu ta không mưu cầu thứ gì lớn lao thì những điều nhỏ bé lại là vô hạn. Tôi bắt đầu một ý tưởng mới cũng từ những điều nhỏ bé ấy và mong nó sẽ là nguồn ý tưởng vô hạn. Với thiết kế sân khấu, tôi luôn muốn thể hiện những hình ảnh gợi nhớ đến ký ức đẹp đẽ của tuổi thơ hay những điều thường nhật mà đôi khi ta quên mất sự hiện diện của chúng. Có lẽ vì thế mà khán giả phần nào cảm nhận được không gian sân khấu cũng là điều “thân thuộc lãng quên” của chính họ.
Theo anh, đâu là yếu tố then chốt để tạo nên một sân khấu thành công?
Một sân khấu thành công, đối với tôi, là một sân khấu có thể nhận diện, gọi được tên và khiến người xem không thể quên về một cảm giác xúc động đẹp đẽ ít có trong đời thật. Nó như một giấc mơ mà khán giả được đắm chìm. Quan trọng nhất, sân khấu âm nhạc thì phải là sân khấu tôn vinh âm nhạc.
Anh nói rất nhiều về việc “đối thoại” trong quá trình làm việc, với chính bản thân mình, với ê-kíp và với khán giả. Vậy, anh thường “đối thoại” với từng đối tượng nghệ thuật như thế nào để có thể đặt tất cả vào trong một chỉnh thể hài hòa, lột tả được ý tưởng sáng tạo của anh?
Tôi thường đặt mình vào vị trí là một khán giả có mặt trong không gian sân khấu và tưởng tượng ra những gì làm mình rung động. Đôi khi là một sự choáng ngợp rực rỡ đầy bất ngờ, đôi khi chỉ cần một tia sáng nhỏ cũng đủ để âm nhạc xuyên thẳng vào trái tim. Nhưng quan trọng nhất vẫn là sự kết nối – cả một tập thể cùng giúp tôi lột tả những cảm giác đó. Điều này không dễ dàng nhưng rất thú vị! Tôi luôn nhìn mọi “đối tượng nghệ thuật” bằng những gì cơ bản nhất để gọi tên thật đúng. Việc đối thoại hay kết hợp nhiều bộ môn nghệ thuật sẽ đến sau khi bạn đã tự tin hiểu rõ về chúng.
Mỗi nghệ sĩ, đơn vị mà anh hợp tác lại mang một cá tính và màu sắc riêng, đòi hỏi bản thân anh cũng phải có kiến thức đa lĩnh vực để hiểu được tinh thần của dự án. Anh thường trau dồi cảm quan thẩm mỹ và khả năng cảm thụ nghệ thuật như thế nào để có thể nắm bắt và chuyển hóa được câu chuyện của nghệ sĩ thành ý tưởng dàn dựng sân khấu, trong khi vẫn giữ được phong cách sáng tạo của riêng mình?
Vẫn là sự đối thoại. Đối thoại ở đây có khi chỉ là sự tin tưởng không lời. Hơn nữa, bạn phải tin vào trọng tâm của một sự hợp tác. Giống như việc làm gốm, nếu đặt bàn tay nặn đất sai trọng tâm bàn xoay, chắc chắn bạn sẽ không tài nào tạo nên được hình thù một chiếc bát.
Khi làm việc với vai trò đạo diễn và điều hành ê-kíp, có thể thấy anh là một người rất lý trí, luôn sáng suốt và tỉnh táo giải quyết những “bài toán” hóc búa nhằm đảm bảo mọi thứ được vận hành hiệu quả. Nhưng anh còn là một người yêu âm nhạc, chụp ảnh, thiết kế, thích cắm hoa Ikebana và sáng tác thơ Haiku. Con người nghệ sĩ cá nhân và con người lý trí khi làm việc với tập thể tồn tại bên trong anh như thế nào? Hai khía cạnh này dung hòa và hỗ trợ nhau ra sao?
Đạo diễn sân khấu là một công việc “team work”, vì vậy, tôi phải thật sự tỉnh táo để hiểu rõ về việc sản xuất mới có thể biến ý tưởng thành hiện thực. Còn những lúc rảnh rỗi, tôi thường thực hành các bộ môn nghệ thuật cá nhân vì sở thích và cũng để tâm trí mình được giải phóng. Sự cân bằng là điều cần thiết để tôi có đủ sức làm tốt công việc của mình.
Cơ hội làm việc với những nghệ sĩ quốc tế tại các lễ hội âm nhạc lớn mang lại cho anh những bài học kinh nghiệm gì? Những kinh nghiệm đó được ứng dụng như thế nào trong quá trình anh mang âm nhạc Việt Nam ra thế giới, ví dụ như tour diễn “Sketch A Rose” của Hà Anh Tuấn?
Không chỉ riêng tôi mà cả tập thể Viet Vision cùng các cộng sự đều học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm đáng quý từ những lần hợp tác với các đối tác nước ngoài. Mỗi quốc gia, mỗi ê-kíp nghệ sĩ đều có văn hóa và điều kiện hợp tác khác nhau. Ngoài những yếu tố về công nghệ và sự chuyên nghiệp tuyệt đối, chúng tôi học hỏi được việc “đóng gói” một quy trình sản xuất từ kỹ thuật đến… cảm xúc. Đây là điều không dễ dàng bởi bạn phải làm việc hài hòa giữa lý tính và cảm tính. Hơn hết, phải luôn ghi nhớ rằng người nghệ sĩ là trọng tâm, bởi khán giả đến với một sân khấu nào đó vì những giá trị tinh thần mà người nghệ sĩ đó mang lại, không phải công nghệ biểu diễn hay hiệu ứng đẹp mắt.
Trước sự thay đổi của thị hiếu khán giả trong thời đại công nghệ số, tư duy và góc nhìn của người đạo diễn cũng phải chuyển hóa như thế nào để thích nghi? Trong quá trình chuyển mình, có điều gì khiến anh phải đắn đo, cân nhắc nhiều?
Tôi nghĩ rằng thị hiếu có thể thay đổi theo thời gian, nhưng mưu cầu thưởng thức nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc, đối với khán giả thế hệ nào cũng đều giống nhau. Vì vậy, đứng ở vai trò là một đạo diễn sân khấu, việc cập nhật xu hướng là điều rất quan trọng trong việc truyền tải giá trị nghệ thuật mang tính thời đại. Nhưng với một người làm sáng tạo, tôi nghĩ rằng công nghệ chỉ là công cụ, yếu tố con người là điều tiên quyết. Sự kết hợp sáng tạo với các nghệ sĩ liên ngành là điều tôi dành nhiều sự quan tâm để mang đến những trải nghiệm mới cho khán giả.
Sau gần 15 năm làm việc trong lĩnh vực đạo diễn sân khấu, quan điểm sáng tạo của anh đã thay đổi như thế nào? Và điều gì vẫn còn vẹn nguyên sau ngần ấy năm?
Tôi từng ước mơ mình trở thành một người làm sáng tạo độc lập. Nhưng khi chọn công việc đạo diễn, quan điểm sáng tạo của tôi dần thay đổi. Mỗi sân khấu tuy ý tưởng được bắt đầu từ cá nhân mình nhưng kết quả lại là một tác phẩm mang tính tập thể. Tôi từng rơi vào trạng thái tiếc nuối, trống rỗng khi mỗi sân khấu kỳ công phải tháo dỡ ngay sau đêm diễn. Nhưng dần dà, tôi thấy hạnh phúc trước những trải nghiệm, những khoảnh khắc thăng hoa không dễ gì có được, dù nó tan biến nhanh… như giọt sương mai tuyệt đẹp vào buổi sớm. Nghề này cho tôi thêm tính xấu là dễ mất kiểm soát, nhưng đổi lại, tôi vẫn được làm đứa trẻ ngây thơ trước mỗi ý tưởng mới! Đó là điều may mắn!
Được biết, anh cũng tham gia quá trình sản xuất các dự án phim độc lập như “Truyện Ngắn” (2019), “Tro tàn rực rỡ” (2022), “Culi không bao giờ khóc” (2024)… Anh có thể chia sẻ thêm về vai trò của mình trong các tác phẩm trên? Kinh nghiệm đạo diễn sân khấu mang lại cho anh lợi thế nào khi lấn sân sang lĩnh vực này?
Tôi yêu điện ảnh, đặc biệt là những tác phẩm độc lập với lối kể chuyện bằng ngôn ngữ riêng. Phải thật lâu rồi tôi mới có cảm giác xúc động trước một kịch bản phim thật đẹp như Tro Tàn Rực Rỡ, Bên Trong Vỏ Kén Vàng hay Cu Li Không Bao Giờ Khóc… Tôi đến với những dự án này bằng tình cảm cá nhân và qua đó, tôi được học hỏi thêm về sự cảm thụ cái đẹp của điện ảnh để bổ trợ cho chính công việc sáng tạo của mình. Riêng với Truyện Ngắn, lần đầu trong đời tôi làm đạo diễn một bộ phim. Tôi đã đem những thước phim của Truyện Ngắn để trình chiếu trong một concert. Quả thật chẳng có gì dễ dàng, nhưng đó lại là niềm tự hào của tôi về một trải nghiệm tuyệt vời khó quên với điện ảnh.
Là một nghệ sĩ đa tài và có tình yêu sâu sắc dành cho nghệ thuật, trong tương lai, anh nghĩ mình sẽ tiếp tục thử sức trong lĩnh vực nào khác?
Tôi không dám nhận mình đa tài, tôi chỉ đang đi tìm bản thân mình và trên hành trình đó, tôi “gặp” được nhiều loài hoa nở, kể cả những loài cỏ dại ven đường… Chúng đều đẹp và đó là những món quà mà tôi nhận được khi làm công việc này. Tôi vẫn nuôi dưỡng niềm đam mê chụp ảnh và biết đâu trong tương lai, tôi sẽ ra mắt một tập thơ haiku như cách tôi “chụp” lại những khoảnh khắc đời sống bằng những câu chữ giản dị. Cho tôi tưởng tượng tí nhé, nghĩ đến thôi đã thấy yêu đời rồi!
Cảm ơn những chia sẻ thú vị. Chúc anh luôn tràn đầy cảm hứng sáng tạo và thành công trên con đường nghệ thuật.
______
Starring: Cao Trung Hiếu
Sản xuất & sáng tạo: Artclass Vietnam
Giám đốc sáng tạo: Vic Lee
Giám đốc nghệ thuật: Nguyệt Dương
Hình ảnh: Đức Ngô
Trợ lý hình ảnh: Như Khôi
Sản xuất: Trang Nguyễn
Trợ lý sản xuất: Bảo Trân
Stylist: Freddy Nguyen
Trợ lý Stylist: Diệu Vy
HMUA: Thắng Trần
Fashion: Mai Lam, Lựu Đạn
Bài: Đoàn Trúc