Nhân dịp Dế Mèn: Cuộc phiêu lưu tới xóm Lầy Lội ra mắt, ELLE Man Việt Nam đã có cuộc trò chuyện cùng đạo diễn Mai Phương để hiểu rõ hơn về hành trình sáng tạo, những thử thách trong quá trình sản xuất của chị cùng ê-kíp và khát vọng thổi hồn Việt vào phim hoạt hình hiện đại.
1. Dế Mèn phiêu lưu ký là một tác phẩm văn học kinh điển, từng gắn bó với tuổi thơ của nhiều thế hệ người Việt. Điều gì khiến chị cảm thấy đây là thời điểm thích hợp mang Dế Mèn lên màn ảnh rộng?
Đạo diễn Mai Phương: Trên thực tế, đội ngũ của chúng tôi đã có gần một thập kỷ làm việc trong lĩnh vực hoạt hình nói riêng và kỹ xảo điện ảnh (VFX) nói chung. Quá trình ấy là chuỗi ngày dài miệt mài học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, xây dựng đội ngũ, đầu tư trang thiết bị và hoàn thiện kỹ năng chuyên môn. Sau chặng đường đó, tôi cảm thấy đây là lúc cần bước ra khỏi vùng an toàn, tự đặt cho mình một thử thách lớn hơn – làm một bộ phim hoạt hình chiếu rạp. Dự án này vừa là cách chúng tôi kiểm chứng năng lực nội tại, vừa là cơ hội để học hỏi và rèn luyện khi bước vào một sân chơi mới, đầy khó khăn nhưng cũng đầy tiềm năng.
Bên cạnh đó, thị trường phim hoạt hình Việt Nam hiện nay còn rất ít sản phẩm được công chiếu chính thức tại rạp. Nguyên nhân đến từ nhiều phía nhưng có lẽ điều khó khăn nhất là cạnh tranh với làn sóng phim hoạt hình bom tấn ngoại nhập. Khi người xem ngày càng “quen miệng” với những “món ăn đẹp mắt từ phương Tây”, tương lai nào cho phim hoạt hình Việt? Đó là câu hỏi khiến cả ê-kíp trăn trở. Chính vì vậy, chúng tôi đã quyết tâm dồn toàn lực để thực hiện dự án này, một bộ phim hoạt hình 3D được làm hoàn toàn bởi người Việt, từ nhân sự đến ý tưởng.
2. Trong nhiều nhân vật văn học thiếu nhi khác, vì sao chị lại chọn Dế Mèn – một cậu bé côn trùng nghịch ngợm nhưng nhân hậu để làm nhân vật chính cho bộ phim đầu tay?
Đạo diễn Mai Phương: Không thể phủ nhận Dế Mèn phiêu lưu ký đã trở thành một phần ký ức tuổi thơ của nhiều thế hệ người Việt. Nhắc đến Dế Mèn, người ta sẽ nhớ ngay đến chú dế nhỏ gan dạ bước ra từ trang sách của nhà văn Tô Hoài. Bản thân tôi cũng là người đã từng sống trong thời đại mà Dế Mèn phiêu lưu ký là cả bầu trời tuổi thơ. Mọi thứ Tô Hoài miêu tả trong nguyên tác tôi đều đã thấy ở đời thực, như là cánh đồng, con mương, các loài côn trùng, những trò chơi dân gian. Nhưng với trẻ em ngày nay, đặc biệt là thế hệ Gen Z, Gen Alpha, liệu Dế Mèn có còn đủ gần gũi để các em hình dung rõ ràng về thế giới côn trùng kỳ thú từng được nhà văn miêu tả? Cá nhân tôi nghĩ rằng rất khó.
Vì thế, tôi chọn kể lại câu chuyện Dế Mèn theo cách khác, để chú dế bước ra từ trang sách, sống giữa thế kỷ 21 và gần gũi hơn với thế giới của trẻ em hôm nay. Đây là bộ phim mang dáng dấp câu chuyện cũ, nhưng được kể bằng hơi thở của thời đại mới.
3. Một trong những điểm đặc biệt của Dế Mèn: Cuộc phiêu lưu tới xóm Lầy Lội là cài cắm tinh tế yếu tố văn hóa Việt vào tạo hình và bối cảnh – từ khăn xếp, áo dài đến họa tiết mây ngũ sắc… Chị và đội ngũ đã làm thế nào để kết hợp hài hòa yếu tố văn hóa truyền thống và thế giới côn trùng trong phim?
Đạo diễn Mai Phương: Tôi không nghĩ việc đưa văn hóa truyền thống vào phim là điều khó khăn. Thực tế, giới trẻ hiện nay đang có xu hướng quay về với cội nguồn, tìm lại những giá trị văn hóa dân tộc. Đằng sau những hoạt động đó là tinh thần tự hào dân tộc và khát khao đưa văn hóa truyền thống hòa nhập một cách sống động vào đời sống hiện đại. Với chúng tôi, việc lồng ghép văn hóa truyền thống vào thế giới côn trùng đến rất tự nhiên. Các yếu tố truyền thống được cài cắm tinh tế, xen lẫn hiện đại, từ tạo hình nhân vật với áo the, khăn xếp, áo tứ thân, nón quai thao đến đạo cụ như trống cơm, đàn tính. Không chỉ vậy, chúng tôi còn đưa vào những hình ảnh đặc trưng của Việt Nam như chùa Cầu (Hội An), chùa Một Cột, cầu Long Biên hay cột cờ Hà Nội. Những chi tiết ấy hiện lên nhẹ nhàng như một phần đời sống thường nhật của người Việt.
4. Bộ phim được chuẩn bị trong suốt 10 năm tích lũy kinh nghiệm và hơn hai năm thực hiện. Trong hành trình ấy, đâu là giai đoạn khó khăn nhất đối với chị?
Đạo diễn Mai Phương: Có thể nói, hành trình của chúng tôi bắt đầu từ con số 0 – một con đường nhiều lúc tưởng như không thể bước tiếp. Bản thân tôi bước vào nghề từ vị trí tay ngang, nên buộc phải nỗ lực gấp hai, gấp ba lần người khác. Tôi miệt mài nghiên cứu cách các nước làm phim hoạt hình, phân tích quy trình sản xuất của họ, học từ những điều cơ bản nhất. Chỉ khi nắm vững nền tảng, tôi mới có thể tự tin bước vào sáng tạo mà không lo mình đang dựng nhà trên cát.
Ngành hoạt hình 2D ở Việt Nam đã từng có những tên tuổi lớn tạo nên các tác phẩm kinh điển và thế hệ sau được đào tạo bài bản từ nền tảng đó. Tôi may mắn khi người đưa mình đến với hoạt hình 2D là họa sĩ – đạo diễn Vũ Duy Khánh của Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, một trong những cây đại thụ của ngành. Nhưng khi quyết định rẽ hướng sang hoạt hình 3D, tôi hiểu rằng mình phải bắt đầu lại một lần nữa. Hoạt hình 3D là một lĩnh vực hoàn toàn khác, đòi hỏi người đạo diễn phải nắm vững quy trình tiền kỳ của 2D và phải hiểu sâu, làm chủ toàn bộ chuỗi công việc từ modeling, rigging, lighting đến rendering cùng hàng loạt phần mềm kỹ thuật phức tạp. Nếu không đủ hiểu biết, người làm nghề sẽ như đi trong sương mù. Với tôi, kiến thức luôn là biển rộng, mà mỗi người chỉ là một hạt cát nhỏ nhoi. Nhưng chính vì nhỏ nhoi, ta lại càng phải học không ngừng để không bị nhấn chìm.
5. Sự kết hợp giữa âm nhạc dân gian và nhạc kịch hiện đại trong Dế Mèn là một điểm nhấn lớn. Chị và Masew đã tìm thấy tiếng nói chung ở điểm nào để tạo nên màu âm thanh riêng biệt cho bộ phim?
Đạo diễn Mai Phương: Cả tôi và Masew đều lần đầu tiên thử sức với phim chiếu rạp. Masew đảm nhận vai trò đạo diễn âm nhạc, còn tôi là đạo diễn chính của một bộ phim hoạt hình 3D. Điều này khiến chúng tôi cùng hiểu rõ những khó khăn và áp lực mà cả hai sẽ phải đối mặt. Ngoài ra, chúng tôi đều yêu thích văn hóa và âm nhạc truyền thống. Chúng tôi mong muốn qua bộ phim này có thể truyền tải tình yêu quê hương đất nước, từ những hình ảnh đến ca từ, từ giai điệu đến nhịp điệu. Âm nhạc trong phim không đơn thuần là phần phụ trợ mà là yếu tố mang lại cảm xúc và thông điệp cho người xem.
6. Là bộ phim hoạt hình 3D đầu tiên hoàn toàn do ê-kíp Việt Nam thực hiện, trong đó có gần 100 sinh viên ICTU, chị có gặp phải thử thách gì khi làm việc với một đội ngũ trẻ đầy nhiệt huyết nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm?
Đạo diễn Mai Phương: Trong suốt hai năm làm phim, tôi và ê-kíp đã phải dành một năm đầu tiên để cùng các thầy cô tại trường Đại học Công nghệ số ICTU Thái Nguyên đào tạo các bạn sinh viên. Điều đáng chú ý là các bạn sinh viên ở đây, dù học chuyên ngành công nghệ thông tin, nhưng được đào tạo về mỹ thuật rất bài bản. Chính vì vậy, thẩm mỹ và kỹ năng của các bạn được trang bị khá đầy đủ từ trước. Khi chúng tôi cùng ê-kíp sản xuất thống nhất với trường ICTU Thái Nguyên để thành lập một khoa mang tên “Phim Trường Số” và tuyển chọn các bạn sinh viên vào đào tạo, tôi thực sự rất bất ngờ với sự phát triển vượt bậc của các bạn. Tôi nghĩ đây là tín hiệu đáng mừng, giúp chúng tôi có thêm hy vọng rút ngắn được quá trình làm phim, đồng thời mở ra một tương lai tươi sáng hơn.
7. Được biết, nhân vật Dế Mèn đã trở thành “bạn đồng hành” của UNICEF Việt Nam, điều này có ý nghĩa như thế nào đối với chị và bộ phim?
Đạo diễn Mai Phương: Khi quyết định thực hiện bộ phim này, mục tiêu của chúng tôi không đơn thuần là một tác phẩm điện ảnh. Chúng tôi mong muốn nhân vật Dế Mèn trở thành biểu tượng đại diện cho nền văn hóa Việt Nam, đồng hành cùng các chiến dịch xã hội mang ý nghĩa sâu sắc. Dế Mèn, với sứ mệnh cao cả của mình, đã được vinh dự đồng hành cùng quỹ bảo trợ trẻ em yếu thế của UNICEF Việt Nam. Điều này làm cho tôi và ê-kíp cảm thấy tự hào và thêm phần xúc động. Đây là cơ hội để Dế Mèn truyền tải những thông điệp nhân văn, bảo vệ môi trường, yêu thiên nhiên và cùng nhau chung tay đối mặt với vấn đề biến đổi khí hậu – những chủ đề được cố nhà văn Tô Hoài gửi gắm trong tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu ký.
8. Phim ra mắt đúng dịp Quốc tế Thiếu nhi, nhưng lại phải đối đầu với bom tấn hoạt hình Nhật Bản Doraemon. Điều này có khiến chị áp lực khi đặt “đứa con tinh thần” của mình lên cùng bàn cân với một tượng đài quốc tế?
Đạo diễn Mai Phương: Nếu nói rằng không áp lực thì có phần khiên cưỡng nhưng quả thực chúng tôi đã ấp ủ giấc mơ này rất lâu. Vì vậy, cho dù có phải đối đầu với những bom tấn quốc tế hay bất kỳ thử thách nào, chúng tôi vẫn ra mắt bộ phim Dế Mèn: Cuộc phiêu lưu tới xóm Lầy Lội vào dịp 1/6. Đây là dịp vô cùng đặc biệt và là cơ hội để bộ phim trở thành cầu nối giữa các thế hệ. Chúng tôi mong muốn phim sẽ trở thành một phần trong những buổi đi xem đầy cảm xúc của các gia đình: ông bà, cha mẹ đi xem để hồi tưởng lại tuổi thơ, còn trẻ nhỏ sẽ được nhận món quà đặc biệt từ ba mẹ nhân ngày 1/6. Trong một xã hội ngày càng bộn bề, việc có được thời gian bên gia đình, cùng nhau thưởng thức một bộ phim chất lượng, chính là điều chúng tôi mong muốn mang lại. Bộ phim là món quà tinh thần cũng là dịp để các gia đình gần nhau hơn, kết nối cảm xúc và gắn bó hơn trong những khoảnh khắc giản đơn nhưng đầy ý nghĩa.
9. Bên cạnh thành công của Dế Mèn: Cuộc phiêu lưu tới xóm lầy lội, khán giả cũng dành nhiều sự quan tâm đến chị với tư cách đạo diễn. Điều gì đã khiến chị lựa chọn và gắn bó với điện ảnh nói chung và dòng phim hoạt hình nói riêng?
Đạo diễn Mai Phương: Là một người con của Hà Nội, tôi tự hào là một phần của đất nước Việt Nam. Chính tình yêu đối với mảnh đất này, với mọi miền quê và con người Việt Nam đã là động lực mạnh mẽ để tôi gắn bó với điện ảnh, đặc biệt là dòng phim hoạt hình.
Tôi tin rằng điện ảnh, bao gồm là phim hoạt hình, có sức mạnh to lớn đối với tinh thần và nhận thức của con người. Đây là môn nghệ thuật thứ bảy, bởi vì nó là sự kết hợp của nhiều ngành nghệ thuật khác nhau, từ âm nhạc, mỹ thuật, kịch bản cho đến diễn xuất. Mỗi đạo diễn, như một bác sĩ, nhà văn hay chiến sĩ, đều có những “vũ khí” riêng trong tay. Khi đã được nghề lựa chọn và quyết tâm sống chết với nghề, tôi nghĩ rằng mỗi người phải có một quan điểm và hướng đi rõ ràng ngay từ đầu. Bởi lẽ, đam mê là một yếu tố quan trọng, nhưng quan trọng hơn là phải tỉnh táo, hiểu rằng chúng ta không làm sản phẩm để phục vụ cho cá nhân hay để khẳng định bản thân. Sản phẩm mà tôi tạo ra phải phục vụ công chúng, phải có giá trị và phải có ích cho xã hội.
10. Nếu chỉ được chọn ba từ để nói về quan điểm nghệ thuật điện ảnh của mình, chị sẽ chọn những từ nào? Và vì sao?
Đạo diễn Mai Phương: Tôi sẽ chọn ba từ đó là : đồng cảm – nhân văn – yêu nước.
Đồng cảm là điều tôi đặc biệt chú trọng trong việc thể hiện. Cho dù viết kịch bản hay cách chọn góc máy, tôi đều muốn khán giả cảm nhận được sự gần gũi và thấu hiểu đối với nhân vật cũng như hiểu được ý đồ mà tôi muốn gửi gắm qua từng cảnh phim. Về nhân văn, việc đồng cảm thôi chưa đủ. Mục tiêu của tôi là khi khán giả đồng cảm với số phận hay hành động của nhân vật, họ sẽ tiếp tục được dẫn dắt đến hành động thiết thực, mang tính nhân văn. Nhân văn là cảm xúc, cũng là một nền tảng cho các giá trị đạo đức và hướng đi của xã hội. Về yêu nước, đây là một từ quá đỗi thiêng liêng. Yêu nước không chỉ là lời nói, mà phải được thể hiện qua hành động. Sản phẩm điện ảnh của người Việt cần phải tôn vinh nét văn hóa và truyền thống của dân tộc, thổi bùng niềm tự hào dân tộc và xây dựng nền tảng cho thế hệ trẻ tiếp bước, giúp đất nước vững mạnh hơn.
11. Với Dế Mèn: Cuộc phiêu lưu đến xóm Lầy Lội, chị có nghĩ rằng ngành công nghiệp phim hoạt hình Việt Nam sẽ bước vào một thời kỳ mới, với những sản phẩm chất lượng hơn và mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc không?
Đạo diễn Mai Phương: Tôi luôn tin rằng ngành hoạt hình Việt Nam thực sự có tiềm năng to lớn. Thứ nhất, phim hoạt hình có tính kế thừa cao, bởi vì thế hệ trẻ em luôn nối tiếp nhau. Một bộ phim hoạt hình chất lượng có thể được chiếu lại hàng năm, tại rạp và cả trên nhiều nền tảng khác, mang lại giá trị dài lâu cho các thế hệ sau. Thứ hai, Việt Nam sở hữu một kho tàng văn học thiếu nhi vô cùng phong phú, từ các tác phẩm văn học, truyện cổ tích, đến các truyền thuyết dân gian.
Hơn nữa, đất nước chúng ta còn có một nền lịch sử lâu dài với rất nhiều di sản quý giá. Chỉ riêng với kho tài nguyên này, việc khai thác nội dung cho phim hoạt hình và điện ảnh là vô hạn. Nếu chúng ta khai thác tốt những giá trị văn hóa, lịch sử này, tôi tin rằng một ngày không xa, phim hoạt hình Việt Nam sẽ vươn ra thế giới và đứng trên “bàn tiệc” với những phim ngoại khác.
12. Cuối cùng, chị có thể chia sẻ những dự định trong tương lai của mình?
Đạo diễn Mai Phương: Sau phần 1, chúng tôi đang lên kế hoạch cho phần 2 của Dế Mèn, dự kiến sẽ ra mắt vào dịp Quốc tế Thiếu nhi năm sau. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là chúng tôi muốn xây dựng những hoạt động mang tính xã hội, để Dế Mèn có thể sống động trong thế giới thực, cùng các bạn nhỏ. Dự án Dế Mèn sẽ đồng hành cùng Quỹ bảo vệ trẻ em yếu thế của UNICEF Việt Nam, góp phần vào các hoạt động nhân văn, vì lợi ích cộng đồng. Bên cạnh đó, với sứ mệnh Netzero, Dế Mèn cũng sẽ tham gia các chương trình bảo vệ môi trường, tái chế rác thải và hợp tác với các nhãn hàng Việt có chung mục tiêu bảo vệ thiên nhiên. Ngoài ra, Dế Mèn sẽ tham gia các talkshow, trở thành cầu nối giữa cha mẹ và con cái. Cùng với các chuyên gia tâm lý, Dế Mèn sẽ giúp cha mẹ hiểu thêm về con cái và đưa ra những định hướng tích cực để phát triển tâm sinh lý của trẻ một cách toàn diện.
Chúng tôi cũng sẽ hợp tác với Nhà xuất bản Kim Đồng để review những bộ sách hay, có ý nghĩa dành cho trẻ em. Đây là một phần trong hành trình mà chúng tôi sẽ thực hiện trong những năm tới, với mong muốn đem đến những hành động thiết thực, thông qua hình ảnh Dế Mèn, để phục vụ cộng đồng và xã hội.
Cảm ơn những chia sẻ của chị dành cho ELLE Man Việt Nam!
_____
Bài: Hoàng Thúy Vân