ngoại hình
Trong cuộc trò chuyện cùng thạc sĩ tâm lý học Minh Red Nguyen, chúng tôi sẽ cùng nhau giải mã những ám ảnh hình thể của đàn ông hiện đại và vì sao chăm sóc bản thân không nên là một điều phải giấu giếm.
Từ góc nhìn tâm lý học và văn hóa, điều gì định hình nên chuẩn mực ngoại hình lý tưởng dành cho nam giới? Và tại sao ngoại hình lại ảnh hưởng đến cách một người đàn ông được nhìn nhận trong xã hội?
Ngoại hình không tồn tại độc lập mà luôn tương tác với người khác và với xã hội. Nó không chỉ là vấn đề về cảm nhận cá nhân mà còn giữ vai trò “cầu nối” giữa cá nhân đó với thế giới xung quanh. Hình thể, phong cách ăn mặc, làn da và mái tóc… đều là những ngôn ngữ không lời để cá nhân thể hiện bản sắc, suy nghĩ, văn hóa, lối sống; nhưng đồng thời cũng là nơi cá nhân đón nhận sự đánh giá của cái nhìn bên ngoài, của các chuẩn mực và định kiến xã hội.
Từ góc nhìn sinh học, có một hiệu ứng tâm lý gọi là “halo effect” (hiệu ứng hào quang). Tức là khi chúng ta nhìn thấy một người có vẻ ngoài ưa nhìn, cân đối, sáng sủa, thậm chí hơi “baby face” một chút, tự động não bộ sẽ gán cho họ những phẩm chất tích cực: người này chắc hẳn thông minh, đáng tin, tử tế. Điều này lý giải vì sao ngoại hình “ưa nhìn” lại có khả năng tạo ra cảm giác tích cực ngay từ lần gặp đầu tiên.
Tuy nhiên, sinh học chỉ đóng vai trò nền tảng. Con người vốn sống trong cộng đồng, nên hình mẫu “lý tưởng” luôn được quy định và tái cấu trúc bởi các giá trị văn hóa, hệ tư tưởng và thời đại. Ví dụ, trong xã hội Việt Nam – vốn chịu ảnh hưởng sâu sắc từ văn hóa Trung Hoa – hình ảnh người đàn ông “vai năm tấc rộng, thân mười thước cao” từ lâu đã là một biểu tượng lý tưởng. Bờ vai rộng, thể hình vạm vỡ là dấu hiệu của khả năng gánh vác và thường được kết nối với sự an toàn, chở che và trách nhiệm. Trong khi đó, ở Hàn Quốc – một đất nước rất xem trọng hệ thống thứ bậc, hình mẫu lý tưởng lại nghiêng về sự thanh tú, nhã nhặn vì đây là biểu tượng của học thức, gia giáo và vị thế xã hội.
Thế nhưng, khi vai trò của phụ nữ trong xã hội thay đổi – họ độc lập, chủ động hơn trong các mối quan hệ – thì hình mẫu bạn đời lý tưởng cũng có sự chuyển dịch. Phụ nữ hiện đại không chỉ tìm kiếm một “bờ vai rộng” mà còn quan tâm xem người đàn ông có biết chăm sóc bản thân và có tạo ra cảm giác cảm thông, thấu hiểu hay không. Họ cũng tin rằng một người đàn ông có thể chăm sóc tốt cho chính mình thì cũng có thể chăm sóc được cho người khác. Chuẩn mực ngoại hình của nam giới cũng trở nên đa dạng hơn. Có người thích mẫu đàn ông cơ bắp, mạnh mẽ; người khác lại nghiêng về hình ảnh thư sinh, gọn gàng. Mỗi kiểu hình đều có cơ hội để trở thành “chuẩn”, tùy vào gu thẩm mỹ và bối cảnh văn hóa của đối phương.
Có phải dù xã hội hiện đại ngày càng khuyến khích đàn ông chăm chút vẻ ngoài, nhưng vẫn tồn tại những “định kiến” khiến nam giới e dè trong việc thể hiện sự đầu tư vào ngoại hình của mình?
Xã hội từ lâu đã đặt ra những chuẩn mực cứng nhắc về “nam tính”. Khi một người đàn ông thể hiện hành vi nằm ngoài vùng an toàn của chuẩn ấy – ví dụ như chăm chút cho ngoại hình, hoặc có những biểu hiện bị gán là “nữ tính” – họ rất dễ bị đánh giá, thậm chí quy chụp là không còn giữ được bản sắc giới tính. Điều này tạo ra cảm giác dè dặt và phòng thủ. Họ vẫn chăm sóc bản thân, vẫn đầu tư về ngoại hình nhưng luôn phải làm sao để trông thật “tự nhiên” như thể không hề cố gắng. Đó là hệ quả của một dạng chuẩn mực kép: vừa kỳ vọng đàn ông phải phải thu hút, nhưng lại không muốn thấy họ… nỗ lực để được như vậy. Trong khi phụ nữ luôn yêu cầu nam giới không đánh giá họ dựa trên vẻ ngoài, dường như chính họ cũng đang cho rằng “làm đẹp” là vùng đất của chỉ riêng nữ giới.
Đôi khi, việc chúng ta nhìn nhận nam giới thông qua những khuôn mẫu cứng nhắc, thậm chí lệch lạc, có thể dẫn đến cái nhìn “nam tính độc hại”. Ví dụ: “đàn ông đánh son thì không còn nam tính”, hay thậm chí “đừng lấy chồng mập, mập thì yếu”. Tức là, từ một đặc điểm ngoại hình rất đơn lẻ, người ta lại suy diễn sang những phán xét sâu hơn về giới tính, khả năng hay vai trò trong mối quan hệ. Nếu như “đánh son” là biểu hiện của sự chăm sóc cá nhân, nhưng lại bị gán nhãn là lệch chuẩn giới, thì những đánh giá như “chồng mập thì yếu” lại đi xa hơn, nó trực tiếp ảnh hưởng đến cách ta xây dựng và cảm nhận về một mối quan hệ. Vấn đề ở đây là: chúng ta thường nhìn sự khác biệt về ngoại hình như một khiếm khuyết, một thứ làm “sứt mẻ” trải nghiệm với người đối diện, thay vì xem đó là biểu hiện bình thường của sự đa dạng. Và nếu cứ duy trì tư duy ấy, chúng ta sẽ không còn nhìn thấy được tiềm năng đa dạng trong bản thân mỗi người, đặc biệt là nam giới trẻ đang cố gắng khám phá và thể hiện chính mình. Vì cuối cùng, điều khiến một người “đáng tin”, “có giá trị” trong mối quan hệ không nằm ở số đo, màu son hay thân hình, mà nằm ở cách họ sống, cách họ quan tâm đến chính mình và người khác.
Là một người đàn ông, từ góc nhìn quan sát và trải nghiệm cá nhân, anh nhận thấy nam giới thường có những nỗi ám ảnh ngoại hình nào mà ít khi được nhắc tới? Và ở thời đại hiện nay, tiêu chuẩn về ngoại hình nam giới đã thay đổi ra sao?
Có một nỗi ám ảnh gần như kinh điển nhưng lại ít khi được nói đến một cách thẳng thắn: kích thước cơ thể – ở nhiều phương diện. Có một câu nói rất phổ biến: “Đàn ông đẹp nhất là khi họ cởi trần”. Điều này nghe thì tưởng như một lời khen, nhưng thực chất lại phản ánh một chuẩn mực hình thể đầy áp lực mà nam giới thường phải đối mặt: cơ bắp, vai rộng, ngực nở, bụng phẳng, bắp tay rõ nét… Và quan trọng hơn, là sự “tự nhiên” của cơ thể đó – không che giấu, không phụ thuộc vào trang phục. Từ đó, nỗi mặc cảm về “kích thước” trở thành một dạng ám ảnh lan rộng. Nó không chỉ dừng ở chiều cao, cân nặng, mà còn mở rộng sang các biểu tượng hình thể nam tính như vai, ngực, râu, gân tay, bắp chân… Những chi tiết tưởng chừng nhỏ ấy lại được soi chiếu, so sánh và gán cho nhiều ý nghĩa văn hóa: râu rậm là nam tính, bụng phẳng là khỏe mạnh, vai rộng thì đáng tin cậy…
Tất nhiên, trong xã hội hiện đại, các khuôn mẫu này đang có sự dịch chuyển và đa dạng hóa, nhưng không có nghĩa là chúng biến mất. Nhiều nam giới vẫn phải đối mặt với những mặc cảm hình thể, không hẳn vì họ kém tự tin, mà vì họ liên tục phải đối chiếu bản thân với những hình ảnh lý tưởng hóa trên mạng xã hội, quảng cáo, phim ảnh. Và từ đó, hình thành nên một loạt phản ứng, có thể là nỗ lực để cải thiện bản thân, nhưng cũng có thể là góc nhìn tiêu cực, tự phán xét. Điều này thường bắt nguồn từ những lần va chạm với các khuôn mẫu “chuẩn”, dù là qua trải nghiệm cá nhân, lời nói vô tình hay sự kỳ vọng vô hình từ xã hội.
Nói cách khác, nam giới cũng có những vùng tổn thương âm thầm về ngoại hình, chỉ là họ ít nói ra, hoặc không có thói quen chia sẻ như phụ nữ. Nhưng điều đó không có nghĩa là nó không tồn tại. Thậm chí, nó tồn tại rất sâu và rất dai dẳng.
Theo anh, sự thay đổi mạnh mẽ về cách nhìn nhận ngoại hình trong những năm gần đây, đặc biệt là sau đại dịch, đang phản ánh điều gì trong xã hội hiện nay?
Chúng ta đang sống trong một thời đại đa sắc, và điều đó đang trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Điều quan trọng không còn là “chuẩn mực” về ngoại hình mà là sự nhất quán và tinh thần phía sau của người thể hiện. Vì suy cho cùng, ngoại hình chỉ là “giao diện” của một thương hiệu cá nhân. Và câu hỏi quan trọng hơn là: thương hiệu ấy mang lại giá trị gì? Không chỉ cho chính họ, mà cho những người xung quanh. Có người xây dựng thương hiệu rất tốt, nhưng điều khiến họ thực sự khác biệt là họ dùng ảnh hưởng đó để tạo tác động tích cực – truyền cảm hứng, chia sẻ giá trị, kết nối cộng đồng. Và nếu có ai đó đang muốn thể hiện một hình ảnh “khác chuẩn”, ví dụ như một người đàn ông thử thách các định kiến cũ về chuẩn mực nam giới, tôi nghĩ đó là điều hoàn toàn bình thường. Không chỉ bình thường, mà nên được khuyến khích. Chúng ta cần nhiều người như vậy hơn, những người dám thử, dám sai và dám định nghĩa lại chính mình.
Anh có cho rằng việc nam giới chăm sóc ngoại hình như grooming, skincare, tập gym ngoài là biểu hiện của sự tự tin, của một phong cách sống hiện đại thì liệu có đang che giấu một nỗi bất an nào không?
Tôi nghĩ chúng ta nên phân biệt rõ liệu mình đang chăm sóc bản thân vì một giá trị tích cực, hay đơn thuần chỉ là một phản ứng để khỏa lấp mặc cảm. Hãy đặt câu hỏi về lý do thực sự: Mình đang làm điều đó để cảm thấy tốt hơn về bản thân, để sống khỏe hơn, để thể hiện đúng con người mình? Hay vì mình đang cảm thấy chưa đủ, đang muốn “vá lại” một điều gì đó mà mình nghĩ là thiếu sót?
Ở đây có một sắc thái tâm lý rất đáng chú ý: nỗi tự ti của người đàn ông không chỉ xuất phát từ sự “thiếu”, mà đôi khi đến từ cảm giác đang mất đi những gì từng có. Nếu chia ra theo giai đoạn, nam giới ở độ tuổi 30 – 40 trở lên thường không còn tự ti vì chưa có gì – họ có thể đã có sự nghiệp ổn định, gia đình êm ấm. Nhưng thay vào đó, họ lại bắt đầu đối diện với cảm giác suy tàn, sự hao hụt dần về thể lực, ngoại hình, sức sống. Và điều khiến họ thấy bất an không phải là “tôi chưa đủ”, mà là “liệu tôi còn giữ được bao lâu?”. Trong trạng thái đó, việc tập gym, dùng sản phẩm chăm sóc da, đầu tư vào ngoại hình đôi khi không phải để “thêm vào”, mà là để “níu giữ”. Nó là một phản xạ rất người. Và nếu người bạn đời hoặc người yêu thương bên cạnh hiểu được động cơ này, thì vai trò của họ không phải là trao thêm điều gì quá mới mẻ, mà là cùng đồng hành trong cảm giác mất mát ấy một cách tích cực.
Chúng ta không thể chống lại thời gian – không có lọ kem nào “cản lại” lão hóa hoàn toàn. Nhưng điều ta có thể làm là trao cho người đàn ông một cảm giác rằng: dù anh có thay đổi ra sao, sự hấp dẫn của anh không chỉ dựa vào bề ngoài, mà ở cách anh sống, cách anh chăm sóc, cách anh duy trì bản lĩnh. Cuối cùng, tôi nghĩ, tự chăm sóc bản thân là một hình thức tôn trọng chính mình. Chỉ cần mình làm điều đó một cách thành thật, không phải để chạy theo điều gì, không phải để chiều lòng ai, thì đó luôn là lựa chọn đúng đắn.
_____
Bài: Đoàn Trúc
Ảnh: NVCC, Tư liệu