Nhà sáng lập kiêm tổng giám đốc điều hành công ty công nghệ GEEK Up là gương mặt quen thuộc trong giới khởi nghiệp Việt. Anh sinh ra và lớn lên ở Quảng Trị – quê hương miền Trung đã nuôi dưỡng không ít nhân tài. Nhớ về tuổi thơ, anh thấy biết ơn bố mẹ đã cho mình điều kiện học hành đầy đủ dù gia cảnh khó khăn. “Nhà tôi nghèo, nhưng bố mẹ chưa bao giờ từ chối khi tôi xin mua dụng cụ hỗ trợ học tập, kể cả những món đắt đỏ như máy vi tính”.
Thật vậy, máy vi tính để bàn có thể nói là xa xỉ phẩm với một gia đình miền Trung trong những năm 1990. Nhờ món quà này, Hải Nhân có cơ hội phát hiện và phát triển sở thích công nghệ từ rất sớm. Thời hầu hết bạn bè đồng trang lứa còn chưa biết lập trình là gì, anh đã hí hoáy tự mày mò tìm hiểu. Anh học và làm trong ngành công nghệ như một lẽ tất yếu. Khởi đầu khá thuận lợi, tưởng chừng hành trình thành danh của Hải Nhân phải là đường bay thẳng tới đích. Nhưng không đơn giản như thế, anh lại chọn cho mình đường lên thác xuống ghềnh. Trước khi có thành công hiện tại, anh đã 4 lần khởi nghiệp thất bại. Câu chuyện của anh khiến người viết không khỏi nhớ về thung lũng Silicon, California, nơi những gã khổng lồ như Apple ngày nay cũng từng lớn lên trong hầm để xe ô tô. Thử và sai, ngã rồi đi, Hải Nhân không hối tiếc vì anh luôn “chơi tất tay” bằng tinh thần của một nghệ nhân.
Hải Nhân dấn thân khởi nghiệp từ khi còn rất trẻ. Điều gì đã “truyền lửa” cho anh?
Đây là một câu chuyện dài với nhiều cú hích xảy ra ở những thời điểm khác nhau. Và có lẽ câu chuyện bắt đầu với một sự thay đổi lớn về tư duy của tôi trong những năm đầu đại học. Tôi chuyển từ tư duy “làm đúng” sang tư duy “không làm sai”. Trước đó, tôi sống cùng hình mẫu “con ngoan, trò giỏi”, luôn hành động một cách an toàn và chuẩn mực. Sau này, tôi nhận ra, mình có thể làm khác đi mà vẫn đạt được mục tiêu, thậm chí vượt cả mong đợi. Lối tư duy mới này đóng vai trò quan trọng, thúc đẩy những lựa chọn về sau của tôi, trong đó có lựa chọn khởi nghiệp. Nhìn lại, mỗi lần quyết định khởi nghiệp là một lần tôi thấy không hài lòng với cách làm cũ và muốn tìm cách mới để giải quyết vấn đề. GEEK Up
Bài học khởi nghiệp đáng giá mà anh đã “thấm đòn” là?
Trong số các dự án khởi nghiệp đã qua của tôi, có một dự án nằm ngoài ngành công nghệ, đó là Niche Café. Đây là dự án đã mang lại cho tôi rất nhiều nhưng cũng lấy đi rất nhiều. Bài học lớn nhất từ dự án này là về “chi phí khởi nghiệp”. Khởi nghiệp rất khó và có tỷ lệ thất bại cao. Mỗi thất bại sẽ tốn nhiều chi phí, nhưng chi phí lớn nhất lại không phải là tiền mà chính là những thứ không mua được bằng tiền như: thời gian, niềm tin và các mối quan hệ.
Còn bài học đi kèm là đừng khởi nghiệp chỉ vì thấy thích một điều gì đó. Thích cà phê là một trong những lý do thúc đẩy tôi khởi nghiệp Niche Café. Sau thất bại ấy, tôi mới hiểu là với cùng một đối tượng, ta có thể thích theo hai khía cạnh khác nhau. Một là cái thích của người hưởng thụ; hai là cái thích của người làm. Người khởi nghiệp sẽ không có thời gian để thỏa mãn ở góc độ hưởng thụ. Và cái thích ở góc độ hưởng thụ cũng sẽ không đủ để giúp người khởi nghiệp vượt qua những khó khăn trên con đường kinh doanh.
Nếu chỉ là sự vui thích đơn thuần thì không nên vội khởi nghiệp, nhưng nếu đó là niềm đam mê thì sao? Theo anh, làm sao phân biệt được giữa vui thích và đam mê?
Tôi nghĩ đam mê mạnh hơn thích rất nhiều. Để gọi là đam mê thì phải có yếu tố lì lợm đeo bám, nhẫn nại vượt qua thử thách. Khi mới “vào đời”, mới đi làm, tôi thích nhiều thứ lắm: đọc sách, cà phê, công nghệ, thể thao… Nhưng tới thời điểm hiện tại, sau gần 20 năm, tôi mới dám khẳng định niềm đam mê của mình là công nghệ. Từ chỗ thích công nghệ ở góc độ người dùng, tôi đã dần chuyển sang thích công nghệ ở góc độ người làm (xây dựng đội ngũ và môi trường công nghệ). Tôi thích giá trị mà các giải pháp công nghệ mang lại, thích luôn cả những vấn đề mà công nghệ tạo ra. Chỉ riêng với công nghệ, tôi đã trải qua bao lần vấp ngã vẫn đứng lên, bao lần rời bỏ vẫn tìm cách quay lại. Đến nay, tôi có thể tự hào chia sẻ rằng mình đã “all-in” (tất tay) trong cuộc chơi công nghệ; cảm nhận trọn vẹn về công việc và hiểu rõ về bản thân qua từng dấu mốc dù vui hay buồn trên hành trình này. Với tôi, đam mê là như vậy.
Ai cũng khao khát thành công, nhưng anh có nghĩ rằng chính thất bại mới rèn nên con người mình hôm nay?
Cũng như mọi người, tôi không muốn gặp thất bại. Nhưng sau vài lần “giáp mặt”, tôi lại thấy trân trọng và biết ơn những cú vấp này. Thất bại giúp tôi hiểu hơn về bản thân và có những bài học quý. Thất bại đầu tiên của tôi là trượt nguyện vọng một vào ngành tài chính – ngân hàng của một trường đại học lớn. Cú sốc ấy dạy tôi rằng, dù có tự tin và làm tốt tới đâu, mình vẫn có thể thất bại. Thất bại thứ hai là ở dự án khởi nghiệp đầu tay. Qua đó, tôi nhận ra thái độ và hành động của mình lúc thất bại sẽ quyết định sự sẵn sàng của mình ở hành trình tiếp theo. Thất bại thứ ba là ở dự án khởi nghiệp cà phê. Đến đây, tôi mới định hình rõ thang giá trị của bản thân và hiểu điều gì có thể mua được bằng tiền, điều gì có tiền cũng không thể mua được.
Năm 2024 là kỷ niệm 10 năm anh sáng lập và điều hành GEEK Up. Sau nhiều thăng trầm, anh đã thấy hài lòng với những gì mình và các đồng đội đạt được chưa?
Đến nay, có thể nói tôi hài lòng với những gì bản thân đạt được ở hành trình này, nhưng chưa hài lòng với thành tựu của GEEK Up. Vì tôi tin rằng, công ty sẽ còn tiến xa hơn nữa. Tôi thấy sự trưởng thành của GEEK Up cũng trải qua từng giai đoạn như một con người: từ giai đoạn thử sức xem mình có thể làm sáng tạo công nghệ ở thời điểm mà Việt Nam vẫn chủ yếu làm gia công công nghệ; đến giai đoạn khẳng định bản thân, muốn có được sự thừa nhận của khách hàng và cộng đồng; và giờ đây là giai đoạn hướng đến mục tiêu bền vững, tạo ra giá trị cho khách hàng, cho người dùng một cách ổn định và lâu dài.
Theo anh, điều thú vị nhất và thử thách nhất trong công việc của mình là gì?
Điều thú vị nhất trong công việc của tôi là các vấn đề mà chúng tôi giải quyết ngày càng mang tính “con người” hơn. Những bài toán công nghệ trước đây thiên về số hóa, tự động hóa, quản lý. Những bài toán công nghệ bây giờ thiên về trải nghiệm, cảm xúc, cá nhân hóa. Chúng tôi vừa phải nhanh nhạy về công nghệ vừa phải thấu hiểu về con người. Phát triển song song hai mặt này khó, nhưng thú vị.
Còn thử thách lớn nhất là làm sao cho GEEK Up trưởng thành nhưng không bị mất “chất”. Chúng tôi muốn trưởng thành để có thể mang lại giá trị bền vững cho khách hàng, người dùng và xã hội. Tuy nhiên, bản thân những giá trị đó lại đến từ năng lực sáng tạo, văn hóa và con người GEEK Up. Đây đều là những yếu tố khó xây dựng nhưng dễ mất đi trong quá trình trưởng thành này.
Có thể nói rằng anh sẽ không đánh đổi văn hóa doanh nghiệp mình đã dày công xây dựng, mà sẽ nỗ lực biến chúng thành bệ đỡ thành công bền vững phải không?
Ngay từ những ngày đầu, tôi và các cộng sự đã xây dựng GEEK Up với tinh thần craftmanship (tinh thần nghệ nhân). Có nghĩa là, chúng tôi chú trọng vào tính tỉ mỉ và sự tận tâm trong từng khía cạnh của công việc. Điều chúng tôi nhận ra được sau 10 năm phát triển GEEK Up là một tổ chức cũng như một con người, luôn cần hai yếu tố: vật chất và tinh thần. Phần tinh thần bao gồm con người và văn hóa, được định hướng bởi mục đích chung. Phần vật chất là lĩnh vực kinh doanh, sản phẩm và dịch vụ, gắn liền với sứ mệnh của tổ chức. Hai yếu tố này đều quan trọng, hỗ trợ và thúc đẩy lẫn nhau. Vì vậy, để phát triển bền vững, việc chú trọng và đầu tư vào cả hai là cần thiết.
Cảm ơn anh đã chia sẻ cùng ELLE Man Việt Nam.
————
The Gentleman & His Craft là chuyên đề tôn vinh những quý ông hiện đại – những người không ngừng rèn giũa bản thân, theo đuổi sự hoàn thiện và cống hiến trọn vẹn cho đam mê. Họ là minh chứng cho bản lĩnh, sự kiên trì và tinh thần không khuất phục trước thử thách. Hơn cả thành công, đó là hành trình tự khám phá, chinh phục giới hạn và khẳng định giá trị bền vững qua năm tháng.
________
Bài: Hải Âu
Minh họa: Lương Như