Nhân vật 03/11/2018

Gerd Muller: Không có khung gỗ nào là an toàn!

Bài ELLE Team

Bóng đá thế giới thế kỷ XX có từng giai đoạn riêng biệt được thống trị bởi một đội hình tiêu biểu bao gồm những cá nhân kiệt xuất. Nếu thập niên 50 Hungragy sở hữu Ferenc Pukas, Sandor Kocsis; thập niên 60 Brazil có Pele, Garrincha thì đến thập niên 70 thế giới có Gerd Muller.

“Cỗ máy săn bàn” Gerd Muller là một trong những người có ảnh hưởng nhất mọi thời đại của Bayern Munich, tuyển Tây Đức nói riêng và bóng đá thế giới nói chung, một trong những chân sút vĩ đại nhất thập niên 70 bên cạnh những tượng đài như Pele, Bobby Charlton hay Eusebio. Số bàn thắng mà Gerd Muller để lại cho bóng đá trở thành một tuyệt tác vĩ đại và đồng thời cũng là giới hạn gần như không thể chạm đến trong mấy mươi năm ròng. Dù vậy, đó cũng chỉ đơn thuần là câu chuyện của khác, còn về phía Gerd Muller, ông từ lâu đã là một tượng đài trong lòng người hâm mộ bóng đá.

Gerd Muller - ELLE Man -1

Ảnh: Web Thể Thao

Nếu chúng ta muốn có một sự miêu tả đặc trưng mang hơi hướng hoa mỹ về “Vua dội bom” Gerd Muller thì cụm từ “Bóng ma vòng cấm địa” là phù hợp nhất. Nói cách khác, Gerd Muller là một tiền đạo không biết làm gì ngoài việc … ghi bàn, không hơn không kém. Ông chưa từng được xem là một mẫu cầu thủ kỹ thuật hay có một thể hình lý tưởng, dù vậy, tất cả cũng không còn quan trọng khi sự thật là bản năng chơi bóng của Gerd Muller đã đạt đến trình độ “vũ trụ”. Do đó chúng ta cũng phải công nhận một điều rằng vĩ đại không có nghĩa là ghi bàn rất nhiều, nhưng ghi bàn rất nhiều có nghĩa là vĩ đại.

Gerhard Gerd Muller sinh ngày 3 tháng 11 năm 1945 tại thành phố Nordigen, Đức. Danh tính bậc thân sinh của Gerd Muller đến nay vẫn còn là một ẩn số và thông tin về thời thơ ấu của của ông cũng mù mịt như đêm Ba mươi. Gerd Muller gia nhập đội trẻ câu lạc bộ địa phương TSV 1861 Nordingen năm 1960 và sớm bộc lộ khả năng ‘’dội bom’’ của mình khi ông cán mốc 180 bàn thắng tính đến cuối mùa giải của năm 1963. Chúng ta hãy thử làm một phép tính đơn giản lấy tổng số bàn thắng chia cho ba và được kết quả 60 bàn thắng cho mỗi mùa, một con số quá ấn tượng đối với một tiền đạo chỉ vừa bước sang tuổi 15.

Gerd Muller - ELLE Man -2

Ảnh: Bóng Đá

Gerd Muller đạt được bước tiến đáng kể trong sự nghiệp khi được đôn lên đội một TSV 1861 Nordingen, và tại đó ông tiếp tục vui thú với “trò chơi” đưa bóng vào lưới – 51 bàn trong 31 lần ra sân. Năm 1964, huấn luyện viên của Bayern Munich Zlatko Cajovski đang ‘thoi thóp’ ở Regionalliga (giải bóng đá cấp vùng miền Nam nước Đức) và đối măt với “án” sa thải nếu không tìm ra phương cách cải thiện tình trạng của đội bóng. Đến bước đường cùng, thông qua một người quen, Zlatko tìm được một gã tiền đạo ít tiếng tăm sở hữu những đồn đại phong thanh về 180 bàn thắng, chân vòng kiềng, bắp đùi to với dáng người thấp đậm. Đó chính là Gerd Muller.

Gerd Muller gia nhập ‘Hùm Xám Bavaria’ Bayern Munich, nơi ông trở thành đồng đội của hai huyền thoại bóng đá Franz Beckenbauer và Sepp Maier. Trong 10 trận đầu tiên tại Bayern, Gerd Muller chỉ được ngồi dự bị và xem các đồng đội thi đấu. Mùa 1965/66, Bayern Munich thăng hạng lên chơi tại Bundesliga, mở ra một thời kỳ huy hoàng được ghi dấu bởi những thành công vang dội chưa từng thấy. Cùng năm đó, “chiến cơ oanh tạc” Gerd Muller bắt đầu bay vào quỹ đạo, tàn phá khung thành đối phương với tần suất đều đặn như khi mặt trời mọc và lặn mỗi ngày. Dĩ nhiên, Zlatko Cajkovski là người vui mừng nhất khi ông đưa về Bayern Munich một người biết làm điều mà những cầu thủ của ông không làm được: ghi bàn!

Gerd Muller - ELLE Man -3

Ảnh: spiegel.de

Dần dần những ‘đồn đại’ ban đầu về giai thoại 180 bàn thắng của Gerd Muller trở thành “người thật, việc thật” bởi số bàn thắng ghi được của ông cho Bayern Munich qua từng mùa vượt quá ranh giới tưởng tượng của một trí óc thông thường. Không những vậy, danh hiệu tập thể lẫn cá nhân mà Gerd Muller giành được tỉ lệ thuận với phong độ của bản thân mình. Đối với một tiền đạo vĩ đại, ghi bàn nhiều thôi là chưa chưa đủ mà còn phải duy trì công việc đó ở một đỉnh cao trong nhiều năm liền, và Gerd Muller có được cả hai yếu tố đó.

Trong suốt 15 năm chơi cho ‘Hùm Xám Bavaria’, ông giành được danh hiệu “Vua phá lưới” đến 11 lần tính trên mọi đấu trường, 2 lần được bình chọn là “Cầu thủ xuất sắc nhất năm”. Đó là chưa kể đến hàng loạt danh hiệu tập thể mà Gerd Muller đem về phòng truyền thống của Bayern Munich: 4 Bundesliga  (hay còn gọi là “Đĩa Bạc”, 4 Cúp quốc gia Đức, 1 Europa League (Cúp C2), 1 Cúp liên lục địa và 3 Champion League. Gerd Muller ghi thắng thứ 365 bàn khi ra sân lần thứ 427, vượt xa chân sút tốt thứ hai của giải đấu là Klaus Fishcher hơn 100 bàn!

Gerd Muller - ELLE Man -4

Ảnh: Libertatea.ro

Ngoài ra, Gerd Muller cũng nắm giữ kỷ lục của giải đấu tại thời điểm ấy với 40 bàn thắng ở mùa giải 1971/72, một thành tích vô cùng ấn tượng bởi khi đó Bundesliga chỉ có 18 đội tham dự và 34 vòng đấu. Tất nhiên, chúng ta cũng phải nhắc đến kỷ lục tổng số 85 bàn thắng ghi được trong một năm dương lịch vào năm 1972, đứng vững như bàn thạch suốt hơn 40 năm trước khi Lionel Messi xô đổ vào năm 2012. Không chỉ ở cấp độ câu lạc bộ, Gerd Muller còn “oanh tạc” cả những giải đấu quốc tế mà ông tham gia, giành được nhiều danh hiệu vô địch cũng như tạo lập tiếp những kỷ lục về số bàn thắng trường tồn với thời gian.

Luân Đôn 1966 đánh dấu sự ra mắt của Gerd Muller cho đội tuyển Tây Đức; đó cũng là nơi mà đội tuyển của ông  đã thất bại 2-4 trước nước chủ nhà Anh trong một trận cầu kéo dài đến 120 phút. World Cup năm 1970 được tổ chức tại “Cao nguyên lửa” Mexico, Tây Đức tiến vào bán kết và dừng chân trước Ý khi để thua trên chấm phạt đền với tỷ số 4-3. Dù vậy, họ cũng kịp kết thúc giải đấu với vị trí hạng ba sau khi đánh bại Uruguay; riêng về Gerd Muller, ông được trao danh hiệu “Vua phá lưới” với thành tích 10 bàn thắng xuyên suốt giải đấu. Phải đến hai năm sau khi Euro 1972 diễn ra, Gerd Muller mới cùng Tây Đức giành ngôi quán quân. Giải vô địch Bóng đá châu Âu trên đất Bỉ năm đó Gerd Muller tiếp tục là cái tên quen thuộc cho danh hiệu “Vua phá lưới”.

Gerd Muller - ELLE Man -6

Ảnh: Bóng Đá Cuộc Sống

World Cup 1974, ông cùng Tây Đức lên ngôi vô địch khi trình diễn lối chơi khoa học kết hợp giữa công – thủ toàn diện mà đầu tàu là “Hoàng đế” Franz Beckenbauer. Đội hình ‘bá đạo’ của Tây Đức tại World Cup 1974 được dẫn dắt bởi Helmut Schon, trong đó tập hợp những cái tên ‘máu mặt’ bậc nhất làng bóng như: “Chó sục bò” Berti Vogts, “Con mèo vùng Anzing” Sepp Maier, “Chân sắt” Hans-Georg Schwarzenbeck, … đã đứng trên tột đỉnh vinh quang của thế giới. Nhưng đó cũng là lần cuối cùng người hâm mộ chứng kiến Gerd Muller khoác áo đội tuyển quốc gia.

Tây Đức khởi đầu bảng đấu không mấy thuận lợi khi để thua Đông Đức và trả giá bằng ngôi đầu bảng, tuy nhiên chiến thắng 3-0 trước Úc trong lượt trận cuối cùng đã đánh đấu sự trở lại của nhà vô địch. Gerd Muller thi đấu bùng nổ, tuy không giành được danh hiệu “Vua phá lưới” nhưng ông đã cùng Tây Đức xuất sắc kết thúc giải đấu ở vị trí quán quân sau khi vượt qua Hà Lan với chiến thắng sít sao với 2-1. Sau khi vô địch thế giới, Gerd Muller tuyên bố từ giã đội tuyển ở tuổi 28 khiến cho đồng đội và người hâm mộ rơi vào sự bàng hoàng.

Gerd Muller - ELLE Man -7

Ảnh: Twitter

Nguyên nhân thật sự là gì vẫn còn bỏ ngỏ, nhưng người ta tin rằng mối bất đồng giữa Gerd Muller và Liên đoàn bóng đá Đức (DFB) là động cơ chính khiến chân sút vĩ đại từ giã đội tuyển. Trước trận chung kết với Hà Lan, Gerd Muller đã gặp riêng Helmut Schon để thông báo quyết định của mình với lý do ông muốn tập trung thi đấu cho Bayern Munich. Sau chiến thắng lịch sử, Gerd Muller ‘gai mắt’ DFB vì không cho phép vợ các tuyển thủ đến ăn mừng chiến công và cộng với mức tiền thưởng “nực cười” của DFB cho đội bóng có thể là giọt nước tràn ly.

Giả sử, nếu không có quyết định này thì ai mà biết được số bàn thắng cho đội tuyển quốc gia của Gerd Muller sẽ còn nhiều đến mức nào. Chơi bóng ở thập niên 60 và 70, thời điểm mà bóng đá tấn công hoa mỹ là xu hướng của thế giới, Gerd Muller đã chứng minh rằng ông là mẫu tiền đạo vượt thời gian: bản năng săn bàn tuyệt diệu và luôn biết cách hóa giải những trận cầu khó. Thời điểm đó, làm gì có ai tưởng tượng ra được viễn cảnh có một cầu thủ ghi đến 10 bàn tại World Cup, huống hồ là lập kỷ lục 14 bàn chỉ trong hai mùa. Ấy vậy mà Gerd Muller đã làm được, ông thực hiện điều đó một cách không mấy nhọc nhằn như thể lấy một món đồ trong túi.

Gerd Muller - ELLE Man -8

Ảnh: Sports Illustrated

Bóng đá Đức là khu vườn địa đàng ươm mầm cho những hạt giống xuất sắc bậc nhất thế giới. Ở thời hiện đại, bóng đá Đức sở hữu hai truyền nhân xuất sắc của Gerd Muller là Miroslav Klose và Thomas Muller, thậm chí họ còn vượt mặt người tiền bối mình bằng những kỷ lục mới. Xét cho cùng thì sự so sánh cũng chỉ để tìm ra điểm riêng biệt, nên việc có người xô đổ thành tích của Gerd Muller chẳng qua cũng là sự khác biệt của họ mà thôi. Vậy thì Gerd Muller có điều gì riêng biệt nếu như không phải là về số bàn thắng?

Đó chính là việc ông trở nên quá khác biệt trong con mắt của người đương thời, là người đặt những viên gạch đầu tiên cho mẫu tiền đạo hiện đại, và ông cũng là một tượng đài lớn trong ngôi đền của những huyền thoại. “Bóng ma vòng cấm địa”, “Vua dội bom” là những từ khóa vạch ra một đường thẳng trong trí óc của người hâm mộ bóng đá đi đến hình ảnh của Gerd Muller. Ông là tiêu biểu cho câu nói “tuy không cao nhưng người khác phải ngước nhìn”, điều này dễ hiểu bởi “Chiều cao của một người đàn ông được tính từ đầu lên đến Trời.”.

https://www.youtube.com/watch?v=ZIl3EF4yyuE

Chúc mừng sinh nhât, ‘Der Bomber”!

__

Minh Phong (Tạp chí Phái mạnh ELLE Man, ảnh tham khảo)

 

No more