Nhân vật 16/09/2020

Takashi Murakami: Kẻ điên phá bỏ mọi giới hạn của nghệ thuật

Bài ELLE Team

Takashi Murakami nổi tiếng với hai tác phẩm tượng trưng cho sự nghiệp là bông hoa biết cười Kaikai Kiki và chiếc đầu lâu cùng với đôi tai chuột Mickey - Mr. Dob. Thuật ngữ "Superflat" được ông sáng tạo nên để miêu tả trường phái nghệ thuật riêng biệt của mình. Cùng ELLE Man tìm hiểu về cuộc đời và con đường sự nghiệp của ông.

Takashi Murakami được biết đến như một nghệ sĩ nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực có liên quan đến nghệ thuật như hội họa, thời trang… Đồng thời, ông cũng là người đã tạo nên thuật ngữ “Superflat” nhằm mô tả trường phái nghệ thuật đặc biệt của riêng bản thân. Nhắc đến ông, người ta thường nhớ ngay đến hai hình ảnh mang tính đại diện là bông hoa biết cười rực rỡ màu sắc – Kaikai Kiki và một cái đầu tròn cùng đôi tai chuột Mickey – Mr. Dob.

Takashi Murakami Trước Background Kakakiki
Takashi Murakami tại buổi triển lãm của ông ở Texas, Mỹ. Ảnh: Highsnobiety
Nghệ

Takashi Murakami: Đứa trẻ học hành chẳng giỏi giang

Takashi Murakami sinh đầu năm 1962, khi tiết trời vừa sang Xuân tại xứ sở hoa anh đào xinh đẹp. Ông là một nghệ sĩ đa tài và nổi tiếng trên khắp thế giới. Đồng thời, Takashi Murakami còn được ví như vị vua trong lĩnh vực Pop Art tại Nhật Bản. Thế nhưng, mấy ai có thể ngờ con đường khoa bảng của một nhân vật luôn được biết đến với những màu sắc rực rỡ lại chỉ phủ màu u ám.

Takashi Murakami tại MCA
Takashi Murakami tại MCA. Ảnh: Tre’s Awesome

Bắt đầu tiểu học, kiến thức trong sách vở hay bạn bè chẳng phải là điều làm cho người nghệ sĩ này cảm thấy quá hứng thú. Những quyển truyện tranh cùng các bộ phim hoạt hình được phát sóng trên TV mới là thứ khiến ông cực kỳ say mê. Sang lớp bảy, chỉ vì sự bất cẩn của bản thân, Takashi Murakami đã gặp tai nạn. Ông buộc phải nghỉ học tận nửa năm để điều trị những chấn thương ở vùng xương sọ cũng như cánh tay phải. Thành tích học tập vốn đã không bằng các bạn cùng lớp, điều này càng khiến cho ông mất đi cơ hội bắt kịp mọi người.

Sau đó, Takashi Murakami tiếp tục theo học tại một trường trung học với thành tích chẳng thể nào tệ hơn. Khi biết được bản thân sẽ không thể đậu vào bất kỳ trường đại học nào nếu xét đến học bạ, ông quyết định toàn tâm toàn ý bỏ rơi chuyện học và trở thành một “otaku” thực thụ. Những trường đại học chuyên về nghệ thuật là cọng rơm cuối cùng còn sót lại cứu rỗi Takashi Murakami bởi vì họ không đòi hỏi thành thích học tập.

Tác phẩm của Takashi Murakami Kaikai kiki
Tác phẩm của Takashi Marukami thể hiện sự yêu thích và chịu ảnh hưởng rất lớn từ “otaku”. Ảnh: flickr

Từ “Nihonga” cho đến nghệ thuật đương đại: tạo nên phong cách nghệ thuật đầy riêng biệt

Năm thứ nhất, Takashi Murakami đánh mất cơ hội được nhận vào trường đại học nghệ thuật. Không hề nản chí, ông dành ra tròn hai năm bằng tất cả sự nghiêm túc của mình để ôn luyện trước khi ra trận một lần nữa. Nỗ lực sẽ không phụ lòng người cố gắng, Đại học Quốc gia Mỹ thuật Tokyo đã gọi tên ông. Thế nhưng, điều mà Takashi Murakami phải chấp nhận chính là lựa chọn một ngành có ít đối thủ nhất – “Nihonga” (lịch sử hội họa truyền thống Nhật Bản cuối thế kỷ 20).

Lúc bấy giờ, đối với Takashi Murakami, ngành học này thật sự buồn tẻ và chán ngắt. Ông thậm chí còn từng nói mình căm ghét việc đến trường và lên lớp chỉ vì “Nihonga”. Theo ông, trong giai đoạn đỉnh cao của thời kỳ bong bóng kinh tế Nhật Bản, “Nihonga” hoàn toàn khác xa với môi trường nghệ thuật. Ngành này bị bó buộc bởi nhiều tư tưởng chính trị, phe phái và đầy khuôn khổ định kiến, nó không cho phép những tiềm năng có thể được bộc lộ và phát triển.

Tưởng chừng mọi thứ đã rơi vào ngõ cụt, sau khi xem xong buổi triển lãm nghệ thuật của nghệ sĩ Shinro Ohtake – một người chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi trường phái Neo-Expressionism (Tân Biểu Hiện), Takashi Murakami như tìm thấy ánh sáng của cuộc đời. Cũng từ giây phút này, nghệ thuật đương đại đã quyến rũ ông triệt để. Gần như đối lập với “Nihonga”, nghệ thuận đương đại tràn đầy sự tự do, phóng khoáng và không bị chính trị chi phối.

Tác phẩm Osiris and Isis của Anselm Kiefer
Tác phẩm Osiris and Isis của Anselm Kiefer. Ảnh: cnn.com

Tại Nhật Bản khi ấy, nghệ thuật đương đại chỉ vừa mới nhen nhóm, Takashi Murakami đã liều lĩnh bay thẳng sang New York để có thể tìm hiểu sâu hơn về bộ môn này. Đây được xem là một trong những quyết định đúng đắn nhất của cuộc đời ông.

Nền tảng “Nihonga”, thứ mà Takashi Murakami từng chán ghét và muốn vứt bỏ, lại trở thành cơ sở cho chính phong cách của ông sau này. Khi nghệ thuật truyền thống Nhật Bản được kết hợp cùng nghệ thuật đương đại và chịu ảnh hưởng từ niềm say mê anime, manga, … Takashi Murakami đã tạo ra một phong cách nghệ thuật đầy khác biệt, xóa bỏ những định kiến xưa cũ của ngành hội họa.

Tác phẩm tại buổi triễn lãm The 500 Arhats
Tác phẩm tại buổi triển lãm “The 500 Arhats” mang đậm yếu tố “Nihonga”. Ảnh: Takayama Kozo
Tác phẩm tại buổi triển lãm The 500 Arhats Tượng
Tác phẩm tại buổi triển lãm “The 500 Arhats”. Ảnh: Takayama Kozo
Nghệ

Từ người không có năng khiếu trong nghệ thuật đến cha đẻ của “Superflat”

Thật khó để tưởng tượng Takashi Murakari lại từng là một người không hề có năng khiếu trong lĩnh vực nghệ thuật. Ông đã từng nói về mình thế này: “Tôi chưa bao giờ đặc biệt có tài trong việc vẽ hay lên màu cả”. Theo Takashi Murakami, việc có được như ngày hôm nay đều đến từ sự chăm chỉ, luyện tập và quyết tâm mài dũa những kỹ năng cần thiết.

Takashi Murakami đã sáng tạo nên thuật ngữ “Superflat” khi nói về trường phái nghệ thuật của riêng bản thân. Ông mang nghệ thuật truyền thống Nhật Bản, mà cụ thể là bối cảnh văn hóa sau chiến tranh, phủ lên phong cách hội họa chịu nhiều ảnh hưởng từ hoạt họa của mình, từ đó họa nên một bề mặt hoàn toàn phẳng. Và sau này, “superflat” cũng được sử dụng để mô tả phong cách của những nghệ sĩ chịu ảnh hưởng bởi Takashi Murakami.

Tác phẩm với nhân với nhân vật MR. Dob
Tác phẩm với nhân với nhân vật MR. Dob tiêu biểu của Takashi Murakami. Ảnh: auctions.artemperor.tw

Bên cạnh đó, Takashi Murakami còn được giới nghệ thuật đánh giá rất cao khi dám táo bạo kết hợp giữa hội họa bình dân với hội họa cao cấp, xóa bỏ đi ranh giới và những ý kiến bảo thủ. Năm 1994, khi ông gửi đến cho triển lãm tại SCAI The Bathhouse một tác phẩm lớn có mang yếu tố manga của mình, Takashi Murakami đã vướng phải ý kiến trái chiều từ chính người đã chỉ dạy ông những điều cơ bản của nghệ thuật đương đại. Người bạn ấy chỉ ra rằng Takashi Murakami đang chế nhạo lịch sử hội họa. Khi đó, ông hoàn toàn không hiểu mình đã phạm sai ở đâu, vì theo ông, chưa từng có quy định nào không được làm như vậy.

Tác phẩm ZuZaZaZaZaZa
Tác phẩm ZuZaZaZaZaZa,của Takashi Murakami, 1994. Ảnh: artsy.net

Những dấu ấn của Takashi Murakami trong lĩnh vực thời trang

Năm 2003, lần đầu tiên Marc Jacobs gửi lời mời Takashi Murakami cùng hợp tác thiết kế cho các mẫu túi xách của Louis Vuitton. Ông đã mang theo phong cách rất riêng của bản thân như những màu sắc tươi sáng, ngọt ngào và đôi mắt to tròn vào những BST. Từ đó, sự công tác này kéo dài 13 năm và mang đến vô số những thành công rực rỡ trong giới thời trang. Đây là cũng là ví dụ chuẩn mực mới trong sự kết hợp thời trang và thẩm mỹ.

Mẫu túi xách LV kết hợp cùng Takashi Murakami
Mẫu túi xách LV với màu sắc ngọt ngào, tươi sáng dưới sự kết hợp cùng Takashi Murakami. Ảnh: highsnobiety

Mùa Thu năm 2015, nhãn hàng Vans đã kết hợp cùng Takashi Murakami cho ra mắt BST với hai họa tiết gắn liền cùng ông là Flower Plush Pin và Skull. BST bao gồm các mẫu giày slip on, áo thun và ván trượt.

Mẫu giày kết hợp giữa Vans với Takashi Murakami
Mẫu giày của Vans với họa tiết bông hoa Kaikai Kiki quen thuộc của Takashi Murakami. Ảnh: Vans

Vào cuối tháng 05/2020, Uniqlo đã công bố dòng sản phẩm mang tên UT gồm những chiếc áo phiên bản giới hạn là sự kết hợp giữa Takashi Murakami và cô ca sĩ trẻ đình đám Billie Eilish. Ông đã từng cộng tác cùng Uniqlo trước đó và cho ra mắt BST Doraemon hết sức thành công. Ngoài ra, Takashi Murakami còn là đạo diễn cho MV ca nhạc “You should see me in a crown” của Billie Eilish vào năm 2019.

Mẫu áo nằm trong dòng Uniqlo UT kết hợp giữa Uniqlo và Takashi Murakami
Mẫu áo thuộc dòng Uniqlo UT, sự kết hợp giữa Uniqlo và Takashi Murakami cùng Billie Eilish. Ảnh: Kaikai Kiki Co., Ltd

__

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Tổng hợp: Kangxi Nguyen – Tham khảo nội dung: ELLE Việt Nam, Artsy

No more