Nhân vật 18/10/2021

La Quốc Bảo: “Hãy bắt đầu với chữ ‘Tâm’ khi kinh doanh dựa trên văn hoá”

Bài EM Digital Editor

La Quốc Bảo, từng tạo nên tiếng vang qua BST Annam Heritage với những đôi giày Converse được "phủ" hoạ tiết hoa văn Nhật Bình (triều Nguyễn), đã góp phần giới thiệu và lan toả những giá trị truyền thống Việt Nam đến thế giới tại World Expo 2021 (Dubai). Và với cương vị một người nghiên cứu về văn hoá, Bảo đã dành cho ELLE Man những chia sẻ của mình về một trong những vấn đề nổi cộm nhất trong cộng đồng thời trang và văn hoá hiện nay - Chiếm đoạt văn hoá (Cultural Appropriation).

La Quốc Bảo đã dành thời gian cho ELLE Man  để chia sẻ những câu chuyện về hành trình sáng tạo xoay quanh bản sắc văn hoá dân tộc của mình cũng như những chia sẻ về lằn ranh mong manh giữa Chiếm đoạt văn hoá (Cultural Appropriation) và Vinh danh văn hoá (Cultural Appreciation).

Nguyễn

Chào La Quốc Bảo! Bạn có thể giới thiệu với ELLE Man đôi điều về bản thân và công việc hiện tại?

Hiện tại, Bảo là tân cử nhân ngành Thiết kế Kiến trúc tại Đại học Monash, Melbourne. Tuy thuộc thế hệ Z,  nhưng Bảo lại thừa hưởng tình yêu to lớn với các di sản Trung Hoa – Việt Nam từ hai bên gia đình nội – ngoại, cùng các loại hình nghệ thuật truyền thống như hí kịch và hội hoạ. Sau khi hoàn thành việc học, Bảo quay về Việt Nam để tập trung phát triển thương hiệu BARO và nghiên cứu độc lập về cổ vật, đặc biệt là mảng textiles.

phỏng vấn la quốc bảo

Khởi điểm chuyên ngoại ngữ Anh, rẽ lối sang ngành kiến trúc và giờ là chuyên văn hoá cổ phục Việt Nam, cơ duyên và động lực nào đã đưa Bảo đến với công việc hiện tại?

Bảo luôn cảm thấy may mắn vì được sinh ra trong một gia đình gốc Hoa – nơi lấy việc gìn giữ bản sắc văn hoá làm trọng. Nhờ vậy mà niềm đam mê của Bảo dành cho các loại hình nghệ thuật cổ truyền đã được nuôi dưỡng và hun đúc từ thuở nhỏ.

Môi trường chuyên Anh ở cấp phổ thông là bệ phóng giúp bản thân phát triển tốt hơn trong môi trường quốc tế sau này. Bảo cũng yêu thích hội hoạ từ nhỏ nên quyết định theo đuổi ngành Kiến Trúc ở bậc Đại học. Tuy nhiên, sau khi thực hiện nhiều dự án ứng dụng, nghiên cứu, cũng như tham gia các triển lãm liên quan tới văn hoá cổ phục, mình nhận thấy bản thân trội hơn về mảng này nên dành phần lớn thời gian cho hướng đi hiện tại.

phỏng vấn la quốc bảo

Nhiều người biết đến BST Annam Heritage với những hoa văn trang phục Nhật Bình nói riêng và hoa văn triều Nguyễn nói  chung trên những mẫu giày Converse của bạn, vì sao Bảo lại lựa chọn Converse làm chủ thể để sáng tạo nghệ thuật và thể hiện văn hoá Việt Nam?

Có 3 điều khiến Bảo gắn liền tên tuổi của mình cùng giày Converse:

Thứ nhất, Converse là thương hiệu yêu thích của Bảo bởi thiết kế tối giản, thanh lịch và trải qua rất ít thay đổi sau hành trình phát triển hơn 100 năm. Việc sử dụng một đôi giày như Converse để truyền tải lịch sử càng khiến công việc của Bảo có ý nghĩa hơn!

Thứ hai, giày Converse có diện tích bề mặt lớn, chất liệu tự nhiên, dễ thao tác và bám màu tốt hơn so với các dòng sneakers khác.

Thứ ba, Bảo đã có kinh nghiệm hơn 6 năm trong ngành sneakers (chuyên về giày Converse), nên rất “hiểu” sản phẩm và đã có sức ảnh hưởng nhất định đối với cộng đồng yêu thích thương hiệu này. Nhờ đó mà mảng truyền thông cũng trở nên thuận lợi hơn.

Họa tiết trên Converse “Nhật Bình”: Chánh Hoàng lấy cảm hứng từ Nhật Bình của Đức Từ Cung
converse “Nhật Bình”: Chánh Hoàng
Cận cảnh vẻ đẹp của “Nhật Bình”: Chánh Hoàng – tinh giản nhưng vẫn giữ được đặc điểm nổi bật trên phẩm phục
Annam Heritage Cửu Long Ẩn Vân

Ngoài sneakers, bạn đang và sẽ khai thác hoa văn lịch sử trên các chủ thể và chất liệu nào khác?

Ở thời điểm hiện tại, ngoài sneakers thì Bảo chưa chính thức thực hiện sáng tạo trên các chủ thể khác. Tuy nhiên, mình đang ấp ủ một dự án nhằm tái hiện lại phục trang triều Nguyễn theo đúng quy cách xưa, phát triển thêm một dòng sản phẩm riêng biệt cho thương hiệu.

Vì sao những hoa văn trên lễ phục truyền thống nhà Nguyễn đóng vai trò chủ đạo trong sáng tạo của Bảo? 

Bảo đam mê hoa văn truyền thống của cả hai nền văn hoá Trung Quốc và Việt Nam, nhưng vì sinh ra và lớn lên ở Việt Nam nên mình “thiên vị” di sản nơi này nhiều hơn. Và càng đi sâu vào tìm hiểu, Bảo càng thấy chúng có quá nhiều nét đặc trưng tách biệt cả về thể thức, phối màu nhưng không nhận được sự quan tâm xứng đáng, cũng như bị đánh đồng bởi chính người Việt.

Thứ hai, nhà Nguyễn là triều đại cuối cùng, nếu xét về thời gian thì chỉ cách đây chưa đến 80 năm. Do đó, nguồn tài liệu, văn vật của nhà Nguyễn so với các triều đại trước vẫn còn khá phong phú.

Thứ ba, nhà ngoại Bảo có gốc Huế di cư vào Nam từ cuối những năm 1890, nên từ nhỏ mình đã có nhiều cơ hội tiếp xúc, làm quen và dần say mê những món cổ vật mỹ nghệ Huế truyền lại trong gia đình. Những điều ấy đã hằn sâu trong tâm trí Bảo dù khi lớn lên mình mới biết đến gốc gác này.

Mẫu giày lấy cảm hứng từ nghệ thuật khảm xà cừ
Mẫu giày lấy cảm hứng từ hoa văn trên áo dài bằng vải đoạn dệt trang hoa
giày converse
Mẫu giày lấy cảm hứng từ Bình lãnh của Mệnh phụ phu nhân nhà Nguyễn

Ngoài ra, cảm hứng nghệ thuật của bạn còn đến từ những khía cạnh nào khác?

Để khai thác thêm cảm hứng sáng tạo ngoài cái nôi văn hoá mà gia đình đem lại, Bảo thường nghe và luyện các thể loại hí khúc Trung Hoa như kinh kịch, côn khúc… hoặc  nhiếp ảnh, sản xuất Promo Videos cho  BST giày của Baro. Và tất cả chỉ dừng lại ở sở thích bản thân cũng như mong muốn được trải nghiệm mà thôi.

Xuyên suốt quá trình theo đuổi nghệ thuật, đâu là sản phẩm làm nên tên tuổi và để lại nhiều dấu ấn cho Bảo? 

Chắc chắn là BST Annam Heritage rồi! Dự án này đã mở ra nhiều cơ hội cho Bảo cũng như truyền cảm hứng đến công việc hiện tại của mình. Bảo được gặp gỡ những nhân vật đặc biệt, được tiếp xúc với nguồn tư liệu, hiện vật quý hiếm. Nhờ vậy mà con đường sưu tập cổ vật Việt Nam và hành trình  đưa chúng “hồi hương” cũng trở nên bài bản và chuyên nghiệp hơn.

La Quốc Bảo và áo cưới hoàng gia triều Nguyễn từ Hà Lan
La Quốc Bảo đánh giá hiện trạng chiếc áo cưới hoàng gia triều Nguyễn vừa được “hồi hương” từ Hà Lan
La Quốc Bảo và áo cưới hoàng gia triều Nguyễn từ Hà Lan
Chi tiết thêu trên chiếc áo cưới, ước tính gần 500 đồ án
Mẫu giày lấy cảm hứng từ áo cưới hoàng gia triều Nguyễn

Bạn có thể chia sẻ thêm về quá trình Baro tham gia World EXPO 2020 và những dự định trong tương lai?

Dubai Expo là một kỷ niệm rất đáng nhớ! Sau khi nhận được lời mời tham gia vào tháng 8/2021, Bảo chỉ có vỏn vẹn 2 tháng để chuẩn bị cả nội dung lẫn sản phẩm gửi đi.  Trước đó mình đã về nhà ba mẹ ở Kiên Giang rồi kẹt lại khi dịch bùng phát vào cuối tháng 5. Thật không may, Bảo chỉ mang theo 1/10 bộ màu và cọ vẽ nên phải tính toán hết sức cẩn trọng để hoàn thiện 5 mẫu giày lẻ cùng 2 mẫu khác cho Expo với nguồn dụng cụ ít ỏi. Chưa dừng lại ở đó, việc vận chuyển cũng trở nên khó khăn hơn khi Kiên Giang là vùng đỏ. Sau nhiều lần gửi bất thành, Bảo đành “đi đường vòng” khi chuyển lên Sài Gòn, rồi từ đó gửi hoả tốc ra Hà Nội cho Cục hợp tác quốc tế.

la quốc bảo và an nam heritage

Cũng trong buổi triển lãm, Bảo quyết định công bố một cổ vật giá trị khác, đó chính là áo triều phục (phụng bào) của một vị Trưởng công chúa nhà Nguyễn cuối thế kỷ 19 mà mình vừa may mắn thu thập được từ một nhà sưu tập ở California sau nhiều năm lưu lạc xứ người. Đây cũng chính là nguồn cảm hứng tạo tác cho mẫu “Trang Hoa Phụng Bào” của Bảo.

Phượng bào Trưởng công chúa triều Nguyễn
Phượng bào Trưởng công chúa triều Nguyễn của La Quốc Bảo được mua lại từ California.
Phượng bào Trưởng công chúa triều Nguyễn
Cận cảnh của Phượng bào Trưởng công chúa triều Nguyễn của La Quốc Bảo được mua lại từ California.
giày converse
Mẫu giày lấy cảm hứng từ Phụng bào của Trưởng công chúa nhà Nguyễn.

Trong tương lai, Bảo dự định sẽ thành lập một thương hiệu thời trang tập trung vào ứng dụng hoa văn truyền thống Việt Nam, cũng như một gallery cổ vật để mọi người có thể chiêm ngưỡng BST, và trên hết là đưa nét đẹp văn hoá của dân tộc đến gần hơn với thế hệ trẻ.

La Quốc Bảo tại triển lãm Vietnamme Talk
La Quốc Bảo tại triển lãm Vietnamme Talk

“Cutural appropriation” (chiếm đoạt văn hóa) không còn là chủ đề mới mẻ (và thường thấy trong ngành công nghiệp thời trang), nhưng tại Việt Nam, không chỉ những người ngoài cuộc mà thậm chí những người trong sân chơi thời trang vẫn chưa phân định rõ đâu là vinh danh và đâu là chiếm đoạt nên đôi khi gây ra những sai phạm không đáng có, ảnh hưởng đến hình ảnh và kinh doanh. Từ cương vị là người nghiên cứu về văn hoá, Bảo có thể chia sẻ đâu là ranh giới để chúng ta phân biệt 2 khái niệm này?

Có thể hiểu ngắn gọn “tôn vinh văn hoá” là chia sẻ, học hỏi trong khi “chiếm đoạt văn hoá” là lợi dụng giá trị của nền văn hoá cho mục đích riêng.

Ví dụ, bạn là người Việt Nam và mặc trang phục Kimono đến tham gia một sự kiện về văn hoá Nhật Bản, thì khi đó bạn đang “tôn vinh” bộ lễ phục. Ngược lại, khi bạn không phải người Nhật mà mặc Kimono đến một sự kiện không liên quan đến Nhật Bản, thì lúc này bạn đang “chiếm đoạt” văn hoá để thu hút sự chú ý cho bản thân một cách có chủ đích. Như vậy, bối cảnh để một sản phẩm có chứa “hình ảnh văn hoá” xuất hiện cũng quyết định là “vinh danh” hay “chiếm đoạt”.

chân dung la quốc bảo

Một ví dụ khác về ngành công nghiệp thời trang là khi các nhà thiết kế lấy cảm hứng từ một nền văn hoá nào đó, nhưng vì nằm ngoài nền văn hoá đó, cũng như chưa có đủ trải nghiệm và kiến thức về nó nên trong quá trình sáng tạo, họ đã vô tình phạm phải những “đại kỵ” rất khó làm ngơ. Chính điều này khiến những người khác có cái nhìn sai lệch và vô thức cho rằng đó là nét đẹp riêng thuộc về bản sắc dân tộc, mà thực chất nền văn hoá đó đang bị “chiếm đoạt”.

Triển lãm Present from the Past (Sydney)

Và theo bạn, những người trong ngành thời trang, giải trí và văn hoá cần phải làm gì để không phạm phải sai phạm “chiếm đoạt văn hoá” một cách đáng tiếc?

Điều đầu tiên và quan trọng nhất là phải hiểu rõ gốc rễ của “nguồn cảm hứng”. Ví dụ như trên hành trình tìm hiểu về văn hoá nhà Nguyễn, Bảo đã đọc nhiều sách phân tích, cũng như nghiên cứu trên các hiện vật và thưởng lãm tại nhiều bảo tàng trên thế giới, rồi nhận ra trong mỗi thời kỳ của nhà Nguyễn và nhà Thanh đều có những khác biệt rõ rệt nhưng cũng có những trường hợp “giống” đến kinh ngạc.

Ví dụ, vẫn cùng một motif “Tam Sơn Thuỷ Ba” (nhà Thanh gọi là “Hải Thuỷ Giang Nhai”), thoạt nhìn thì thấy nhiều nét tương đồng nhưng nếu để ý kỹ sẽ phát hiện ra những điểm đặc trưng khó nhầm lẫn. Cá biệt như trong thời Hoàng đế Khải Định đến Bảo Đại (đầu thế kỷ 20) phổ biến lối thêu và phối màu được cho là học theo giai đoạn triều Thanh trung – vãn kỳ (giữa thế kỷ 19) với độ tương quan gần như 90%. Do đó, nếu không có nền tảng và kinh nghiệm thì ta dễ bị tố ngược là “chiếm đoạt văn hoá” một cách oan uổng mà không có đủ chứng để phản biện.

So sánh motif “Tam Sơn Thuỷ Ba” giữa nhà Nguyễn (Việt Nam) và nhà Thanh (Trung Quốc) theo chú giải của La Quốc Bảo: Cột thuỷ nhà Nguyễn có độ ổn định cao, đặc trưng bởi sự uốn lượn dịu dàng. Trong khi đó nhà Thanh có cột thuỷ tích đàn đàn lớp lớp rất kịch tích (đặc biệt là Thanh sơ kỳ đến trung kỳ giai đoạn thế kỷ 17 – 18), đến giai đoạn Thanh vãn kỳ (cuối thế kỷ 19 – đầu 20) thì xuất hiện hiện tượng cột thuỷ chiếm diện tích lớn và được thể hiện bằng các dải thẳng đuột, điều này hoàn toàn không có ở nhà Nguyễn.

Thứ hai, người làm kinh doanh dựa trên văn hoá cần lấy văn hoá làm cốt lõi. Sử dụng văn hoá là con dao hai lưỡi, nếu bỏ thời gian và tâm huyết để đầu tư nghiên cứu thì chắc chắn thành quả sẽ là sự ủng hộ nồng nhiệt. Trái lại, nếu chỉ chạy theo bề nổi truyền thông và hình thức sáo rỗng để đánh vào “cái mác” văn hoá thì nguy cơ thất bại, thậm chí bị tẩy chay là rất cao.

Giày lấy cảm hứng Mành rồng treo trên Thái Bình Lâu
Mẫu giày lấy cảm hứng Mành rồng treo trên Thái Bình Lâu của Baro (thương hiệu do La Quốc Bảo thành lập).
Giày lấy cảm hứng từ 9 loài chim tượng trưng cho 9 phẩm Văn quan
Mẫu giày lấy cảm hứng từ 9 loài chim tượng trưng cho 9 phẩm Văn quan.
Giày lấy cảm hứng từ 9 linh thú tượng trưng cho 9 phẩm Võ quan
Mẫu giày lấy cảm hứng từ 9 linh thú tượng trưng cho 9 phẩm Võ quan

Trần

Thế hệ trẻ là những người có suy nghĩ nhanh nhạy với thời cuộc và xu hướng, nhưng lại thiếu sót nhiều kiến thức chuyên sâu cũng như sự thận trọng, vậy thì Bảo có những chia sẻ gì dành cho họ để cộng đồng phát triển tích cực hơn?

Trước khi làm một điều gì thì hãy bắt đầu bằng chữ “Tâm”, và sau đó mới là các bước nghiên cứu tìm hiểu thị trường. Chúng ta có thể chủ động theo dõi các hội nhóm chuyên về lĩnh vực mình theo đuổi trong một khoảng thời gian nhất định. Điều này không hề dư thừa vì tuỳ thuộc vào từng mảng cụ thể mà cộng đồng có những  phản ứng khác nhau đối với cùng một loại sản phẩm.

Thứ hai là hãy chọn lọc, tiếp thu thông tin từ các đầu sách được xuất bản chính quy và có sự đối chiếu liên tục. Kiến thức là vô hạn nhưng thông tin được xuất bản không phải lúc nào cũng chính xác 100%. Khi đọc đủ nhiều, bạn sẽ nhận ra thông tin nào có độ tin cậy cao và thông tin nào chỉ dừng lại ở mức tham khảo.

Thứ ba, hãy tiếp xúc các hình ảnh hiện vật thật càng nhiều càng tốt vì đó là những minh chứng lịch sử thiết thực, rõ ràng, có thể dùng làm cơ sở để sáng tạo và phản biện. Nếu thiếu tư liệu, hãy mạnh dạn lên các hội nhóm để học hỏi, sẽ có nhiều người sẵn sàng chia sẻ kiến thức cùng bạn bởi điều này cũng giúp cho cộng đồng phát triển lớn mạnh hơn.

Online Talkshow giữa La Quốc Bảo và trường Hutech với chủ đề “Lễ phục triều Nguyễn và ứng dụng trong thời trang đương đại”

Và cuối cùng, không có ai hay bất cứ điều gì là hoàn hảo. Với những cá nhân hoặc tổ chức lỡ mắc phải sai phạm và có động thái lên tiếng, làm rõ vấn đề thì chúng ta cũng không nên quá khắt khe mà hãy đưa ra cái nhìn cảm thông hơn dành cho họ.

Cảm ơn những chia sẻ thú vị của La Quốc Bảo dành cho ELLE Man. Chúc bạn luôn giữ được ngọn lửa nhiệt huyết với nghề và ngày càng thành công hơn trên con đường đã chọn!

__

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Phỏng vấn và bài viết: Hoàng Điệp

Hình ảnh: La Quốc Bảo, BARO

No more