Nhân vật 06/07/2020

Đức Đạt Lai Lạt Ma Tenzin Gyatso – Vị “Phật sống” đáng tôn kính

Bài ELLE Team

Được cho là hiện thân của Đức Quán Thế Âm, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 - Tenzin Gyatso đã dành phần lớn cuộc đời của ông cho sự nghiệp truyền giáo và mang đến những điều tốt lành. Với lòng khát khao muốn đạt được Phật Quả vì lợi lạc của tất cả chúng sanh, dù phải lưu vong khỏi quê hương hàng chục năm nhưng người vẫn đấu tranh cho sự độc lập - dân chủ của Tây Tạng và đã thệ nguyện sẽ tái sinh trở lại thế gian để giúp đỡ nhân loại.

Là vị Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14, Tenzin Gyatso ngay từ khi lên hai tuổi đã được nhiều người đồn đoán về việc sẽ trở thành một nhà lãnh đạo truyền bá tinh thần Phật Giáo Tây Tạng trong tương lai. Thật vậy, trải qua hơn 80 năm với danh hiệu trên, Ngài Tenzin Gyatso đã lập được vô số những cột mốc không chỉ trong lĩnh vực tôn giáo mà còn gây sức ảnh hưởng lên những lĩnh vực khác trong đời sống chính trị và xã hội.

Nhân dịp Ngài Tenzin Gyatso bước sang thượng thọ thứ 85 (6/7/2020), hãy cùng ELLE Man tìm hiểu xuất thân và công cuộc truyền đạo của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 hiện nay.

1-duc-dat-lai-lat-ma-elleman

Thuở niên thiếu xuất chúng

Ngài Tenzin Gyatso sinh vào ngày 06/07/1935 trong một gia đình nông dân, tại ngôi làng nhỏ nằm ở Taktser, Amdo, đông bắc Tây Tạng. Khi lên sáu tuổi, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 bắt đầu sự giáo dục chốn thiền môn của mình với chương trình giảng dạy được bắt nguồn từ truyền thống Nalanda, bao gồm năm môn chính và năm môn phụ. Đến năm 1959, Ngài hoàn tất học vị cao nhất của Phật giáo Tây Tạng là Geshe Lharampa, tương đương với Tiến sĩ triết học Phật giáo (Doctorate of Buddhist Philosophy) ở tuổi 25.

3-duc-dat-lai-lat-ma-elleman
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trong kỳ thi Tiến Sĩ Geshe Lharampa cuối cùng tại Lhasa, Tây Tạng diễn ra từ mùa hè năm 1958 đến tháng 2 năm 1959.
Ảnh: CNN

Mặc dù vậy, ngài Đạt Lai Lạt Ma đã sớm tiếp xúc và tham gia vào nhiều cuộc gặp gỡ liên quan đến chính trị ngay từ khi 15 tuổi. Cụ thể, vào năm 1950, sau khi Trung Quốc xâm lược Tây Tạng, Ngài được kêu gọi để đảm nhận hoàn toàn quyền lực chính trị. Năm 1954, Ngài đến Bắc Kinh để gặp gỡ Mao Trạch Đông và các nhà lãnh đạo Trung Quốc, bao gồm Đặng Tiểu Bình và Châu Ân Lai.

4-duc-dat-lai-lat-ma-elleman
Châu Ân Lai, Ban Thiền Lạt Ma, Mao Trạch Đông và Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Bắc Kinh, Trung Quốc vào năm 1956.
Ảnh: CNN

Tuy nhiên, vào năm 1959, sau cuộc đàn áp tàn bạo của quân đội Trung Quốc đối với phong trào khởi nghĩa của nhân dân Tây Tạng ở Lhasa, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã buộc phải tị nạn tại Dharamsala, miền bắc Ấn Độ.

7-duc-dat-lai-lat-ma-elleman (2)
Cựu Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru trong một chuyến thăm Đức Đạt Lai Lạt Ma vào năm 1960.
Ảnh: CNN

Công cuộc “Dân chủ hóa” xứ sở Tây Tạng

Năm 1963, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã trình bày một dự thảo hiến pháp dân chủ cho Tây Tạng, tiếp theo là một số cải cách để dân chủ hoá Chính quyền Tây Tạng. Trong đó, Ngài bày tỏ sự tự do về ngôn luận, tín ngưỡng, tập hợp và hoạt động đồng thời đề ra chức năng của Chính Quyền Tây Tạng đối với những người Tây Tạng sinh sống lưu vong.

22-duc-dat-lai-lat-ma-elleman (2)
Xuyên suốt những năm nửa sau của thế kỉ 20, Đức Đạt Lai Lạt Ma luôn đấu tranh vì nền Dân chủ của xứ sở Tây Tạng.

Tháng 5/1990, sau nhiều năm cải cách của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma, chính quyền Tây Tạng lưu vong cuối cùng cũng đã được dân chủ hóa hoàn toàn. Trong cùng năm đó, những người Tây Tạng lưu vong sống ở Ấn Độ và hơn 33 quốc gia khác đã bầu 46 thành viên vào một Hội Đồng Nhân Dân Tây Tạng lần thứ 11 được tổ chức trên cơ sở mỗi người bỏ một lá phiếu. Hội đồng này, sau đó bầu ra các thành viên của một nội các mới. Đến năm 1992, Hiến Pháp Dân Chủ của Tây Tạng chính thức được hình thành dựa trên những ý nguyện trước đó của Ngài.

Tháng 9/2001, trong một bước tiến tới dân chủ hóa, cử tri Tây Tạng trực tiếp bầu Chủ Tịch Nội Các, đánh dấu lần đầu tiên sau nhiều năm, người dân Tây Tạng mới lại có thể bầu ra vị lãnh đạo chính trị cho riêng họ. Cũng từ đó, quyền lực của Ngài trong nội bộ chính quyền Tây Tạng dần dần được chuyển giao cho những Vị lãnh đạo được bầu chọn.

6-duc-dat-lai-lat-ma-elleman
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đưa ra nhận xét chính thức đầu tiên về việc nghỉ hưu của mình từ những trách nhiệm chính trị trong một buổi giảng pháp công cộng tại Chùa Chính Tây Tạng ở Dharamsala, HP, Ấn Độ vào ngày 19 tháng 3 năm 2011.
Ảnh: CNN

Ngày 14 tháng 3 năm 2011, Ngài chính thức rút quyền khỏi bộ máy chính trị của Chính quyền Tây Tạng, song, sức ảnh hưởng và quyền lực của Ngài vẫn còn được công nhận đối với nhân dân Tây Tạng mãi cho đến ngày nay.

Sức ảnh hưởng đối với thế giới

Với tâm thế của một người luôn khao khát đạt được Phật Quả, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma luôn chứng tỏ Ngài là là một con người của hòa bình. Năm 1989, Ngài được trao Giải Nobel Hòa bình nhờ cuộc đấu tranh bất bạo động của Ngài cho sự nghiệp giải phóng Tây Tạng. Không những vậy, Ngài còn luôn đi đầu trong số những người ủng hộ các phong trào giải phóng chiến tranh cực đoan và bảo vệ môi trường.

111-duc-dat-lai-lat-ma-elleman
Khoảnh khắc nhận Nobel Hòa Bình vào năm 1989 của Đức Đạt Lai Lạt Ma

Trong số hơn 67 quốc gia trải dài trên 6 lục địa mà Ngài đã từng đặt chân đến, Đức Đạt Lai Lạt Ma luôn thuyết giảng về những điều liên quan đến hòa bình, bất bạo động, hiểu biết liên tôn giáo, từ bi và trách nhiệm toàn cầu. Chính vì điều đó đã giúp cho Ngài được vinh danh với không ít những giải thưởng và bằng tiến sĩ danh dự. Bên cạnh đó, Ngài cũng là tác giả hoặc đồng tác giả của hơn 110 cuốn sách khác nhau.

55-duc-dat-lai-lat-ma-elleman (2)
Đạt Lai Lạt Ma trong cuộc gặp với Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela năm 1996.
Ảnh: CNN

Kể từ giữa những năm 1980, Ngài đã tham gia vào những cuộc đối thoại với các nhà khoa học hiện đại, chủ yếu trong các lĩnh vực tâm lý, thần kinh học, vật lý lượng tử và vũ trụ học. Nhờ đó, tạo điều cho việc áp dụng các kiến thực khoa học hiện đại vào chương trình thuyết giảng truyền thống của các cơ sở Tu viện Tây Tạng được tái thiết lập trong qua khứ.

21-duc-dat-lai-lat-ma-elleman
Cuộc gặp giữa Tổng thống Mĩ Obama và Đức Đạt Lai Lạt Ma vào tháng 2/2010
Ảnh: CNN

Gần đây, khi tuổi tác đã ngày một cao, Ngài vẫn tích cực ủng hộ các hoạt động xã hội và chính trị cũng như trực tiếp gặp gỡ các quan chức lãnh đạo nhằm trao đổi và đưa ra những ý kiến mang tính xây dựng chung. Ngài tuyên bố rằng khi Ngài khoảng chín mươi tuổi, Ngài sẽ tham khảo các truyền thống Phật giáo Lamas của Tây Tạng, công chúng Tây Tạng, và những người có liên quan khác quan tâm đến Phật giáo Tây Tạng, và sẽ đánh giá liệu cơ chế của Đạt Lai Lạt Ma có nên tiếp tục sau Ngài hay không.

Song, dù cho vài năm tiếp theo có diễn ra với kịch bản như nào đi chăng nữa, chúng ta vẫn đều đã và đang ngưỡng mộ những công lao và đóng góp to lớn mà Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 đã đạt được trong hơn 80 năm qua.

2-duc-dat-lai-lat-ma-elleman (2)

Chúc mừng sinh nhật và chúc sức khỏe, Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 – Ngài Tenzin Gyatso!

_____

Tạp chí Phái Mạnh ELLE Man

Bài: Chung Quân

Tham khảo: Wikipedia

Hình ảnh: CNN

No more