Trên thực tế, các mối quan hệ thiếu lành mạnh, có sự lạm dụng và thao túng thường khó nhận diện hơn tác động thể chất. Đặc trưng của nó thường là chuyển biến từ từ, nó có thể bắt đầu rất tốt đẹp trước khi chuyển hướng tiêu cực. Khi điều này xảy ra, nạn nhân có thể dần dần thích nghi với những khuôn mẫu độc hại, khiến việc nhận diện và rời bỏ trở nên khó khăn hơn.
Hãy cùng ELLE Man tìm hiểu 10 dấu hiệu không lành mạnh trong tình yêu qua bài viết sau.
1. Kiểm soát mối quan hệ
Sự kiểm soát trong một mối quan hệ có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như việc đối phương can thiệp quá mức vào đời sống xã hội hoặc kiểm soát thói quen hàng ngày của bạn. Bạn cảm thấy không có quyền tự do đưa ra lựa chọn. Những nhận xét châm biếm hoặc chỉ trích từ họ có thể khiến bạn cảm thấy không đủ tốt, dẫn đến sự tự ti và khiến bạn phụ thuộc vào ý kiến của đối phương.
2. La hét
Trong một mối quan hệ lành mạnh, bất đồng thường được giải quyết thông qua giao tiếp cởi mở và tôn trọng lẫn nhau. Tuy nhiên, nếu la hét trở thành một phần thường xuyên trong các cuộc tranh luận, điều này có thể tạo ra một môi trường không an toàn.
Theo Wale Okerayi, nhà trị liệu tâm lý, la hét liên tục có thể là dấu hiệu của lạm dụng tình cảm. La hét không chỉ làm tổn thương cảm xúc mà còn khiến việc giải quyết vấn đề trở nên khó khăn hơn và nó có thể khiến bạn sợ hãi và dần trở nên im lặng. Hành vi này tạo ra sự mất cân bằng quyền lực, khiến bên còn lại cảm thấy bị áp bức, không có tiếng nói trong mối quan hệ và người ồn ào nhất mới được nghe thấy.
3. Khinh thường mối quan hệ
Trong một mối quan hệ lành mạnh, bạn kỳ vọng đối tác sẽ lắng nghe và tôn trọng bạn. Tuy nhiên, nếu đối phương thường xuyên có thái độ mỉa mai, châm biếm hoặc thờ ơ với bạn thì chúng có thể là dấu hiệu của lạm dụng tình cảm. Nếu người đó thường xuyên không tôn trọng ý kiến, nhu cầu của bạn điều này có thể làm tổn thương lòng tự trọng và tạo ra cảm giác bạn không xứng đáng được yêu thương và tôn trọng.
4. Phòng thủ quá mức
Một mối quan hệ tích cực cho phép bạn giao tiếp cởi mở, chân thành. Nếu bạn luôn cảm thấy phải phòng thủ bảo vệ, dè chừng những suy nghĩ, hành vi với đối phương thì đó có thể là cơ chế bạn đang đối phó với hành vi lạm dụng tình cảm. Việc luôn tục phòng thủ khiến bạn cảm thấy như đang ở trong một cuộc chiến, nơi những cuộc trò chuyện trở thành cuộc tranh đấu để bảo vệ ý kiến và cảm xúc của mình.
5. Đe dọa
Mối quan hệ lạm dụng tình cảm có thể bao gồm các hình thức đe dọa khác nhau từ lời nói đến hành động. Những câu nói mang tính cưỡng ép, cảnh báo, đe dọa về tổn hại thể chất hoặc tự sát đều là dấu hiệu rõ ràng của sự lạm dụng.
6. Từ chối giao tiếp
Từ chối giao tiếp là một trong những rào cản lớn nhất trong bất kỳ mối quan hệ nào. Nếu đối phương từ chối thảo luận về các vấn đề quan trọng hoặc ngừng các cuộc trò chuyện không thoải mái, bạn có thể cảm thấy bị bỏ rơi và cô lập. Việc này không chỉ làm tăng cảm giác bất an mà còn khiến cho mối quan hệ trở nên không lành mạnh, khi mà các vấn đề không được giải quyết và tình cảm không được chia sẻ.
7. Đổ tội
Trong những mối quan hệ lạm dụng tình cảm, nạn nhân thường bị thuyết phục rằng họ là nguyên nhân gây ra sự ngược đãi và bất hạnh của chính mình. Điều này dẫn đến cảm giác xấu hổ, tội lỗi, tự trách mình và khiến nạn nhân cảm thấy khó khăn trong việc thoát khỏi vòng luẩn quẩn của lạm dụng.
8. Gaslighting
Gaslighting là một hình thức thao túng tâm lý, khiến nạn nhân nghi ngờ về khả năng phán đoán và đưa ra quyết định đúng. Nếu lo lắng của bạn thường bị coi là “sai lầm” hoặc “điên rồ” có thể bạn đang bị lạm dụng tình cảm. Gaslighting khiến bạn nghi ngờ về chính mình, dẫn đến mất tự tin và lo âu.
9. Cô lập
Sự cô lập là một chiến thuật của những kẻ lạm dụng tình cảm sử dụng để giữ quyền kiểm soát đối với nạn nhân. Điều này tạo ra sự phụ thuộc về mặt cảm xúc khiến họ khó chấp nhận sự hỗ trợ từ người khác, họ cảm thấy ngoại trừ đối phương sẽ không ai quan tâm đến họ.
10. Thiếu ổn định mối quan hệ
Mối quan hệ không nên giống như một chuyến tàu lượn siêu tốc với những biến động cảm xúc đột ngột. Những cảm xúc thay đổi liên tục, từ tình cảm đến cơn giận, có thể để lại sự căng thẳng và lo âu cho nạn nhân. Những kẻ lạm dụng tình cảm thường tặng quà hoặc thể hiện tình cảm ngay sau cơn tức giận, khiến nạn nhân cảm thấy khó hiểu và không thể dự đoán được hành vi của đối tác. Điều này tạo ra một môi trường không ổn định, khiến nạn nhân cảm thấy không an toàn và bất ổn.
Nhận diện những dấu hiệu của lạm dụng tình cảm là bước quan trọng để bảo vệ bản thân. Nếu bạn hoặc ai đó bạn biết đang ở trong một mối quan hệ như vậy, hãy tìm kiếm sự hỗ trợ và cân nhắc việc thoát khỏi mối quan hệ độc hại. Hãy nhớ rằng mỗi người đều xứng đáng được yêu thương và tôn trọng trong bất kỳ mối quan hệ nào.
________
Bài: Thùy Dung