Đồ gốm sứ cổ – Nghề chơi lắm gian nan

Bài

Dân chơi tứ thời truyền khẩu: “Nhất chữ - Nhì tranh – Tam sành – Tứ kiểng”, trong bốn món ăn chơi ấy, món nào cũng nghe vẻ chỉ hợp vía với tuổi già, cao niên trưởng thượng, bởi kinh nghiệm nghề luôn tỉ lệ thuận với tuổi tác. Bất luận chơi hay buôn bán, hẳn là khó, bởi ngón nghề này chẳng trường dạy, chẳng ai dám xưng thầy, càng lấn vào nghề càng thấy mình nhỏ bé. Giới cổ ngoạn Sài Gòn, môn chơi “đệ tam” khá thông dụng, “bán không được đồ thì là người sưu tầm – nghiên cứu, còn bán được thì trở thành nhà buôn”. Câu nói nửa đùa nửa thật của Nguyễn Văn Sĩ – một gương mặt quen trong giới cổ ngoạn Việt.
những món đồ gốm sứ cổ
1. Chiếc chum thời Minh – hiện vật giá trị trong thị trường cổ ngoạn Việt 2. Thạp gốm hoa nâu thời Trần trong BST gốm Việt của Văn Sĩ

May mắn vào nghề

Một người từ sưu tầm trở thành nhà buôn cổ ngoạn, thường trải qua các trình tự gồm 4 giai đoạn: 1. Chỉ mua – Không bán; 2. Mua – Trao đổi; 3. Mua – bán; 4. Chỉ bán (trở thành nhà buôn cổ vật). Riêng với Văn Sĩ – trẻ nhiều so với tuổi các lão bối trong làng cổ ngoạn – nhập cuộc bộ môn khó gặm này ở tuổi đôi mươi tính từ hơn 20 năm trước, ngay ở giai đoạn bốn, tức là một nhà kinh doanh cổ ngoạn thuần túy.

Trong cái hỗn mang của thị trường, chân – giả lẫn lộn, để vào nghề gốm sứ cổ với kiến thức ngang bằng với trình độ… mù chữ, chỉ nghe nhiêu đó hẳn cũng đủ hình dung một tương lai đầy khúc khuỷu của Văn Sĩ lúc ra nghề. “Không biết phải hỏi” được Văn Sĩ tận dụng tối đa để phát triển nghề từng ngày, từng giờ, từng phút va chạm với các hiện vật ở đủ mọi giai tầng văn hóa, niên đại, xuất xứ và vẻ đẹp mỹ thuật.

Người viết từng gặp qua các nhà kinh doanh lớn – nhỏ những món đồ gốm sứ cổ, ai cũng từng chia sẻ không ít lần phải nuốt chén đắng vì đụng phải quả lừa do trình chưa tới, hoặc do quá say đồ dẫn đến mất chuẩn khi quyết định mua một món mà mang về đến nhà, bình tĩnh giở ra mới ngậm ngùi biết mình hố hàng mua phải đồ mới. Những khoản phí mua nhầm ấy, dân trong nghề gọi là “ngu phí”. Hỏi về khoản “ngu phí” rất chi là tế nhị này, Văn Sĩ cười vui bảo: “Mình vào nghề lúc trẻ, chẳng biết gì, cứ hỏi han thật tình về cách phân định niên đại, thật giả, được anh em quý mến cho xem đồ thật, nhờ vậy nên cũng có thể được người thương, khi va chạm thương trường tất nhiên không thể thoát chuyện đóng phí ngu nhưng… ít chứ chưa đến nỗi sạt nghiệp”.

Ở phố cổ vật Lê Công Kiều, Văn Sĩ mở cửa tiệm ở số 21, điểm tập trung của giới sưu tầm gốm sứ cổ, cũng là nơi những người bạn, giới báo chí, nhiếp ảnh, các nhà nghiên cứu đến lai rai trà nước, nhàn đàm chuyện cái tô, cái chén, tí toáy khám phá một hiện vật mới được chủ tiệm mua về từ các nguồn trong lẫn ngoài nước. Với bản tính dễ dãi với khách: “Không mua cũng là bạn”, thế nên cửa hiệu nhỏ xinh của Văn Sĩ đón tiếp đủ mọi giới. Còn nhớ có lần người viết gặp ông Tây cao to đang ngó nghiêng mấy món gốm cổ Chu Đậu vớt từ tàu đắm Cù Lao Chàm bày trong tủ kính ở số 21, sau mới biết đấy là vị chính khách Thụy Sĩ, Tổng thống đời thứ 160, ông Pascal Couchepin.

Không gian của đam mê

Người ta có đam mê, bắt đầu sưu tầm rồi mới trở thành kinh doanh – mua bán, Văn Sĩ lại đi theo quy trình ngược, vào nghề kinh doanh mua bán, giờ kiêm nhiệm vai trò như nhà sưu tầm, nghiên cứu, khi quyết định hình thành một không gian trưng bày cổ vật – nơi tập hợp một số lượng hiện vật khá phong phú về cả niên đại, chất liệu và giá trị của các nhà sưu tập tên tuổi thuộc các hội nhóm sưu tầm cổ vật trên khắp Việt Nam.

 

Không gian trưng bày đồ gốm sứ cổ
3. Hiện vật trưng bày ở City Star là sự cộng tác của giới sưu tầm cả nước 4. Góc trưng bày những món đồ gốm sứ cổ ở không gian City Star 5. Nguyễn Văn Sĩ trong không gian trưng bày cổ ngoạn ở City Star

Không gian trưng bày gốm sứ và cổ ngoạn của Văn Sĩ được bắt nguồn từ đam mê, từ những mối giao hảo bè bạn, và đó là lợi thế khi có thể kêu gọi cùng lúc các nhà sưu tập đem đến những hiện vật độc đáo và quý giá chọn lọc từ bộ sưu tập cá nhân, cùng trưng bày theo định kỳ để mọi người yêu cổ ngoạn có thể tìm đến tham quan, giao lưu và chia sẻ những kinh nghiệm thú vị về từng hiện vật theo chủ đề, chuyên đề nhất định.

Không gian trưng bày cổ ngoạn của Văn Sĩ được cải tiến từ tầng hầm của một khách sạn, có tên gọi rất không liên quan đến gốm sứ cổ, đấy là City Star – lấy theo tên của khách sạn cùng địa chỉ trên đường Bùi Thị Xuân, quận 1. Không gian trưng bày gốm sứ cổ City Star ra đời cách đây hơn một năm, đã trở thành điểm hẹn lý thú cho giới sưu tầm, với cuộc trưng bày đầu tiên tập hợp hơn 350 hiện vật đại diện khá đầy đủ các dòng đồ sưu tầm từ văn hóa Phùng Nguyên, Đông Sơn đến các dòng gốm sứ của triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn, muộn hơn có gốm Cây Mai của Sài Gòn xưa, gốm Lái Thiêu, Biên Hòa… là hiện vật thuộc sở hữu của 21 nhà sưu tầm khắp Việt Nam.

 

Bộ gốm sứ thời Khang Hy và ấm men đời Trần
6. Các hiện vật đồ sứ niên đại Khang Hy 7. Ấm gốm men nâu thời Trần

Cũng là lần đầu tiên ở Việt Nam, một mô hình trưng bày ngoài bảo tàng có thể tập hợp được khối lượng cổ vật từ nhiều nguồn, hình thành thêm một sân chơi thú vị, là điểm họp mặt của anh em sưu tầm cổ ngoạn cả nước.

Bận rộn hoàn thiện không gian “chơi bời” cùng gốm sứ cổ ở City Star, Văn Sĩ thật tình bảo: “Mình mong muốn gây dựng phong trào để anh em trong giới sưu tầm tụ tập, chơi là chính, còn mấy đâu thời gian dành cho chuyện bán buôn”. Khi hiện vật được trưng bày một cách trang trọng, vẻ đẹp của hiện vật được tôn thêm lên bằng ánh sáng và các mảng chú thích cung cấp thông tin ngắn gọn, đồng nghĩa rằng giá trị của hiện vật sẽ được cảm thụ ở chiều sâu nhất. Chính yếu tố đó góp phần phát triển nhận thức của những niềm đam mê gốm sứ cổ, thúc đẩy phong trào sưu tầm, giao lưu và trao đổi cổ vật từ nhiều nguồn ngày càng thêm lớn mạnh hơn.

 

xem thêm

No more