Thú chơi 26/01/2025

Ẩm thực truyền thống cho ngày Tết sum vầy

Bài Tuan Anh

Ẩm thực ngày Tết hiện đại là sự hòa quyện giữa truyền thống và nét đa văn hóa tiện lợi, mới mẻ. Nếu bạn muốn tìm về giá trị xưa và trân trọng hương vị cổ truyền Việt Nam, hãy cùng ELLE Man khám phá những món ăn đặc trưng của Tết xưa.

 

Có thể nói, có những món ăn đã trở thành biểu tượng không thể thiếu trên mâm cơm Tết Việt Nam. Đây không chỉ là dịp để cùng gia đình thưởng thức những hương vị truyền thống mà còn là cơ hội để sẻ chia những khoảnh khắc quý giá bên người thân qua từng bữa ăn, từng câu chuyện. Hãy cùng ELLE Man tìm hiểu các món ẩm thực ấn tượng qua bài viết sau.

1. Nem rán: Sự cầu kỳ trong từng chi tiết

 

Nem rán là món ăn quen thuộc, dễ làm, nhưng lại giữ vai trò quan trọng trên mâm cơm Tết của cả ba miền. Đây không chỉ là món ăn giúp bữa cơm thêm đầy đặn, mà còn thể hiện sự khéo léo và tài nấu nướng của người nội trợ trong gia đình xưa. Làm nem không khó, nhưng để nem thật ngon và giữ được độ giòn tan thì lại là cả một nghệ thuật.

 

Nem rán có nhiều biến tấu theo sở thích mỗi nhà, nhưng phiên bản cổ truyền lại thiên về miến và rau củ hơn là nhiều thịt. Để nem chuẩn vị, phần nhân thường bao gồm thịt vai lợn xay, miến dong, củ đậu hoặc giá đỗ, nấm hương, mộc nhĩ, cà rốt, và trứng để tạo độ kết dính. Tất nhiên, nước mắm ngon là gia vị không thể thiếu, giúp nhân nem đậm đà, dậy mùi thơm đặc trưng.

Tết
Ảnh: Tư liệu

Kỹ thuật gói nem đòi hỏi sự khéo léo. Phần nhân cần vừa đủ ẩm để dễ cuốn, nhưng không quá nhão để tránh nem bị vỡ khi rán. Lấy một tờ bánh đa, phết chút nước để làm mềm, cho một thìa nhân vào giữa rồi cuốn chặt tay. Kích thước lý tưởng của nem là dài và to ngang hai đốt ngón tay.

 

Rán nem là bước quyết định chất lượng món ăn. Để nem thơm và giòn, mỡ lợn luôn là lựa chọn hàng đầu. Khi mỡ sôi, nem được thả nhanh tay để phần vỏ bắt nhiệt đều và giữ được độ giòn. Lật nem đúng thời điểm để đảm bảo vỏ ngoài vàng ruộm, nhân bên trong chín tới mà không bị cháy.

 

Khi bày nem lên mâm, không thể thiếu đĩa rau sống xanh mát và bát nước mắm chua ngọt pha tỏi ớt. Món ăn giản dị nhưng tinh tế này khiến mâm cỗ Tết thêm phần chỉn chu và đậm đà hương vị truyền thống.

 

2. Xôi gấc đỏ: May mắn ngày Tết đầu năm

 

Xôi gấc là món không thể thiếu trên mâm cỗ Tết. Nhà nào cũng cố nấu một chõ xôi gấc, vừa để dâng lên ông bà tổ tiên, vừa mong một năm mới may mắn. Màu đỏ tươi của từng hạt xôi mẩy bóng như lời chúc phúc, cầu mong an khang, thịnh vượng.

 

Để có được một chõ xôi ngon, khâu chọn gạo rất quan trọng. Gạo nếp cái hoa vàng hay nếp nương đều dùng được, nhưng ngon nhất vẫn là nếp Tú Lệ từ vùng Yên Bái. Gạo được ngâm qua đêm, trong khi ruột gấc bóp cùng rượu nếp tạo ra hỗn hợp màu đỏ óng ánh. Phần gấc được tách kỹ, chỉ bỏ lõi hạt, tận dụng hết phần thịt gấc vàng đỏ. Nước gấc trộn đều vào gạo cùng chút muối, thêm bó lá dứa vào nồi đồ để hương thơm lan tỏa, làm xôi thêm phần hấp dẫn.

xôi gấc
Ảnh: Tư liệu

Khi xôi chín, phải đánh tơi và trộn ngay với mỡ gà để hạt xôi thêm bóng bẩy, dẻo ngon. Xôi gấc thường được đóng khuôn, tạo hình trang trọng để bày lên mâm. Phiên bản truyền thống có vị hơi mằn mặn, ăn kèm giò lụa, chả quế rất vừa miệng. Với phiên bản ngọt, xôi gấc được trộn đường, mè rang, nước cốt dừa và dừa tươi thái sợi. Một số gia đình còn thêm đỗ xanh tán nhuyễn, đóng khuôn cùng xôi để tạo nên sự hòa quyện cả về màu sắc lẫn hương vị.

 

Xôi gấc không chỉ thơm ngon mà còn mang ý nghĩa sâu sắc, là biểu tượng của sự may mắn, đoàn viên, và niềm hy vọng vào một năm mới đủ đầy, hạnh phúc.

Tết
Ảnh: Tư liệu

3. Thịt kho hột vịt: Hương vị Tết miền Nam

 

Tết miền Nam mang nét đặc trưng ấm áp, và ẩm thực nơi đây cũng phản ánh sự khác biệt với nhiều món truyền thống riêng. Trong đó, thịt kho hột vịt – hay còn gọi là thịt kho rệu – là món ăn tiêu biểu, với từng miếng thịt óng ánh, hột vịt tròn đầy thấm đẫm hương vị nước mắm, nước dừa thơm ngọt.

 

Làm thịt kho hột vịt đòi hỏi sự công phu và tỉ mỉ. Thịt heo phải chọn loại ngon nhất, làm sạch và cắt miếng đều tay. Trứng vịt cũng cần được tuyển chọn kỹ lưỡng để đảm bảo chất lượng. Mỗi nhà lại có cách ướp thịt riêng, nhưng điểm chung của món này là vị ngọt thanh từ nước dừa tươi, kết hợp cùng nước mắm ngon tạo nên vị đậm đà khó cưỡng. Miếng thịt kho mềm, béo mà không ngấy, trứng thấm vị nhưng không bị bở, nước kho sánh vàng óng ánh làm nổi bật không khí đầm ấm của ngày Tết.

Tết
Ảnh: Tư liệu

Thịt kho hột vịt có thể ăn kèm cơm tẻ, xôi nếp, hay cháo trắng, tùy sở thích. Một mâm cơm Tết miền Nam với đĩa thịt kho nâu vàng bóng bẩy, bát canh khổ qua nhồi thịt thanh mát, dĩa củ kiệu muối chua giòn, cùng bánh tét dẻo thơm, tất cả hòa quyện để mang đến hương vị Tết trọn vẹn, đong đầy yêu thương.

 

4. Thịt heo ngâm mắm: Hương vị miền Trung

 

Ở miền Trung, Tết không chỉ là dịp để sum họp mà còn là lúc để thưởng thức những món ăn mang đậm hồn quê. Bên cạnh bánh chưng, giò chả, nem rán, gà luộc – những món ăn quen thuộc trên cả nước – người miền Trung còn có những món đặc trưng như tôm chua, chả bò, giò bê, và đặc biệt là thịt heo ngâm mắm. Đây là món ăn dễ làm, dễ ăn, có vị chua ngọt hài hòa và bảo quản được lâu, rất thích hợp cho những ngày Tết.

Tết
Ảnh: Tư liệu

Thịt heo dùng để ngâm mắm phải chọn loại săn chắc, thơm ngon. Sau khi làm sạch, thịt được luộc chín tới với sả và gừng để dậy mùi thơm. Tiếp đó, thịt được ngâm trong hỗn hợp mắm, đường, tiêu xanh, tỏi, ớt, và một chút giấm hoặc chanh. Món thịt ngâm mắm hoàn thiện có miếng thịt thấm đẫm hương vị, mềm mượt nhưng không bở, lại hơi giòn sần sật và có vị chua ngọt vừa phải. Dùng thịt heo ngâm mắm ăn kèm cơm nóng hoặc nhâm nhi cùng ly rượu ngày Tết thì không gì sánh bằng.

 

Ngoài món thịt heo ngâm mắm, miền Trung còn nổi tiếng với thịt luộc ăn kèm tôm chua, hoặc thịt luộc cuốn bánh tráng chấm mắm nêm. Những món ăn này không chỉ ngon mà còn thể hiện nét đặc sắc trong văn hóa ẩm thực của vùng đất nắng gió. Mâm cơm Tết miền Trung nhờ đó mà trở nên trọn vẹn hơn, đong đầy hương vị và tình thân.

Thịt
Ảnh: Tư liệu

_______

Bài: Hà Chuu

No more