Bên cạnh quần ống loe, chất liệu da lộn và áo khoác biker, một trong những nét nổi bật của thời trang thập niên 70s chính là chiếc đồng hồ cao cấp làm từ thép không gỉ. Trong khoảng thời gian đầu thập kỷ, ý tưởng về một chiếc đồng hồ cao cấp làm bằng thép đã bị chối bỏ – cao cấp phải là vàng, và không gì khác. Thế nhưng, với tài năng của những nhà thiết kế đồng hồ, tất cả đã thay đổi. Những chiếc đồng hồ màu xám tro dần được công nhận và trở thành món đồ không thể thiếu của một quý ông thời thượng.
Ngày nay, cho dù trải qua bao thay đổi, cho dù các siêu tân binh như đồng hồ kim cương, đồng hồ vàng hồng, đồng hồ thông minh… lần lượt ra đời, thì những mẫu đồng hồ cổ điển đầu tiên vẫn là biểu tượng không thể đổi dời – những siêu phẩm mở ra kỷ nguyên mới, thay đổi khái niệm về sự xa xỉ, khi giá trị không còn phụ thuộc vào chất liệu mà dựa trên nghệ thuật chế tác và khả năng vận hành của bộ đếm giờ. Hãy cùng ELLE Man khám phá 8 mẫu đồng hồ cổ điển tuyệt vời này.
1. IWC Ingenieur Automatic
Dòng Ingenieur đầu tiên của IWC ra đời từ những năm 1950s. Mẫu đồng hồ mặt tròn cổ điển này đáp ứng mọi yêu cầu về bộ đếm giờ theo chuẩn quốc tế. Đến năm 1976, công ty tìm đến nhà thiết kế nổi tiếng Gérald Genta và nhờ ông cải tiến lại mẫu đồng hồ tiện dụng này. Kết quả là chiếc Ingenieur SL ra đời – một chiếc đồng hồ hoàn toàn làm từ thép không gỉ với vỏ đồng hồ sắc nét, góc cạnh và vòng bezel tròn. Thiết kế của ông Genta sau đó được thay đổi một lần nữa với mặt đồng hồ màu đen sắc sảo, và từ đó sống mãi với cái tên Ingenieur Automatic.
2. Cartier Santos 100
Đóng góp của Cartier đối với dòng đồng hồ đeo tay cao cấp cho nam giới bắt đầu từ những năm 1900s, khi Louis Cartier sáng tạo một chiếc đồng hồ dành riêng cho người bạn Brazil, ông Alberto Santos-Dumont. Santos-Dumont khi ấy là một phi công tiên phong, ông nhờ Cartier tạo nên một chiếc đồng hồ có thể đeo được khi ông thực hiện những dự án bay điên rồ của mình. Năm 1904, Cartier gửi đến người bạn thân chiếc Santos – thiết kế được xem là mẫu đồng hồ đeo tay đầu tiên dành cho những quý ông thực thụ. Sau một thời gian dài, mẫu đồng hồ này được tái sinh vào năm 1978 dựa trên thiết kế nguyên bản, chỉ tăng kích thước và trọng lượng. Nó nhanh chóng trở thành phép ẩn dụ của vẻ đẹp nam tính trong thập niên 70s và là biểu tượng dễ nhận biết nhất của Cartier.
3. Audemars Piguet Royal Oak Extra-Thin
Trở lại vào năm 1972, sau khi chiếc Royal Oak đầu tiên xuất hiện, nó được mệnh danh là “Jumbo” vì kích thước vỏ 39mm được xem là “lớn một cách bất thường”. Chiếc đồng hồ có vòng bezel hình bát giác của Audemars Piguet cũng là chiếc đồng hồ xa xỉ làm từ thép đầu tiên trên thế giới. Nó thậm chí còn đắt hơn một số đồng hồ vàng của thương hiệu Thụy Sĩ Patek Philippe. Chính vì vậy mà thời gian đầu, chiếc đồng hồ này bị xa lánh vì “đi ngược lại các giá trị thiết kế đồng hồ truyền thống”. Sức hấp dẫn của Royal Oak chỉ được phát hiện khi nó nằm trên cổ tay của ngài Gianni Agnelli, ông chủ hãng xe hơi nước Ý nổi tiếng Fiat.
4. Patek Philippe Nautilus Ref 5711/1A
Được xem là thiết kế tuyệt vời nhất của công ty đồng hồ tốt nhất, bạn khó có thể cưỡng lại sức hút của Nautilus. Patek Philippe là một trong 3 thương hiệu đồng hồ thể thao cao cấp (cùng với IWC và Audemars Piguet) suốt những năm 1970s. Thiết kế vỏ thép của Patek mềm mại hơn so với Ingenieur của IWC và Royal Oak của Audemars Piguet, nó mang đến một vẻ đẹp ngang tàng, hấp dẫn mà những thiết kế khác không có. Nét nổi bật của mẫu đồng hồ nguyên bản chính là mặt số màu xanh đen đại dương kết hợp với màu xám tro của vỏ thép, tạo nên chiều sâu đặc biệt.
5. Zenith El Primero Original 1969
Dòng đồng hồ El Primero Chronograph được dự định sẽ ra mắt vào năm 1965, nhân dịp kỷ niệm 100 năm của thương hiệu. Tuy nhiên, Zenith đã mất nhiều thời gian hơn dự kiến để có thể hoàn thiện và ra mắt nó vào năm 1969. Và sự chờ đợi này là xứng đáng, khi vỏ đồng hồ được xác định là thiết kế tốt nhất trong những năm 1970s: một đường viền thẳng và căng bóng, kiểu dáng công nghiệp cùng với vòng bezel tròn mềm mại. Thiết kế cuối cùng đại diện cho dòng đồng hồ này là chiếc El Primero Original 1969 38mm, được hoàn thiện với 3 mặt số phụ màu xám, xanh dương và đen.
6. Omega Speedmaster MkII
Mặc dù các dòng Speedmaster của Omega được thiết kế riêng cho NASA, nhưng những người làm việc cho NASA lại là những người “mê tín” nhất, họ muốn gắn bó với Speedmaster Professional Moonwatch, dòng đồng hồ đầu tiên đi vào không gian cùng với họ. Chính vì vậy mà Speedmaster MkII được tạo ra để đi vào không gian nhưng nó không bao giờ thực hiện được điều đó. Thiết kế của Speedmaster MkII rất đặc biệt: vòng bezel được đặt dưới mặt kính và thêm vào vòng đeo tay bằng thép tích hợp. Dòng đồng hồ này vừa được hồi sinh và nâng cấp vào năm ngoái, trong khi vẫn giữ nguyên cảm giác cổ điển từ các tính năng bắt nguồn từ cuộc chạy đua vũ trụ của nó.
7. Rolex Explorer II
Chiếc Explorer đầu tiên của Rolex ra mắt trong những năm 1950s, được đặt theo tên của người đầu tiên leo lên đỉnh Everest – ông Edmund Hillary. Sau đó, chiếc Explorer II ra đời vào năm 1971 với mặt số màu đen và chức năng chỉ múi giờ thứ hai được thể hiện trên vòng bezel cố định. Explorer II lớn hơn và phong cách hơn so với thiết kế tiền nhiệm, đồng thời nó trở thành biểu tượng của những người đàn ông hiện đại và tự tin trong thập niên 70s. Phiên bản nguyên mẫu đã được nâng cấp 3 lần, lần cuối cùng là năm 2011, mặc dù có kích thước lớn hơn (vỏ 42mm) nhưng nó vẫn được giữ nguyên kiểu dáng và kim chỉ giờ màu cam, dạng mũi tên như phiên bản đầu tiên xuất hiện cách đây hơn 45 năm.
8. TAG Heuer Monaco Calibre 11 Automatic Chronograph
Mẫu đồng hồ thể thao của TAG Heuer đã gặp rất nhiều sự lãnh cảm khi ra mắt vào năm 1969, tất cả là vì mặt đồng hồ vuông và các thiết kế “không giống ai”: núm chỉnh giờ nằm bên trái, dấu chỉ giờ nằm ngang, đầu kim chỉ giờ, phút và kim giây màu đỏ… Khi nam diễn viên Steve McQueen đeo nó trong vở sử thi Le Mans vào năm 1971, nó mới bắt đầu được chú ý. Đến năm 1997, phiên bản hiện đại của mẫu đồng hồ được phát hành, nhưng những yếu tố “điên rồ” trên chỉ được sử dụng cho bộ sưu tập chính của TAG trong kích thước 39mm (trừ phiên bản giới hạn kỷ niệm sinh nhật lần thứ 40th của thương hiệu trong năm 2009).
Bài: Đoàn Trúc – Ảnh: Tư liệu