Khoác tuxedo lên người thể hiện bạn là một người có tầm hiểu biết nhất định về Âu phục sự kiện cũng như sở hữu gu thời trang cao cấp.
Có khá nhiều dịp để thay đổi hình ảnh bản thân lên một tầm thanh lịch cao hơn như những đêm gala nhạc hội, tiệc tùng cuối năm hay thậm chí là những bữa tiệc đám cưới thay vì cứ mãi đóng khung trong những kiểu suit công sở với cà vạt na ná nhau.
Với tuổi đời lâu dài, tuxedo luôn luôn khẳng định vị thế không thể thay thế trong dòng thời trang Âu phục. Cổ điển và truyền thống, tuxedo phản ánh nên gu thời trang tinh tế của chủ nhân.
ELLE Man sẽ giới thiệu đôi điều về sự khác biệt giữa suit và tuxedo cũng như những lưu ý khi áp dụng những cách phối đồ chuẩn mực với tuxedo.
Suit và Tuxedo khác biệt như thế nào?
I. Khác biệt về hoàn cảnh sử dụng:
Tuxedo là cái tên bắt nguồn từ một tỷ phú người Mỹ tên James Potter, ông rất thích bộ suit được giới thiệu bởi hoàng tử xứ Wales và đã mang về Mỹ giới thiệu với các thành viên của câu lạc bộ Tuxedo Park Club, nơi tụ họp của những người thượng lưu xuất sắc nhất xã hội New York thời bấy giờ.
Thường được mặc trong những dịp, sự kiện mang tính trịnh trọng nhưng đồng thời ấm cúng, gần gũi và không đòi hỏi tính nghi lễ như những bữa tiệc rượu, lễ kỷ niệm thân mật, nhạc hội thính phòng, đám cưới… và tuyệt nhiên không sử dụng trong môi trường công sở.
Còn suit thường đem đến vẻ lịch sự và chuyện nghiệp, được dùng trong những sự kiện thông thường, gặp gỡ đối tác công ty, ký kết hợp đồng.
II. Khác biệt trong thiết kế:
Dù suit và tuxedo có kết cấu khá giống nhau, đều được biết đến như những biểu tượng của sự lịch lãm và quý phái nhưng điểm rõ rệt nhất dùng để phân biệt nằm ở ve áo khoác ngoài (lapel). Trong khi ve áo của suit có cùng chất liệu với phần còn lại của áo, thì ve áo của tuxedo luôn được làm bằng lụa bóng và trông rất nổi bật trên tổng thể bộ trang phục. Ngoài ra, bạn cũng dễ thấy sự khác biệt ở hàng khuy áo của tuxedo được bọc vải nhung hoặc satin rất trang trọng, điều rất hiếm khi thấy được trên một bộ suit. Đôi khi trên chiếc quần âu của tuxedo được đắp dải viền làm từ vải satin hoặc lụa dọc theo mối nối hai bên.
Ngày nay, quan niệm tuxedo chỉ dành riêng cho các quý ông trung niên đã được nới lỏng “dễ thở” hơn rất nhiều và được khá nhiều bạn trẻ chào đón với những biến tấu nhẹ nhàng mang lại cảm giác trẻ trung nhưng vẫn giữ lại nét lịch thiệp, trang trọng của tuxedo.
III. Những chi tiết phụ kiện đi kèm
Bên cạnh những đường cắt may tỉ mỉ, điều làm nên một phong cách tuxedo mẫu mực còn nằm ở những chi tiết phụ kiện đi kèm. Tuy chỉ là những chi tiết nhỏ nhưng lại cực kì quan trọng nếu bạn mong muốn có được sự chỉn chu và đúng đắn. Và vì được sử dụng trong những bữa tiệc nên tuxedo mang những nguyên tắc có phần chuẩn mực hơn so với suit. Tiếp theo đây là những quy tắc cơ bản, phổ biến bạn cần thuộc nằm lòng khi lần đầu tìm hiểu dòng Âu phục tuxedo.
Thứ nhất: Mặc tuxedo, nếu có thể thì đừng đeo đồng hồ. Thoạt nghe có vẻ khá kì cục, vì sao thứ biểu tượng xa hoa và đẳng cấp của các quý ông lại lại nằm ngay đầu danh sách loại trừ. Đối với suit thì quả thật đồng hồ cao cấp là một thứ phụ kiện không thể thiếu, nhưng với tuxedo thì không.
Điều gì cũng có lý do riêng của nó, vì tuxedo là kiểu Âu phục dành cho những buổi tiệc thân mật truyền thống, do đó thật không phù hợp và thiếu tôn trọng chủ nhân bữa tiệc khi bạn cứ để ý đồng hồ của mình. Tất cả những gì mà một người khoác lên mình bộ cánh thanh lịch này cần để tâm là hãy quên đi khái niệm về thời gian và hòa vào bầu không khí thư thái nhẹ nhàng mà bữa tiệc mang lại.
Thứ nhì: Luôn mặc sơ mi khuy măng séc (cufflinks) chứ không phải kiểu gài nút như khi mặc cùng suit. Ngoài ra, tuy không bắt buộc, nhưng thông thường nên lựa chọn áo sơ mi màu trắng khi mặc tuxedo: satin, lụa hoặc những loại vải có độ bóng tương đối để làm nổi bật nên độ tương phản cũng sẽ là một điểm nhấn đẹp cho tổng thể trang phục.
Thứ ba: Luôn thắt nơ hoặc đeo cà vạt (điều hoàn toàn không bị bắt buộc khi mặc với suit). Hãy đảm bảo bạn có 1 trong 2 phụ kiện trên khi mặc tuxedo, màu và chất liệu phổ biến thường là lụa đen. À mà đôi khi cũng sẽ có ngoại lệ, đó là đối với những ai đã có nhiều kinh nghiệm với tuxedo.
Thứ tư: Luôn mang giày da đen bóng, những kiểu đi kèm thường là derdy hay oxford, và trơn màu hay những kiểu slipper óng ánh. Tuyệt đối nói không với những kiểu giày họa tiết brogues hay có khóa như monk-strap. Dùng tất đen đi kèm để tạo tổng thể hài hòa cho bộ trang phục đang mặc, còn nếu đi cùng slipper thì bạn có thể bỏ qua chi tiết này hoặc dùng tất tàng hình. Tuy nhiên, cũng có một vài ngoại lệ trong cách phối đồ cùng tuxedo nếu bạn là người không thích theo chuẩn mực.
Thứ năm: Khác với suit, tuxedo không bao giờ dùng thắt lưng mà sử dụng dải đai to bản quấn quanh eo có tên là Cummerbund. Cummerbund có xuất xứ từ thời kì đô hộ của thực dân Anh tại Ấn Độ, đây là kiểu dây đai thường thấy trong trang phục truyền thống của nam giới Ấn, sau đó được du nhập trở về phương Tây và trở thành thứ phụ kiện trên tuxedo. Cummerbund thường làm từ lụa và vải satin.
Đây là 5 quy tắc cơ bản bạn cần lưu ý khi vừa chập chững tìm hiểu về dòng đồ Âu tuxedo, qua thời gian bạn sẽ dần hiểu thêm về cách phối ngẫu để từ đó biến tấu bộ tuxedo của mình thêm phần trẻ trung và tươi mới.
Tiếp theo là 5 kiểu phối cùng tuxedo cực kì trẻ trung và ấn tượng, đảm bảo sẽ thể hiện cho đám đông thấy được tuyên ngôn về thời trang cao cấp của người mặc.
1/ Biến tấu nhẹ nhàng và hiện đại (The quirky suit)
Mặc dù biết rằng tuxedo luôn đi kèm với sự chỉn chu và chuẩn mực, tuy nhiên không có nghĩa rằng bạn không thể biến tấu để tạo ra những phong cách trẻ trung, hấp dẫn hay thậm chí vui mắt hơn. Điểm nhấn của phong cách này chính là thay vì luôn chung thủy với giày derby hay oxford thì hãy làm mới cùng một đôi bốt, Chelsea boots hẳn là một sự lựa chọn không tồi.
Ngoài ra, thay vì đi kèm thắt lưng thì thay thế bằng dây đai quần vắt qua vai áo (suspender belt), chính hai chi tiết giày bốt cùng đai quần sẽ đem đến sự nhẹ nhàng cũng như một chút “quậy phá” trong cách phối đồ của bạn.
2/ Bóng bẩy lịch lãm (The sleek suit)
Chi tiết viền vải satin hai bên mép quần đi kèm một đôi slipper đen bóng loáng chính là đặc trưng của phong cách này. Phụ kiện trâm hoa cài ngực áo vest là mảnh ghép cuối cùng đem đến sự đỏm dáng và độc đáo trong cách phối đồ của chủ nhân.
3/ Hào hoa rực rỡ (The flamboyant suit)
Điều làm nên vẻ rực rỡ trong phong cách chính là kiểu áo khoác vest thật khác biệt và bắt mắt với họa tiết ca rô nhỏ, bên cạnh đó là việc phối cùng các món phụ kiện thật giản đơn, ngoài ra kiểu áo khoác trắng với ve lụa đen bóng cũng là một sự lựa chọn tuyệt vời. Nhấn nhá nổi bật trên nền vải sẽ là chiếc khăn túi lụa đen, chi tiết quan trọng cuối cùng để hoàn thiện tổng thể chính là đôi oxford đen.
4/ Biến tấu bảnh bao (The dapper suit)
Hãy đưa tổng thể bộ lễ phục tuxedo của bạn lên một tầm tinh tế cao hơn với kiểu blazer nhẹ nhàng cùng nơ bướm làm bằng nhung. Điệu đà thêm một chút với một đôi giày tassel loafer đen (kiểu loafer có hai chùm râu ngô phía trước).
5/ Phá cách trẻ trung và bình dị (The dressed down tuxedo)
Như đã nói ở trên, định nghĩa của tuxedo đã trở nên dễ thở hơn rất nhiều qua thời gian và được giới trẻ đón nhận rất nồng nhiệt. Cũng vì lý do đó mà nhiều phong cách phối đồ nhẹ nhàng và trẻ trung được ra đời, không nhất thiết cứ phải luôn luôn giày tây, nơ bướm hay cà vạt đi kèm tuxedo. Đôi khi, bỏ quên đi chi tiết nơ cổ hay cà vạt, thay những đôi giày da bóng loáng bằng những đôi giày sneaker trắng minimalism sẽ khiến bạn trở thành người nổi bật nhất trong các buổi dạ yến.
—
Bài viết: Đức Nguyễn – Nguồn tham khảo & hình ảnh: lifestyle Asia