Phải thừa nhận rằng, chúng ta đang sống trong một thế giới mà không có bất kì quy tắc ràng buộc nhất định nào về phong cách thời trang của mỗi người. Nhiều người sẽ nghĩ rằng, những bộ suit sẽ không thể nào phá bỏ được các quy củ vốn dĩ của nó. Và muốn trở thành một người có phong cách thời trang thời thượng, những casual năng động, không gò bó luôn là sự lựa chọn ưu tiên trong thời đại mới. Tuy nhiên, ba người đàn ông vô cùng nổi tiếng trong giới thời trang, Dapper Dan, Justin O’Shea và Motofumi “Poggy” Kogi, đã chứng minh cho mọi người thấy rằng thời trang quy củ không phải lúc nào cũng nhàm chán. Sau đây, hãy cùng ELLE Man lắng nghe các chia sẻ cũng như kinh nghiệm về việc làm thế nào để có thể diện những bộ suit cổ điển nhưng vẫn trong thanh lịch và thời thượng nhé!
“Áo sơ mi lụa giống như một ly nước ép trái cây” – Justin O’Shea.
Justin O’Shea là Giám đốc Sáng tạo kiêm nhà thành lập của SSS World Corp và Cựu Giám đốc sáng tạo của Brioni
Cách đây khoảng 10 năm, Justin O’Shea đã quyết định làm cái gì đó táo bạo: Trong khi mọi người dân ở London đều mặc áo thun, quần jeans và mang giày Dr. Martens, anh ấy lại muốn mình trông khác với mọi người bằng một bộ đồ com-lê sọc nhỏ, và diện nó mỗi ngày. Kể từ đó, phong cách thời trang của anh chàng người Úc 39 tuổi này đã trở nên sáng tạo hơn nhưng vẫn không thiếu phần trang trọng. Vẫn là 3 mảnh cần thiết cho bộ suit pha lẫn phong cách rock ‘n’ roll, thêm một chút hoa văn ‘gangster’ làm điểm nhấn cho áo sơ mi lụa hoặc một chiếc cà vạt cỡ lớn. Đó chính là toàn bộ phong cách thời trang của O’Shea.
Cuối cùng, O’Shea trở thành ngôi sao thời trang đường phố tầm cỡ quốc tế và năm 2016 anh đảm nhận cương vị giám đốc sáng tạo cho Brioni. O’Shea từng chia sẻ anh chẳng hề biết đính một cái nút lên quần áo tuy nhiên anh nắm vững những kiến thức về phong cách thời trang. Anh mời ban nhạc Metallica đại diện cho chiến dịch quảng cáo của hãng và tân trang lại cửa hàng thời trang theo phong cách Gothic. Tuy nhiên, anh nhanh chóng bị sa thải bởi những ý tưởng đi khác thời đại của mình. Thay vì bùng nổ, O’Shea thành lập một thương hiệu riêng của mình sau đó, SSS World Corp, và điều hành phong cách thời trang của hãng theo một cách riêng biệt, độc đáo, “swag” hơn và làm sống lại những năm thập niên 70s.
Anh đã chứng minh được sự sống động – mượt mà và những hoạ tiết hình con vật đều có thể kết hợp vào phong cách suit tưởng chừng như cứng nhắc và bằng chứng là năm 2018, những item này đều được bán chạy sau đó. “Trước mỗi mùa thời trang sắp diễn ra, tôi đều suy nghĩ rằng liệu mình sẽ trông như thế nào vào ngày tuyệt vời nhất của đời mình. Không quan trọng giá cả nếu bộ suit đó có giá trị hơn 100 đô hay 1000 đô. Miễn là nó phù hợp và bạn thật sự yêu thích phong cách thời trang của mình. Bạn chấp nhận trở thành một người khác cho một khoảng khắc trong đời – chính điều này đã giúp tôi bắt đầu sự nghiệp thời trang. Mặc dù tôi không thể may, nhưng con người của tôi đã thuộc về nó”. Khi được hỏi item nào nhất-định-phải-có trong tủ đồ của mình thì O’Shea đã trả lời rằng đó là chính áo sơ mi lụa và nó được ví như một ly nước ép trái cây không thể thiếu trong ngày của anh.
“Thời trang giống như sự kết hợp giữa Sweet Maple Syrup (Siro cây Phong) và thịt gà muối” – Motofumi “Poggy” Kogi
Motofumi “Poggy” Kogi là Giám đốc của United Arrows & Sons.
Một vài quốc gia trên thế giới không bị ảnh hưởng bởi phong cách thời trang Mỹ, Nhật Bản là một trong những số đó. Anh Motofumi “Poggy” Kogi, Giám đốc của đế chế thời trang bán lẻ tại Nhật – United Arrows, là một người vô cùng am hiểm về lịch sử thời trang. Lướt qua một vài hình ảnh trên trang Instagram cá nhân của anh có thể thấy được phong cách riêng biệt của Poggy. Có thể hôm qua anh đã đăng tải một bộ đồ được thiết kế phù hợp với phong cách quần denim, hôm nay thì là một chiếc áo khoác màu kẹo và ngày mai sẽ là một phong cách hoàn toàn mới lạ khác. Điều duy nhất anh vẫn luôn giữ cho phong cách thời trang của riêng mình chính là áo blazer và chiếc mũ rộng tai vành đặc trưng của mình. Anh háo hức cho rằng mình không sợ phải kết hợp các phong cách thời trang Silhouette với thời trang đường phố hoang dại của Nhật Bản cùng quần áo bảo hộ lao động đầy tính nghệ thuật với nhau.
“Tôi đều thích cả thời trang may đo lẫn thời trang đường phố. Với tôi, nó chỉ cần phối hợp theo một cách tự nhiên nhất thì không có gì là không hợp mắt cả. Giống như món gà kết hợp cùng bánh waffle vậy đó. Khi tôi đến Mỹ và lần đầu tiên, tôi bị sốc bởi sự kết hợp kỳ lạ bởi các món ăn của họ. Làm thế nào mà có thể kết hợp sweet maple syrup với gà muối được với nhau cơ chứ? Tuy nhiên, sau khi thưởng thức thì tôi thấy rất ngon và tôi nhận ra rằng, thời trang cũng vậy. Bạn có thể kết hợp 2 phong cách thời trang khác nhau mà không cần phải sợ hãi gì cả” – Motofumi chia sẻ.
Tầm nhìn của Poggy về phong cách “may đo đường phố” đã chứng minh được sức ảnh hưởng của nó. Chúng ta đang sống trong một thời đại mà bạn có thể mặc tất cả mọi thứ yêu thích, vậy thời trang cổ điển và thời trang đường phố sao lại không thể “hòa chung” với nhau được chứ? Điều quan trọng nhất chính là tìm sự cân bằng hoàn hảo giữa các quy tắc và sự thay đổi của riêng bạn. Bạn nghĩ sao về phong cách thời trang cao cấp nhất của châu Âu kết hợp cùng với Kimono truyền thống của Nhật cùng một đôi giày trượt tuyết, nếu vẫn không thể hình dung ra, hãy đến ngay các cửa hàng United Arrows ở Nhật để cùng chiêm ngưỡng nhé! Poggy còn hợp tác với một số thương hiệu thời trang lớn như Levi’s và Rowing Blazers cho ra những BST đầy màu sắc. Nếu không thể sở hữu được phong cách thời trang độc đáo của United Arrows thì tại sao bạn không thử tự kết hợp cho mình một bộ trang phục cổ điển có trong tủ đồ của bạn cùng với các item mang tính chất đường phố cao? Chỉ cần bạn có một tâm hồn tự do và sẵn sàng đổi mới, không gì có thể ngăn cản sự sáng tạo của bạn cả.
“Bất cứ khi nào tôi diện suit, họ đều muốn biết tôi là ai” – Dapper Dan
Dapper Dan, Huyền thoại Couturier của văn hoá Harlem
Dapper Dan là một nhà thiết kế thời trang Mỹ-Phi nổi tiếng và được xem là huyền thoại trong văn hóa Harlem của ngành thời trang châu Mỹ (Văn hóa nghệ thuật Harlem là văn hóa nhằm tôn vinh các sắc tộc màu da, đặc biệt là những người da màu ở Mỹ). Trong một ngày của năm 2018, anh đã diện một bộ suit màu xanh của Gucci cùng với cặp mắt kính bug-eye có màu gần giống với bộ trang phục, đi chung với một đôi dép lụa và một chiếc cà vạt lớn buộc dưới lớp áo ngoài. Có một số người không biết đến anh nhưng khi chứng kiến một sự kết hợp vô cùng hoàn hảo trong phong cách thời trang ấy, người ta ngay lập tức trầm trồ ngưỡng mộ và liền muốn biết anh chàng “da đen” ấy là ai.
Khi Dapper Dan khai trương cửa hàng đầu tiên của mình vào năm 1982, anh đã khéo léo tái diễn lại phong cách thời trang cao cấp châu Âu bằng cách in lên chiếc áo khoác da những thương hiệu có tiếng tăm như Louis Vuitton, Gucci và Fendi nhằm tôn vinh sự sang trọng của những thương hiệu thời trang đường phố cao cấp giữa phong trào hip-hop đang bùng nổ thời gian đó. Và ngay lập tức, những chiếc áo da đó bán rất chạy, góp phần củng cố niềm tin của Dap vào sức mạnh cơ bản của thời trang không bao giờ dao động. Anh cũng đã chia sẻ rằng mình đã chứng kiến sự trưởng thành của mọi người xung quanh nơi anh và nhận ra rằng họ đều mặc suit. Phong cách thời trang suit chính là dấu hiệu của sự thành công và quyền lực.
Nhưng điều sáng tạo đặc biệt ở anh chính là thứ giúp anh giữ chân khách hàng quay trở lại – thứ khiến anh trở thành huyền thoại trong mắt mọi người. Dapper Dan có thể lớn lên trong sự nghèo đói nhưng bằng mong muốn được ăn mặc sang trọng và chứa đựng linh hồn của một người kinh doanh giỏi, anh bắt buộc mình phải “đột phá”.
Năm 1992, Dapper Dan đóng cửa cửa hàng của mình vì một vài lý do liên quan đến pháp lý. Vào 25 năm sau, sau khi Gucci bày tỏ lòng ngưỡng mộ về chiếc áo bomber tay bong bóng mà Dap đã thiết kế vào những năm 80s, điều này đã giúp anh mở cửa lại xưởng may của mình. Và giờ đây, những trang phục suit của anh đều chính thức sử dụng vải của thương hiệu thời trang Gucci nhưng vẫn giữ nguyên được những kiểu dáng bất khuất riêng biệt của mình – kiểu áo choàng cổ, giày cá sấu, túi áo hình vuông – không hề có sự thay đổi nào trong thiết kế cả. Với Dapper Dan, quy tắc số một về thời trang của anh chính là “Làm theo những gì bạn muốn hướng tới”.
Xem thê:
Thời trang may đo Bespoke – Đẳng cấp vượt thời gian
Suit may đo cao cấp – “ánh trăng không lừa dối” của nghệ thuật cắt may
—
Bài: Hami Trần (Tạp chí Phái mạnh ELLE Man, Nguồn: GQ)