Thời trang phim Once Upon a Time in Hollywood: Trở về “hoàng kim” của thời trang thập niên 60
Arianne Phillips – Nhà thiết kế, chuyên viên phục trang của Once Upon a Time in Hollywood – nói rằng: “Phong cách thời trang là tấm vé kiệm lời cho chuyến tàu đến những thời gian và không gian mà tài xế là đạo diễn muốn chở khán giả tới”. Và phong cách thời trang trong bộ phim thứ 9 của đạo diễn Quentin Tarantino chính là chiếc vé giúp ta như được sống lại thời kỳ hoàng kim của Hollywood vào những năm 60 đầy tráng lệ.
Điện ảnh Mỹ qua mỗi thời kì khác nhau luôn sản sinh ra những nhà làm phim quái kiệt nằm ngoài hệ thống đào tạo chính quy truyền thống. Họ thậm chí chẳng qua trường lớp bài bản nào về điện ảnh, vậy mà vẫn thực hiện được những bộ phim để đời. Riêng đối với Quentin Tarantino, ông là “quái kiệt của những quái kiệt”.
Quentin luôn biết cách ghi đậm dấu ấn cho riêng mình bằng một kịch bản “tào lao” lạ đời cùng những đoạn đối thoại thông minh, bản nhạc kinh điển và sự tôn kính đặc biệt giành cho văn hoá đại chúng. Không chỉ vậy, phim của ông luôn có một góc nhìn đặc tả về phong cách thời trang riêng biệt nhằm giúp thể hiện cái tôi của nhân vật.
“Nghệ sĩ non tay thì bắt chước, nghệ sĩ lão luyện thì ăn cắp”
Trong một bài phát biểu của mình, đạo diễn Quentin Taratino đã nói: “Tôi ăn cắp tất cả từ những bộ phim đã được làm ra. Bất kỳ thứ gì xuất hiện trong sản phẩm của tôi đều theo kiểu cái này lấy từ phim này, cái kia lấy từ phim nọ. Rồi tôi hoá tất cả mọi thứ vào với nhau”.
Sự “đánh cắp” này không chỉ dừng lại duy nhất ở chi tiết trong phim mà ta còn dễ nhận thấy nhất thông qua việc khắc hoạ nhân vật Rick Dalton do Leonardo DiCaprio thủ vai. Mặc dù đây là một nhân vật không có thực trong cùng bối cảnh lịch sử khi vụ thảm sát Manson xảy ra, nhưng ta có thể dễ dàng bắt gặp bóng dáng của nhiều hoài niệm điện ảnh cũ xoay quanh Rick.
Như đã nói, thời trang là trợ thủ đắc lực giúp vị đạo diễn thiên tài khắc hoạ nên nhân vật của mình. Và bằng cách vay mượn những nhân vật lịch sử có thật tại kinh đô Hollywood cũng đóng góp giúp hình thành nên phong cách thời trang cho nhân vật không thực của DiCaprio.
Cảm hứng phong cách thời trang bất tận từ những “cái tên” thập niên 60
Bộ cánh đầu tiên ta có thể dễ dàng liên tưởng đến cho hình tượng của Rick Dalton là hình ảnh của anh trong show truyền hình Hullabaloo. Đây là hình ảnh được lấy cảm hứng từ tài tử George Maharis, khi bộ phim đã bê nguyên xi bối cảnh cũng như hình ảnh của những diễn viên múa minh hoạ bên cạnh. Chiếc áo blazer màu tan cùng chiếc cà vạt màu nâu điểm xuyến trên sơ mi trắng đã đem lại sự nhã nhặn cần có cho Leonardo, chứng minh được vị thế ngôi sao của mình.
Tông màu nâu cũng được nhà thiết kế trang phục ưu ái cho nhân vật Rick Dalton. Áo khoác da màu nâu và áo thun vàng rực rỡ, gợi nhắc tới hình ảnh lừng danh một thời của “The King of Cool” Steve McQueen.
Burt Reynold cũng là một cái tên đáng nhớ giúp tạo nên cảm hứng trang phục của nhân vật Rick Dalton. Bộ trang phục trong phân cảnh khi Rick tham gia show F.B.I cũng được lấy cảm hứng như nguyên mẫu từ chính huyền thoại này.
Những chàng cao bồi của vùng viễn tây
Chắc hẳn bạn cũng biết đạo diễn Quentin là một fan cứng của thể loại phim miền viễn tây. Những năm 60 là thời kì nở rộ định cao cho những bộ phim miền viễn tây bất hủ. Và Once Upon a Time in Hollywood cũng mở ra như vậy. Tone màu nâu cùng phong cách cao bồi đã được nhà thiết kế bối cảnh và trang phục xây dựng trên một tầm cao mới trên bối cảnh của bộ phim viễn tây Lancer mà Rick tham gia.
Vẻ đẹp phong trần của chàng diễn viên đóng thế
Trái ngược với phong cách thời trang xa hoa của Rick Dalton, thì người bạn đóng thế của anh Cliff Booth lại có phong cách đầy phong trần. Sự đối lập trong phong cách thời trang của mỗi nhân cũng giúp gián tiếp vẽ nên bức tranh xung đột cho tính cách của mỗi nhân vật cũng như diễn biến của bộ phim.
Brad Bitt hoá thân vào vai một anh chàng đóng thế đầy sai góc, có một lịch sử đầy bí ẩn và mạnh mẽ có thể nói là ngang hàng với Lý Tiểu Long của bấy giờ. Bộ trang phục đáng nhớ nhất của Cliff có lẽ là double-denim phủi bụi: gồm quần của Levi’s, áo khoác jean kéo của Wrangler, kính phi công Ray-ban và đôi bốt moccasin màu nâu của Minnetonka. Nhà thiết kế trang phục cũng cho biết, đây là cảm hứng được lấy trực tiếp từ Tom Laughlin trong bộ phim viễn tâyBilly Jack.Chưa kể, double demin cũng là một phong cách thường thấy của các diễn viên đóng thế trên phim trường.
Thật ngạc nhiên làm sao khi chiếc áo Hawaii của Cliff lại là chỉ định trực tiếp từ đạo diễn Quentin trong phần kịch bản phim (‘old guy in a Hawaiian shirt‘ – Tạm dịch: Gã trai đứng tuổi trong chiếc áo Hawaii). Chiếc áo cũng cho thấy chàng diễn viên đóng thế này là một con người đầy phong khoáng và tự tại.
Chưa kể việc chọn những chiếc áo thun đi kèm trang phục của Cliff cũng đã thể hiện được sự mạnh vô song nơi con người của anh qua hình ảnh của chú sư tử hay dòng chữ “Champion” trên áo. Như cái cách mà tay bạn diễn của ông, Rick Dalton miêu tả về Cliff Booth “You can throw him off a building; you can have him crash a car” (Tạm dịch: Anh có thể ném hắn ta từ tòa nhà và cho xe tông hẳn vào người cũng chả sao cả)
Nàng thơ của Nước Mỹ
“Nhiều người dân Los Angles mà tôi biết đều tin rằng ‘thập niên 60 kết thúc một cách đường đột vào ngày 9/8/ 1969“, nhà báo và tiểu thuyết gia Joan Didion viết. “Sự kết thúc ấy xảy ra vào chính thời điểm tin tức về vụ giết người trên đại lộ Cielo Drive được truyền đi nhanh chóng như vũ bão.”
Thay vì xây dựng một câu chuyện giật gân xoay quanh cái chết của nữ minh tinh Sharon Tate, Quentin đã tinh tế hơn khi lựa chọn kể một câu chuyện ở một góc nhìn khác. Như một lời tri ân cho biểu tượng sắc đẹp một thời của Hollywood thông qua việc ghi lại một ngày thường nhật của cô nàng.
NTK Phillips cũng cho biết, màu sắc chủ đạo để thiết kế nên trang phục của Sharon Tate là vàng. “Vàng là màu sắc của sự hạnh phúc và là biểu tượng của California. Khi nghĩ đến những năm 60, tôi luôn nghĩ ngay tới màu vàng và cam. Chúng đem lại cho ta những xúc cảm đầy tươi mới như cái cách mà Sharon từng mang lại cho mọi người. Chưa kể, màu vàng trông rất tuyệt vời trên người Margot”
“Make love, not war!”
Thập niên 1960 không chỉ chứng kiến sự trỗi dậy của trào lưu Mob mà còn khuynh đảo bởi phong cách thời trang hippie. Được sinh ra trong Kỷ nguyên Bảo Bình, giai đoạn khởi nguyên của những cái tôi trong thời trang dám đứng lên tự định hình cho mình. Phong cách thời trang hippie cũng mang trong nó cái tôi đầy màu sắc, phóng khoáng và tự do.
“Bức thư tình” của đạo diễn dành cho Hollywood thời hoàng kim
Song, bộ phim làm rất nhiều người bị đánh lừa bởi cái mác “Vụ án nhà Manson” như vốn dĩ ông chẳng có bao giờ kể nghiêm túc với câu chuyện mà mình nghĩ ra. Dựa trên những công bố ban đầu, khán giả đã cứ ngỡ mạch truyện sẽ được xây dựng xung quanh vụ thảm sát ấy. Nhưng trên tất cả, nếu được đặt trên mạch chính thì Hollywood của những năm 60 mới là “diễn viên chính” trong câu chuyện ngày xưa ở xứ sở Hollywood.
Nơi đây, nơi của những năm thập niên 60, khi mà Hollywood cũng được khoác trong nó những bộ cánh tràn ngập sắc màu bởi những ánh đèn neon không bao giờ ngủ; điểm xuyến cùng những con đường tràn ngập ánh sáng muôn màu khi Cliff Booth rong ruổi trên những con đường xa lộ.
Cái kết không chỉ là sự mộng tưởng của vị đạo diễn về một cái kết có hậu cho chính ông mà còn là Hollywood của thời kỳ hoàng kim – khi chính cái chết của Sharon đã gián tiếp làm đứt đoạn nó. Vì thế, thông qua ngôn ngữ điện ảnh Quentin Tarantino cũng đã gửi gắm cả lời tri ân của mình về “nàng thơ” Hollywood ở độ ‘xuân thì’ khi được khoác một bộ cánh đầy mơ mộng và ngập tràn sắc màu.
Xem thêm
Thời trang phim Stranger things: Hoài niệm của thập niên 80
Thời trang trong phim: Sắc màu thế giới ngầm của Sát thủ John Wick 3
—
Tạp chí Phái mạnh ELLE Man
Bài viết: Katelyn (Tham khảo: Esquire, GQ, Vogue, Fashionista. Hình ảnh: Getty Images, Sony Pictures Entertainment)