Ra mắt vào năm 1990, với màn trình diễn không thể chê vào đâu được của dàn diễn viên kỳ cựu trong làng điện ảnh như Robert De Niro, Joe Pesci, Lorraine Bracco và Ray Liotta… bộ phim Goodfellas luôn được đánh giá là kiệt tác hàng đầu của huyền thoại Martin Scorsese, cũng như là một trong những tác phẩm hay nhất của dòng phim về chủ đề băng đảng tội phạm.
ảnh: IMDb
Vốn được dựa trên quyển Wiseguy: Life in a Mafia Family, với nội dung xoay quanh sự thịnh suy của gia đình Lucchese – tổ chức Mafia khét tiếng bậc nhất tại New York trong những năm 60 -70, qua những mẩu chuyện người thật việc thật, được chia sẻ từ chính một cựu thành viên của băng: ông Henry Hill, cộng thêm phần kịch bản được Martin Scorsese cùng tác giả cuốn sách – Nicholas Pileggi chăm chút đến từng câu chữ, qua tận 12 lần chỉnh sửa, bộ phim Goodfellas đã gần như đưa người xem ngược dòng thời gian, trở về thời kỳ cực thịnh của thế giới ngầm tại Hoa Kỳ.
ảnh: Warner Bros
Xuyên suốt lịch sử của bộ môn nghệ thuật thứ 7, những băng đảng gangster và các gia đình Mafia luôn là một chủ đề được yêu thích của các nhà làm phim và khán giả đại chúng. Tuy nhiên, hiếm ai có thể lột tả được thế giới ngầm theo một cách chân thực nhưng cũng đầy cuốn hút như Martin Scorsese. Không phải ngẫu nhiên mà trong một dòng phim vốn đã có quá nhiều tác phẩm kinh điển như 3 phần phim The Godfather, Casino, Scarface hay American Gangster,…bộ phim Goodfellas lại luôn được đứng ở vị trí nhất nhì.
ảnh: Business Insider
Từ cách dẫn truyện đầy tự nhiên, nhịp phim cuốn hút, sấp lời thoại kinh điển, màn diễn xuất đỉnh cao của một “dàn cast trong mơ” cho đến playlist nhạc phim hay các yếu tố thị giác, Martin Scorsese đã khai thác tối đa công năng và phối hợp hài hoà mọi chất liệu điện ảnh để vẽ nên cuộc đời đầy biến động của một gã gangster bẩm sinh Henry Hill cùng các “hảo huynh đệ”. Dĩ nhiên, trong những thành phần cấu thành nên kiệt tác này, chúng ta không thể nào bỏ qua yếu tố thời trang.
ảnh: IMDB
Nhận được sự đánh giá rất cao từ giới điệu mộ, với giải thưởng BAFTA của Viện hàn lâm điện ảnh Anh Quốc cho hạng mục Thiết kế phục trang xuất sắc nhất, những bộ trang phục trong phim Goodfellas đã cộng hưởng cùng phần nội dung được Martin cùng Nicholas dày công xây dựng, qua đó xuất sắc lột tả được hình ảnh ngông cuồng, với một vẻ nguy hiểm chết người nhưng cũng đầy lịch lãm của những gã gangster ở thời kỳ đỉnh cao phong độ.
Những bộ suit – lớp áo giáp của những gã mafia
ảnh: Warner Bros
Nếu súng ống hay đơn giản là nắm đấm là món vũ khí gắn liền với những tay gangster trong những phi vụ hay những cuộc thanh trừng đẫm máu, thì những bộ suit có thể được xem như lớp áo giáp của họ. “Trở thành một tay gangster có khi còn “sướng” hơn làm tổng thống Mỹ ấy chứ” – câu nói mở màn của Henry Hill (do Ray Liotta thủ vai) ở đầu phim đã khẳng định được vị thế và quyền lực của các tổ chức Mafia, hay cụ thể trong phim Goodfellas là gia đình Lucchese tại New York, Hoa Kỳ những năm đầu thập niên 60.
Vì thế, có lẽ không có trang phục nào có thể thể hiện được đẳng cấp của những gã gangster trong phim hơn là những bộ suit 2 hàng khuy lịch lãm nhưng cũng rất phong độ. Đối với bộ phim Goodfellas, cố thiết kế gia phục trang Richard Bruno đã đem đến một bộ sưu tập suit đầy đa dạng, tô điểm bởi sự đặc sắc đến từ phối màu, cũng như form dáng và hoạ tiết. Chúng ta có vẻ cổ điển đến từ những tông màu xám đen, hoạ tiết kẻ sọc caro chìm, cũng như các thiết kế peak lapel sang trọng với phần ve áo vuốt nhọn.
ảnh: IMDb
Đối với Henry, lối sống ngoài vòng pháp luật của những gã gangster thật sự rất lí tưởng bởi gã và đồng bọn có thể mặc sức tung hoành, “trở thành một người có tên có tuổi trong một thành phố đầy những kẻ vô danh”, làm mọi việc theo ý mình mà không bị kiểm soát bởi bất kỳ ai hay điều luật nào. Và “lí tưởng” này đã được thể hiện rõ ràng từ chính những bộ suit của họ. Trong thời kì mà đa số mọi người đều mặc suit với tông màu xám đen cùng phong cách lịch sự theo kiểu cổ điển, thì những bộ suit trong phim Goodfellas lại được phá cách mạnh mẽ với một bảng màu đa dạng.
ảnh: Warner Bros
ảnh: Warner Bros
Có lẽ, khi xem Goodfellas, ai nấy đều phải ấn tượng với phong cách thời trang của nhân vật Henry Hill hay sư phụ của hắn: Jimmy Conway – một gã giang hồ với phong thái cực kì lịch thiệp do Robert De Niro thủ vai. Xuyên suốt hơn 2 tiếng của bộ phim, bộ đôi gangster này đã xuất hiện trong hàng chục bộ suit với các màu sắc khác nhau. Từ những màu sắc quen thuộc của menswears như xám, đen cho đến các bản phối sặc sỡ hơn với suit màu beige, xanh lá đậm, nâu lạc đà hay đặc biệt là bộ suit đỏ đô trong chất liệu vải nhung cực kỳ sang trọng và bắt mắt của Henry, nhấn nhá bởi các phụ kiện nổi bật như cà vạt, khăn gấp túi…
ảnh: IMDb
ảnh: Warner Bros
ảnh: Warner Bros
Áo sơ mi Pointy-Collared
ảnh: Warner Bros
Song hành cùng những bộ suit, thì một điểm nhấn khác trong thời trang phim Goodfellas còn đến từ những thiết kế sơ mi pointy-collared, vốn rất được ưa chuộng trong thập niên 60. Xuyên suốt hơn 2 tiếng của Goodfellas thì những thiết kế áo sơ mi với phần cổ áo nhọn to bản, kéo sâu xuống dưới cùng khoảng cách cực kỳ hẹp giữa 2 lá cổ, đã xuất hiện gần như liên tục.
Vốn là một thiết kế cực kỳ phù hợp với những người có khuôn mặt tròn và cổ ngắn, thế nên cũng cực kỳ hợp lí khi những mẫu áo sơ mi này lại liên tục được diện bởi nhân vật Tommy DeSimone của Joe Pesci. Điều thú vị là không chỉ trong phim Goodfellas, áo sơ mi pointy-collared đã trở thành một item thời trang yêu thích của nam diễn viên gạo cội, và gắn liền với ông không chỉ xuyên suốt sự nghiệp điện ảnh mà còn ở cuộc sống đời thực. Sở hữu chiều cao khiêm tốn và ngoại hình dày người, việc lựa chọn thiết kế pointy-collared này không chỉ giúp che đi những khuyết điểm trong ngoại hình của Joe, mà còn làm bật lên sự cool ngầu và nam tính của một trong những diễn viên xuất sắc nhất từng xuất hiện trong dòng phim gangster.
ảnh: Warner Bros
ảnh: George Pimentel
Những điểm nhấn thời trang bất hủ trong phim Goodfellas
ảnh: Warner Bros
Lấy trung tâm là câu chuyện cuộc đời của nhân vật Henry Hill, bộ phim Goodfellas đã kể về quá trình thịnh suy trải dài hơn 3 thập kỉ của gia đình Lucchese – một trong những cái tên tiêu biểu nhất cho quyền lực của thế giới ngầm tại Hoa Kỳ vào thế kỷ trước. Dòng thời gian kéo dài từ những năm 1950 – 1960 cho đến giai đoạn đầu thập niên 80 của phim cũng đã được tinh tế thể hiện qua sự thay đổi của yếu tố thời trang trong phim.
Chính vì vậy, khi xem bộ phim Goodfellas, chúng ta không khó để nhận ra rất nhiều phong cách kinh điển, đặc biệt đến từ những xu hướng thời trang thập niên 70-80 vốn chưa bao giờ lỗi thời và vẫn còn đang chiếm vị thế trong thời trang hiện đại, như: tracksuit thể thao của adidas, phong cách phối áo thun trơn cùng áo sơ mi cổ mở, với phần cổ áo to bản được bẻ đè ra phần áo khoác bên ngoài, áo sơ mi hoạ tiết kẻ sọc với phối màu nổi bật, vân vân. Những điểm nhấn thú vị này tổng hoà với những phong cách thời trang kinh điển của phái mạnh đã giúp Goodfellas vẫn có thể được xem như một nguồn cảm hứng thời thượng cho nam giới, dù cho bộ phim đã ra mắt được gần 30 năm.
ảnh: instagram @sontungmtp
—
Tạp chí Phái mạnh ELLE Man
Bài: Tào Minh (Tham khảo: The Rake, AnOther, GQ, Esquire)