Hãy lấy cà vạt làm ví dụ. Khi Steve Case, cựu Tổng giám đốc của AOL, và Gerald Levin, cựu Tổng giám đốc kỳ cựu của Time Warner, tuyên bố sự sáp nhập của hai công ty vào năm 2000, chàng trai trẻ Steve Case từ thế giới dot com mới mẻ đeo một chiếc cà vạt, ngược lại với ông trùm ngành truyền thông. Nỗ lực “cưa sừng làm nghé” của Levin đã phản lại ông; chính Case mới là người trông hiện đại và trẻ trung hơn với món phụ kiện nam cơ bản. Một thập kỉ sau, bất chấp sự hiện diện thường xuyên của chiếc cà vạt tại các phòng họp cấp cao, phần lớn các chàng trai độ tuổi 20-30 học hỏi Case và lựa chọn cà vạt. Để giải phóng cà vạt khỏi phong cách văn phòng nửa mùa (thường được biết đến với màu sắc loè loẹt hay hoạ tiết kì quặc), những chàng trai trẻ thời thượng hiểu được sức mạnh và tính thực tiễn của cà vạt: chúng giữ cổ áo gọn gàng, không bị lệch hay mất dáng.
Nhiều chàng trai có xu hướng coi nhẹ khăn pocket square – khăn trang trí túi áo – hay còn được biết đến như “người em họ bảnh bao của cà vạt”, như phong cách của những quý ông lỗi thời. Đó hoàn toàn là thành kiến sai lầm. Trên cả yếu tố thời trang, khăn pocket square tạo nên điểm nhấn màu sắc cho trang phục, một chiếc pocket square màu trắng kem sẽ khiến bộ suit màu xanh hải quân của bạn tinh tế thêm nhiều phần, hoặc, trong điều kiện thích hợp, hoàn toàn có thể thay thế cà vạt.
Phần lớn đàn ông có nhiều cà vạt hơn đồng hồ đeo tay – chiếc đồng hồ là biểu tượng uy quyền của đẳng cấp quý ông. Dựa vào hằng hà sa số các thương hiệu đồng hồ, ngôi sao quảng cáo, và cả tính lâu bền “cha truyền con nối”, việc lựa chọn và sắm một chiếc đồng hồ là một cuộc nghiên cứu mất nhiều công sức. Chiếc đồng hồ đầu tiên ra đời ở Đức vào cuối thế kỷ 15; đó là những thiết kế hình cầu, được đeo trên dây chuyền cao cấp như một mẫu trang sức đắt giá. Đồng hồ đeo tay được giới thiệu vào đầu Thế chiến thứ nhất nhưng chỉ trở nên thịnh hành vào những năm 1920, và gần như hoàn toàn thay thế chiếc đồng hồ quả quýt vào cuối Thế chiến Hai. Ngoại trừ nghệ sĩ hip hop da đen Flavor Flav vốn nổi tiếng với mẫu phụ kiện xa xỉ nặng nề, phần lớn đấng mày râu tránh xa các phụ kiện cồng kềnh, nhưng đồng hồ đeo tay, mẫu trang sức duy nhất phần lớn đàn ông đều sở hữu, thể hiện cá tính phái mạnh không kém gì chiếc cà vạt. Bạn nên tránh những thiết kế quá mỏng manh hay lộng lẫy; đơn giản và tinh tế là hai từ khoá làm nên bí quyết chọn đồng hồ tiêu chuẩn.
Bí quyết trên cũng áp dụng với cặp khuy măng sét của bạn. Nếu bạn buộc phải lựa chọn chất liệu đá quý, hãy chỉ nên kết hợp với cà vạt đen, và kích cỡ của khuy – chứ không phải viên đá – không nên to hơn ngón út của bạn. Cũng hoàn toàn ổn nếu bạn lựa chọn mẫu khuy bằng vàng hay bạc trơn, kiểu dáng hình học như hình trái xoan hay chữ nhật; thực ra thì, sẽ tuyệt vời hơn nữa nếu bạn nối hai chiếc khuy bằng một sợi xích mảnh, mỗi dây một bên. Tuy nhiên, lí do thực sự của việc cài khuy măng sét không phải để khoe mẽ mà để chứng tỏ đặc quyền của một quý ông từng trải, đó chính là quyền theo đuổi phong cách Pháp lịch lãm.
Một số người cho rằng chiếc mũ nghi thức cũng là một biểu tượng của sự từng trải. Thiên về tính biểu trưng hơn là bảo vệ, lịch sử của món phụ kiện nam này được khởi đầu từ chiếc mũ bê-rê có dây buộc ở cằm vào thế kỷ 13. Để rồi 700 năm sau, không một quý ông nào rời nhà mà thiếu đi chiếc mũ của mình cũng như không ai ra đường với đôi chân trần; chiếc mũ là tuyên ngôn về địa vị xã hội và cá tính bản thân. Tới thập niên 60, định luật này đã dần bị bác bỏ, phần lớn cánh mày râu rũ bỏ chiếc mũ phớt (fedora) thanh lịch, mũ mềm (homburg) sành điệu hay mũ trilby mềm mại. Nếu như bạn chưa biết, những chiếc mũ đã đánh dấu sự trở lại bởi sự hiện diện thường trực bên các anh chàng hipsters và doanh nhân bảnh bao, vẫn với hình thức cổ điển kể trên – với chút nhấn nhá phá cách về chất liệu, phong cách và đường cắt của thế kỷ 21.
Bài: Thảo Nguyên