Sức khỏe 04/06/2025

Cách chế biến ức gà giúp bạn cảm thấy ngon miệng hơn

Bài Tuan Anh

ức gà
Ức gà không xương, không da vốn nổi tiếng vì nhanh chín và ít béo, nhưng cũng dễ khô và nhạt nếu nấu sai cách. Với 7 mẹo đơn giản sau, bạn sẽ biến nguyên liệu “nhàm chán” này thành món ăn mềm mọng, đậm đà và đầy sức hút.

 

Ức gà không xương, không da từ lâu đã được yêu thích nhờ độ nạc, thời gian nấu nhanh và hương vị nhẹ nhàng. Tuy nhiên, không ít người lại xem chính đặc điểm đó là nhược điểm — vì quá ít mỡ nên dễ bị nấu quá tay, khô và nhạt vị.

 

Hãy cùng ELLE Man tìm hiểu những cách giúp món ức gà trở nên ngon miệng và thú vị hơn.

1. Cắt thành miếng nhỏ, đều nhau

 

Ức gà có hình dạng không đồng đều, điều này cũng đồng nghĩa với việc rất dễ bị chín không cùng lúc. Khi phần đầu to và dày đã chín vừa, thì đầu nhọn và mỏng có thể đã trở nên khô và dai. Cách khắc phục là bạn hãy cắt ức gà thành miếng vuông hoặc lát mỏng có kích thước tương đương nhau để chúng chín đồng đều hơn.

 

Gợi ý món ngon: Cắt gà thành khối nhỏ sẽ giúp tăng diện tích bề mặt để phủ sốt. Bạn hãy phủ đều sốt để tạo ra lớp vỏ đậm đà, thơm lừng.

ức gà
Ảnh: Unsplash

2. Ngâm muối

 

Một miếng ức gà vẫn có thể mềm mọng nếu biết cách xử lý chúng. Khoảng 30 phút trước bữa ăn, bạn chỉ cần rắc muối lên bề mặt gà hoặc ngâm chúng trong nước muối loãng. Phương pháp này, gọi là ướp khô hoặc ướp ướt, giúp thay đổi cấu trúc protein, từ đó giữ lại độ ẩm trong thịt và cho thành phẩm mềm, mọng hơn.

 

Bên cạnh đó, ngâm muối không chỉ giữ được nước có sẵn trong thịt trong quá trình nấu, mà nếu thêm gia vị, bạn còn có thể truyền thêm hương vị vào bên trong.

 

3. Nấu ức gà cùng nước ướp

 

Nhiều công thức yêu cầu bạn ướp ức gà trước khi nấu, nhưng sau đó lại bắt bạn phải lắc ráo, lau khô rồi áp chảo — một quy trình dễ khiến dầu bắn tung tóe vì thịt còn ẩm, chưa kể phần nước ướp đầy hương vị lại bị đổ bỏ uổng phí.

 

Thay vào đó, hãy cho cả thịt gà và phần nước ướp vào chảo. Lượng chất lỏng này sẽ giúp thịt không bị khô cứng, đồng thời khi đun sôi, nó sẽ cô đặc lại thành nước sốt đậm đà. (Lưu ý: đun sôi nước ướp kỹ trong vài phút sẽ loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn).

thức ăn
Ảnh: Tư liệu

4. Nấu chín một mặt

 

Nhiều công thức thường hướng dẫn lật gà khi nấu được nửa thời gian, nhưng cách này dễ khiến mặt ngoài không đủ màu sắc hấp dẫn, trong khi bên trong lại có nguy cơ bị khô. Thay vào đó, hãy để thịt gà chín chủ yếu ở một mặt. Mặt còn lại có thể hơi nhạt màu, nhưng sẽ không ai để ý khi bề mặt chính đã rám vàng, giòn rụm và đầy lôi cuốn.

 

Bên cạnh đó, khi chỉ áp chảo một mặt, phần gà dính đáy chảo sẽ tạo nên lớp “fond” — mảng cháy ngon — để khi bạn thêm giấm táo vào, các mảng này hòa tan, tạo nên phần sốt đậm đà khó cưỡng.

 

5. Phủ sốt mayonnaise lên thịt gà ức 

 

Nếu không quá quan trọng về lượng calo, bạn có thể dùng sốt mayonnaise thay vì dầu ăn để phủ lên ức gà trước khi nấu. Mayo không chỉ giữ hương vị tốt hơn, không bị chảy nhỏ giọt, mà còn giúp thịt vàng đều đẹp và ngăn không cho các nguyên liệu như tỏi hay rau thơm bị cháy khét.

 

Ngoài ra, bạn có thể trộn rau thơm vào mayonnaise rồi phết lên gà, giúp chúng xèo lên thơm lừng mà không cháy.

ức gà
Ảnh: Unsplash

6. Giữ lại xương và da

 

Ức gà còn xương, còn da thường có giá rẻ hơn loại đã lọc bỏ hoàn toàn, dù đi kèm một chút “phụ phí” thao tác. Tuy nhiên, xương và da lại chính là lớp bảo vệ tuyệt vời cho phần thịt mềm bên trong khi tiếp xúc với nhiệt cao. Khi ninh, chúng còn giúp tạo ra nước dùng thơm béo. Khi nướng hoặc áp chảo, xương giúp truyền nhiệt đều, còn lớp da thì giòn lên vàng ruộm.

 

7. Tập trung vào phần sốt ức gà

 

Hương vị nhẹ của ức gà có thể trở thành lợi thế — hãy tưởng tượng phần thịt trắng như một tấm đệm mềm, sẵn sàng để bạn phủ lên đủ loại hương vị và kết cấu thú vị.” Và phần sốt chính là “lớp chăn” hoàn hảo đó — vừa che lấp độ nhạt, vừa bù lại độ ẩm.

ức gà
Ảnh: Unsplash

_________

Bài: Thùy Dung

Tham khảo: Cooking.nytimes

No more