Cháy nắng nhẹ thường tự khỏi sau vài ngày. Nhưng nếu nặng hơn, quá trình hồi phục có thể kéo dài đến vài tuần. Trong thời gian này, hãy tập trung giữ mát, giảm đau và tránh kích ứng da.
Khi bị cháy nắng, việc làm dịu và giảm đau càng sớm càng tốt là điều cần thiết. Trong trường hợp bạn chỉ bị cháy nắng nhẹ, với các triệu chứng như da đỏ và đau rát, bạn có thể tự chăm sóc tại nhà bằng một số biện pháp đơn giản như tắm nước mát, thoa gel lô hội, sử dụng thuốc giảm ngứa hoặc chườm lạnh để xoa dịu làn da tổn thương. Hãy cùng ELLE Man tìm hiểu các mẹo qua bài viết sau.
1. Hạ nhiệt bằng cách tắm nước mát
Khi bạn bị cháy nắng và cảm giác như da đang bốc cháy, cách tốt nhất là dội nước mát lên vùng da đó. Điều này giúp giảm viêm. Tuy nhiên, đừng tắm quá lâu vì nó khiến da bạn bị khô. Nếu bạn chọn tắm vòi sen, hãy giữ áp lực nước nhẹ để tránh làm da đau thêm.
2. Dưỡng ẩm cho da cháy nắng
Sau khi làm mát da, bạn nên giữ lại độ ẩm. Khi da còn hơi ẩm, hãy thoa kem dưỡng hoặc lotion để khóa ẩm. Bạn cũng nên thoa dưỡng ẩm thường xuyên trong vài ngày đầu để hạn chế tình trạng khô da và đẩy nhanh quá trình phục hồi.
3. Dùng gel lô hội
Gel lô hội có thể giúp làm dịu và mát vết cháy nắng. Nhờ đặc tính kháng viêm, lô hội cũng giúp làm dịu da và giảm cảm giác châm chích hoặc khó chịu.
Đây chỉ là giải pháp tạm thời nhưng bất cứ điều gì giúp bạn cảm thấy dễ chịu trong thời gian da hồi phục đều có ích. Hãy chọn gel lô hội nguyên chất hoặc sản phẩm không chứa bất kỳ chất gây kích ứng hoặc hương liệu nào.
4. Thoa thuốc giảm ngứa cháy nắng
Đôi khi, ngứa do cháy nắng còn khó chịu hơn cả cảm giác rát. Tuy nhiên cũng có nhiều cách để giảm bớt tình trạng này.
Dù thế nào, bạn cũng không nên gãi để tránh làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, gây viêm nhiễm và đau đớn hơn. Nếu bị ngứa, bạn có thể thoa một lớp mỏng kem hydrocortisone 1% lên vùng da bị cháy nắng.
5. Chườm lạnh
Nếu vết cháy nắng chỉ ở một vùng nhỏ, bạn có thể làm dịu nó bằng cách chườm lạnh, ví dụ như dùng khăn ướt hoặc khăn mặt đã được làm mát. Tuy nhiên, bạn không nên dùng đá lạnh trực tiếp lên da. Mặc dù có vẻ hợp lý khi dùng lạnh trị nóng, nhưng đá có thể khiến da bị bỏng lạnh và làm tổn thương thêm vùng da bị cháy nắng và các mô xung quanh. Trong khi đó, khăn lạnh giúp bạn cảm thấy dễ chịu và giảm bớt cảm giác bỏng rát. Bạn chỉ cần nhẹ nhàng đặt khăn lên vùng da cháy nắng cho đến khi cảm thấy mát hơn.
6. Uống thuốc giảm đau
Nếu sau khi áp dụng các cách trên mà bạn vẫn cảm thấy đau rát hoặc khó chịu, thuốc giảm đau không kê đơn có thể giúp giảm cơn đau tạm thời. Bạn có thể dùng thuốc kháng viêm như ibuprofen, naproxen hoặc aspirin. Tuy nhiên, khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, bạn cùng cần hỏi bác sĩ tư vấn.
7. Bổ sung đủ nước cho cơ thể cháy nắng
Khi bị cháy nắng, chất lỏng trong cơ thể sẽ được điều hướng nhiều hơn đến vùng da bị tổn thương. Quá trình này dễ khiến bạn bị mất nước nhanh chóng. Vì vậy, hãy uống nhiều nước hơn. Việc giữ cho cơ thể đủ nước là vô cùng quan trọng. Uống nhiều nước hoặc các loại nước thể thao bổ sung chất điện giải cũng có thể hữu ích.
8. Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát
Sự cọ sát là điều bạn cần tránh nhất khi đang bị cháy nắng. Hãy cố gắng không để da bị kích ứng thêm.
Hãy chọn quần áo rộng rãi, mềm mại, nhẹ và thoáng khí để tránh cảm giác như bị dây thép gai cào vào da.
9. Khi nào cần đi khám bác sĩ?
Đôi khi các biện pháp tại nhà không đủ để chữa cháy nắng. Nếu bạn thấy da không có dấu hiệu lành lại và có các dấu hiệu sau hãy đi khám bác sĩ:
– Buồn nôn
– Mất nước
– Chóng mặt hoặc ngất
– Mệt mỏi nghiêm trọng hoặc rất khát nước
– Ra mồ hôi nhiều, lú lẫn, sốt cao trên 40 độ.
– Có mủ hoặc dịch chảy ra từ vùng da bị cháy nắng
Cháy nắng có thể gây ra bệnh nghiêm trọng và dễ dẫn đến nhiễm trùng nếu bạn không cẩn thận. Nếu có bất kỳ triệu chứng nào ở trên, hoặc cháy nắng không đỡ sau vài ngày đến vài tuần, bạn hãy đặt lịch khám với bác sĩ.
______
Bài: Thùy Dung
Tham khảo: Cleveland Clinic