Đột quỵ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới. Tuy nhiên, đây là căn bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa nếu bạn biết rõ các yếu tố nguy cơ và áp dụng lối sống lành mạnh. Hãy cùng ELLE Man tìm hiểu qua bài viết sau.
1. Kiểm soát huyết áp đột quỵ
Huyết áp cao là một yếu tố nguy cơ chính gây đột quỵ.
Trên thực tế, việc kiểm soát huyết áp không dễ dàng khi bạn ngày càng lớn tuổi. Đặc biệt, từ 65 tuổi trở đi, hơn một nửa người có những triệu chứng về huyết áp cao. Bạn có thể kiểm soát tình trạng này bằng cách duy trì cân nặng vừa phải, tập thể dục thường xuyên, thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh cho tim như chế độ ăn Địa Trung Hải hoặc chế độ ăn DASH, giảm lượng natri nạp vào. Bên cạnh đó, một số người cũng có thể cần dùng thuốc theo toa để giúp hạ huyết áp và giảm căng thẳng cho mạch máu.
2. Kiểm soát lượng đường trong máu
Bệnh tiểu đường là một yếu tố gia tăng đáng kể nguy cơ đột quỵ. Căn bệnh này cũn liên quan chặt chẽ đến các tình trạng khác làm tăng nguy cơ đột quỵ, bao gồm huyết áp cao, béo phì, cholesterol trong máu cao
Chúng ta có thể kiểm soát bệnh tiểu đường bằng cách thay đổi lối sống, chẳng hạn như tập thể dục và thay đổi chế độ ăn uống. Một số người cũng có thể cần dùng thuốc để giúp duy trì lượng đường trong máu ở mức khỏe mạnh.
3. Cải thiện cholesterol trong máu đột quỵ
Việc kiểm soát cholesterol trong máu tốt không chỉ là giảm cholesterol xấu (LDL). Tăng lượng cholesterol tốt (HDL) cũng rất quan trọng.
Những người có mức cholesterol xấu (LDL) cao có thể gặp nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ, nhưng những người có mức cholesterol tốt (HDL) thấp cũng dễ đột quỵ do xuất huyết cao hơn.
Một chế độ ăn uống lành mạnh với chất béo và protein tốt có thể giúp cân bằng những con số này. Bạn có thể bổ sung các loại thực phẩm như dầu ô liu, quả bơ, cá, các loại hạt. Bên cạnh đó, vài người có thể cần dùng statin hoặc các loại thuốc khác để giảm cholesterol và giảm nguy cơ tích tụ mảng bám trong động mạch, giúp sức khoẻ bền vững theo thời gian.
4. Bỏ thuốc lá
Những người hút thuốc có nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ cao hơn 2 đến 4 lần so với những người khác.
Tin tốt là khi bạn bỏ thuốc lá, những lợi ích sẽ bắt đầu ngay lập tức và sẽ tiếp tục kéo dài theo thời gian. Trong vòng 2 đến 4 năm sau khi bỏ thuốc, nguy cơ đột quỵ liên quan đến khói thuốc của bạn sẽ gần như bằng không. Bạn có thể tìm kiếm hỗ trợ bỏ thuốc lá thông qua liệu pháp hành vi, tư vấn và thậm chí là một số loại thuốc hoặc liệu pháp thay thế thuốc.
5. Xem xét thói quen uống rượu
Mặc dù uống một lượng nhỏ một số loại rượu có thể không quá ảnh hưởng sức khoẻ, nhưng nếu lạm dụng nặng, nó sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ của bạn. Việc uống nhiều chất cồn cũng góp phần làm tăng huyết áp.
Bạn nên xem xét lại thói quen uống rượu của mình. Thông thường, ta nên sử dụng tối đa một ly mỗi ngày đối với phụ nữ và tối đa hai ly mỗi ngày đối với nam giới. Bên cạnh đó, hãy tập trung vào các hoạt động khác có lợi như tập thể dục nhiều hơn, ăn trái cây giàu chất chống oxy hóa. Điều này sẽ góp phần giúp giảm nguy cơ đột quỵ của bạn tốt hơn.
Nếu bạn gặp khó khăn trong việc hạn chế hoặc ngừng uống rượu, hãy nhờ đến các nhóm hỗ trợ cộng đồng hoặc tham gia điều trị hành vi.
6. Giữ cân nặng phù hợp đột quỵ
Thừa cân và béo phì là những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây đột quỵ, khi người thừa cân sẽ có tỷ lệ đột quỵ cao hơn 22% (còn béo phì là cao hơn 64%) so với người mang trọng lượng vừa phải. Chúng cũng liên quan chặt chẽ đến các tình trạng hoặc bệnh lý khác như huyết áp cao và tiểu đường.
Việc kiểm soát cân nặng bao gồm tập thể dục thường xuyên và nạp ít calo hơn. Tốt nhất bạn nên trao đổi với bác sĩ về mục tiêu cân nặng phù hợp với mình.
7. Tập thể dục thường xuyên
Tập thể dục có thể giúp bạn hạ huyết áp, hạ lượng đường trong máu, giảm cân hoặc duy trì cân nặng vừa phải. Bên cạnh đó, tập thể dục có thể hỗ trợ sức khỏe tim mạch và giảm nguy cơ đột quỵ.
Bạn hãy thử việc tập thể dục ở cường độ vừa phải hầu hết các ngày trong tuần, ngay cả khi bản thân không muốn giảm cân. Điều này không nhất thiết phải là đi bộ liên tục trên máy chạy. Hãy cân nhắc các ý tưởng thay thế, chẳng hạn như khiêu vũ, làm vườn, bơi lội, đi bộ đường dài,…
8. Coi trọng giấc ngủ đột quỵ
Chất lượng giấc ngủ kém sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ của bạn. Bên cạnh đó, nó cũng khiến bản thân bạn mệt mỏi, trí nhớ kém, thậm chí là trầm cảm.
Việc ngủ đủ từ 7 đến 9 tiếng một ngày sẽ đem lại cho bạn năng lượng đầy đủ, hạn chế các vấn đề bệnh lý, bao gồm cả đột quỵ. Nếu gặp khó khăn khi ngủ một cách tự nhiên, bạn có thể trao đổi với bác sĩ về loại thuốc, kỹ thuật và phương pháp hỗ trợ giấc ngủ.
9. Tập trung vào chế độ ăn uống
Một chế độ ăn uống bổ dưỡng và cân bằng có thể giúp bạn giảm cân và tác động tích cực đến cơ thể, bao gồm hạn chế nguy cơ đột quỵ. Chúng ta có thể bắt đầu bằng việc áp dụng thay đổi nhỏ như hạn chế lượng muối, ăn nhiều chất béo lành mạnh như cá để cải thiện mức cholesterol, hạn chế thêm đường và carbohydrate tinh chế, ăn nhiều thực phẩm như trái cây tươi, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt,…
______
Bài: Thùy Dung
Tham khảo: healthline