Sức khỏe 21/09/2021

Tản mạn chuyện ăn uống và sức khoẻ: Mùa nào món đó!

Bài ELLE Man

Đối với người phương Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng, ăn uống từ lâu đã trở thành một triết lý, một tinh thần và một câu chuyện chứ không chỉ đơn thuần là ăn no và ăn ngon. Ăn đúng mùa là một phần của triết lý ấy. Khái niệm ăn đúng mùa thực ra vô cùng đơn giản và dễ hiểu, hơn nữa lợi ích sức khoẻ mà nó mang lại vô cùng lớn!

Ăn đúng mùa là một thói quen đã hình thành từ rất lâu trong văn hoá ăn uống của loài người nói chung. Nhưng trên thực tế, với sự phát triển chóng mặt của thế giới, chuyện ăn uống cũng dần thay đổi và tiện lợi hơn. Bạn có thể dễ dàng ăn những món ăn trái mùa, những món ăn cách xa hàng ngàn cây số thật dễ dàng với phương pháp trồng trọt hiện đại, những chuyến bay trong đêm mang vô số trái cây tươi rói, nhưng suy cho cùng, “mùa nào thức nấy” vẫn là lối ăn uống đúng đắn nhất! Vì sao lại như thế?  Hãy cùng ELLE Man tìm hiểu thêm trong bài viết này.

Ăn uống – mùa nào thức nấy!

Xuân, Hạ, Thu, Đông – bốn mùa tuần hoàn cũng là bốn trạng thái của trời đất. Đó là dòng chảy tự nhiên của vũ trụ mà con người sống trong nên nương theo. Thử tưởng tượng mỗi người là một vũ trụ thu nhỏ, và “chúng ta là những gì mình ăn vào”, thì việc mùa nào thức nấy quả thực là hợp lý.

Ăn đúng mùa có là bài toán khó? Ảnh: Business Insider

Theo triết lý ăn uống xa xưa, mỗi món ăn đều mang năng lượng. Người Trung Quốc có câu: “Ăn hoa, lá vào Xuân Hè. Ăn củ, quả, hạt vào mùa Đông”. Chưa có một nghiên cứu xác thực nào về điều này, nhưng rõ ràng là xuân hè là thời gian những loại rau ăn lá, hoa (ướp trà) tươi tốt, xanh mơn mởn. Còn khi trời lạnh, những loại hạt, củ quả sâu trong đất như khoai tây, cà rốt, hạt dẻ… ăn ngon và thơm hơn hẳn.

Một nhóm thực phẩm nhất định chỉ có điều kiện tăng trưởng khi ở đúng môi trường.

Khi trồng đúng mùa, thực vật dễ hấp thụ chất dinh dưỡng từ đất. Hơn nữa, đặc tính tự nhiên của chúng cũng phù hợp với thời tiết khi đó. Ví dụ, cây cà chua phù hợp với mùa hè vì chúng ưa nắng, nếu đem trồng vào mùa đông vừa dễ chết lại còi cọc. Thịt quả cà chua trồng đúng mùa dày, ngọt, chắc nịch khác với quả cà chua trái mùa ọp ẹp dù có o bế, chăm sóc kĩ lưỡng trong môi trường nhà kính đến đâu.

Cà chua phù hợp với khí hậu mùa Hè.

Khi trồng trái mùa, thực vật không có đủ đặc tính tự thân để chống chọi lại thời tiết và sâu bệnh. Từ đó, người làm nông phải tốn cống phun thuốc, xịt thuốc trừ sâu. Mà như chúng ta đều biết, dư lượng thuốc ấy chẳng bổ béo gì cho cam, thậm chí gây hại nặng nề dù có qua kiểm định thực vật. Không những thế, trồng lệch mùa đòi hỏi một chi phí duy trì khá lớn vì thực vật đã mất đi tính ngẫu nhiên, tự nhiên của chúng.

10

Ta nên ăn uống gì cho đúng với mùa?

Biết được những lợi ích của việc ăn đúng mùa, thuận tự nhiên. Nhưng ăn uống thế nào cho đúng? Thử cùng ELLE Man nghía qua một vài gợi ý khi ăn nhé.

Xà lách – loại rau thường thấy vào mùa Xuân.

Mùa Xuân là khoảng thời gian sinh sôi của vạn vật, đâm chồi nảy lộc. Lúc này, các cây ăn lá yếu ớt mỏng manh không sống nổi qua mùa Đông lạnh giá mới có đất phát triển. Chúng ẵm trọn những giọt sương tinh khiết nhất, những mạch nước ngầm trong nhất, và những tia nắng đầu mùa trong trẻo nhất. Chúng là những loại rau xanh thường thấy như rau mầm, nấm, xà lách… hay những trái cây mọng nước và giàu vitamin như vú sữa, quýt, lê, lựu…

Lựu là siêu thực phẩm giúp cơ thể bổ sung vitamin, khoáng chất và nước nhanh chóng.

Tới Hè, khi nhiệt độ lên cao, ánh nắng chói chang khiến ta mất nước. Ta nên chọn các thực phẩm có sắc tím, đỏ để bổ sung chất chống oxy hoá và vitamin C cho cơ thể. Đầu bảng có thể kể đến cam, vải, nhãn, cà chua, cà tím, dứa, xoài, việt quất, cherry (cherry có hai vụ mùa, Hè và Đông)…

Vải thiều – đặc sản chỉ có ở miền nhiệt đới là một món quà mùa Hè đáng thưởng thức.

Thu sang, ngày ngắn lại, gió se lạnh, các loại thực phẩm cũng không còn mọng và giàu dưỡng chất như hai mùa Xuân Hè nữa. Ta có thể lui về với những thực phẩm có tính chất hơi cứng cỏi một chút. Măng, táo giòn, hạt sen, các loại hạt họ đậu, bưởi, hồng, chuối, mít, sầu riêng, cần tây và đặc biệt là món ăn đặc sản chỉ có ở mùa Thu: cốm.

Cốm là đặc sản miền Bắc Việt Nam chỉ có mỗi độ Thu về.

Và mùa Đông, vào những ngày gió lạnh cắt da, cơ thể rất dễ mất nhiệt lượng và không đủ khoáng chất. Ta buộc phải chọn những thực phẩm có tính nhiệt cao để làm ấm cơ thể, tránh cảm lạnh và suy yếu như gừng, quế, hồi (gia vị) hay ớt chuông, hành tây, củ cải, củ sen, hạt dẻ. 

Cơm gà măng hạt dẻ là một món cơm quen thuộc của người dân Nhật khi bước vào Đông.

Trái cây mùa Đông tuy không phong phú như Hè nhưng cũng đủ dùng với cơ man táo chín, hồng giòn (khác với hồng trứng của mùa Thu), cam xoàn, thanh long. Rau ăn mỗi độ đông về cũng vừa vặn với họ nhà cải: cải xoăn, cải thìa, cải ngồng, cải chíp, cải ngọt… hay rau giá, cà rốt, khoai tây…

Nhóm quả mọng – berry sống ở mùa Đông lớn nhanh và mọng nước giúp tăng sức đề kháng.

Lời nhắn gửi

Khi chuyện ăn uống trở nên quá dễ dàng, đôi khi ta lại lãng quên những thứ nhỏ nhặt, cơ bản mà chính những thứ này lại là tiền đề cho một cơ thể khoẻ mạnh, đủ chất.

Việc lạm dụng những thành quả nông nghiệp hiện đại là con dao hai lưỡi khiến sự trao đổi chất bị đảo lộn. Điển hình là xu hướng ăn rau, quả quanh năm, hay xu hướng ăn thực phẩm biến đổi gene… Tất cả những sự không ngẫu nhiên này đều là bất lợi đối với một cơ thể tự nhiên. Bài viết như một lời gợi nhắc để độc giả thử nhìn lại thói quen ăn uống của bản thân, từ đó có những tham khảo và điều chỉnh đúng đắn. Đây không phải một bài viết bày tỏ sự phản đối việc ăn trái mùa quá gay gắt, chỉ đơn giản là một dòng tâm sự về chuyện ăn đúng mùa.

 Mong mỗi độc giả của ELLE Man tự tìm ra cách ăn hoà hợp, lợi lạc với cơ thể mình nhất. Và bạn ơi, đừng quên ăn đúng bữa, đúng mùa, đúng tự nhiên.

Cách

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Bài: Hà Chuu

No more