Các cấp độ đội tuyển Việt Nam dưới thời huấn luyện viên Park Hang-seo đã đánh thức tình yêu bóng đá nước nhà tưởng như đã nguội lạnh, khơi dậy tinh thần dân tộc và biến mỗi ngày đội nhà ra sân trở thành một lễ hội, nơi tất cả cùng nhìn về chung một hướng.
Khởi đầu từ chiến tích Thường Châu
Huấn luyện viên Park Hang-seo đã ký hợp đồng dẫn dắt ĐTQG và U23 Việt Nam từ tháng 10/2017 và không mất nhiều thời gian để đặt dấu ấn của mình lên lối chơi của đội tuyển, và trở thành “Thầy Park” đáng kính trong lòng người hâm mộ. Cột mốc lịch sử là giải đấu U23 châu Á được tổ chức tại Trung Quốc tháng 01/2018 – một giải đấu mà chắc chắn những người Việt trải qua ngày tháng đó sẽ chẳng thể nào quên.
Bắt đầu giải đấu với không nhiều kỳ vọng, U23 Việt Nam đã xuất sắc đi tới trận đấu cuối cùng trong sự ngỡ ngàng của không chỉ cổ động viên nước nhà mà cả bạn bè châu Á. Trước thềm trận chung kết với U23 Uzbekistan, đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có bức thư động viên thầy trò ông Park: “Tôi gửi tới thầy Park và toàn thể đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam tình cảm thân thương, sức nóng, không khí hào hùng của những biển cờ sôi động và niềm tin chiến thắng nơi quê nhà đang hướng về đội tuyển thân yêu của chúng ta. Bản lĩnh kiên cường, tinh thần quả cảm, sự sáng tạo trong từng đường bóng lăn và sự tiến bộ qua từng trận đấu của các em đã đưa chúng ta tới trận chung kết Giải vô địch bóng đá U23 châu Á. Những chiến thắng này khơi dậy tình yêu Tổ quốc mãnh liệt và lòng tự hào dân tộc của muôn người dân nước Việt”. Những người sinh ra và lớn lên trong thời bình có lẽ không thể nào hiểu hết được bốn chữ “tinh thần dân tộc” – điều từng được thế hệ cha ông thể hiện trong những cuộc đấu tranh cứu nước. Nhưng trong những ngày Đông rét căm khó quên của tháng 01/2018 ấy, thế hệ trẻ cũng phần nào mường tượng được tình yêu và lòng tự hào dân tộc mà bóng đá đem lại.
Làm sao không tự hào cho được khi những chàng trai U23 luôn ra sân với tinh thần tận hiến, không biết sợ dù đối thủ có là ai. Trước những đối thủ được đánh giá là mạnh hơn, U23 Việt Nam từng có lúc tưởng như không thể đi tiếp. Nhưng các chàng trai áo đỏ vẫn chiến dấu với hơn 100% khả năng và tinh thần, khiến người hâm mộ nước nhà thăng hoa trong cảm xúc.
Từ Thủ đô cho tới nơi đảo xa, từ Việt Nam cho tới những đại sứ quán ở nước ngoài, những nơi tập trung cộng đồng của Việt Nam ở nước ngoài đều chung một niềm hạnh phúc, tự hào khi chứng kiến những kỳ tích của đội tuyển.
Tạm quên hết đi những lo toan thường nhật, quên đi hiềm khích “tôi fan Real, anh fan Barca”… tất cả cùng hướng về cổ vũ những chàng trai U23 Việt Nam.
Không chỉ bởi chiến thắng mà còn là về cách thắng. Một đội bóng bị xem là yếu về thểl ực lại chơi số phút nhiều nhất giải đấu, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhất, trước những đối thủ mạnh nhất. Và tập thể phi thường ấy đã tạo nên những ký ức không thể nào quên.
Ai mà quên được “dáng đứng Việt Nam” hiên ngang, lừng lững đầy tự tin của Văn Thanh khi thực hiện thành công cú sút luân lưu quyết định trước U23 Qatar ở bán kết? Sao có thể không sởn da gà khi thấy đồng đội xúm vào lấy tay cào tuyết cho Quang Hải, để chàng trai gốc Đông Anh vẽ nên một siêu phẩm “cầu vồng trong tuyết” trong trận chung kết? Hình ảnh Duy Mạnh cắm lá cờ Tổ quốc lên tuyết rồi cúi đầu chào khiến nhiều người bồi hồi xúc động bởi liên tưởng: Các cầu thủ Việt Nam chỉ nghiêng mình trước quốc kỳ thiêng liêng chứ tuyệt đối không cúi đầu trước bất kỳ đối thủ nào.
Những hình ảnh ấy có giá trị vô giá trong tiềm thức nhiều người Việt Nam, bởi chúng cho thấy khi đoàn kết đồng lòng, chúng ta có thể đi xa tới đâu. Nếu ở trên sân, những cầu thủ chiến đấu hết mình vì màu cờ sắc áo, ở quê nhà hay bất kỳ nơi đâu trên thế giới, người hâm mộ sẽ không ngừng cổ vũ. Một người nước ngoài vô tình có mặt ở Hà Nội chiều ngày 28/01/2018 có thể lầm tưởng rằng Việt Nam vừa… vô địch World Cup chứ không phải chức á quân giải trẻ cấp độ châu lục. Bởi tình yêu, sự tự hào và biển người với cờ đỏ sao vàng phấp phới đổ ra những nẻo đường chào đón đội U23 về nước là chưa từng có tiền lệ. Phải mất hơn 6 tiếng đồng hồ, thầy trò ông Park Hang-seo mới có thể về tới Văn phòng Chính phủ sau khi diễu hành qua những con phố với hàng vạn cổ động viên chờ đón những người hùng.
Thắng không kiêu, bại không nản
Sở dĩ nhắc tới Thường Châu 2018 chứ không phải bất kỳ giải đấu nào trước đó để nói về tinh thần bóng đá Việt Nam, bởi đây là cột mốc mang tính bước ngoặt. Trước giải đấu, người hâm mộ Việt có yêu bóng đá không? Chắc chắn là Có. Nhưng chúng ta đã không ít lần cảm thấy tình yêu của mình như bị phản bội, trước những trận thua khó hiểu, những sai lầm ngớ ngẩn khiến người xem không khỏi tự đặt dấu hỏi về sự trong sạch.
Nhưng dưới thời HLV Park Hang- seo, những hoài nghi đó hoàn toàn tan biến. Đã qua thêm những giải đấu khác, từ ASIAD 2018, AFF Cup 2018, Asian Cup 2019 cho tới vòng loại World Cup 2022… người hâm mộ luôn được chứng kiến những cầu thủ cống hiến hết mình và quên đi những bóng ma ám ảnh của quá khứ. Nếu đội tuyển thất trận thì là vì đối thủ của chúng ta mạnh hơn, chứ không phải bởi chúng ta tự tay dâng chiến thắng cho đội bạn. Thứ bóng đá Đẹp và Sạch ấy đã sưởi ấm những con tim và kéo người hâm mộ trở lại sân cỏ nước nhà để cổ vũ và thưởng thức bóng đá.
Giờ đây, mỗi lần tuyển Việt Nam ra sân lại là một bầu không khí lễ hội khi người người nhà nhà rủ nhau tụ tập xem bóng đá cổ vũ đội tuyển. Ngày nay smartphone, ti vi hay máy tính nhan nhản, nhưng còn gì sướng hơn cảm giác cùng cổ vũ đội tuyển với những người khác. Những con phố đi bộ, các quảng trường, những ký túc xá, hội trường đại học, văn phòng cơ quan, cà phê quán nước vỉa hè, quán nhậu…. đều chật ních người.
Đâu chỉ những người trẻ, các cụ già cũng bàn chuyện rôm rả bên miếng trầu và cốc nước chè, các bố các bác cũng có dịp hào hứng hòa mình vào biển người “đi bão”. Nhà của các cầu thủ thi đấu chật ních bà con làng xóm đến xem, cổ vũ chung. Từ quan chức cao cấp đến thường dân đều nhảy cẫng, reo vui như những đứa trẻ khi tuyển Việt Nam ghi bàn. Những con phố rộn ràng tiếng hô vang “Việt Nam vô địch”, những biển người hò reo ngập tràn đường phố… là những hình ảnh đã dần trở nên quen thuộc.
Qua những giải đấu, không chỉ các cầu thủ mà cả người hâm mộ Việt cũng dần trưởng thành hơn với tâm thế “Thắng không kiêu, Bại không nản”. Những lần thất bại trước U23 Hàn Quốc tại ASIAD hay Nhật Bản tại Asian Cup, đa phần cổ động viên đều tự hào bởi màn trình diễn của các cầu thủ, khi họ thậm chí đã chơi vượt ngưỡng kỳ vọng. Đó là một dấu hiệu tích cực, khi chúng ta cho thấy người hâm mộ vẫn đoàn kết, ở bên các cầu thủ cả trong thất bại.
Tại hành trình vòng loại World Cup 2022, tuyển Việt Nam rơi vào một bảng đấu được xem là khó khăn, với đối thủ rất mạnh ở khu vực TâyÁ là UAE cùng những kình địch Đông Nam Á khác. Nhưng kết thúc năm 2019, tuyển Việt Nam đang tạm thời dẫn đầu bảng đấu sau khi giành chiến thắng trước chính UAE trên sân nhà. Người hâm mộ bắt đầu nghĩ đến giấc mơ World Cup – giải đấu cấp đội tuyển danh giá nhất hành tinh. Không chỉ năm 2022 mà cả 2026, rồi xa hơn… Một giấc mơ từng có lúc bị xem là xa vời, nay lại dần trở thành hiện thực với những bước đi vững chắc.
Bóng đá Việt Nam đang sống trong những tháng ngày thăng hoa về cảm xúc, nhưng thực tế trong triển khai với sự đầu tư, quan tâm dành cho nền tảng là bóng đá trẻ. Những cầu thủ không chỉ được cọ xát với môi trường bóng đá trong nước mà còn được tạo điều kiện để “du học” nước ngoài, với những bản hợp đồng xuất ngoại sang Thái Lan hay cả trời Âu. Từ niềm tin và tình yêu được hun đúc, bóng đá Việt đang từng bước dần xây cây cầu vươn tới giấc mơ World Cup.
Có câu nói nổi tiếng: “Muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Muốn đi xa, hãy đi cùng nhau”. Đội tuyển Việt Nam đã và đang đi trên một hành trình như thế, với cả dân tộc Việt sát cánh ở bên.
—
Tạp chí Phái mạnh ELLE Man
Bài: Thịnh Joey – Hình ảnh: tư liệu